Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Người dân “lảo đảo” qua cây cầu “rùng rợn”

(Dân trí) - Báo Dân trí vừa đăng tải bài viết "Rùng rợn" cây cầu treo có một không hai phản ánh một cây cầu mong manh, chênh vênh như... tấm lưới treo qua sông Chò ở thôn Ba Cẳng (Khánh Hiệp, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.
 >>  "Rùng rợn" cây cầu treo có một không hai

 


Công văn của UBND xã Khánh Hiệp gửi báo Dân trí 

 

Vừa qua, UBND xã Khánh Hiệp đã gửi công văn đến báo điện tử Dân trí với nội dung thiết tha đề nghị báo vận động bạn đọc, những nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng cho bà con thôn Ba Cẳng một cây cầu treo khác chắc chắn hơn, an toàn hơn, thay thế cho cây cầu treo "rùng rợn" hiện nay.

 

UBND xã  Khánh Hiệp cho biết, thôn Ba Cẳng có 194 hộ dân, trong đó có 98 hộ nghèo. Đây là thôn nghèo nhất của xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên đời sống còn khó khăn. Bà con thôn Ba Cẳng hầu hết sống nhờ vào nương rẫy. Muốn đi canh tác sản xuất, bà con phải qua sông Chò, mà con đường duy nhất là phải đi qua cầu treo tạm.

 

Năm 1991, UBND huyện có đầu tư (dây thép) và bà con trong thôn làm thủ công chiếc cầu treo, mặt cầu bằng cây lồ ô, để đi lại sản xuất canh tác trên diện tích 200 ha bên kia sông Chò. Do làm thủ công nên hàng năm bà con phải thường xuyên sửa chữa cầu bằng cách thay các cây gỗ nhỏ khác đã mục nát trên mặt cầu. Hiện nay cầu lại đang hư hỏng nặng gây nhiều khó khăn cho việc đi lại của bà con.

 

Đã thế, qua những đợt mưa lũ, các cây trụ của hai đầu cầu (cây cầy và cây sao) đã bị nước làm xói 2/3 gốc cây, trong mùa lũ năm nay có nguy cơ bị cuốn trôi.

 

Anh Bo Bo Buông, người dân thôn Ba Cẳng, bày tỏ: "Nhà chúng tôi ở bên này sông nhưng đất đai ở phía bên kia sông. Hàng ngày đều phải qua chiếc cầu này để đi làm, gùi mì, gùi bắp bán lấy tiền nuôi gia đình, con cái ăn học đều phải qua sông. Huyện Khánh Vĩnh là huyện miền núi nên cũng khó khăn, xã tôi cũng nghèo nữa, nên rất mong các nhà hảo tâm giúp đỡ chúng tôi xây dựng một cây cầu mới".

 

Ông Cao Minh Tuấn, Chủ tịch xã Khánh Hiệp nói: "Từ lâu bà con chúng tôi rất mong muốn có một cây cầu chắc chắn để qua sông, nhưng kinh phí hạn hẹp nên không thể xây dựng. Thông qua báo điện tử Dân trí, xã Khánh Hiệp nói chung và bà con thôn Ba Cẳng nói riêng rất mong muốn được sự giúp đỡ của quý báo và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng cho bà con chúng tôi một cây cầu mới chắc chắn hơn để ổn định qua lại, yên tâm sản xuất. Được như thế, bà con chúng tôi vui mừng và cảm ơn nhiều lắm".

 

Ngày 19/5, PV Dân trí lại tới cầu treo Ba Cẳng, một lần nữa chứng kiến độ "rùng rợn" của cây cầu:
 

 

Nguyễn Thành Chung

“Ma trận” biển báo giao thông: Đánh bẫy lái xe

Cùng với loạt bài "Ma trận" biển báo giao thông đăng trên Báo Thanh Niên (từ 9.5), chúng tôi liên tục nhận được những ý kiến bức xúc của người dân phản ánh những biển báo giao thông bất cập đến vô lý đang được cắm trên khắp nẻo đường.
Trong những ngày qua, từ nguồn tin của bạn đọc, PV Thanh Niên tiếp tục đi ghi nhận thực tế và nhận thấy những phản ánh này hoàn toàn chính xác, đáng để các cơ quan chức năng tiếp thu, chấn chỉnh, tránh để người đi đường bị cảnh sát giao thông (CSGT) phạt oan, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

 
Biển báo cấm đi ngược chiều vô bổ trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7)

Biển báo hại tài xế
Những người thường xuyên lưu thông trên đường Nguyễn Văn Quỳ (Q.7), hướng đi vào cảng rau quả, rất bức xúc vì một biển báo cấm đặt giữa đoạn đường này.

 
Biển báo hướng dẫn đường kiểu này không tài nào vừa chạy vừa đọc (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Q.1) - Ảnh: Minh Nam

Có mặt vào chiều 11.5, chúng tôi nhận thấy, hai bên đường dưới dạ cầu Phú Mỹ có hai chiều đi vào và đi ra. Trong khi chiều đi ra, người điều khiển phương tiện giao thông đi bình thường, thì chiều đi vào (đường Nguyễn Văn Quỳ) lại gây ức chế cho người dân. Khi xe chạy đến giữa con đường, mọi người nhìn thấy tấm biển báo đường một chiều! Khi nhìn thấy biển báo này, nhiều người đi xe gắn máy và ô tô bất ngờ, thắng xe lại… nhìn nhau và tiếp tục cho xe chạy tiếp. Thấy chúng tôi trố mắt nhìn hàng đoàn xe to, xe con, xe gắn máy chạy vào đường cấm, anh Năm - một người dân gần đó - cười: "Dù biết là đường cấm, nhưng họ bắt buộc phải chạy tiếp thôi, vì không biết cho xe đi hướng nào, khi một bên là khu dân cư, bên kia là hố sâu ngăn cách hai chiều, còn quay đầu lại thì cũng đi ngược chiều".


Đang chạy tốc độ cao mà bắt giảm tốc đột ngột như vậy rồi lại phải đạp ga lên cầu, đố tài xế nào xử lý cho kịp. Biển báo này báo hại tài xế
 

Lái xe Đỗ Hiếu Nghĩa



Chỉ tay về phía tấm biển cấm đặt "vô duyên" giữa tuyến đường, anh Năm ngao ngán: "Có lẽ biết biển cấm tréo ngoe như vậy nên mấy anh CSGT cũng ít khi đứng đây phạt. Chứ nếu bị phạt thì tài xế chẳng cãi gì được!".
Ông Nguyễn Văn Lý, tài xế xe khách 45 chỗ, bức xúc vì sự mập mờ của biển báo, khiến ông bị CSGT phạt oan uổng. Ông kể trên một số tuyến đường như Bình Long, Phan Anh… (Q.Tân Phú) có cắm biển cấm xe 7 tấn, 8 tấn… Khi ông cho xe chạy vào những tuyến đường này thì bị CSGT thổi phạt, giam bằng lái. Trong khi đó, tại một số tuyến đường khác như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… thì biển báo ghi rõ ràng: cấm xe chở khách bao nhiêu chỗ và cấm xe tải bao nhiêu tấn để tài xế biết đường mà đi…
Một bạn đọc khác thắc mắc, đoạn QL 13 hướng từ ngã tư Bình Phước về ngã tư Bình Triệu có đoạn đang từ 2 làn xe đột ngột chia thành 3 làn xe, nhưng không có biển báo phân chia làn đường.
"Trường hợp không có biển báo chia làn, xe ô tô được lưu thông tất cả các làn trừ làn trong cùng dành cho xe gắn máy, thô sơ. Khi bị CSGT phạt, tôi lập luận như vậy thì CSGT vẫn cứ phạt lỗi lấn tuyến, với lý do "không có biển báo thì không được đi" và thòng thêm câu "trừ khi xe đông" vào biên bản", anh Trần Văn Quang, tài xế xe ô tô, bức xúc.

 
Biển báo đường nhiều chỗ ngoặt (biển bên trên) không theo thông lệ quốc tế, gây khó hiểu

Không biết chạy đường nào
Ngày 11.5, chúng tôi có mặt trên đường Nguyễn Văn Linh, đang chạy với tốc độ 60 km/giờ thì ngay đoạn đường dẫn vào cầu Phú Mỹ, biển báo tốc độ chỉ còn 30 km/giờ trong khi ba làn đường hoàn toàn trống trải, không nằm ở khu dân cư đông đúc. Ngay cạnh đó, một chiếc xe CSGT bắn tốc độ nhưng ngụy trang (cốp sau mở trông giống như một chiếc xe hỏng đang sửa chữa). Đi một đoạn nữa ngay khúc cua, dưới chân cầu xuất hiện hai CSGT đứng chặn xe vi phạm. Cứ mỗi lần đèn tín hiệu bật sang màu xanh là y như rằng tài xế liền bị CSGT "hỏi thăm". Vừa nộp tiền phạt xong, anh Đỗ Hiếu Nghĩa (một tài xế) tỏ ra bức xúc cực độ: "Đang chạy tốc độ cao (60 km/giờ) mà bắt giảm tốc đột ngột như vậy rồi lại phải đạp ga lên cầu, đố tài xế nào xử lý cho kịp. Biển báo này báo hại tài xế".
Anh Nguyễn Văn Hiến (một tài xế xe tải) bức xúc: "Ai chẳng muốn tuân thủ luật lệ giao thông. Cứ thử lái xe ở VN xem có dễ tuân thủ luật lệ biển báo giao thông? Điển hình như tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1), có bảng cấm xe tải quẹo phải bị cây cối che khuất, nhưng đèn tín hiệu giao thông lại cho phép quẹo phải không có bảng phụ (cấm xe tải). Cấm hay không cấm không rõ ràng và mấy anh CSGT cứ thế mà thổi phạt".
Tiếp xúc với PV Thanh Niên, nhiều tài xế tỏ ra bức xúc, trong đó nhiều nhất thường phàn nàn về những tuyến đường lớn có nhiều làn xe lưu thông như Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh… "Trước mỗi giao lộ chỉ thấy biển báo làn xe con, xe tải, xe trên 30 chỗ… đi thẳng. Bỗng dưng đến gần giao lộ kế tiếp thì làn đường dành cho xe con (làn trong cùng bên trái) chuyển thành làn rẽ trái đột ngột làm xe đang lưu thông đi thẳng không biết phải chuyển làn như thế nào khi bên phải là dòng xe dày đặc. Nếu thắng lại chờ thì bị xe sau bóp còi la ó, nếu đạp ga thì dễ lãnh vé phạt!", anh Nguyễn Thành Long phản ánh.
Loạn biển báo
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông (đề nghị không nêu tên) khẳng định: "Biển báo giao thông ở VN hiện nay đầy rẫy bất cập và khó hiểu". Ông phân tích biển báo "chỗ ngoặt nguy hiểm" không theo thông lệ quốc tế; hay biển "giao nhau với đường không ưu tiên" sao không gọi là biển báo đường ưu tiên cho ngắn gọn, dễ hiểu; hay nhiều nơi cắm biển báo hình tam giác ngược (bên trong không ghi chữ), theo luật đây là biển nguy hiểm giao nhau với đường ưu tiên, phải nhường đường cho xe trên đường ưu tiên như vậy sao không ghi chữ "Nhường đường" (YIELD, hay GIVE WAY) như ở các nước; biển báo tốc độ lâu lâu mới xuất hiện trong khi các nước cứ ba cột đèn lại xuất hiện một biển báo hoặc họ sơn luôn xuống làn đường. Đó là chưa nói đến một số biển báo hình vuông màu xanh nước biển tự "đẻ" thêm trùng với một số biển hình tam giác làm rối rắm thêm tình trạng biển báo hiện nay.
Vị chuyên gia này còn cho biết trên QL 22, đoạn ngã tư Trung Chánh và ngã ba Bùi Môn xuất hiện chữ "STOP" vô lý, vì đây là tuyến đường ưu tiên. Đúng ra, phải đặt chữ "STOP" trên đường không ưu tiên giao cắt với QL 22, để tài xế khi từ đường này ra thì phải dừng lại quan sát trước khi băng ra cho an toàn.
Cũng trên QL 22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu vượt Củ Chi, dài khoảng 25 km) chỉ có 1 biển báo duy nhất cho xe con đi chung vào làn xe tải làm nhiều xe ô tô con chen nhau kẹt cứng trên một làn đường không dám tận dụng làn đường ô tô tải đang trống. Ngoài ra, trên một số tuyến đường cắm biển báo khoảng cách giữa xe ô tô trước cách xe ô tô sau 8m (thường xuất hiện ở các trạm thu phí) hay cách 30m ở một số tuyến đường quốc lộ.
Biển báo vậy, theo vị chuyên gia này, rất dễ gây hiểu lầm và hoàn toàn trái với quy định về lái xe an toàn, khoảng cách xe trôi trong thời gian 1 giây (ở tốc độ 50 km/giờ) là 14m, đường ướt là 28m. Thường xe sau thắng chậm hơn xe trước 1 đến 2 giây, để đảm bảo an toàn ở tốc độc 50 km/giờ, khoảng cách an toàn giữa xe sau và xe trước phải là 50m.
"Những bất hợp lý về biển báo trên rất cần được các cơ quan chức năng lưu tâm sớm xem xét, chấn chỉnh nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chúng ta đang cố gắng thực hiện", vị chuyên gia này đề nghị.

Cần sửa Luật giao thông đường bộ

Theo LS Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), Luật GTĐB của ta hiện nay có nguồn gốc từ phương tiện giao thông đường bộ trước đây có tốc độ thấp, lượng người và phương tiện ít, thô sơ nên quy định biển báo được đặt về bên phải đường giao thông với các kích cỡ nhỏ. Để biển báo phù hợp với tình hình hiện nay thì cần quy định lại trong Luật GTĐB về vị trí biển báo trên cao, ngang đường, kích cỡ chữ đủ lớn để có thể quan sát từ xa. Kể cả quy định cụ thể số lượng biển báo trước khi đến mục tiêu cần báo, tạo sự chủ động cho người tham gia giao thông và định nghĩa lại các hình vẽ theo tập quán và thông lệ quốc tế để có thể hòa chung vào dòng chảy của thế giới.

 
Nên bỏ bớt những biển báo không theo thông lệ quốc tế như trong ảnh

Lê Nga

Lê Nga - Minh Nam

Dân kiện CSGT vì... biển báo

Ngày 2.3, TAND Q.Cầu Giấy, Hà Nội thụ lý vụ án hành chính một người kiện công an vì cho rằng bị phạt oan. Ngày 2.5, tòa đã quyết định gia hạn thêm 30 ngày để làm rõ thêm một số tình tiết.
Không có biển cấm, vẫn cấm?
Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 15.11.2010, ông Nguyễn Đức Đông, phó giám đốc một DN trên địa bàn H.Từ Liêm, điều khiển ô tô từ phố Phan Văn Trường rẽ trái ra đường Xuân Thủy. Khi đi đến ngân hàng tại số nhà 61, ông dừng xe dưới lề đường để rút tiền trong máy ATM thì bị lực lượng CSGT - trật tự - phản ứng nhanh của Q.Cầu Giấy lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi "đỗ xe ở lòng đường trái quy định". Ngày 16.11.2010, căn cứ biên bản vi phạm nói trên, ông Đông bị Công an Q.Cầu Giấy ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt 800.000 đồng và tạm giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày.
 

 Biển báo cấm tùy hứng, lúc quay ra vuông góc, lúc song song với lòng đường - Ảnh: Thái Sơn

Cho rằng quyết định xử phạt hành chính của Công an Q.Cầu Giấy là thiếu căn cứ, ông Đông đã 2 lần làm đơn khiếu nại gửi đến Công an Q.Cầu Giấy và Công an TP Hà Nội. Thế nhưng, các văn bản trả lời của cơ quan công an, theo ông Đông "là không hợp lý". Đến ngày 16.2.2011, ông Đông quyết định khởi kiện.
Theo lập luận của ông Đông, các quy định pháp luật của Luật GT đường bộ quy định người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ "phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ" và "không được để phương tiện GT ở lòng đường, hè phố trái quy định". Tuy nhiên, trên đoạn đường ông bị phạt không có biển báo cấm, thì được hiểu là "không bị cấm đỗ xe" và "công dân được làm những gì luật không cấm". Mặt khác, căn cứ để Công an Q.Cầu Giấy ra quyết định xử phạt ông Đông là Quyết định 2053 ngày 27.5.2008 của UBND TP Hà Nội quy định các tuyến phố văn minh cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường. Q.Cầu Giấy có 3 tuyến phố: Xuân Thủy - Cầu Giấy - Trần Duy Hưng nằm trong diện cấm. "Trên đoạn đường tôi đã đi không hề có biển báo cấm, tôi đã rẽ ở ngã ba cũng không hề có biển báo nhắc lại. Người tài xế đi trên đường thì họ chỉ biết nhìn vào biển báo mà chấp hành, chứ nói họ là theo quy định này quy định khác thì khác nào đánh đố nhau", ông Đông bức xúc.
Kiểu gì cũng...  "chết"
Qua khảo sát của PV Thanh Niên, trên nhiều tuyến phố khác của Hà Nội còn tồn tại một kiểu biển báo "bẫy" khác là bị che khuất bởi các chướng ngại vật hoặc cây xanh. Cụ thể như tại khu vực đường vòng dưới chân gầm cầu Long Biên, thay vì đặt biển cấm đi ngược chiều dẫn lên cầu tại vị trí trên vỉa hè bên tay phải thông thoáng và cực kỳ dễ quan sát, thì cơ quan hữu trách lại cho cắm biển cấm bên tay trái và "núp" sau mấy thân cây cổ thụ. Lâu lâu, cây cỏ, cành lá mọc rủ che kín, công nhân công viên cây xanh không cắt tỉa là y như rằng một loạt những phương tiện lại theo nhau đi ngược chiều lên cầu Long Biên...
Hay tại khu vực cầu cạn Thanh Trì - Pháp Vân, trên một quãng đường khoảng 80m, nhưng có tới 10 biển báo dựng san sát nhau. Nếu muốn đọc hết nội dung thông tin trên 10 biển báo, tài xế không thể vừa đi vừa quan sát, còn dừng đỗ trên đường cao tốc thì sẽ vi phạm luật GT đường bộ...
Tình trạng cắm rồi lại tháo biển cấm trong một thời gian ngắn cũng khiến người tham gia GT gặp không ít rắc rối. Điển hình nhất là trường hợp cắm biển cấm đi ngược chiều trên phố Thụy Khuê. Khi Sở GTVT Hà Nội ra quyết định phân luồng GT một chiều ô tô trên toàn tuyến phố Thụy Khuê (chiều từ phố Mai Xuân Thưởng tới phố Văn Cao), ngày 16.3 biển cấm ô tô đi ngược chiều được cắm tại ngã ba giao với phố Thụy Khuê. Tuy nhiên, từ khi biển cấm dựng lên, GT ở khu vực này khá hỗn loạn, ùn tắc thường xuyên xảy ra. Tới ngày 9.4, quyết định mới được đưa ra, ô tô được phép đi hai chiều như các phương tiện khác đoạn từ phố Mai Xuân Thưởng đến ngõ 567 Thụy Khuê, còn đoạn từ ngõ 567 Thụy Khuê tới Lạc Long Quân ô tô chỉ đi một chiều. Sáng 12.4, cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ biển cấm đã cắm vào ngày 16.3 khiến giới tài xế qua đây cứ rối tung, rối mù...

 
 

 "Rừng" biển báo tại khu vực cầu cạn Pháp Vân - Thanh Trì - Ảnh: Minh Sang

Thái Sơn- Minh Sang

Oái oăm biển báo tải trọng !

Tình trạng "đa nghĩa" và "đá nhau" của hệ thống biển báo tải trọng cầu đường khiến tài xế lâm vào cảnh bị tuýt còi bất kỳ lúc nào.
"Bắt buộc phạm luật"
Trên các tuyến đường hiện nay, việc đan xen các cây cầu có tải trọng khác nhau đang là "bài toán không lời giải" cho doanh nghiệp vận tải. Oái oăm là phần nhiều cầu tải trọng thấp đều nằm trên tuyến đường đi vào các ga, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất... nơi có lượng hàng hóa XNK bằng container rất lớn. Chẳng hạn, cầu Suối Cái vào cảng Cát Lái (Q.2) cắm biển 20 tấn, cầu vào Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) chỉ 18 tấn. QL 13 - hướng đi độc đạo của xe chở hàng hóa từ kho Bình Triệu ra ga Sóng Thần (Bình Dương) cũng có cầu Ông Dầu 25 tấn và cầu Đúc Nhỏ chỉ có 15 tấn. Đặc biệt, xa lộ Hà Nội có mật độ xe chở hàng hóa dày đặc song cũng có cầu Sài Gòn 25 tấn, cầu Rạch Chiếc 30 tấn...



Cầu Đúc Nhỏ nằm trên tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM - Bình Dương nhưng chỉ có tải trọng 15 tấn - Ảnh: D.Đ.M

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, một container được chứa tối đa 30 - 33 tấn hàng, riêng xác xe và vỏ container đã từ 15 - 18 tấn, tức tổng tải trọng cho phép theo tiêu chuẩn quốc tế lên đến 40 - 50 tấn. Với thực trạng cầu đường của VN hiện nay, nhiều trường hợp xe chỉ chở vỏ container cũng đã quá tải và bị xử phạt (khi qua cầu 16 - 18 tấn). Đặc biệt, theo cơ cấu XNK hàng hóa vào các cảng VN hiện nay, khoảng 80% container chứa từ 8 - 25 tấn hàng. Như vậy, cộng với trọng lượng xác xe và vỏ container, ít nhất 80% xe chở container hiện nay luôn trong tình trạng quá tải. Hệ quả là các xe container nếu không chạy phải bồi thường hợp đồng, còn nếu chạy thì phạm luật.


Bất cập là ở chỗ dù nằm trong phạm vi cho phép theo quy định quốc tế, song khi vận chuyển bằng đường bộ lại vi phạm pháp luật VN

Ông Lương Hoàng Trung

Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng cái khó của DN vận tải là ở chỗ, xe chở container không thể hạ tải để qua cầu, bởi hàng hóa trong container đã được kẹp chì của hải quan hoặc chủ tàu, DN vận tải hoàn toàn không có quyền hạ tải giữa đường (khi đã niêm phong, container có thể đi khắp thế giới mà không buộc phải hạ tải như quy định tại VN). Chưa kể, do đặc tính lý hóa khác nhau, nếu xếp dỡ xuống mà không có điều kiện bảo quản, hàng hóa sẽ bị hư hỏng hoặc mất giá trị. "Bất cập là ở chỗ dù nằm trong phạm vi cho phép theo quy định quốc tế, song khi vận chuyển container bằng đường bộ lại đương nhiên vi phạm pháp luật VN. Nếu 80% số lượng xe vi phạm này phải xin giấy phép lưu hành đặc biệt theo đúng quy định thì các DN vận tải sẽ không còn thời gian để kinh doanh, bởi thủ tục xin giấy phép rất nhiêu khê" - ông Trung nói.


Một biển báo, nhiều cách hiểu
LS Thái Văn Chung (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng thực tế đến nay nhiều cơ quan chức năng vẫn chưa lý giải được căn cứ và ý nghĩa của các biển báo hạn chế tải trọng cầu đường. Điều này dẫn đến tình trạng đứng trước một biển báo tải trọng, mỗi tài xế có cách hiểu và ứng xử khác nhau, CSGT cũng lấn cấn giữa chuyện phạt hay tha. Chẳng hạn, cầu gắn biển báo 25 tấn thì có nơi hiểu là chỉ cho phép một chiếc xe 25 tấn qua cầu, có nơi lại hiểu là cho phép một đoàn xe 25 tấn qua cầu với khoảng cách và tốc độ cho phép. Điều này dẫn tới cùng một hành vi nhưng có tài xế bị "tuýt còi" có tài xế không bị.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM và Đà Nẵng đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị lý giải ý nghĩa của biển báo tải trọng nhưng đến nay vẫn chưa tìm được lời đáp. Bởi thực tế, vào giờ cao điểm, cầu Sài Gòn, cầu Đồng Nai phải gánh chịu cả ngàn tấn thì tại sao lại xử phạt xe trên 25 tấn qua cầu vì lỗi quá tải trọng cầu?
Theo LS Chung, một bất cập khác là trong khi đường tính theo tải trọng trục của xe (tải trọng phân bố trên từng trục hoặc cụm trục), thì cầu lại theo tổng tải trọng (tải trọng cả hàng và xe). Từ quy định này dẫn đến, có khi xe chạy trên đường không vi phạm tải trọng nhưng đến cầu lại bị ách tắc. Thông tư 03/2011 về quy định tải trọng của phương tiện tham gia đường bộ mà Bộ GTVT vừa ban hành đã cho phép nâng tổng tải trọng lên đến 48 tấn đối với các loại container từ 6 trục trở lên. Tuy nhiên, biển báo tải trọng cầu vẫn tính theo tổng tải trọng và lớn nhất hiện nay là 30 tấn, nên gần như 100% xe container có 4 trục trở lên đều vi phạm. Do đó, ông Chung kiến nghị Bộ GTVT cho phép áp dụng tải trọng trục đối với cầu.

Cảm tính
Theo LS Chung, việc gắn biển báo tải trọng còn cảm tính, nhiều lúc do "sợ trách nhiệm" (sợ sập cầu) hơn là trên cơ sở khoa học. Chẳng hạn, một số cầu tự nhiên gắn biển báo nâng hoặc hạ tải trọng một cách bất thường mà không hề có sự duy tu, sửa chữa. Chẳng hạn, trên QL 13 có cầu Đúc Nhỏ gắn biển báo 18 tấn. Do cầu xuống cấp, có thời điểm Sở GTVT TP.HCM gắn biển báo chỉ cho xe dưới 10 tấn qua cầu. Nếu thực hiện nghiêm biển báo này, Bến xe Miền Đông chỉ còn các xe dưới 45 chỗ hoạt động (do xe 45 chỗ đều trên 10 tấn). Nhận thấy bất cập, sau đó Sở GTVT lại nâng tải trọng cầu Đúc Nhỏ lên 15 tấn. Tương tự, trong quá trình sửa cầu Bình Triệu 1, Sở GTVT gắn biển hạn chế xe trên 10 tấn nhưng vài ngày sau lại nâng lên 15 tấn.

Phương Thanh

Biển báo tốc độ cho người... đi bộ


Trên đường Nguyễn Văn Linh (hướng từ Q.7 về Bình Chánh), xe ô tô lưu thông được chạy từ 60 - 80 km/giờ. Tuy nhiên, gần trạm thu phí có biển báo tốc độ 5 km/giờ, ngang với tốc độ của người đi bộ, là quá bất hợp lý.
Theo quan sát, tất cả các xe lưu thông qua đây không xe nào tuân thủ nổi quy định của biển báo này, dù chạy rất chậm nhưng tối thiểu vẫn 20 km/giờ. CSGT mà bắn tốc độ ở đây thì tài xế... "chết chắc". Để thử nghiệm, chúng tôi cho xe gắn máy chạy chậm nhất có thể (vừa thắng, thả liên lục, tay lái nhiều lúc chao đảo), đồng hồ vẫn báo hơn 5 km/giờ.
Không biết xe ô tô chạy thế nào để vận tốc có thể đúng theo biển báo? Một lái xe cho biết, muốn đảm bảo quy định này, các bác tài phải xuống đẩy bộ, vừa chạy vừa ngừng và nếu chấp hành quy định này xe cộ qua trạm thu phí sẽ ùn tắc. Một số lái xe cho rằng, đoạn đường này chỉ cần gắn biển báo "đi chậm" là phù hợp.

Tin, ảnh: Lê Nga

CSVN Xuất 17 ngàn tấn gạo để cứu đói cho 11 tỉnh thành

Chính quyền trung ương Việt Nam vừa hỗ trợ thêm gần 12 ngàn tấn gạo nhằm cứu đói các hộ nghèo vào dịp giáp hạt năm nay.
Số gạo hỗ trợ này được trích từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân ở 6 địa phương: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị và Gia Lai.
Trước đó, vào ngày 12/5, Việt Nam cũng đã hỗ trợ gần 5,000 tấn gạo cho 5 địa phương khác.
Như vậy, qua hai đợt hỗ trợ của Chính phủ trong tháng 5, đã có tổng cộng gần 17 ngàn tấn gạo được xuất ra để cứu đói cho dân ở 11 tỉnh trong cả nước.

TTX Vietnam nói tin biến động ở Mường Nhé là sai trái

Thông tin về Mường Nhé do một số hãng thông tấn và cơ quan truyền thông nước ngoài trong những ngày gần đây là sai trái. Đây là ý kiến của Thông tấn xã Việt Nam loan đi hồi ngày hôm qua.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, từ ngày 30 tháng tư đến 6 tháng năm vừa qua, hằng ngàn dân tộc Hmong từ nhiều nơi bị những phần tử cực đoan kích động, lôi kéo, cưỡng bức tụ tập về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

Chính quyền địa phương đã vận động, thuyết phục và người tập trung đã tự nguyện trở về quê quán. Thông tấn xã Việt Nam nói rằng không có ai bị thương và chết.
Trong thời gian qua, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga cũng lên tiếng cho rằng không có tình trạng đàn áp người Hmong tập trung. Tuy nhiên bà này thừa nhận có một trẻ em chết do bệnh vì điều kiện vệ sinh tồi và thời tiết xấu.

Trước đó, truyền thông trong nước trích dẫn phát biểu cuả các quan chức điạ phương thừa nhận có ba trẻ em chết.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng chưa thể cho các phóng viên nước ngoài đến tại khu vực Mường Nhé vì thời tiết xấu, đường xá đi lại không thuận tiện.

Trong bản tin hôm qua, thông tấn xã Việt Nam cho biết chính quyền điạ phương huyện Mường Nhé và tỉnh Điện Biên không cản trở tổ chức hay cá nhân nào muốn đến để tìm hiểu sự việc một cách khách quan, theo luật Việt Nam.
Vào ngày 16 tháng 5 vừa rồi, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ra thông cáo báo chí lên tiếng kêu gọi chính quyền Việt Nam phải cho tiến hành cuộc điều tra công khai, độc lập và đầy đủ về tin tức vụ nhiều người Hmong tập trung tại bản Huoi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên.

Một trong những yêu cầu là phải công khai danh sách những ngươì bị bắt giữ, cho thân nhân họ được gặp mặt và họ được tư vấn pháp lý. Ngoài ra phải cho các phóng viên và tổ chức nước ngoài đến tại nơi để tìm hiểu sự việc.


CSVN chỉ trích nhận xét của HRW về sự việc ở Mường Nhé

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN, bà Nguyễn Phương Nga hôm nay cho biết tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nhận xét không khách quan về tình hình người Hmong tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Viên chức này khẳng định rằng tình hình Mường Nhé hiện đã ổn định. Những gì xảy ra, theo bà Nguyễn Phương Nga, đã được thông tin công khai, đầy đủ. Và những kẻ xấu gây rối loạn trật tự sẽ bị xử lý. Bà Nga cũng không quên cáo giác rằng Human Rights Watch thường xuyên có những nhận xét không khách quan, thù nghịch, xuyên tạc tình hình ở VN.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VN lên tiếng sau khi Human Rights Watch kêu gọi VN mở cuộc điều tra đầy đủ về vụ Mường Nhé, để cho giới ngoại giao, quan sát viên độc lập tới khu vực này, giữa lúc nhiều tổ chức thế giới theo dõi tình hình người Hmong, nhất là Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền CPPA trụ sở tại Hoa Kỳ, đề cập tới hành động đàn áp đẫm máu của VN đối với người Hmong ở Mường Nhé.

Thanh Hóa xin hỗ trợ gạo

* Thời tiết làm thiệt hại hàng ngàn hecta lúa ở Trà Vinh, Thừa Thiên - Huế

TT - Ngày 5-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt đã ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ gạo cứu trợ nhân dân Thanh Hóa trong lúc giáp hạt 2011. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ xin trung ương hơn 2.048 tấn gạo để cứu trợ cho 71.395 hộ (136.574 nhân khẩu).

Có hơn 6ha lúa bị mất mùa, bà Hồ Thị Oanh ở xã Phú Hồ, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế phải chạy gạo ăn từng ngày - Ảnh: Hà Linh


Giải thích về việc tỉnh Thanh Hóa chỉ xin trung ương hơn 2.048 tấn gạo, trong khi Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh này đề xuất 3.700 tấn gạo để cấp cho 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu ăn, ông Trịnh Văn Chiến, phó bí thư Tỉnh ủy - chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Tỉnh chỉ xin trung ương số gạo nêu trên để cấp cho các hộ dân đặc biệt khó khăn. Số gạo còn lại tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã phải tự cân đối ngân sách để hỗ trợ cho nhân dân ở địa phương mình".

Theo ông Trịnh Văn Chiến, tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lạc hậu. Đặc biệt như huyện Mường Lát, bà con nông dân đang thiếu trầm trọng đất sản xuất nông nghiệp để trồng lúa nước, lúa nương, ngô nương, cây màu các loại. Xác định rõ vấn đề này nên trong nghị quyết của đại hội đảng bộ (nhiệm kỳ 2010- 2015) đã đưa chương trình phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền tây (gồm 11 huyện miền núi) của tỉnh thành một trong năm chương trình trọng điểm phải thực hiện cấp bách, có hiệu quả.

Ông Chiến cũng cho biết tỉnh đã triển khai các chương trình cụ thể, như thành lập đội công tác đặc biệt để giúp huyện Mường Lát phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các huyện ven biển, UBND tỉnh Thanh Hóa tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm dẫn nước ngọt về các xã ven biển thau chua rửa mặn...

* "Hiện nay đang mùa gặt nhưng nông dân ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) chỉ gặt cây lúa để đốt bỏ vì lúa có bông mà không có hạt. Trong đó có bốn xã hầu như bị mất trắng, ruộng lúa không có hạt nào" - một bạn đọc báo tin ngày 4-5.

Bốn xã ở huyện Phú Vang bị thiệt hại nặng do lúa lép gồm: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Đa, Phú Xuân. Trưa 5-5, tại cánh đồng Di Đông thuộc xã Phú Hồ, chúng tôi chứng kiến cảnh đồng lúa bạc phếch như lau đang bị đốt cháy, khói lửa nghi ngút. Toàn bộ diện tích lúa ruộng cạn hơn 200ha của người dân thôn Di Đông đều cùng chung tình trạng: bông lúa "đứng đọt", đã đến thời điểm thu hoạch nhưng chẳng có hạt nào ngậm sữa, bông lúa bị lép hoàn toàn.

Ông Đặng Khắc Cấu, chủ tịch UBND xã Phú Hồ, cho biết toàn xã có hơn 500ha lúa nhưng có đến 220ha bị "đứng đọt". Hiện hàng trăm hộ dân đang đứng trước nguy cơ thiếu đói và thiếu cả lúa giống.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có hơn 1.600ha lúa vụ đông xuân bị thiệt hại do rét hại hồi đầu năm. Trong đó huyện Phú Vang thiệt hại nặng nhất hơn 1.100ha, Phú Lộc 200ha, Quảng Điền 155ha... Sở NN&PTNT tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh xin hỗ trợ lúa giống cho nông dân.

* Tại Trà Vinh, ông Trần Trung Hiền, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết vừa đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 10 tỉ đồng cho 16.000 hộ dân có lúa thiệt hại do nhiễm mặn và khô hạn cuối vụ đông xuân. Theo đó, hộ bị thiệt hại trên 70% diện tích được hỗ trợ 1 triệu đồng, còn lại hỗ trợ mức 500.000 đồng/hộ.

Theo ông Hiền, kết quả thống kê cho thấy có 11.728ha lúa của hơn 16.000 hộ dân trong tỉnh bị thiệt hại do nhiễm mặn và khô hạn. Hiện nay nông dân trong tỉnh chỉ mới xuống giống vụ hè thu được 20% diện tích do ảnh hưởng nước mặn và khô hạn. Tới đây khi mưa xuống, nông dân mới dám xuống giống tiếp.

H.ĐỒNG - H.LINH - T.LỘC - N.HẬU

Hơn 240.000 dân Thanh Hóa thiếu đói

TT - Tháng 5, mùa giáp hạt lại đến với bà con nông dân xứ Thanh. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - thương binh và xã hội Thanh Hóa, từ 21 huyện, thị xã thì cả tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực.

>> Read this on Tuoitrenews.vn

Thiếu gạo, nhiều gia đình ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) phải dùng cả ngô giống để trên gác bếp xay ra ăn trừ bữa - Ảnh: H.Đồng

Các hộ thiếu đói mùa giáp hạt này tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Riêng bảy huyện miền núi nghèo nhất tỉnh đang được thụ hưởng chương trình 30a của Chính phủ gồm Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân là những địa phương có số hộ thiếu đói lương thực nhiều nhất.

Ông Phạm Bá Điểm, phó chủ tịch UBND huyện vùng cao biên giới Mường Lát - một địa phương trọng điểm của thực trạng thiếu đói lương thực ở Thanh Hóa, cho biết: "Ngoài số hộ ở các bản biên giới thiếu đói thường xuyên, hiện đang được trợ cấp gạo với mức 15kg/nhân khẩu/tháng thì trên địa bàn huyện hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần 1/3 số người của huyện) đang thiếu đói gay gắt".

Mất mùa trên diện rộng

Tình trạng thiếu đất sản xuất nông nghiệp là thực trạng chung ở hầu hết các xã như Mường Lý, Mường Chanh, Quang Chiểu, Trung Lý của huyện Mường Lát. Toàn huyện Mường Lát hiện chỉ có 560ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trong khi có hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn, nên thường xuyên thiếu lương thực. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng nên bà con nông dân ở huyện này chưa thể tự túc được lương thực.

Ông Lý Seo Dế (ở bản Poom Khuông, xã Tam Chung, huyện vùng cao Mường Lát) cho biết: "Hiện nay bản có 55 hộ (hơn 300 nhân khẩu) thì có tới hơn 40 hộ cần sự trợ cấp gạo của Nhà nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói kéo dài thời gian qua là do người dân ở đây thiếu đất sản xuất lúa nước, đất nương rẫy để có thể tự túc lương thực".

Tại các huyện vùng biển như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, nguyên nhân dẫn đến bà con nông dân thiếu đói cục bộ là do thời gian qua diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị nhiễm mặn nặng, các loại cây trồng như lúa, ngô, đậu sau khi trồng đều bị chết hoặc giảm năng suất.

Chiều 4-5, bà Nguyễn Thị Lý - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa - cho biết: "Sau khi nắm bắt được tình hình nhân dân đang bị thiếu đói ở các địa phương, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập sáu đoàn kiểm tra tại 21 huyện, thị xã của tỉnh và lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp ngay 3.700 tấn gạo để cứu đói cho số nhân khẩu nêu trên.

Hiện nay, UBND tỉnh đang yêu cầu các huyện phải báo cáo tình hình thực tế xem huyện có thể tự cân đối để cấp gạo cứu đói cho dân tại địa phương mình được hay không. Nếu các huyện không tự cân đối được, UBND tỉnh sẽ dùng ngân sách tỉnh hoặc xin hỗ trợ từ trung ương để sớm cấp gạo cứu đói cho nhân dân trong thời gian sớm nhất. Ngày mai, ngày kia (tức ngày 5 và 6-5), UBND tỉnh sẽ họp để giải quyết vấn đề này".

Trong tháng 1- 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phân bổ 4.300 tấn gạo (của Chính phủ hỗ trợ) cứu đói cho nhân dân trên địa bàn dịp Tết Tân Mão. Số gạo này được cấp cho 283.689 nhân khẩu đang thiếu lương thực (mức 15kg gạo/nhân khẩu).

HÀ ĐỒNG

Nguyễn Tất Thành làm đơn xin vào học trường Thuộc địa là một “thông báo” về nước ?


Một ngày giáp Tết. Rét xuyên xương. Một cán bộ của Trung tâm Dịch vụ báo chí của Bộ Ngoại giao đến gặp, đề nghị tôi tiếp ông J.Edward Milner, một nhà báo, nhà đạo diễn và quay phim của Hãng ACACIA và Hãng Truyền hình Channel Four Television của nước Anh. Vị cán bộ ngoại giao cho biết: "Ông ta đang ấp ủ đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Từ ngày bị thương nặng ở mặt trận trở về, tôi rất ngại ngùng khi phải tiếp xúc với những người lạ vì đã bị mất nhiều thứ… mất cả cái ứng xử nhạy bén, cái giao tiếp linh hoạt do cơ thể không còn lành lặn!
Nhưng đối với các vị khách nhà văn, nhà báo từ nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về đất nước, về con người, về Bác Hồ… tôi không thể từ chối gặp được.
Ông J.E.Milner bước vào phòng với cái bắt tay trân trọng, lịch thiệp, nhưng ông hơi ngỡ ngàng vì bàn tay tôi không còn nguyên vẹn và ông phải vất vả xếp đôi chân dài của mình để ngồi bệt xuống cái chiếu dưới sàn nhà! Ông cười với một cử chỉ bạt thiệp và giọng nói có màu ấm:
- Tôi đang tập ngồi kiểu này.
- Tính nhẫn nại của người phương Đông có từ trong cách ngồi. Ngồi kiểu này là vững chắc nhất, ngồi được lâu, thưa ngài.
Ông J.E.Milner ứng đáp rất nhà báo:
- Ngồi trên ghế có khi ngã vì ghế mọt.
Thế là chủ khách cùng cười, hội nhập. Tôi mời ông nâng chén:
- Ngài là khách từ một vương quốc rượu ngon, xin ngài nhấp với tôi ly rượu gạo của xứ sở nền văn minh lúa nước.
Ông J.E.Milner cạn chén:
- Tuổi thọ của rượu bằng tuổi thọ của loài người. Rượu cất bằng ngũ cốc là ngon, bằng gạo lại càng ngon, thưa ngài.
Qua những phút khởi đầu, ông J.E.Milner vào việc:
- Được biết ngài là một ký giả, một nhà văn đã viết nhiều sách và nhiều bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhiều giới bạn đọc mến mộ. Hiện nay có người nói rằng: Cụ Hồ lúc còn là chàng trai Nguyễn Tất Thành phải đến cảng Nhà Rồng làm phu khuân vác, làm bồi tàu viễn dương để kiếm sống… Gặp thế cuộc, Tất Thành mới tham gia hoạt động chính trị ở Paris với tên gọi Nguyễn Ái Quốc nổi tiếng và trở thành lãnh tụ của phong trào đấu tranh chống đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc. Ngài có luận cứ gì khác để khẳng định Hồ Chí Minh – người yêu nước từ thời mang tên Nguyễn Tất Thành?
Ông J.E.Milner nhìn tôi vẻ thăm dò… sau lúc nêu câu hỏi. Tôi vui vẻ:
- Thưa ngài, sách Khế ước xã hội của triết gia đại văn hào J.J.Rousseau ra đời từ 1762. Ở nước chúng tôi gần đây mới dịch ra tiếng Việt được trọn quyển (Dịch giả, nhà sử học Hoàng Thanh Đạm). Tôi rất thấm thía một điều trong sách ấy: "…Những tâm hồn thấp kém không thể hiểu thấu các bậc vĩ nhân, cũng như kẻ nô lệ nhe răng cười khi nghe hai tiếng tự do". Có thể một ác ý của sự thiên kiến, cũng có thể do không có được những cứ liệu chuẩn xác về quá trình hình thành của một nhân cách mà hiểu sai lệch về nhân vật lịch sử… Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi là một nhà yêu nước từ thuở còn nằm trong bào thai của mẹ. Thật vậy, mẫu thân của Người lúc gánh gạo đi tiếp tế cho nghĩa quân Phan Đình Phùng chống giặc Pháp thì bụng bà đang mang thai, khi đứa bé ra đời được mang tên "lót nôi" Nguyễn Sinh Côn thì được bú dòng sữa, được uống lời ru của người mẹ yêu nước, căm thù giặc Pháp về đốt làng, giết người, cướp của. Tuổi lên năm, lên mười, Nguyễn Sinh Côn đã được nghe cha đàm đạo việc nước, việc nhà với các nhà đại cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… Ngày Nguyễn Tất Thành đang ngồi trên ghế trường Quốc học Huế, là con quan Thừa biện Bộ lễ, Nguyễn Tất Thành đã đứng vào hàng ngũ những người cùng khổ trong làng quê đấu tranh đòi giảm thuế, bỏ sưu, chống đàn áp bóc lột (1908). Mật thám Trung Kỳ truy nã, Nguyễn Tất Thành phải bỏ học trốn vào cực Nam Trung Kỳ. Một nhà có bốn cha con thì cả bốn người đều bị ghi "sổ đen" của mật thám Trung Kỳ: Nguyễn Sinh Sắc A. 3760; Nguyễn Thị Thanh A.1166; Nguyễn Tất Đạt A.3781; Nguyễn Tất Thành A.3607.
Đó là "Những phần tử nguy hiểm cho nền cai trị của chính phủ bảo hộ".
Nói rằng Nguyễn Tất Thành không có công ăn việc làm… "phải đi làm phu khuân vác". Thiết tưởng thân mẫu của Nguyễn Tất Thành là con một gia thế. Cụ tú Hoàng Xuân Đường giàu chữ giàu của cải để nuôi con gái đèn sách hơn mười năm, khi kết duyên với thân phụ của Nguyễn Tất Thành thì bà mới nghỉ việc học. Thân phụ của Nguyễn Tất Thành được ông bà cụ Tú nuôi ăn học từ nhỏ, thi đỗ cử nhân, gả con gái cho và nuôi tiếp chàng rể ăn học, thi đỗ Phó bảng, phải ba lần cụ Tú bán ruộng cho chàng rể sắm "lều chõng", lộ phí thi Hương trường Nghệ, thi hội tận kinh đô Huế. Rồi thân phụ của Tất Thành làm quan Thừa biện Bộ lễ triều vua Thành Thái, làm quan huyện Bình Khê triều vua Duy Tân. Thế thì, Nguyễn Tất Thành là "cậu ấm", con quan, đang dạy học tại trường Dục Thanh, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, thầy giáo Thành đang "ngồi cùng chiếu nhà giáo" với các bậc thầy danh tiếng: Hồ Tá Bang, Trần Lê Chất, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Robert Hải, Ngô Văn Nhượng… Nguyễn Tất Thành đã hoàn thiện một nhân cách thanh niên trí thức yêu nước cháy bỏng tâm hồn trước thảm cảnh nước mất: Hai vua Hàm Nghi, Thành Thái bị đế quốc Pháp bắt đi đày biệt xứ, hàng trăm ông nghè, ông cử, ông tú yêu nước bất khuất bị giam chật nhà ngục Côn Lôn, cha làm quan huyện Bình Khê bị triều đình Huế triệu hồi về kinh đô hạ ngục ngày 19/5/1910… Nguyễn Tất Thành quyết dấn thân vào con đường "năm châu bốn bể" để tìm cho được cái phương cách mà trở về giúp dân, cứu nước…
- Thưa ngài, trong cuốn sách "Hồ Chí Minh L'Indochine au Vietnam", ông Daniel Mémery công bố một tờ đơn của Nguyễn Tất Thành gửi Tổng thống nước Cộng hòa Pháp, xin được vào học trường Thuộc địa tại Paris, ngài có suy nghĩ gì về lá đơn xin được học trường Thuộc địa của Nguyễn Tất Thành?
- Cho tôi được hỏi ngài một chi tiết nhỏ.
- Xin mời ngài hỏi.
- Ngài có nhận xét gì về chữ viết, về trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Tất Thành qua lá đơn bằng Pháp ngữ ấy?
- Chữ viết tuyệt đẹp, lời chuẩn, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng. Chứng tỏ sự học của Nguyễn Tất Thành chuyên cần và tài hoa.
- Như ngài thấy ở lá đơn của Nguyễn Tất Thành viết tại: "Marseille le 15 Septembre 1911″. Dấu triện đỏ hình bầu dục đóng trên lá đơn ngày "20 – Septembre 1911″. Vậy là Nguyễn Tất Thành rời cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911 với tên gọi Văn Ba (không phải là anh Ba) nghĩa là vượt qua muôn trùng sóng cả để nghe và hiểu, mà biết… Lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đến nước Pháp in bước chân ban đầu xuống thành phố Marseille. Từ thành phố này, Thành làm đơn xin học trường Thuộc địa với một chủ đích khác chứ không phải "đi du học". Nếu Thành học với lý tưởng ra làm công chức, làm quan để có vợ đẹp, nhà lầu, xe hơi thì Nguyễn Tất Thành đã chịu làm "tờ thú" với khâm sứ Trung Kỳ lúc anh tham gia cuộc đấu tranh của nông dân Thừa Thiên – Huế 1908, sẽ được tiếp tục học và thi tốt nghiệp năm sau đó. Thành biết rất rõ mục đích của trường Thuộc địa Paris là đào tạo ra các ông quan cai trị cho các xứ thuộc địa, tiêu chuẩn hàng đầu phải là con quan từ Nhị phẩm trở lên và trung thành tuyệt đối với mẫu quốc Pháp mới được tuyển vào trường này. Thầy học của Thành là cụ Lê Văn Miến, một trong ba người Việt Nam đầu tiên sang Paris học trường Thuộc địa. Ông Hoàng Trọng Phu, ông Thân Trọng Huề học trường này trở về làm quan rất to, riêng cụ Lê Văn Miến, học xong lại xin học tiếp trường mỹ thuật Paris rồi về dạy học và vẽ tranh sơn dầu.
Nguyễn Tất Thành làm đơn xin vào học trường Thuộc địa là một "thông báo" về nước – Nguyễn Tất Thành con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã có mặt tại nước Pháp "mẫu quốc của dân An Nam!". Cho nên, bỏ vào thùng thư tại Marseille đơn xin học trường Thuộc địa Paris, Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tiếp đến Havre. Các bạn cùng chuyến với Thành tiếp tục phục vụ trên tàu quay trở về Đông Dương… Thành ở lại Havre ít lâu rồi xuống tàu viễn dương khác để "đi xem các nước" và anh đã xuyên qua các đại dương, ghé các bến bờ: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algéria, Tunisie, Libye, các cửa biển Đông Phi, đến Cônggô, sang Anh quốc, sang Mỹ quốc, xuống Nam Mỹ, đến tận Granđe de Ile de terre de feu, xuyên sang Port Elizabeth xuống Sydney, Australia… Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành trở lại London và dừng chân tại đây một thời gian lâu. Qua bao năm tháng ấy, Nguyễn Tất Thành chẳng hề quan tâm đến cái đơn xin học trường Thuộc địa.
Ông J.E.Milner lại đặt tiếp một câu hỏi rất "kẹt" cho tôi:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa (UNESCO) của Liên hiệp quốc tôn vinh trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người: "Vị anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất (…heros de la libération nationale et éminent homme de culture…), một biểu tượng kiệt xuất và quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội (…éminent symbole de I'affirmation nationnale, a consacre toute sa vie à la libération nationale de peuple Vietnamien, contribuant à la lutte commune des peuples pour la paix, I'indépendan nationale, la démocratie et le progrès social…). Tại sao trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một điều tôi cảm nhận như "trái ngược" với cái đức lớn của Người, đó là "…phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác"… Chẳng lẽ Hồ Chí Minh quên đi gặp các vị anh hùng dân tộc tiền bối của mình?
- Tôi chân thành cảm tạ ngài đã cho tôi một lời thẩm luận rất có ý nghĩa và lý thú. Với sự lãnh hội của tôi về vấn đề này thì, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhuần nhuyễn học thuyết Đại Đồng trước khi tiếp nhận học thuyết Mác – Lênin. Người thấy trong học thuyết của các vị Các Mác, Lênin có những vấn đề phải được tiếp tục nghiên cứu… Mà lúc sinh thời Hồ Chí Minh không gặp được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin, cho nên phải "đi gặp các cụ" ở thế giới bên kia. Còn các anh hùng dân tộc tiền bối, Hồ Chí Minh không thấy có điều gì phải "chất vấn" nữa…
Nhà báo, nghệ sĩ điện ảnh J.E.Milner nâng chén rượu.
- Vậy là… có những "ẩn tích Hồ Chí Minh", phải đi tìm như Người đã từng đi vào mọi cuộc đời trên khắp hành tinh của chúng ta… Chúng ta chúc mừng Bác Hồ của bạn, và Bác Hồ của chúng ta – Người hằng sống.
Đặt chén xuống, ông nói giọng tha thiết:
- Tôi đã làm một bộ phim về Việt Nam và đã tặng Bộ Ngoại giao Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Bộ phim Việt Nam của tôi ra không gặp thời điểm lịch sử, ít được hoan nghênh. Nhưng dòng chảy của lịch sử không bao giờ dừng lại… Cho nên, tôi sẽ tiếp tục làm một bộ phim về Hồ Chí Minh. Với tình đồng nghiệp, tôi xin bạn cho tôi được hỏi một lời về nghề nghiệp: Là nhà văn, bạn tiếp nhận điều gì sáng nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh cho sáng tác của mình?
- Tôi luôn luôn nhớ lời của Người: "Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó nhân dân cũng sẽ quên anh ta"…
Con chim cu gáy tự do trên giá sách mở tiếng gáy trưa đồng nội… Mười một giờ. Gặp bữa cơm trưa của gia đình, theo tập tục của Việt Nam và nếp nhà, vợ tôi thành tâm mời vị khách quý từ "viễn quốc" tới cùng ăn bữa cơm đạm bạc với gia đình. Ông J.E.Milner cảm động và ngỡ ngàng giây lát:
- Thưa… bà! Tôi được một vinh hạnh bất ngờ! Đến Việt Nam nhiều lần, lần này tôi mới gặp sự ước mong được ăn một bữa cơm gia đình người Việt Nam. Tôi chân thành cảm tạ lòng hiếu khách của ông bà dành cho tôi. Nhưng tôi lại chưa được cái may mắn hưởng bữa cơm gia đình của một nhà văn Việt Nam. Bởi tôi đã có hẹn dự tiệc của một cơ quan mời 12 giờ hôm nay. Chúng ta còn có dịp tái ngộ, tôi sẽ được như thành ngữ Việt Nam "Cùng đồng bàn đồng bát" với ông bà… Vì tôi sẽ còn làm một bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chúng tôi chia tay ông J.E.Milner trong tiếng vang cu gáy mênh mang thành phố vào xuân!
Sơn Tùng

Thanh Hoá: thiếu đói từ miền xuôi lên miền ngược

SGTT.VN - Đã lâu lắm rồi bà con nông dân nghèo ở các huyện từ miền biển, trung du đến các huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hoá mới phải đối mặt với cái đói trên diện rộng như năm nay. Hàng chục ngàn hộ dân nơi đây đang thiếu đói lương thực.

Chạy ăn từng bữa

Thiếu gạo trầm trọng, nhiều hộ dân ở thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá phải đào khoai ăn độn hàng ngày. Ảnh: An Bình

Chúng tôi về xã ven biển Đa Lộc – điểm nóng trong mùa đói giáp hạt của huyện Hậu Lộc vào những ngày này. Cánh đồng lúa chiêm xuân thời điểm này lẽ ra đang vào thời kỳ làm đòng, nhưng giờ chỉ còn lơ thơ vài gốc rạ. Đồng lúa cằn cỗi bởi vùng đất này nhiễm mặn nặng. Trên nhiều thửa ruộng, đến cỏ cũng không mọc được.

Ông Vũ Văn Đỉnh, phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: vụ chiêm xuân năm 2011, toàn xã gieo cấy được 250ha lúa, nhưng đến thời điểm này đã chết và mất trắng 150ha. Đất nhiễm mặn nặng một phần lớn, còn thêm đợt gieo cấy tết Tân Mão gặp rét đậm, rét hại.

Từ năm 2008 đến nay, năm nào Đa Lộc cũng bị mất trắng gần một nửa diện tích lúa nước và cây màu các loại do đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng. Độ mặn trên diện tích đất nông nghiệp của xã nhiều nơi đã lên tới 5‰. Do bị mất mùa nhiều năm qua, nên hiện nay Đa Lộc có tới 1.500 hộ/2.300 hộ dân đang bị thiếu đói lương thực gay gắt, cần sự cứu trợ của Nhà nước.

Đến thôn Đông Tân, xã Đa Lộc, chúng tôi bắt gặp nhiều gia đình đang phải đào khoai lang non để ăn độn vì thiếu gạo. Gia đình ông Vũ Văn Bản, 64 tuổi cũng hết gạo ăn nhiều tháng nay, do gieo cấy một sào lúa nhưng bị mất mùa hoài. Hàng ngày, ông Bản và vợ phải lăn lộn ở ven biển đi bắt con cáy bán lấy tiền đong gạo. Đã lâu lắm rồi vợ chồng ông Bản không biết đến ăn bữa sáng. Chật vật kiếm tiền cả ngày chỉ đủ mua vài ống gạo. Hai bữa chính, mỗi bữa ông bà chỉ ăn cơm độn khoai lang với canh rau và mắm cáy. Nhiều hôm, hai ông bà phải bấm bụng đi ký nợ gạo ở các đại lý. Có lúc ký nợ nhiều, các chủ đại lý gạo e ngại, vợ chồng ông Bản đành nhịn đói.

Sở Lao động – thương binh và xã hội tỉnh Thanh Hoá cho biết, hiện nay tại 21/27 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực, gồm huyện: Bá Thước 14.072 nhân khẩu, Cẩm Thuỷ 12.671 nhân khẩu, Mường Lát 9.049 nhân khẩu, Quan Sơn 8.200 nhân khẩu, Quảng Xương 21.940 nhân khẩu, Thạch Thành 19.906 nhân khẩu, Ngọc Lặc 16.667 nhân khẩu, Nga Sơn 16.284 nhân khẩu, Tĩnh Gia 15.915 nhân khẩu...

Gia đình bà Vũ Thị Thuận (54 tuổi) cũng ở thôn Đông Tân còn cám cảnh hơn. Ba năm mất mùa triền miên vì hai sào ruộng cấy lúa không có thu hoạch. Không may, năm ngoái chồng bà là ông Nguyễn Văn Minh lại bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, hiện không còn khả năng lao động. Ba đứa con của bà Thuận phải bỏ học giữa chừng, ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền thuốc thang cho bố và mua gạo ăn hàng ngày cho gia đình. "Cả năm nay gia đình tôi phải chạy gạo ăn từng bữa", bà Thuận nói. Cảnh đong gạo ăn từng bữa, bấp bênh đang là nỗi lo thường trực của bà con nông dân ở xã nghèo ven biển Đa Lộc.

Tại các huyện vùng biển khác như Nga Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, các loại cây trồng như lúa, bắp, đậu các loại đều bị chết, hoặc giảm năng suất cũng do đất bị nhiễm mặn nặng. Bên cạnh đó, do giá xăng dầu và vật tư đầu vào tăng cao, nhiều tàu thuyền đánh bắt hải sản nằm bờ, nên bà con ngư dân thiếu gạo ăn là điều khó tránh khỏi.

Còn tại huyện vùng cao Mường Lát – địa phương trọng điểm của thiếu đói lương thực ở Thanh Hoá, ông Lương Văn Bường, chủ tịch UBND huyện cho biết: "Trên địa bàn hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần 1/3 số người của huyện) đang thiếu đói gay gắt. Nguyên nhân chính là đồng bào ở đây thiếu đất sản xuất lúa nước, đất nương rẫy để có thể tự túc lương thực. Toàn huyện hiện chỉ có 560ha đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trên tổng số hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng bắp, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng. Chúng tôi đến xã Mường Lý (huyện Mường Lát) – xã nghèo nhất tỉnh Thanh Hoá với tỷ lệ hộ đói nghèo còn trên 80% khi mùa đói giáp hạt đang ở diện rộng. Bữa cơm trưa của gần 300 em học sinh địa phương trọ học ngay cạnh trường THCS Mường Lý chỉ có cơm gạo xấu ăn với măng rừng, chan nước trắng. Thầy Trần Văn Hào – hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cho biết: "Các em học sinh trọ học cạnh trường chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, nhiều em thiếu gạo ăn..."

Xin cứu trợ

Nhiều thửa ruộng ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá bị nhiễm mặn, lúa chiêm xuân chết hết. Ảnh: An Bình

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Văn Chiến, phó bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho hay, đối với huyện Mường Lát, UBND tỉnh đã giao cho sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành lập đội công tác đặc biệt để giúp Mường Lát phát triển kinh tế – xã hội. Đội công tác này sẽ triển khai ngay việc giúp Mường Lát tập trung khai hoang để mở rộng diện tích đất cấy lúa nước, trồng bắp, lúa nương; lựa chọn các loại cây màu phù hợp, con giống phù hợp hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện phát triển kinh tế, từng bước đảm bảo an ninh lương thực và ổn định đời sống.

Đối với các huyện ven biển có diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng, ảnh hưởng lớn đến cây trồng, UBND tỉnh đã và đang tích cực đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỉ đồng, nhằm dẫn nước ngọt về thau chua, rửa mặn để trong những vụ tới bà con nông dân các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc có thể gieo cấy lúa, trồng các loại cây màu trên diện tích đất nông nghiệp lâu nay bị nhiễm mặn. Hiện nay, nhiều hệ thống thuỷ lợi ở huyện Nga Sơn, Hậu Lộc đã hoàn thành.

Ngày 5.5, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Vương Văn Việt đã ký công văn số 2592/UBND-DTMN gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ gạo cứu trợ nhân dân Thanh Hoá trong thời kỳ giáp hạt năm 2011. Đợt này, tỉnh Thanh Hoá xin Trung ương hơn 2.048 tấn gạo để cứu trợ cho 71.395 hộ (136.574 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực thời kỳ giáp hạt. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương trích ngân sách mua gạo cứu đói cho nhân dân.

bài và ảnh: An Bình

Phát triển du lịch bằng… thang máy ?

SGTT.VN - Ngành du lịch Đà Nẵng đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống thang máy lên ngọn Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn vào hồi đầu tháng 5.2011, với vốn đầu tư gần 20 tỉ đồng.

Có ý kiến cho rằng nếu năm 1857, Elisha Graves Otis ghi danh lần đầu tiên chế tạo ra thang máy công cộng tại một cửa hàng cao 5 tầng ở Broadway thuộc New York thì năm 2011 này, có lẽ lịch sử ứng dụng thang máy lên núi sẽ được "ghi danh" tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam (!?).

Thật biến thành giả

Muốn lên núi, đã có thang máy. Ảnh: Minh Sơn

Danh thắng Ngũ Hành Sơn được lấy làm biểu tượng của thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn có 5 ngọn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trong đó, ngọn Thủy Sơn lớn nhất, trên đỉnh có hai ngôi chùa nổi tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Chùa Tam Thai được xây dưới thời Hậu Lê, được trùng tu lớn dưới đời vua Minh Mạng, hiện nay được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chùa Linh Ứng được xây đời Gia Long, xây thêm vào các đời Minh Mạng, Thành Thái. Muốn lên Tam Thai, du khách phải trèo 156 bậc cấp, lên Linh Ứng thì trèo thêm 108 bậc.

Không riêng gì Đà Nẵng, nhiều di tích, danh lam thắng khi có bàn tay của người làm du lịch hiện nay "thò" vào thì cái thật đôi khi lập tức biến thành cái giả. Di tích thật biến thành di tích dỏm, lễ hội thật biến thành kịch dở...

Có thể rút ra đó chính là kiểu tư duy của không ít người làm du lịch hiện hiện nay. Kiểu tư duy ngắn hạn, với mục đích cao nhất trước mắt là thu hút được càng nhiều "triệu" lượt khách hàng năm càng tốt. Đây chính là sai lầm cho tương lai ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.

Ở Trung Quốc, năm 2010, cơ quan quản lý văn hóa di sản tỉnh Hà Nam giới hạn khách du lịch tới tham quan đài tưởng niệm Đăng Phong với lý do nồng độ CO2 và độ ẩm quá cao sẽ làm hư hại các bức tượng. Núi Vũ Di (di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới) ở tỉnh Phúc Kiến cũng áp dụng hạn chế du khách để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Khu lăng mộ Pharaoh Tutankhamen ở Ai Cập hạn chế du khách vì lý do người đông, không khí ẩm ướt, vi khuẩn ảnh hưởng đến di tích.

Thang máy lên núi được thiết kế hai ca bin, xây dựng song song với vách núi có chiều cao 50m, tải trọng 1.350kg, tốc độ 1,75m/giây, mỗi lượt có thể đưa 18 khách tham quan lên - xuống với giá vé 15.000đồng/lượt.

Ở Việt Nam, đã bao giờ có một quyết định tương tự nhằm bảo vệ di sản bởi nhu cầu "khát" lượt khách của ngành du lịch? Tất cả đều phụ thuộc vào ý thức của cơ quan quản lý di sản, như lãnh đạo đô thị cổ Hội An có lần phát biểu sẽ tới thời điểm phải nghĩ đến việc hạn chế du khách để bảo vệ khai thác lâu dài.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn có lợi thế lớn nhất là cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa tâm linh cần được bảo vệ nguyên vẹn để cho nhiều thế hệ hưởng lợi. Vậy mà, khi đồ án công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (của nhóm kiến trúc sư đại học Kiến trúc TP.HCM) vừa được chính quyền TP.Đà Nẵng phê duyệt thì người làm du lịch đã "kịp thời" làm thang máy cho khách hành hương lên núi mất rồi!

Nguyễn Minh Sơn

Hà Nội hoãn họp phụ huynh vào ngày bầu cử !!!

(Dân Việt) - Ngày 19.5, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị các trường học trực thuộc hoãn tổ chức họp phụ huynh học sinh cũng như các hoạt động khác vào ngày 22.5- ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Trước đó, một số trường học trên địa bàn Hà Nội đã có kế hoạch họp phụ huynh vào ngày 22.5. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh Văn phòng Sở, việc hoãn họp này là để tạo điều kiện cho các đơn vị, trường học trên địa bàn tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục thủ đô cùng phụ huynh học sinh thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Hai nữ giám đốc lừa ngân hàng hơn 1.000 tỷ đồng

(Dân Việt) - Nguồn tin từ Công an tỉnh Đăk Nông ngày 18.5 cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang phối hợp với Cục An ninh tiền tệ và Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam bà Cao Bạch Mai - Giám đốc Công ty TNHH Minh Nhật và bà Trần Thị Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân.

Kết quả điều tra ban đầu đã xác định, trong năm 2009 và 2010, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân đã thế chấp các hợp đồng xuất khẩu giả với đối tác nước ngoài tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông để vay tín dụng ưu đãi xuất khẩu hơn 1.000 tỷ đồng.

Sau khi giải ngân, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam khu vực Đăk Lăk - Đăk Nông không liên lạc được với hai vị giám đốc này để thu hồi gốc và lãi.

Cơ quan điều tra cũng đang xem xét hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu của một số đối tượng khác với vai trò giúp sức cho Mai và Xuân lừa đảo.

Lãnh đạo Cục Hàng VN không tự thấy cần rút kinh nghiệm

Dân Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh cho biết, vụ rắc rối vừa qua cho thấy quyền lợi và nghĩa vụ của hành khách đi máy bay chưa được tuyên truyền đầy đủ, đó là trách nhiệm của Cục Hàng không.

Điểm thứ 7 trong kết luận của Cục Hàng không về vụ việc giữa HLV Lê Minh Khương viết: Cục HKVN cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, về quyền và nghĩa vụ của hành khách khi đi tàu bay để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của hành khách, của xã hội, của ngành; không để các vụ việc đáng tiếc xảy ra.

Ông Lại Xuân Thanh - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Ông Thanh cho biết: Tình huống xảy ra giữa Vietnam Airlines và ông Khương ngày 18.4 là khi máy bay đang nổ máy, chạy lấy đà để cất cánh. Thời gian cất hạ cánh là lúc rất nhạy cảm, trọng yếu đối với an toàn bay. Theo quy định của ngành hàng không hiện nay, khi cửa máy bay đã được đóng, dụng cụ chặn càng máy bay đã được rút thì việc đảm bảo an toàn bay được giao hết cho tổ bay của hãng hàng không.

"Đây là điểm khác biệt giữa vận tải hàng không với các loại hình khác. Nếu đi ôtô, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông có thể dừng xe lại để kiểm tra an toàn, còn máy bay thì không thể. Vì thế, khi máy bay đang trong quá trình bay, ngoài nhiệm vụ là người phục vụ, tiếp viên và tổ lái được giao nhiệm vụ thay mặt nhà nước quản lý, đảm bảo an toàn cho chuyến bay" - ông Thanh nói.

Vì thế, theo ông Thanh trong vụ việc này, xử lý vi phạm hành chính đối với ông Khương là do ông Khương không tuân thủ điều hành của tổ bay, làm ảnh hưởng đến đảm bảo an toàn bay. Còn việc ông Khương không tuân thủ yêu cầu của nhân viên an ninh khi họ lên dẫn giải ông Khương; các hành vi ghì người xuống sàn, níu tay vào ghế hay lăng người của ông Khương không bị xử lý.

Ông Thanh cho rằng, việc tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của hành khách khi đi máy bay chưa được chu đáo và đây là thiếu sót thuộc về Cục Hàng không. "Hiện hành khách chỉ mới nhận thức được quyền lợi, chứ nghĩa vụ của mình khi đi máy bay còn được nhận thức hạn chế. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền để tránh những xích mích giữa hành khách và nhân viên phục vụ của hãng hàng không như vụ việc này" - ông Thanh nói.

"Đảng cử dân bầu": dân chủ đảo ngược?

2011-05-19
VN sắp có Quốc Hội mới vào Chủ Nhật này, nhưng tình trạng "Đảng cử dân bầu" vẫn là mối âu lo của người dân Việt, dù lý thuyết của các văn kiện và tuyên bố của giới lãnh đạo có "màu hồng" như thế nào đi chăng nữa.

RFA photo

Bích chương cổ động bầu Quốc hội 2011


Một dịp trọng đại của Đảng.

Điều 83 trong Hiến Pháp của Nhà nước CHXHCNVN quy định rằng Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân. Và nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước "cao nhất" này thông qua Quốc Hội – và cả Hội đồng Nhân dân – theo như quy định trong Điều 6 Hiến Pháp VN. Do đó, một trong những khẩu hiệu mà giới lãnh đạo VN đề ra là "đi bầu là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân".
Bầu Quốc hội năm 2007
Bầu Quốc hội năm 2007

tình trạng này được lặp đi lặp lại đến lần thứ 13, thì đây có thể nói là một sự đảo ngược về dân chủ

nhà báo Bùi Tín

Nhưng một người khá am tường về "thâm cung bí sử" của Hà Nội là cựu Đại tá Quân đội Nhân dân VN, nhà báo Bùi Tín cư ngụ ở Paris, Pháp Quốc, lại mô tả một bức tranh tương phản về diễn biến 22 tháng Năm này – tức ngày bầu cử Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở VN – diễn biến mà có lần nhạc sĩ Tô Hải mô tả là dịp trọng đại của Đảng để "nhà nhà đều giết gà ăn mừng". Nhà báo Bùi Tín nhận xét:
"Đã trải qua 12 cuộc bầu cử Quốc Hội gọi là "Đảng chọn dân bầu" và đến bây giờ tình trạng này được lặp đi lặp lại đến lần thứ 13, thì đây có thể nói là một sự đảo ngược về dân chủ. Nhân dân bây giờ người ta biết rằng đây là trò bầu cử do Đảng bày ra, không có tí gì gọi là dân chủ cả. Đây là 1 cuộc bầu cử áp đặt. Cho nên kỳ bầu cử Quốc Hội năm nay, người dân không quan tâm gì hết. Nhưng họ buộc phải đi bầu để khỏi bị công an quấy rầy. Chứ thực ra đây đâu phải là "quyền công dân". Do đó làm gì có không khí tranh cử, lựa chọn ứng cử viên xứng đáng như ở các nước khác."

Còn đâu quyền lợi cử tri?

Về vấn đề Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho nguyện vọng của người dân, thì bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước VN, lên tiếng cách nay không lâu tại buổi Hội thảo góp ý về văn kiện Đại Hội Đảng:
...phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri
nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
"Tôi rất xấu hổ khi nói rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, có quyền gì đâu mà bảo là cơ quan quyền lực cao nhất. Thế rồi Đại biểu Quốc hội là đảng viên thì lại không dám phát biểu cái gì theo chính kiến của mình mà lại phải giơ tay đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu là một Đại biểu quốc hội, vừa là đảng viên vừa là Đại biểu quốc hội thì trong con người đó hoàn toàn mâu thuẫn, tức là không đảm bảo được quyền lợi của cử tri mà phải thực hiện vai trò đảng viên của mình. Và có thể lúc ấy là phải hy sinh cái quyền lợi của cử tri."
Qua bài "Bầu cử Quốc Hội, người dân cần làm gì" được Blog Dân chủ-Nhân quyền cho VN phổ biến, tác giả Nguyễn Thanh Văn mô tả rằng Đảng đã đạo diễn 1 "trò hề bằng danh sách ứng cử viên" do Đảng cử để dân bầu. Tác giả đi vào chi tiết rằng:
"Từ trò hề danh sách "ứng cử viên" như vậy, đến ngày bầu cử công an và dân phòng lùa dân đi bầu (kể cả đi bầu dùm), hoặc đưa thùng phiếu đến tận nhà, để đạt chỉ tiêu "100% người đi bầu". Dù lá phiếu có bầu cho ai đi nữa thì đương nhiên khâu kiểm phiếu vẫn là khâu độc quyền của đảng để trước sau gì cũng có những "đại biểu quốc hội trúng cử" với số phiếu ngất ngưởng từ 90 đến 100 phần trăm, làm thành một quốc hội bù nhìn rất đúng nghĩa của đảng."

Điều hy hữu: Quốc hội của Đảng.

Trong mấy ngày qua, trên mạng nhật ký phổ biến bài "Tại sao lần này đảng ta phải đưa toàn thể Bộ Chính Trị vào Quốc Hội?", qua đó tác giả Đặng Kim Tân bày tỏ ngạc nhiên rằng "Điều lạ lùng này nghe nói chưa từng gặp trong suốt cả 12 lần bầu cử trước đây và cũng là trong cả 66 năm đảng CS cầm quyền ở Việt Nam. Lạ hơn nữa, trên thế giới cũng chưa có nước CS nào từng một lần làm như vậy. Tóm lại đây là điều hi hữu duy nhất mà thế hệ chúng ta may mắn chứng kiến để kể lại cho con em mình".
Bích chương cổ động bầu Quốc hội 2011
Bích chương cổ động bầu Quốc hội 2011

Về vấn đề này, nhà báo Bùi Tín nhận xét:  "Không những tất cả Bộ Chính Trị đều trong Đại biểu Quốc Hội mà có tới 26 Bộ trưởng, rồi Thủ tướng và Phó Thủ tướng đều trong Quốc Hội cả. Trong khi ở các nước, họ đều tách lập pháp riêng, tư pháp riêng và hành pháp riêng, Quốc hội riêng, Chính phủ riêng. Do đó Quốc Hội mới kiểm soát được chính phủ. Đàng này vừa đá bóng vừa thổi còi, tức là vừa là Quốc hội, vừa là Chính phủ, vừa là Đảng luôn. Do đó đây là chế độ độc quyền, không có gì gọi là dân chủ."
...Mà trong Quốc Hội đó, số đảng viên hơn 90% trong khi tổng số đảng viên chỉ có 3 triệu trên 87 triệu dân, tức chiếm chưa tới 3 % dân số VN

nhà báo Bùi Tín

Vẫn theo nhà báo Bùi Tín thì như vậy, đây quả là Quốc hội của Đảng chứa không phải của nhân dân. Vì sao ? Ông Bùi Tín giải thích: "500 Đại biểu Quốc Hội sắp sửa bầu ở trong nước không phải do nhân dân chọn ra, mà do Bộ Chính Trị chọn ra rồi ép uỷ ban của Mặt trận Tổ quốc các địa phương đồng ý để ép cho nhân dân bầu. Mà trong Quốc Hội đó, số đảng viên hơn 90% trong khi tổng số đảng viên chỉ có 3 triệu trên 87 triệu dân, tức chiếm chưa tới 3 % dân số VN. Như vậy đó là Quốc Hội của đảng, chứ có phải của nhân dân đâu."
Theo Điều 2 trong Điều Lệ Đảng CSVN thì các đảng viên phải "Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng." Vì vậy mới có quan ngại rằng các ông, bà nghị đảng viên này "ngồi làm kiểng, và gật đầu với các chủ trương và đường lối của đảng".

Không thể muối mặt, làm ngơ.

Tuy nhiên, có những ý kiến, chẳng hạn như bài blog "Tại sao lần này đảng ta phải đưa toàn thể Bộ Chính Trị vào Quốc Hội?", vẫn hy vọng rằng "Dù đảng viên có chiếm tuyệt đa số trong QH, nhưng ngày càng nhiều người trong số họ vẫn không thể quá trơ tráo - bất chấp nguyện vọng nhân dân - để mà muối mặt bỏ phiếu thông qua những chủ trương "ích đảng, hại dân".
Theo blogger Đinh Tấn Lực thì "Quốc Hội là tấm gương phản ánh lòng dân trước những nguy cơ đối với cả dân tộc, chắc chắn không thể nào làm ngơ khi nhân dân đang đau đáu ưu lo về một cái lưỡi bò đang liếm sạch mặt tiền Đông Hải của đất nước, và lăm le đến cả mặt hậu Tây Nguyên nữa. Cũng không thể nào làm ngơ về các lãnh vực chủ quyền độc lập xương máu của toàn dân được giao cho ngoại bang toàn quyền quản trị".


Dùng bằng giả vẫn giữ chức chủ tịch xã

(Dân Việt) - Người dân xã Yên Lạc, huyện Yên Định, Thanh Hóa vừa có đơn thư gửi các cơ quan báo chí phản ánh việc ông Trịnh Trung Duy sử dụng bằng tốt nghiệp THPT giả vẫn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc.

Quá trình điều tra, ông Ngô Ngọc Khanh – Chánh Thanh tra huyện Yên Định cho biết: Tháng 8.2010, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ, Ban Thường vụ huyện Yên Định yêu cầu ông Trịnh Trung Duy cung cấp lý lịch, văn bằng của cá nhân và các tài liệu liên quan để hoàn thiện hồ sơ quản lý cán bộ.

Ông Trịnh Trung Duy - Phó Bí thư Đảng ủy,Chủ tịch UBND xã Yên Lạc.


Do không có bằng tốt nghiệp THPT, ông Duy đã lấy bằng của người khác rồi dán ảnh, thay tên của mình vào và đem photocopy, đóng dấu công chứng "sao y bản chính" lên tấm bằng giả để nộp lên cấp trên. Tuy nhiên, việc làm giả bằng tốt nghiệp THPT của ông Duy đã bị cán bộ tiếp nhận hồ sơ huyện Yên Định phát giác.

Sau đó, ông Trịnh Trung Duy đã thừa nhận toàn bộ hành vi làm giả bằng tốt nghiệp THPT của mình trước cơ quan chức năng huyện Yên Định.

Tháng 9.2010, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Yên Định đã có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trịnh Trung Duy với hình thức cảnh cáo vì: "Đã có hành vi sử dụng bằng bổ túc văn hóa cấp ba photocopy không có bằng gốc để làm hồ sơ nhân sự cấp ủy khóa 2010 – 2015. Đây là việc làm thiếu trung thực, đối phó với tổ chức, vi phạm phẩm chất, đạo đức, làm ảnh hưởng đến uy tín người cán bộ...".

Ngày 16.1.2004, Bộ Nội vụ có Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ công chức xã, phường, thị trấn. Theo đó, yêu cầu về trình độ học vấn đối với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND cấp xã là phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ông Duy đã bị kỷ luật vì sử dụng bằng giả. Song, khi tiến hành Đại hội Đảng bộ xã, không hiểu vì sao Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Định vẫn "ưu ái" cho ông Duy đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc(?!).

Giải thích việc ông Trịnh Trung Duy dùng bằng giả vẫn được "đặc cách" đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, bà Ngô Thị Hoa – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Định, cho biết: "Việc Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý theo hình thức cảnh cáo là phù hợp. Sau khi xử lý kỷ luật về mặt Đảng, thì phải chuyển hồ sơ sang chính quyền để xử lý tiếp. Tuy nhiên, việc chuyển hồ sơ sang chính quyền là hơi chậm, hiện nay chúng tôi vẫn đang tiến hành xử lý tiếp".

Cũng theo ông Ngô Ngọc Khanh – Chánh Thanh tra huyện Yên Định: Đến thời điểm hiện tại, ông Trịnh Trung Duy - Chủ tịch UBND xã Yên Lạc vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT.