TT - Làng cổ đầu tiên được công nhận di tích quốc gia đang ngày càng trở nên không khác ngàn vạn cái làng tân kỳ khác, chỉ khác là người dân... kêu quá khổ. Hai khu phố cổ gắn liền với di sản văn hóa thế giới cũng đang đứng trước câu hỏi khổ ải: gìn giữ hay không gìn giữ...
|
Từ trục đường chính qua trung tâm làng cổ Đường Lâm có thể nhìn thấy lớp lớp nhà cao tầng - Ảnh: Nguyễn Mỹ |
Chưa bao giờ làng Việt cổ Đường Lâm lại ầm ĩ với một vụ cưỡng chế dỡ nhà của dân gây bức xúc như gần đây (Tuổi Trẻ ngày 18-12-2010). Như giọt nước tràn ly, nó làm lộ ra quá nhiều bất cập của một di tích quốc gia đang được quản lý một cách "được chăng hay chớ".
Đầu tháng 1-2011 chúng tôi trở lại làng Việt cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), chứng kiến cảnh bà Hà Thị Khanh vẫn đôn đáo đi kêu cứu, kiến nghị về việc ngôi nhà trị giá gần 800 triệu đồng của bà đã bị phá dỡ. Nhà bà Khanh hiện nay bị vỡ toang hoác, vôi vữa, gạch ngói tanh bành, mưa nắng xuyên qua cầu thang lên tầng 2 (đã bị phá ở phía trên) cứ thế thốc vào giữa nhà, nợ nần chồng chất.
Nhiều người sống trong nhà 2, 3 tầng trong xã cứ như đứng ngồi trên... đống lửa, bởi phong thanh nghe tin chính quyền sẽ tiếp tục phá dỡ các ngôi nhà vi phạm "quy chế tạm thời", "chỉ cho phép xây nhà cấp bốn và vật liệu truyền thống".
Dân xin trả lại danh hiệu làng Việt cổ
Bà Khanh bị cơ quan chức năng quyết liệt phá dỡ nhà trong gần ba ngày. Gặp chúng tôi, nhiều người làng "đến xem cảnh phá nhà" đã cùng nhau "hô" lại cái kiến nghị bức xúc lúc nhà bà Khanh bị phá dỡ, rằng: Chúng tôi xin trả lại cho Nhà nước danh hiệu nhà cổ làng cổ, bởi 4-5 năm qua, kể từ khi được "vinh danh" là di tích quốc gia, ngoài tám ngôi nhà được trợ cấp vài trăm nghìn đồng/hộ/tháng thì hàng trăm hộ khác không ai được hưởng lợi gì. Đến việc xây nhà để ở cũng không được xây!
Theo điều tra của chúng tôi và theo thừa nhận của chính cán bộ văn hóa ở địa phương: trước, trong và sau khi bà Khanh làm nhà, bị cưỡng chế dỡ một phần nhà; nhiều người vẫn cứ đập nhà cũ xây nhà mới. Có ngôi nhà đầu tháng 1-2011 này vẫn đang xây dở dang, đỏ ối, 2-3 tầng.
Ngay từ cổng làng cổ nhìn vào, nhìn góc nào cũng ngất nghểu nhà cao tầng, hiện đại. Thế cho nên bà Khanh có lý do kêu cứu là bà bị xử ép.
Việc chấn chỉnh quy hoạch, nghiêm khắc bảo vệ không gian làng cổ là hết sức cần thiết, nhưng cơ quan chức năng cần làm việc có tình, có lý, thống nhất quan điểm hơn để người dân có thể tâm phục khẩu phục.
Báu vật bị "bỏ quên"
Xã Đường Lâm có chừng 1 vạn dân, chia làm năm thôn, chỉ có khoảng tám ngôi nhà cổ thật sự mở cửa đón khách. Như vậy, mỗi thôn chỉ có vài ngôi nhà cổ được phát tiền "quét mạng nhện" và trà nước tiếp khách du lịch, mức tiền cũng chỉ 150.000 đồng/tháng/hộ (chỉ có hai hộ được mức cao nhất là 400.000 đồng/tháng).
Hàng trăm hộ khác có thể nói hầu như không được hưởng lợi gì từ việc di tích quốc gia quê mình mở cửa đón du khách nườm nượp.
Trong khi đó quỹ đất ở tại Đường Lâm cực kỳ eo hẹp. Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được công nhận di tích cấp quốc gia (đến nay cả nước chỉ có hai ngôi làng được công nhận di tích quốc gia là Đường Lâm và Phước Tích, Thừa Thiên - Huế). Theo đó, làng cổ Đường Lâm là nét son văn hóa, là không gian kiến trúc, không gian văn hóa lịch sử tâm linh tiêu biểu, kết tinh nghìn năm của nền văn minh người Việt ở châu thổ Bắc bộ.
Một trong những điểm đáng nói của làng là nhà cửa san sát, đường trong làng theo hình xương cá, dân cư quần tụ sum vầy, mỗi nhà chỉ 200-300m2 đất ở. Diện tích đó là quá nhỏ hẹp với nông thôn.
Vì thế từ đầu những năm 1990, khi nhiều chuyên gia văn hóa lịch sử lên nghiên cứu về Đường Lâm, họ đã cảnh báo cần phải có thiết chế nghiêm túc trong xây dựng, cần có quy chế giãn dân, bảo tồn nhà cổ, kẻo khi được Nhà nước công nhận di tích quốc gia thì làng chỉ còn cái... tên "làng cổ".
Nhưng suốt hai thập niên qua, phải nói rằng việc cần làm nhất là bảo tồn nhà cổ, đường ngõ cổ, cây cổ thụ, không gian biểu trưng của nền văn minh lúa nước đang có ở Đường Lâm... đã bị bỏ quên. Người dân ồ ạt xây nhà cửa theo hình chóp nhọn, chóp củ hành, nhà ống, nhà kính. Người nơi khác về đầu cơ đất đai ở làng cổ gây nên bao chuyện thị phi.
Quá nhiều bất cập trong quản lý
Một cán bộ văn hóa ở Sơn Tây rất tâm huyết khi trả lời phỏng vấn với chúng tôi: năm 2005 làng cổ Đường Lâm được công nhận di tích quốc gia, đến khoảng năm 2007 quy chế tạm thời về quản lý nhà cổ mới ra đời. Đặc biệt, từ khi ra đời, cán bộ di tích và cán bộ xã cũng chỉ làm mỗi việc là đi nhắc nhở rồi lập biên bản yêu cầu người ta đừng xây nhà cao tầng, hãy xây nhà bằng vật liệu truyền thống. Trong khi để làm được nhà bằng gỗ (vật liệu truyền thống ở làng cổ) thời buổi này chỉ có tỉ phú mới dám đầu tư.
Đặc biệt, sau khi nhắc nhở, lập biên bản, bà con không nghe thì cán bộ cũng đành chịu. Chưa có một vụ cưỡng chế hay phá dỡ công trình vi phạm nào được tiến hành, chưa một giấy phép xây dựng nào được cấp, người dân làm đơn xin xây dựng hay sửa sang, cán bộ không trả lời... họ cũng chỉ biết tự an ủi mình "phải chịu đựng thôi, mình là công dân làng Việt cổ mà". Bao bức xúc cứ nung nấu cho đến khi xảy ra vụ phá dỡ nhà bà Khanh như vừa qua.
Đến nay, suốt nhiều năm qua chưa có ngôi nhà nào xây mới ở Đường Lâm mà có giấy phép cả. Cán bộ cũng không biết rõ nếu tiến hành cấp phép thì đơn vị nào sẽ đứng ra cho phép?
Người ta đã bàn quá nhiều về việc cần có chính sách giãn dân, cấp đất, cấp tiền cho dân giữ gìn nhà cổ, kiến trúc làng cổ, đồng thời cuộc sống của họ phải dễ chịu hơn; tuy nhiên những "hội thảo" này mới chỉ dừng lại trên bàn giấy.
Có thể nhìn nhận rộng hơn về quá nhiều bất cập ở làng Việt cổ Đường Lâm. Di tích quý của làng "được" trùng tu cẩu thả, đến mức lệch cả hướng đình, lát gạch, lợp ngói, vì kèo sai khiến người dân kêu ca (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã thừa nhận sai sót của đơn vị trùng tu).
Chưa kể nhiều người, chủ yếu đến từ Hà Nội, biến một phần di tích trở thành "nghĩa địa của người thành phố" với các mộ phần giữ và kinh doanh đất "của người âm". Người dân tự ý treo biển "nhà cổ" rồi tranh giành khách du lịch, nói xấu, khích bác nhau, biến Đường Lâm thành một cái chợ xô bồ. Rất nhiều ngôi nhà cổ bị biến thành nơi nấu cơm thuê cho khách du lịch, rượu bia chè chén đêm ngày...
Đặc biệt đáng sợ là ở đình làng, nóc di tích thiêng liêng, người ta còn treo biển "Quán cơm quê", ở Xích hậu (một kiến trúc tuyệt đẹp) cũng dựng biển "Có phục vụ WC - vệ sinh". Nạn chèo kéo khách, ăn xin, bán hàng rong gây xấu mỹ quan và làm rầu lòng du khách về "thái độ ứng xử thị dân" của người làng cổ trong thời đại nhà nhà làm du lịch.
Đó thật sự là nỗi buồn lớn ở di tích quốc gia làng Việt cổ Đường Lâm lâu nay.
Đi xuyên làng, không nhận ra làng | Kiến trúc cổ ở Đường Lâm liệu còn bao nhiêu dấu vết? - Ảnh: Diệu Tâm |
Người tâm huyết với làng Việt cổ Đường Lâm đều đau khổ nhận ra làng mình đã bị biến thành một cái làng tân kỳ "kim cổ giao duyên". Nhiều du khách gửi xe ngoài cổng làng (hai cái cổng đều bị chặn thu vé, 15.000 đồng/người/lượt vào; xe máy 5.000 đồng/ lượt, ôtô 15.000-20.000 đồng/lượt...), đi bộ xuyên qua làng rồi vẫn hỏi người làng Mông Phụ: "Thưa cụ, cháu hỏi thăm đường đi thăm nhà cổ ở làng cổ Đường Lâm ạ". Bà con bảo: "Bác đi hết làng tôi rồi mà không trông thấy nhà cổ ư?". Điều bị bà con thắc mắc nhiều nhất vẫn là "đường đi" của số lượng tiền không nhỏ có được từ việc thu vé vào làng cổ. Cán bộ ban quản lý di tích làng cổ giải trình với báo chí và người dân rằng: vài trăm triệu đồng doanh thu mỗi năm kia (đã thu được hơn ba năm) chỉ đủ để nuôi bộ máy thu tiền, rồi chi cho hơn chục ngôi nhà cổ mỗi hộ vài trăm ngàn đồng/tháng. Thu vé du lịch làng cổ chỉ để nuôi người thu vé thế thì lập "trạm thu phí" để làm gì? |
NGUYỄN MỸ - DIỆU TÂM
---------------------------------------------
Kỳ sau: Phố cổ... bị treo
Ở cố đô Huế, hai khu phố cổ Gia Hội và Bao Vinh đang trong tình cảnh lụi tàn, phần lớn người dân không muốn làm dân phố cổ vì quá bất tiện...