Tối 18-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế về công tác phòng chống lũ lụt và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe báo cáo của tỉnh, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh còn để số người chết do lũ quá cao. Trách nhiệm này một phần thuộc về chính quyền địa phương quản lý không tốt. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần làm rõ trách nhiệm để rút kinh nghiệm và phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo đến từng địa phương để không còn xảy ra những cái chết thương tâm sau lũ. Đồng thời, tỉnh phải huy động thêm lực lượng, phương tiện, tổ chức tìm kiếm số người hiện còn mất tích.
Phó Thủ tướng đánh giá việc xả lũ của hai hồ thủy điện ở tỉnh này là đúng quy trình. Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương thành lập một hội đồng chuyên trách để kiểm tra, quản lý các hồ chứa nước. Khi hội đồng cho phép tích nước thì mới được tích nước, cho phép xả lũ thì mới được xả. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn gạo, 30 tỉ đồng, 500 tấn lúa giống, 8 tấn giống ngô và rau và 1.000 áo phao.
Chiều 18-11, Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung-Tây Nguyên cho hay lượng mưa ở các tỉnh trong khu vực đã giảm, lũ trên các sông từ Thừa thiên-Huế đến Phú Yên đang xuống. Tuy nhiên, hàng loạt tuyến tỉnh lộ, đường huyện, xã vẫn còn ách tắc cục bộ do bị ngập, hư hỏng.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra quy trình xả lũ của Nhà máy thủy điện Bình Điền trên sông Hương (Thừa Thiên-Huế). Ảnh: NGUYÊN LINH
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt lũ này đã làm bảy người chết, hai người mất tích và một người bị thương; giao thông bị sạt lở, xuống cấp nghiêm trọng. Đến chiều 18-11, còn 40 trường học với hơn 20.000 học sinh các trường phải nghỉ học vì nước lũ còn ở mức cao. Hơn 10 xã vẫn bị nước lũ chia cắt, hàng trăm hộ dân chạy lũ vẫn chưa thể trở về nhà.
Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, ngày 18-11, các hồ thủy điện trong tỉnh lại đồng loạt xả lũ với lưu lượng tăng nhanh khiến lũ trên các sông dâng cao trở lại. Đến chiều 18-11, tám xã phía bắc huyện Tuy An bị ngập nước, hàng ngàn gia đình thuộc xã Xuân Sơn Bắc bị cô lập hoàn toàn. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu thuộc các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, thị xã Sông Cầu bị ngập sâu, giao thông tê liệt. Riêng đường từ huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân bị ngập sâu, giao thông ách tắc hoàn toàn. Đây là đợt lũ thứ ba ở Phú Yên chỉ trong hơn hai tuần qua. Trong hai đợt lũ trước, tỉnh Phú Yên có chín người chết, hơn 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 223 tỉ đồng.
Ngày 18-11, Bình Định lại có thêm một người chết do lũ là ông Nguyễn Văn Đông (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) bị lũ cuốn trên đường đi thăm cháu. Như vậy chỉ trong hai ngày qua, ở Bình Định đã có bốn người chết, một người mất tích do lũ. Lũ trên hầu hết các sông ở Bình Định đã vượt mức báo động 3, gây ngập sâu hàng ngàn gia đình tại hàng chục xã thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, An Lão, Hoài Ân... Ngoài ra, toàn tỉnh có hàng chục xã bị cô lập hoàn toàn. Chiều 18-11, UBND huyện An Lão cho biết một trận lũ quét bất ngờ đã gây sạt lở nghiêm trọng nhiều tuyến giao thông trọng yếu ở địa phương này, gần 10.000 m3 đất đá đổ xuống mặt đường khiến giao thông tê liệt.
Ngày 18-11, lũ trên các sông Thu Bồn, Vu Gia tại Quảng Nam vẫn rút chậm. Nhiều tuyến đường về hai huyện miền núi Bắc Trà My và Nam Trà My vẫn bị ách tắc do sạt lở, sập núi. Ông Hồ Văn Ny, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết: "Người dân đang thiếu lương thực vì đường bị chia cắt 10 ngày nay. Huyện đang huy động hàng trăm người cùng máy móc khơi thông đường, tuy nhiên nếu trời không mưa thì phải nửa tháng nữa mới thông tuyến". Đến 18 giờ cùng ngày, khu vực phía nam sông Hoài (phố cổ Hội An), hàng trăm ngôi nhà vẫn chìm trong nước.
Ngày 18-11, ông Hồ Văn Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tây Trà (Quảng Ngãi),cho biết do núi lở gây tắc đường nên đến nay vẫn còn hai xã vùng cao là Trà Thanh và Trà Trung bị cô lập hoàn toàn. Huyện Trà Bồng cũng có hai xã bị cô lập, nặng nhất là xã Trà Giang không thể tiếp cận. Ông Lê Nhân, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết đã huy động hàng chục phương tiện giải phóng khối lượng đất đá đổ xuống đường ở tuyến tỉnh lộ 622 từ Trà Bồng đi Tây Trà nhưng dự kiến phải mất hai ngày nữa mới có thể tạm thời thông tuyến.
NHÓM PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét