Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Mưa to hơn nửa giờ, Sài Gòn ngập nặng


Cơn mưa chiều 18/11 kéo dài hơn một giờ nhưng chỉ có chừng nửa tiếng nặng hạt đã khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM chìm trong biển nước...

Ngập hơn nửa bánh xe, các phương tiện giao thông xếp hàng dẫn bộ trong dòng nước hôi thối trên đường Tân Hòa Đông, quận 6.
Hàng loạt xe bị chết máy dẫn bộ trong dòng nước đen ngòm.
Theo trung tâm điều hành chống ngập nước, sau cơn mưa lượng nước 65 mm, TP HCM xuất hiện 18 điểm ngập.
Nước ngập sâu trên đường Bà Hom, quận 6.
Công việc kinh doanh của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nặng.
Trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình, nước ngập sâu đường đang thi công có vô số ổ voi, ổ gà...
Người dân cho biết có nhiều người đi đường vấp hố té ngã.
Nhờ đỉnh triều cường thấp nên nước cũng rút nhanh hơn.
Đoán nước sẽ tràn vào nhà, nhiều người dân đã đắp đê trước cửa chống thủy thần.
Vĩnh Ph
ú

Hãng Honda dọa kiện công ty sản xuất xe máy của Việt Nam

Honda Việt Nam cho hay công ty VinashinMotor đã sử dụng trái phép nhãn mác của công ty Honda để bán loại xe máy mang tên Diamond Blue 125 (hình trên)

Honda Việt Nam cho hay công ty VinashinMotor đã sử dụng trái phép nhãn mác của công ty Honda để bán loại xe máy mang tên Diamond Blue 125 (hình trên)

Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

VOA - Chi nhánh của công ty Honda Motor tại Việt Nam đang xem xét khả năng khởi kiện một công ty đối thủ vì công ty này công bố đã sử dụng động cơ của Honda.  

Bản tin hôm 18/11 của hãng thông tấn Đức trích lời các giới chức Honda Việt Nam cho hay công ty VinashinMotor đã sử dụng trái phép nhãn mác của công ty Honda để bán loại xe máy mang tên Diamond Blue 125, một trong những mẫu xe bán chạy nhất ở Việt Nam kể từ khi được đưa ra thị trường hồi tháng 9. 

Tổng giám đốc Honda Việt Nam Koji Onishi nói với hãng thông tấn Đức rằng công tyï vẫn đang cân nhắc xem có nên khởi kiện hay không.  

Mẫu xe Diamond Blue 125 trông gần giống hệt với mẫu xe Vespa LX của công ty Piaggio. VinashinMotor quảng cáo xe này sử dụng động cơ 'Honda AF14E' do công ty Honda Sundiro (Trung Quốc) sản xuất. 

Tuy nhiên, theo ông Onishi thì Honda "chưa từng phát triển, sản xuất hay cấp phép cho bất cứ đơn vị nào của Honda trên toàn thế giới loại động cơ mang ký hiệu AF14E."

Công ty Honda cho biết giới hữu trách Việt Nam đã cho thu hồi toàn bộ mẫu xe Diamond Blue 125. 

Một đại lý của VinashinMotor ở Hà Nội cho biết hiện tại họ đã bán hết toàn bộ số xe Diamond Blue nhưng nếu công ty Honda khởi kiện và thắng thi họ sẽ hoàn trả tiền cho khách hàng. 

Chủ tịch của Piaggio Việt Nam cũng ký tên vào cùng một lá thư của Honda trong đó nói Diamond Blue 125 là một "sản phẩm giả mạo", tuy nhiên Piaggio chưa đăng ký bản quyền cho sản phẩm Vespa LX ở Việt Nam, nên họ sẽ không khởi kiện trong vụ này. 

Nguồn: DPA, Vnexpress

VN vẫn hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo

Hiến pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng
Hình: ASSOCIATED PRESS

Hiến pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng

Chia sẻ

Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

VOA - Phúc trình hàng năm của Hoa Kỳ về tình hình tự do tôn giáo trên toàn thế giới ghi nhận những thách thức đối với quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng tiếp tục diễn ra tại nhiều quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Phúc trình được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hôm 17/11 nói rằng hiến pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng, tuy nhiên chính phủ vẫn hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều nhóm tôn giáo. 

Phúc trình nhận định, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong một số lĩnh vực, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề đáng kể, trong đó có việc các giới chức chính quyền địa phương xách nhiễu và sử dụng vũ lực thái quá đối với các thành viên của các nhóm tôn giáo. 

Chính phủ vẫn tiếp tục ngăn cản việc tham gia vào các giáo phái chưa được công nhận của đạo Hòa Hảo và Cao Đài, và việc tiếp tục theo dõi các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. 

Viện dẫn vụ tấn công cộng đồng tu sĩ Phật giáo tại Bát Nhã và vụ tranh chấp giữa giáo dân và chính quyền ở giáo xứ Đồng Chiêm cũng như vụ đụng độ ở Giáo xứ Cồn Dầu, phúc trình nhận định vẫn còn xảy ra những vụ việc như chính quyền can thiệp, trừng phạt hay sử dụng bạo lực đối với thành viên của một số nhóm tôn giáo. 

Mặc dù vậy, phúc trình năm nay cũng công nhận đã có một số lĩnh vực được cải thiện, trong đó có việc chính phủ cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo. Chính phủ cũng tiếp nỗ lực để cải thiện quan hệ với Tòa thánh Vatican, điển hình là cuộc hội kiến Đức Giáo hoàng Benedicto 16 của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. 

Chính phủ Việt Nam cũng cho phép một số nhóm tôn giáo tổ chức các buổi lễ tôn giáo với qui mô lớn trên khắp đất nước, có một số buổi lễ có sự tham dự của hơn 100.000 người. 

Nguồn: State Department

Làn sóng đầu tư thứ ba của Hoa Kỳ vào Việt Nam

Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam nay đang ở vào giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khi nước ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tức WTO, và đang xúc tiến đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP. Đó là giai đoạn mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam chú trọng đến thị trường toàn cầu nhiều hơn. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có các ghi nhận trong bài tường trình sau đây.

Ông Herb Cochran, Giám đốc Ðiều hành AmCham Vietnam tại TPHCM
Hình: VOA - Tấn Chương

Ông Herb Cochran, Giám đốc Ðiều hành AmCham Vietnam tại TPHCM

Tin liên hệ

Ðường dẫn liên hệ

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển vượt bật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 15 năm.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói: "Rõ ràng mức độ hợp tác giữa hai nước đã đạt đến mức mà chỉ vài năm trước đó ít ai có thể tưởng tượng nổi. Trong trao đổi thương mại, hai nước đã đạt được những tiến bộ lớn. Cách đây 15 năm trao đổi thương mại song phương đạt khoảng 415 triệu đôla, năm ngoái con số này đã tăng lên đến 15 tỉ đôla. Tôi vừa trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cách thức mở rộng các mối quan hệ thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP (Trans Pacific Partnership). Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước khác vừa kết thúc vòng đàm phán TPP thứ ba. Và chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình nội bộ và tham gia hiệp định với tư cách thành viên đầy đủ."

Tiếp theo sau việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đi vào thị trường toàn cầu cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Và đó cũng chính là mục tiêu mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhắm đến.

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Các doanh nghiệp Mỹ đang ở vào làn sóng đầu tư thứ ba vào Việt Nam."

Ông Cochran giải thích: "Làn sóng thứ nhất là giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, khi các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Procter & Gamble, Coca-Cola, Pepsi-Cola v.v. thành lập cơ sở ban đầu tại Việt Nam cho các kế hoạch phát triển kế tiếp với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam."

Ông Cochran nói tiếp: "Làn sóng đầu tư thứ hai diễn ra tiếp theo sau Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ. Hiệp định này giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ mức trung bình là 45% xuống còn trung bình khoảng 3%. Ở làn sóng đầu tư thứ hai này, chúng ta thấy các nhà máy đối tác - không phải là các công ty của Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, hay Nhật Bản, mà là các công ty đối tác chiến lược lâu dài của các hệ thống bán lẻ của Hoa Kỳ – đầu tư vào Việt Nam. Các nhà máy này sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, như hàng dệt may, da giày hay đồ trang trí nội thất. Các nhà máy này chiếm khoảng hai phần ba xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, tương đương với khoảng 8 tỉ đôla một năm."

Ông Cochran nói: "Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng tôi tiến vào làn sóng đầu tư thứ ba. Các công ty chú trọng đến các nhà máy sản xuất hiện đại. Họ là những công ty của Hoa Kỳ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm của họ làm ra cũng có tiêu thụ tại Việt Nam, nhưng chủ yếu xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Công ty đầu tiên là Intel. Họ công bố đầu tư vào năm 2006, và hồi cuối tháng trước, họ đã khánh thành nhà máy trị giá một tỉ đôla, và họ sẽ xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Những công ty tương tự như vậy cũng đã tìm hiểu Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp khoảng 25 công ty có tên trên danh sách Fortune 500. Các lãnh đạo ở cấp tổng giám đốc đã đến gặp chúng tôi, hay các chuyên gia chọn lựa địa điểm để phát triển nhà máy của các công ty đã đến thảo luận với chúng tôi việc thành lập nhà máy tại Việt Nam để thay thế cho các nhà máy bên Trung Quốc hoặc Ấn Độ, hoặc để cạnh tranh với các nước trong vùng, chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia."

Cùng với các làn sóng đầu tư của các công ty khổng lồ này, đầu tư của người Mỹ gốc Việt tại Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy quy mô chưa thật lớn.

Ông Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta nay đã thấy một số đầu tư của người Mỹ gốc Việt, mặc dù quy mô chưa thật lớn. Trong danh sách hội viên của chúng tôi có công ty tên Quality Systems Incorporated (QSI), một người Mỹ gốc Việt ở bang California thành lập một nhà máy xử lý các chất bán dẫn. Một công ty nữa tên là ICP (International Consumer Products) chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm, dầu thơm...đó là những công ty thành công và đã tạo được thương hiệu tại Việt Nam."

Năm nay, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có thể sẽ không đứng đầu danh sách như năm ngoái, các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

USCIRF: Việt Nam nên trả tự do cho Luật sư Cù Huy Hà Vũ tức khắc

Luật sư Cù Huy Hà Vũ nổi tiếng từng kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những vấn đề môi trường
Hình: Cù Huy Hà Vũ

Luật sư Cù Huy Hà Vũ là người mới nhất trong một danh sách dài các nhà bênh vực nhân quyền tại Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp

Tin liên hệ

Ông Leonard Leo, Chủ tịch USCIRF, nói "vụ bắt giữ Luật sư Cù Huy Hà Vũ là một hành động xúc phạm nặng nề đối với các nỗ lực của chính phủ Tổng Thống Obama nhằm cải thiện các quan hệ với Việt Nam". 

Ông Leo nói thêm rằng Ngoại trưởng Clinton đã hành động đúng đắn khi lên án những vụ bạo động chống các cộng đồng tôn giáo và những nhà bênh vực nhân quyền, tuy nhiên "đã đến lúc chính phủ của Tổng Thống Obama dùng hành động để hậu thuẫn cho lời nói, bằng cách đặt Việt Nam trở lại vào danh sách CPC, trong tư cách là một nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo."

Luật sư Cù Huy Hà Vũ đại diện cho các giáo dân làng Cồn Dầu gần thành phố Đà nẵng, nơi một số cư dân bị nhà nước quấy nhiễu, bắt bớ, tra tấn và bắt giữ vì đã từ chối, không bán đất, không chịu rời các khu đất trong làng, kể cả một khu nghĩa trang trong giáo xứ Cồn Dầu từ 135 năm nay, để xây dựng một khu nghỉ mát sinh thái.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ bị buộc tội "tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam", chiếu theo điều 88 Bộ luật Hình sự, là điều luật vẫn được viện ra để bắt giữ các nhân vật bất đồng chính kiến, như Linh mục Nguyễn văn Lý và nhiều người khác.

Luật sư Cù Huy Hà Vũ là người mới nhất trong một danh sách dài các nhà bênh vực nhân quyền tại Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp vì đã đứng ra đại diện cho các cộng đồng thấp cổ bé miệng, dù là các nhóm tôn giáo, hay là những cá nhân. 

Cũng được nêu tên trong phúc trình thường niên của Ủy Ban Hoa kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, có các luật sư: Lê Công Định, Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân, Lê Trần Luật và Lê Quốc Quân.

Hồi tháng 8 vừa qua, USCIRF ra điều trần trước Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos về những cố gắng của chính quyền Việt Nam nhằm chiếm tài sản của cư dân Cồn Dầu, và về tình trạng tự do tôn giáo nói chung ở Việt Nam. Phúc trình năm 2010, có thể được tìm thấy trên trang web www.uscirf.gov. 

Những cố gắng của luật sư Hà Vũ mới đây, bênh vực cho giáo dân  Cồn Dầu là động lực khiến giới hữu trách Việt Nam bắt giam nhà bênh vực nhân quyền được nhiều người biết tiếng này. 

Ủy ban của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã phỏng vấn cư dân Cồn Dầu và phát hiện những chứng cớ đáng tin cậy về các hành động đe dọa, sách nhiễu, hạn chế các hoạt động tôn giáo ôn hòa, và những vụ tra tấn trong khi bị giam giữ. 

Khoảng 60 người đã bị bắt giam sau khi dân làng Cồn Dầu tham dự một lễ tang hôm 4 tháng 5 năm 2010 bị chính phủ  Việt Nam nghiêm cấm. 

Những người bị bắt kể rằng họ đã bị đánh đập, không cho ngủ và bị cưỡng ép phải nhận tội. 

Các nhân chứng cũng nói rằng ông Nguyễn Nam, một cư dân Cần Dầu đã chết sau khi bị cảnh sát câu lưu. Ông Nam được mô tả là một người khỏe mạnh và vẫn làm việc, chỉ một ngày trước khi thiệt mạng. 

Theo lời các nhân chứng, thì tại đám tang, ông Nam mang nhiều vết bầm trên người. 

Sáu người đã bị xét xử tại Việt Nam trong tuần lễ trước khi ngoại trưởng Clinton đến dự hội nghị thượng đỉnh Cận Đông ở Hà Nội. Trong số này, 4 người lãnh án 9 tháng tù treo, một người bị tuyên án tù 9 tháng và người còn lại bị phạt một năm tù. 

Luật sư Cù Huy Hà Vũ không được phép đại diện cho những người này tại phiên tòa.

Chủ tịch Ủy Ban của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) nói: "Luật sư Cù Huy Hà Vũ phải được trả tự do tức khắc và vô điều kiện".

Ông Leonard Leo nói tiếp: "Việt Nam từng được gọi là "người bạn tốt mới của Hoa Kỳ tại châu Á", thế mà nước này tiếp tục chà đạp các quyền tự do cá nhân và nền pháp trị, mà không phải lãnh nhận hậu quả. Chúng ta không nên tiếp tục giúp Việt Nam tăng tiến về kinh tế và những lợi ích an ninh, mà không mưu tìm những tiến bộ tại Việt Nam, liên quan tới các quyền lợi  của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo và pháp quyền."

Chiều 18-11 Mưa gây ra 18 điểm ngập ở TP.HCM

(PL)- Chiều 18-11, cơn mưa lớn xuất hiện đã làm nhiều tuyến đường tại TP.HCM bị ngập từ 0,3 m đến 0,5 m.

Tại quận Tân Phú, các tuyến đường như Gò Dầu, Lũy Bán Bích, Tân Sơn Nhì… có nhiều điểm ngập sâu hơn nửa bánh xe máy. Tương tự, các tuyến đường khu vực Bàu Cát, Đồng Đen, Âu Cơ (quận Tân Bình); Bà Hom (quận 11); Trần Đại Nghĩa (quận Bình Thạnh); Đỗ Tấn Phong (quận Phú Nhuận)... ngập sâu hơn 0,5 m khiến hàng loạt xe máy bị chết máy.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Ban Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm điều hành chống ngập nước TP, cho biết cơn mưa chiều 18-11 có lượng mưa 65 mm, kéo dài trong 35 phút. Sau cơn mưa, TP xuất hiện 18 điểm ngập. Nhờ đỉnh triều cường thấp nên chỉ 30 phút sau khi mưa tạnh, nước cơ bản đã rút hết khỏi mặt đường.

V.THUẬT

Tại sao VN vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ lớn ?

Nguyễn Văn Thế

Đến nay Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền cai trị trên cả nước đã 35 năm. Bất mãn và phẫn nộ của dân chúng đối với chính quyền cộng sản đang rất nhiều và rất chính đáng. Lý do là vì chế độ này đã thất bại trên tất cả mọi mặt và trong tất cả mọi địa hạt. Nhưng tại sao chế độ này vẫn tiếp tục trụ được ?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thật ra chỉ có một số nguyên nhân quyết định. 

1. Xã hội Việt Nam đã chỉ tạo ra những con người thích tìm những giải pháp cá nhân


Chế độ độc tài của vua quan trước đây và đảng cộng sản ngày nay đã khiến con người Việt Nam có thói quen tìm những giải pháp cá nhân để sống còn, kể cả luồn lọt. Trọng đẳng cấp và bằng cấp là con đẻ của chế độ độc tài vua chúa, được cộng sản Việt Nam tiếp thu và khai triển, đã trở thành nếp sống phổ cập của văn hóa Việt Nam và đã góp phần vào việc khuyến khích mọi người đi tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống.

Ngày xưa dân ta có thói quen cả dòng họ góp tiền của để cho một cá nhân đi học làm quan với hi vọng cả họ được nhờ. Thói quen này chẳng qua cũng chỉ là biến thể của lối sống trọng đẳng cấp, bằng cấp, thích lệ thuộc và đã góp phần kích thích việc đi tìm những giải pháp cá nhân.

Tại sao không cố gắng tìm nhưng giải pháp tập thể ? Tại sao không sử dụng tiền của đóng góp ấy để mướn thày về dạy cho con cháu cả dòng họ ?
Văn hóa lũy tre làng đã trở thành những pháo đài của những giải pháp cá nhân. Mỗi lũy tre làng chỉ có một ông tiên chỉ và một số ít kì mục. Ai cũng cố gắng trở thành tiên chỉ của làng để hưởng cái thủ lợn trong các dịp hội hè và sự hầu hạ của những người trong làng. Những người ở vị trí thấp kém thì học cách luồn lót để sống yên lành dưới quyền của các tiên chỉ và đầu mục. Do đó ai nấy đều tiêm nhiễm lối sống luồn lót, tìm những giải pháp cá nhân để được tồn tại. Những người không biết luồn lót thì học cách chịu đựng và hi sinh cho những người trên. Lũy tre làng nào cũng vinh danh những người biết chịu đựng và hi sinh cho những người khác.

Thói quen vinh danh anh hùng chính vì thế là một hình thức cổ võ việc đi tìm những giải pháp cá nhân trong cuộc sống. Những tính toán vụn vặt, so kè lợi lộc trước mắt là biểu hiện của văn hóa lũy tre làng, một biến thái của hình thức đi tìm những giải pháp cá nhân trong cuộc sống. Việc chỉ biết tìm cách đối phó và chịu đựng mà không biết tìm cách giải quyết vấn đề là hệ quả của việc chỉ biết tìm những giải pháp cho cá nhân.

2. Chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ cho phép người dân tìm những giải pháp cá nhân

Có rất nhiều bất mãn và phẫn nộ dưới chế độ cộng sản Việt Nam, nhưng những bất mãn và phẫn nộ ấy đã không đủ mạnh để thúc đẩy dân chúng quy tụ lại thành một khối chống lại tập đoàn cai trị.

Tại sao lại có tình trạng này ? Đó là vì chính quyền cộng sản Việt Nam đã khôn khéo dùng chính sách "củ cà rốt và cây gậy". Chỗ nào bất mãn dâng cao thì họ cho củ cà rốt để xả bớt sự phẫn nộ, nhưng đồng thời lại giơ cao cây gậy để sự bất mãn không thể bộc lộ và gây khó khăn cho chế độ ở những nơi khác. Do đó người dân dưới các chế độ độc tài luôn sống trong tình trạng lo sợ.

Mục đích chính của chính sách này là khuyến khích dân chúng tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống. Ai khôn khéo biết tìm những giải pháp cá nhân thì được củ cà rốt. Ai cố gắng đi tìm những giải pháp tập thể thì bị quất gậy. Những vụ đàn áp thô bạo các nhà dân chủ ôn hòa và các tổ chức tôn giáo là những bằng chứng cụ thể của quyết tâm ngăn cản những ai muốn tìm những giải pháp tập thể cho cuộc sống. Làm ngơ trước những tệ nạn tham nhũng là hệ quả của chính sách khuyến khích người dân đi tìm những giải pháp riêng cho cá nhân.
Hậu quả là những bất mãn và phẫn nộ của dân chúng đã không thể lên tới cao độ để tạo một sức bật lớn đủ để hình thành những tổ chức dân chủ lớn.

3. Người Việt Nam không có thói quen đầu tư vào những giải pháp tập thể

Việc đi tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống đã trở thành một nếp sống, ảnh hưởng mạnh đến cách suy nghĩ và hành động của người Việt Nam. Nó đã khiến người Việt Nam mất đi bản năng tìm những giải pháp tập thể để giải quyết các vấn nạn chung của cuộc sống.
Việc người Việt Nam không làm ăn chung được với nhau lâu dài và trên quy mô lớn là một trong những hệ quả của thói quen cổ truyền này. Chính vì thế, càng bất mãn và phẫn nộ với chế độ bao nhiêu thì người ta càng đổ xô đi tìm giải pháp cá nhân bấy nhiêu.

Việc bỏ nước ra đi bằng đường biển, đường bộ hay đường hàng không là một thể hiện khác của việc đi tìm những giải pháp cá nhân. Người ta ra đi là để sống còn và để phản kháng chế độ. Hiện tượng làm chính trị kiểu nhân sĩ, ra những tuyên ngôn chung vào những thời điểm đặc biệt, hoặc chỉ kết hợp trong những nhóm sinh hoạt nhỏ để cá nhân mình được tôn trọng cũng là một thể hiện của tinh thần đi tìm những giải pháp cá nhân.
Cách sống và cách suy nghĩ của người Việt - không thích đi tìm những giải pháp chung cho các khó khăn riêng trong cuộc sống - đã là một trong những lý do khiến đối lập dân chủ Việt Nam cho đến nay vẫn chưa kết hợp lại thành một tổ chức lớn để làm thay đổi thời cuộc.
Phải làm gì để giải quyết trở ngại này ?
Câu trả lời sẽ rất đơn giản cho một câu hỏi tưởng rất phức tạp : phải từ bỏ tư duy và nếp sống thích tìm những giải pháp cá nhân trước những vấn nạn lớn của quốc gia.

Chúng ta phải làm gì để thay đổi nếp sống và tư duy tổ truyền này ? Làm thể nào để tạo dựng được một tập hợp dân chủ lớn mạnh để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên ? Trước khi đề ra những phương thức thay đổi lối sống và tư duy, chúng ta nên ghi chú thêm một vài điểm tương đối quan trọng.

Trước hết chúng ta không dùng những phương thức không lương thiện, có tính bá đạo để thay đổi nếp sống và tư duy này. Những mục tiêu cho dù cao đẹp đến đâu mà dùng những phương pháp không lương thiện đều là lường gạt, bởi vì sự cao đẹp không thể đi chung sự bất lương. Những người hô hào những khẩu hiệu cao đẹp rồi dùng những thủ thuật bất lương để thực hiện sẽ chẳng bao giờ đạt được những mục tiêu mong muốn, và cho dù có đạt được thì cũng sẽ chẳng bền lâu, vì sự bất lương không bao giờ được tha thứ. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh sự thật này. Một trong những bằng chứng ấy là những người đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam ngày nay đang thấy nó ra đi một cách lạnh lùng.

Hai là nên tránh thái độ nóng vội. Nóng vội là kẻ thù của những phương thức lương thiện. Nó có thể đề cao những phương thức bá đạo để thực hiện mục tiêu cao đẹp.
Thứ ba là đầu tư suy nghĩ và tham gia thảo luận. Trong giai đoạn hiện nay, phương thức dễ thực hiện nhất và phù hợp với chủ trương bất bạo động của dân chủ đa nguyên là đối thoại và vận động thay đổi lối suy nghĩ và lối sống thích tìm những giải pháp cá nhân của quần chúng bằng sự dấn thân và chủ trương đi tìm những giải pháp tập thể cho những vấn đề chung của dân tộc. Ngày nay những phương tiện truyền thông tiên tiến đã rất phổ cập và ở trong tầm tay của mọi người. Sự giao lưu tư tưởng đã vượt qua mọi biên giới quốc gia và trở thành phổ cập, chúng ta có thể liên lạc với bất cứ ai tại bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào nếu muốn. Sự xa cách không còn là một trở ngại bất khả vượt qua nữa. Tuy nhiên sự vận động thay đổi tư duy và lối sống đòi hỏi sự kiên trì và lòng bao dung. Có thể chúng ta sẽ đối thoại với những người ở trình độ cao, cũng có thể chúng ta chỉ gặp những người ở trình độ thấp, nhưng cho dù có thế nào, sự kiên nhẫn và lòng bao dung bao giờ cũng là thước đo sự thành công của mỗi con người. Chúng ta có dám tư duy độc lập, tư duy phê phán rồi đưa ra những giải pháp thay thế hay không ?

Sau cùng là học tập và biến lối sống để đi tìm những giải pháp tập thể cho những vấn đề chung trở thành một bản năng, một phản ứng của mỗi con người chúng ta hằng ngày. Lối tư duy và nếp sống mới này có những quy luật riêng của nó : phải nắm vững văn hóa tổ chức để sinh hoạt chung với nhau.

Nếu mỗi chúng ta nắm vững được văn hóa tổ chức mới này, sự kết hợp lại thành một tổ chức dân chủ lớn mạnh sẽ biến thành sự thật. 

Nguyễn Văn Thế (Dresden)

http://www.thongluan.org

Bài viết của cố Thủ tướng CSVN Võ Văn Kiệt

Nhân ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt 23/11, Xin giới thiệu lại  Bài viếtcủa cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:
Đại đoàn kết dân tộc-cội nguồn sức mạnh của chúng ta
Võ Văn Kiệt


Mấy hôm nay, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm quốc khánh. Đi qua quảng trường Ba Đình lịch sử, tôi thấy anh em đang dựng một khẩu hiệu rất lớn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Với hơn 60 năm tham gia chiến đấu và xây dựng, tôi không nhìn khẩu hiệu đó như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải… Tôi bồi hồi xúc động với nhận thức rằng nó là một tư tưởng lớn của Bác, một đạo lý lớn của dân tộc. Từ 60 năm trước nó đã thể hiện ở chính nơi đây, nó vẫn thấm trong tim của Người đã yên nghỉ trong lăng kia. 


Nhân những ngày này, ngẫm lại, tôi càng thấy thấm thía tư tưởng lớn đó của Bác: Đoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật (đàn chim, bầy kiến, bầy ong,…). Ở loài người, bản năng đó đã phát triển thành một nhu cầu có ý thức. Tuỳ nơi, tuỳ lúc, ý thức đó có thể đậm hay nhạt. Mà nghiệm trong lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc trên thế giới, thấy sự đậm nhạt này có quan hệ mật thiết với sức mạnh của quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh. 

Trong tác phẩm "Nên Học Sử Ta", viết vào đầu năm 1942, Bác đã viết: "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi…"(Báo Việt Nam Độc lập ngày 1/2/1942)

Ngay từ năm 1941, trong bài "Kính cáo đồng bào", Bác viết: "Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết. Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại. Cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm…"(Hồ Chí Minh toàn tập ; Tập III, tr.198).

Cách mạng tháng Tám là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó. 

Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến.

Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xoá bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ. Bác đã tuyên bố: "Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì". 

Ở Bác, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Ngay từ trước cách mạng, Bác đã ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tư tưởng này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như ý, nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành của Bác cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn những xung đột bất lợi, bảo vệ những thành quả đầu tiên của cách mạng…

Đến Đại hội đảng lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: "Chính vì Đảng Lao Động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Lời giải thích đó của Bác đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Đại hội Đảng.

Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cách Mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi… Tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh. Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.
Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sỹ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi là bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế. 

Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: Làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.
Bước vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác lại một lần nữa bừng lên như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam, kể cả các nhân sĩ, các nhà tư sản, thậm chí cả những sỹ quan cao cấp trong quân đội chính quyền Sài Gòn cũng đã hình thành nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ độc tài tay sai của Mỹ (Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Có một số là thành viên bí mật của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Mặt trận Sài gòn – Gia Định. Do đó, chính quyền tay sai đã cô lập càng cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn. 

Trong thời gian này tôi có may mắn được sống và chiến đấu cùng đồng bào các giới trong lòng Sài Gòn- Gia Định, sau đó hơn 15 năm tiếp theo tại miền Tây Nam bộ. Sài Gòn là thành phố lớn, có đủ mọi tầng lớp dân cư đô thị khác nhau. Còn Tây Nam bộ suốt kháng chiến chống Pháp và nhiều năm kháng chiến chống Mỹ là một vùng có những nhà địa chủ giàu có nhất nước ta, những nhà trí thức từng du học ở Pháp, những quan chức cao cấp của chính quyền đương thời, những nhà tu hành và tín đồ của nhiều tôn giáo, những người thuộc những dân tộc khác nhau, như Khơ-me, Chăm, Hoa… Nhưng ở cả hai địa bàn ấy, chúng tôi vẫn tồn tại và hoạt động được là nhờ được sống giữa lòng dân, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu trong máu thịt tôi.

Trên lĩnh vực quốc tế, tinh thần đoàn kết cũng đã đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục. Phong trào phản chiến ở Mỹ, ở Pháp và phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, đã làm cho kẻ thù xâm lược Việt Nam càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:

- Đất nước đã được hoà bình, thống nhất. Giang sơn đã trở về một mối. Lòng người cũng quy về một mối.
- Toàn dân, vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc. 
- Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền Nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quý, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, giàu mạnh. 
- Hầu hết quân đội, sỹ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hoà bình, hoà hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn. 
- Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam cũng thấy cần xoá đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với Việt Nam. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến …

Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng- thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy… 

Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hoá nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.

Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần…đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi. 

Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải "liều mình nhắm mắt đưa chân". Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành uỷ chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành uỷ vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.

Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho Việt Nam lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn, mà thực ra không phải là hoàn toàn không tránh được. 

Kết quả là Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Đó chính là một bài học lớn của lịch sử. 

Từ ngày Đảng ta có chủ trương đổi mới, tư tưởng hoà hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan. Quan điểm kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai… đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt khỏi khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt. 

Từ khi làm nhiệm vụ quản lý ở địa phương cũng như ở tầm quốc gia, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều nước và tiếp xúc với nhiều chính khách lớn trên thế giới. Qua đó, tôi kiểm nghiệm lại nhiều điều và rút ra một bài học: thời bình cũng không khác trong thời chiến về một chân lý muôn thủơ: Quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng. 

Ngày nay chúng ta đã có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đang trên đường tiến tới thực hiện lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Chúng ta đã từng bước nâng cao uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta càng có sức cảm hóa nhiều hơn. Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hoá để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn. 

Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế? 

Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ, thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng.

Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển: Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các quy luật của thiên nhiên và của xã hội. Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng trí thức tận tuỵ hay không là tuỳ thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Điều đó không tuỳ thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo: có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.

Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn: Kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta. Muốn thế, cần ngồi lại với nhau.Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp… 

Đến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc. 
Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì vẫn chưa được đông đúc lắm. 
Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là Bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người Việt Nam đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình. 

Để ngọn lửa đó còn sáng mãi, chúng ta hãy cùng ôn lại mấy bài học lớn của Bác:

- Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hoá Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt nam, của cả dân tộc Việt Nam.
- Đã thế thì mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hoá đó.
- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hoá này.

Nếu thực hiện tốt những tư tưởng đó, với kỷ niệm 60 năm quốc khánh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ " Đoàn kết, đoàn kết đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công" trên quảng trường Ba Đình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu…, mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Đình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người Việt Nam chúng ta. 

Võ Văn Kiệt

(VietNamNet 28/8/2005)