SGTT.VN - Tại ĐBSCL, suốt hai tháng qua giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh, hiện gần 19.500 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Thông thường cứ mỗi đợt giá cá lên cơn sốt thì phong trào đầu tư nuôi cá lại lên sốt theo, tuy nhiên lần này tình hình lại khá im ắng, nông dân vẫn tiếp tục bỏ nghề, bỏ ao.
Nông dân kiệt sức
Nhiều dãy ao nuôi cá tra xuất khẩu ở An Giang đang được bơm thổi cát san lấp. Ảnh: Trần An |
Tại các vùng chuyên nuôi cá tra xuất khẩu ở Thốt Nốt (Cần Thơ), hàng loạt trang trại vẫn tiếp tục khóa rào im ỉm, bỏ mặc cho cỏ dại mọc đầy.
Những ngày này nhiều ao nuôi đang được thổi cát san lấp. “Không còn cơ hội nuôi cá nữa rồi đành lấp lại chuyển thành đất thổ cư bán được giá hơn để trả nợ”, bà Lê Thị Thủy (ấp Thới Hòa, Thới Thuận) buồn bã nói. Xã Tân Lộc từng được mệnh danh là cù lao tỉ phú cá tra, giờ không ít “đại gia” đang kêu bán đất.
Với những ao nằm cách xa đường không thể chuyển thành đất thổ cư người ta lấp lại để lập vườn, trồng cây ăn trái, hoa màu.
Tại An Giang, Đồng Tháp tình hình đầu tư nuôi cá cũng trầm lắng tương tự. Đó đây, ngày ngày vẫn gặp cảnh bơm thổi cát lấp ao, rao bán đất. Suốt tháng qua tuy giá cá tra nguyên liệu tăng cao nhưng hầu như chỉ thấy người dân thả nuôi cá con dành bán giống.
Hàng loạt trang trại nuôi cá tra xuất khẩu ở Thốt Nốt, Cần Thơ vẫn khóa rào im ỉm, bỏ hoang và cho tháo dở máy móc ... Ảnh: Trần An |
Trên khu trang trại rộng hơn mẫu đất bên bờ sông Tiền thuộc Vĩnh Thới, Lai Vung (Đồng Tháp) ông Nguyễn Văn Lạc đang chăm chút cho cái ao nhỏ. “Nuôi cá tra lỗ hết sạch vốn nên chuyển qua ương nuôi cá lóc tạm đắp đổi qua ngày”, ông thở dài. Nhiều hộ lân cận cũng bảo rằng họ không… đủ sức, không còn dám nuôi cá tra xuất khẩu.
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc sở NN&PTNT Cần Thơ, vốn đầu tư quả là gánh nặng khó kham đối với nông dân, bởi chi phí nuôi cá tra hiện nay tăng cao khoảng 1/3 lần so với ba năm về trước. Trong khi, kể từ năm 2008 đến nay qua nhiều đợt thua lỗ nặng liên tục nhiều hộ lâm cảnh nợ nần, số thì cạn vốn, đã vậy ngân hàng lại ngưng cho vay đối với hoạt động nuôi cá tra nên họ hoàn toàn mất khả năng tái đầu tư.
“Các các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc men phòng trị bệnh cũng không còn bán gối đầu, bán thiếu như trước. Nông dân chúng tôi đã kiệt sức, mà… tất cả đều đã quay lưng. Tình cảnh hết sức khó khăn đành phải giả từ cái nghề vốn gắn bó đã hàng chục năm nay”, ông Nguyễn Hữu Nguyên, một nông dân ở Khánh Hòa, Châu Phú (An Giang) than thở.
Trên 60% đã bỏ ao, bỏ nghề
Vừa thu hoạch 40 tấn cá có lãi gần 100 triệu đồng, ông Lư Văn Tám - ấp Thạnh Lộc, Trung Thạnh, Thốt Nốt (Cần Thơ) vẫn quyết định nuôi cá trê, chứ không nuôi cá tra xuất khẩu. Ảnh: Trần An |
Trong khi nông dân đang thiếu vốn đầu tư lại bị doanh nghiệp kéo dài thời hạn thanh toán hàng tháng trời khiến họ càng thêm khó khăn. Ngoài ra, khi giá cá vừa lên thì giá thức ăn, thuốc men… đều “nhảy” theo và đang có xu hướng tiếp tục tăng theo giá đô la.
Ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch hiệp hội Nghề nuôi & chế biến Thủy sản An Giang - nói: “Nếu hoạch toán giá thành theo chi phí mới thì thấy nuôi cá… khó có lãi. Đã rất khó khăn về vốn, phần thấy giá cả thị trường không ổn định nên nhiều hộ quyết định bỏ nghề. Tỉ lệ bỏ ao đã trên 60%, số còn lại thì nuôi cá giống, thả cá nhỏ nuôi cầm chừng."
Còn theo ông Nguyễn Văn Phấn, tổng giám đốc công ty cổ phần Hiệp Thanh (Cần Thơ), nông dân không mặn mà với con cá tra còn do tâm lý mất niềm tin ở thị trường, tuy hiện thời giá cá cao nhưng chưa đảm bảo ổn định và mức lãi cũng không còn hấp dẫn. Nhiều nông dân cũng cho biết sau bao năm gắn bó họ đã nhận ra nghề nuôi cá tra quả có quá nhiều rủi ro, đầu ra, giá cả luôn bấp bênh.
Vừa thu hoạch 40 tấn cá còn sót lại từ vụ trước bán được giá 18.600 đồng/kg, tuy có lãi cả trăm triệu đồng nhưng ông Lư Văn Tám (Thốt Nốt, Cần Thơ) vẫn quyết định vụ này nuôi cá trê, chứ không nuôi cá tra xuất khẩu. Ông Tám nói rằng: “Nuôi nó giống như thả hàng tỉ đồng xuống nước đến hơn nửa năm sau mới vớt lên không biết có còn đủ hay không. Khi bán thì giá do doanh nghiệp quyết định, rồi có được thanh toán sớm, có đòi được tiền bán cá hay không đều do họ. Tụi tui hoàn toàn bị động không khác gì con cá nằm trên thớt. Thôi thà có tiền đem gởi ngân hàng chắc ăn hơn, đỡ phải lo, cũng khỏi bị o ép đủ điều".
Thu hoạch bán cá giá cao gần 19.000 đồng/kg, nhưng rồi nông dân vẫn bỏ ao. Ảnh: Trần An |
Sẽ thiếu cá nguyên liệu
Theo hiệp hội Thủy sản một số tỉnh ĐBSCL, giá cá tăng hiện nay nguyên nhân chính từ việc thiếu nguyên liệu, bởi hàng loạt nông dân đã lần lượt bỏ nghề hoặc giảm rất đáng kể lượng con giống thả nuôi trước đó.
Lúc này, để có đủ cá chế biến kịp giao hàng theo hợp đồng cung ứng cho dịp lễ Noel và tết dương lịch sắp tới, nên các doanh nghiệp phải tranh nhau nâng giá mua lên.
Giá xuất khẩu không tăng mà giá nguyên liệu lại quá cao nên doanh nghiệp lỗ nặng. Nhiều đơn vị không mua được cá phải giảm 50% công suất, ngưng hoạt động khiến công nhân phải nghỉ việc dài dài.
Một mùa bội thu, giá cao nhưng có thể là vụ mùa thu hoạch cuối của nông dân. Ảnh: Trần An |
Ông Dương Nghĩa Quốc, giám đốc sở NN&PTNT, chủ tịch hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho hay, từ năm 2009 nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng nuôi, vài đơn vị báo cáo đã chủ động được từ 50% nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, do mức đầu tư quá lớn (cứ 10.000 tấn cá cần khoảng 170 tỉ đồng) mà doanh nghiệp lại gặp khó khăn về vốn, đồng thời chi phí quản lý cao khiến giá thành nuôi quá cao, hiệu quả kinh tế thấp nên thực tế sản lượng chẳng bao nhiêu, và nguồn cung cá nguyên liệu vẫn chủ yếu từ trong dân.
Khi nông dân bỏ ao đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Trong khi hiện nay vẫn chưa có định hướng sản xuất, giái pháp cụ thể, nên nông dân vẫn không an tâm đầu tư, tiếp tục bỏ ao hàng loạt.
Do vậy, tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2011!
TRẦN AN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét