Trong thời kỳ 1930-1945 khi đất nước đang trong tình trạng bị đô hộ của chính quyền thực dân Pháp, người dân Việt Nam bị hứng chịu nhiều tầng lớp áp bức bóc lột và khi nhiều phong trào đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước bị thất bại thì Đảng Cộng Sản Việt Nam với tư duy lý luận của Mác-Lênin đã ra đời và là cứu cánh cho cuộc đấu tranh dành độc lập cho dân tộc. Người dân Việt Nam đã tin và chọn con đường giải phóng dân tộc dựa vào Đảng Cộng Sản là vì họ tin vào một xã hội tốt đẹp trong tương lai với viễn cảnh của một nhà nước XHCN không còn sự bóc lột và mọi người đều được hưởng quyền lợi bình đẳng, và rằng đó là một xã hội ưu việt hơn hết thảy các mô hình xã hội trước đó.
Nhưng thực tế là thế nào?
Về mặt đời sống xã hội
Tin tưởng vào tương lai và sự đúng đắn về đường lối, người dân Việt Nam đã lao vào cuộc đấu tranh cách mạng và bảo vệ thành quả cách mạng đó bằng 30 năm chiến tranh liên miên. Tưởng rằng sau khi hoà bình lặp lại, non sông thu về một mối một cuộc sống trong mơ sẽ được mở ra, nhưng đã 31 năm rồi Việt Nam vẫn là một trong những nước có nền kinh tế nghèo nhất trên thế giới, nền khoa học kỹ thuật bị tụt hậu so với các nước trong khu vực và một trong những tệ hại nhất là người dân Việt Nam đã phải sống trong một bầu không khí chính trị khủng khiếp. Họ đã mất đi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tham gia hoạt động chính trị, mọi hành vi sinh hoạt bình thường của con người đều chịu sự giám sát của hệ thống chính trị rắc rối phức tạp và nhiều tầng nhiều lớp. Lứa tuổi nhi đồng thì có tổ chức Đội, thanh thiếu niên thì có Đoàn, và cuối cùng là Đảng.
Điều 69 của Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam có viết "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật." Nhưng thực tế là tại điều luật về xuất bản, phát hành báo chí SỐ 30/2004/QH11 NGÀY 03 THÁNG 12 NĂM 2004 lại quy định rằng Nhà nước quản lý việc xuất bản pháp hành báo chí thông qua Bộ Văn Hoá Thông Tin và không cho phép xuất bản lưu hành các ấn phẩm văn hoá có nội dung tư tưởng làm tổn hại đến Tổ Quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Tại sao lại là Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà không phải là một Nhà nuớc khác của nhân dân Việt Nam? Là bởi vì nhà nước Việt Nam XHCN là một nhà nước chịu ảnh hưởng lãnh đạo của Đảng Cộng Sản với đường lối của chủ nghĩa Mác-Lênin chứ không phải là một Đảng phái chính trị nào khác.
Luật pháp Việt Nam cũng không hề quy định việc cấm không cho phép thành lập các Đảng phái chính trị. Tuy nhiên nếu những tổ chức Đảng phái chính trị khác được thành lập thì không được Nhà nước chấp nhận và coi đó là vi phạm pháp luật và thẳng tay đàn áp bởi lực lượng vũ trang mà vẫn tự xưng là CAND vốn sinh ra để bảo vệ nhân dân. Chính vì vậy việc quy định của luật pháp Việt Nam là dựa trên cơ sở là bảo vệ cho Nhà nước XHCN và Đảng Cộng Sản chứ không phải là vì lợi ích của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Cũng chính vì những lý do đó mà những ngôn luận, báo chí, thông tin vạch ra những sai lầm của Đảng Cộng Sản và sự yếu kém của Nhà nước XHCN đều bị coi là không hợp pháp. Các báo chí ở Việt Nam hiện nay đều có chung một tư duy lý luận, internet bị ngăn chặn kiểm duyệt. Theo uỷ ban điều tra quốc tế về kiểm duyệt thông tin Internet 90% những rào cản của các nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam nhắm trang web có nội dung chính trị có những quan điểm trái với Đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam XHCN.
Điều 70 của Hiến Pháp cũng nói rõ: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên những nguời dân theo đạo thì bị phân biệt đối xử trong xã hội, một bằng chứng điển hình đó là những người phục vụ trong lực lượng vũ trang không được phép kết hôn với những người theo đạo và có tín ngưỡng không trùng với quan điểm của Đảng Cộng Sản. Các nhà truyền giáo ở Việt Nam hiện nay nếu không có tư tưởng truyền bá tư tưởng của Đảng Cộng Sản đều bị những chính quyền địa phương gây khó khăn khi tham gia công tác truyền đạo.
Điều 74 của Hiến Pháp quy định về quyền lợi của nhân dân về quyền tố cáo, khiếu nại "Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.
Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác". Nhưng thực tế những khiếu nại, tố cáo của nhân dân cho đến nay chưa bao giờ được giải quyết thoả đáng. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp là những hiện tượng hết sức phổ biến hiện nay. Không những thế những người khiếu nại tố cáo còn bị trù dập, đe doạ và triệt tiêu nguồn công ăn việc làm để mưu sinh cuộc sống.
Điều 75 của Hiến Pháp cũng quy định "Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Nhà nước tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước." Tuy nhiên, những hiện tượng các công nhân Việt Nam đi lao động tại nước ngoài bị đánh đập, những phụ nữ Việt nam ra nước ngoài để sinh sống bị hành hạ ngược đãi, và bị rao bán như những món hàng thì Chính Phủ Việt Nam không hề có lời phát ngôn cũng như bất kỳ một động thái bênh vực bảo vệ nào.
Đời sống chính trị
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sử dụng một hệ thống chính trị nhiều tầng nhiều lớp để chi phối hầu hết các hoạt động xã hội. Từ các doanh nghiệp kinh tế, cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, đến các lực lượng vũ trang đều có các tổ chức Đảng bộ, Đảng uỷ mà các thành phần cốt cán của những tổ chức này hầu hết là những người giữ chức vụ quan trọng trong chính các cơ quan đoàn thể ấy. Sự chi phối của Đảng Cộng Sản đã cho thấy được vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng Sản lên hầu hết tất cả các mặt xã hội của đất nước Việt Nam. Các cuộc họp của Đảng không hề có bất kỳ một sự quan sát và giám sát nào của nhân dân hay các tổ chức chính trị khác do vậy sự lấy ý kiến dân chủ từ quần chúng nhân dân là không hề có, nếu có cũng chỉ là một hình thức công bố dự thảo và yêu cầu góp ý mà không có sự công khai thật sự những kết quả lấy ý kiến này.
Về quyền được ứng cử và bầu cử có viết: "Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật". Tuy nhiên một thực tế cho đến nay vẫn xảy ra trong các kỳ bầu cử tại Việt Nam đó là công dân Việt Nam tại mỗi địa phương hay cơ quan làm việc của mình không hề được tiếp xúc đại biểu của mình, lắng nghe những chính sách, mục tiêu và phương pháp thực hiện của đại biểu và tự lựa chon cho mình một đại biểu xứng đáng. Trái lại hầu hết những cử tri tại Việt Nam đều phải bỏ phiếu cho những người mà mình không biết, không được tiếp xúc và không thể là đại biểu để bênh vực cho quyền lợi của mình. Những đại biểu ở Hà nội có thể được đưa vào Kiên Giang để bầu. Sau cùng, kết quả bỏ phiếu chưa bao giờ được công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng mà thay vào đó là công bố người đã đắc cử.
Quyền lợi giáo dục
Điều 59 hiến pháp quy định về quyền lợi giáo dục "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí. Công dân có quyền học văn hoá và học nghề bằng nhiều hình thức. Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Nhà nước có chính sách học phí, học bổng.
Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp."
Nhưng thực tế là nhiều trẻ em vẫn không đủ điều kiện để đi học đặc biệt là những trẻ em vùng sâu vùng xa. Tỷ lệ mù chữ ở Việt nam vẫn là 7% nghĩa là cả nước có 5.810.000 người không biết đọc biết viết. Tệ nạn học phụ đạo vẫn diễn ra, sách giáo khoa cho cấp phổ thông luôn thay đổi và gặp phải những sai sót nghiêm trọng bởi cách soạn thảo giáo trình. Học phí của các trường Đại Học quá cao và nhiều sinh viên khi vượt qua các kỳ thi tuyển sinh đã phải bỏ học, trong khi những sinh viên theo học thì chỉ học nặng về lý thuyết mà không được thực hành do thiêu thốn các thiết bị thí nghiệm.
Quyền lợi chăm sóc sức khoẻ
Cũng trong Hiến Pháp quyền lợi được chăm sóc sức khoẻ đã quy định "Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khoẻ. Nhà nước quy định chế độ viện phí, chế độ miễn, giảm viện phí. Công dân có nghĩa vụ thực hiện các quy định về vệ sinh phòng bệnh và vệ sinh công cộng. Nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc phiện và các chất ma tuý khác. Nhà nước quy định chế độ bắt buộc cai nghiện và chữa các bệnh xã hội nguy hiểm."
Nhưng thực tế là có rất nhiều trường hợp những người nông dân Việt Nam khốn khó đã không có đủ tiền để chữa bệnh. Các bệnh viện đã không hề có sự hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, tình trạng vì chưa có tiền đóng viện phí mà không được chữa trị diễn ra phổ biến ở các bệnh viện. Nhiều bệnh nhân có thể cứu sống được nhưng đã phải chết trong bệnh tật chỉ vì không có được một khoản tiền để nộp viện phí và mua thuốc trị bệnh. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 68 tuổi. Song song với việc chăm sóc sức khoẻ đó là tình trạng không kiểm soát được tệ nạn nghiện ma tuý, các nạn nhân của ma tuý và căn bệnh thế kỷ HIV đang ngày một tăng cao khiến nhiều tổ chức chăm sóc sức khoẻ trên thế giới quan ngại.
Quyền được lao động
Con người ở bất cứ đâu trên thế giới này sinh ra đều được có quyền lao động tuy nhiên tình trạng thất nghiệp trong cả nước là 6%. Ở các thành phố lớn những sinh viên tốt nghiệp ra trường tình trạng không nhận được việc làm đúng với năng lực trình độ là phổ biến, những người nông dân ở các miền quê nghèo đổ lên thành thị không kiếm được công ăn việc làm, tạo nên các tình trạng tệ nạn xã hội tăng cao. Những người lao động cho các doanh nghiệp sản xuất tư nhân và nước ngoài tại Việt Nam bị bóc lột tàn tệ mà không hề có sự bảo vệ của các tổ chức công đoàn.
Người dân Việt Nam mà phần lớn là thành phần nông dân với tư duy và trình độ lý luận thấp kém đã đi theo Đảng Cộng Sản với hy vọng có một cuộc sống ấm no, được hưởng một chế độ xã hội tự do, dân chủ, công bằng văn minh, ấy thế mà đã 31 năm rồi kể từ khi sau khi chiến tranh chấm dứt tại Việt Nam, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo và tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Với 30 năm nước Nhật và Đức là 2 nạn nhân chiến tranh bị thiệt hại nặng nề nhưng đã vươn lên thành những cường quốc trên thế giới. Tại sao mãi mãi là Đảng Cộng Sản? Tại sao một nhà nước ưu việt như vậy mà các nước XHCN ở đông âu lại xoá bỏ? Tại sao người dân Việt Nam không có quyền được công khai công kích, chỉ trích những sai trai và yếu kếm của Đảng Cộng Sản? Tại sao người dân Việt Nam không có quyền tự chọn cho mình một tư duy mới, luồng tư tưởng mới? Tại sao trong Hiến Pháp Đảng Cộng Sản đại diện cho toàn thể nhân dân lao động Việt Nam lại bao gồm cả những giai cấp tư sản và giai cấp vô sản vốn là 2 giai cấp có mâu thuẫn đối kháng? Là bởi vì Đảng Cộng Sản đã để lộ rõ ý chí muốn nắm quyền cai trị đất nước một cách vĩnh viễn và mang Tổ Quốc Việt Nam để phục vụ cho một bộ phận nhỏ nhũng người lãnh đạo cao cấp.
Mỗi một thể chế chính trị chỉ có thể bênh vực cho quyền lợi của đại đa số người dân của một đất nước chứ không thể là tất cả. Thể chế chính trị nào bộc lộ sự yếu kém thể chế chính trị đó cần phải bị đào thải để đại đa số nhân dân có thể lựa chọn cho mình một thể chế chính trị ưu việt nhất trong từng thời điểm lịch sử phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại và cho sự phát triển trong tương lai. Một nền chính trị đa nguyên lúc này tại Việt Nam là cần thiết và hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của nhân loại tiến bộ.
Trọng Tín
Kyoto, Nhật Bản
Kyoto, Nhật Bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét