Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam nay đang ở vào giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khi nước ngày gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, tức WTO, và đang xúc tiến đàm phán Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP. Đó là giai đoạn mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam chú trọng đến thị trường toàn cầu nhiều hơn. Từ Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên Tấn Chương của ban Việt ngữ đài VOA có các ghi nhận trong bài tường trình sau đây.
Hình: VOA - Tấn Chương
Tin liên hệ
Ðường dẫn liên hệ
Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển vượt bật kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ cách đây 15 năm.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton nói: "Rõ ràng mức độ hợp tác giữa hai nước đã đạt đến mức mà chỉ vài năm trước đó ít ai có thể tưởng tượng nổi. Trong trao đổi thương mại, hai nước đã đạt được những tiến bộ lớn. Cách đây 15 năm trao đổi thương mại song phương đạt khoảng 415 triệu đôla, năm ngoái con số này đã tăng lên đến 15 tỉ đôla. Tôi vừa trao đổi với các nhà lãnh đạo Việt Nam về cách thức mở rộng các mối quan hệ thương mại, trong đó có Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương, gọi tắt là TPP (Trans Pacific Partnership). Hoa Kỳ, Việt Nam và các nước khác vừa kết thúc vòng đàm phán TPP thứ ba. Và chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình nội bộ và tham gia hiệp định với tư cách thành viên đầy đủ."
Tiếp theo sau việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới, tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái bình dương sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đi vào thị trường toàn cầu cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Và đó cũng chính là mục tiêu mà các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam nhắm đến.
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Các doanh nghiệp Mỹ đang ở vào làn sóng đầu tư thứ ba vào Việt Nam."
Ông Cochran giải thích: "Làn sóng thứ nhất là giai đoạn từ năm 1995 đến 2000, khi các công ty sản xuất hàng tiêu dùng như Procter & Gamble, Coca-Cola, Pepsi-Cola v.v. thành lập cơ sở ban đầu tại Việt Nam cho các kế hoạch phát triển kế tiếp với mục tiêu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa tại thị trường Việt Nam."
Ông Cochran nói tiếp: "Làn sóng đầu tư thứ hai diễn ra tiếp theo sau Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ. Hiệp định này giảm thuế đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ từ mức trung bình là 45% xuống còn trung bình khoảng 3%. Ở làn sóng đầu tư thứ hai này, chúng ta thấy các nhà máy đối tác - không phải là các công ty của Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, hay Nhật Bản, mà là các công ty đối tác chiến lược lâu dài của các hệ thống bán lẻ của Hoa Kỳ – đầu tư vào Việt Nam. Các nhà máy này sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, như hàng dệt may, da giày hay đồ trang trí nội thất. Các nhà máy này chiếm khoảng hai phần ba xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ, tương đương với khoảng 8 tỉ đôla một năm."
Ông Cochran nói: "Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng tôi tiến vào làn sóng đầu tư thứ ba. Các công ty chú trọng đến các nhà máy sản xuất hiện đại. Họ là những công ty của Hoa Kỳ xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm của họ làm ra cũng có tiêu thụ tại Việt Nam, nhưng chủ yếu xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Công ty đầu tiên là Intel. Họ công bố đầu tư vào năm 2006, và hồi cuối tháng trước, họ đã khánh thành nhà máy trị giá một tỉ đôla, và họ sẽ xuất khẩu vào thị trường toàn cầu. Những công ty tương tự như vậy cũng đã tìm hiểu Việt Nam. Chúng tôi đã tiếp khoảng 25 công ty có tên trên danh sách Fortune 500. Các lãnh đạo ở cấp tổng giám đốc đã đến gặp chúng tôi, hay các chuyên gia chọn lựa địa điểm để phát triển nhà máy của các công ty đã đến thảo luận với chúng tôi việc thành lập nhà máy tại Việt Nam để thay thế cho các nhà máy bên Trung Quốc hoặc Ấn Độ, hoặc để cạnh tranh với các nước trong vùng, chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia hay Indonesia."
Cùng với các làn sóng đầu tư của các công ty khổng lồ này, đầu tư của người Mỹ gốc Việt tại Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc, tuy quy mô chưa thật lớn.
Ông Cochran, Giám đốc điều hành của AmCham ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Chúng ta nay đã thấy một số đầu tư của người Mỹ gốc Việt, mặc dù quy mô chưa thật lớn. Trong danh sách hội viên của chúng tôi có công ty tên Quality Systems Incorporated (QSI), một người Mỹ gốc Việt ở bang California thành lập một nhà máy xử lý các chất bán dẫn. Một công ty nữa tên là ICP (International Consumer Products) chuyên kinh doanh các loại mỹ phẩm, dầu thơm...đó là những công ty thành công và đã tạo được thương hiệu tại Việt Nam."
Năm nay, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam có thể sẽ không đứng đầu danh sách như năm ngoái, các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ nằm trong nhóm 5 nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét