"Nếu Đảng đứng độc lập mà không phát huy được Mặt trận thì không khác gì bị cô lập, chuyên quyền, độc đoán. Vì vậy, Đảng cần Mặt trận thực sự." - ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban MTTQ Việt Nam trao đổi nhân 80 năm ngày thành lập Mặt trận.
Nhờ có Mặt trận, Đảng không lẻ loi
Mặt trận với vai trò là liên minh của các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo ông, Mặt trận đã phát huy được hết vai trò của mình, đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng chưa? Và quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và công tác Mặt trận thế nào?
Ông Vũ Trọng Kim: Bác Hồ là người tìm thấy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Đảng cộng sản có phát triển đến bao nhiêu đi nữa cũng chỉ là một lực lượng trong quần chúng mà thôi trong khi lực lượng ngoài đảng rất đa dạng, phong phú và có sức mạnh thực sự.
Đảng không có sức mạnh nếu như không tập hợp được quần chúng. Đảng giỏi là biết cách thâu tóm được và tìm ra sức mạnh của đảng và sức mạnh của nhân dân. Các lực lượng này có thể có các chính kiến khác nhau, ý kiến nào có ích cho dân tộc thì sẽ đưa vào sử dụng.
Đoàn kết ở đây trên cơ sở tự nguyện của tổ chức và mỗi cá nhân. Một cá nhân đơn lẻ cũng có thể trở thành một thành viên của mặt trận, không nhất định phải là đại diện của một đoàn thể nào.
Trước đây, Mặt trận đoàn kết vì mục tiêu đấu tranh giành độc lập, thì nay đoàn kết là vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng chia sẻ mục tiêu như thế thì dù hệ tư tưởng có thể khác vẫn tham gia được. Mặt trận không phân biệt hệ tư tưởng. Trong Mặt trận mọi người có thể nói tiếng nói khác được, nhưng tiếng nói đó không vi phạm lợi ích quốc gia dân tộc.
Nhờ có Mặt trận mà Đảng không bị lẻ loi. Nếu Đảng đứng độc lập mà không phát huy được Mặt trận thì không khác gì Đảng bị cô lập, chuyên quyền, độc đoán. Chính vì vậy, mà Đảng cần Mặt trận thực sự, chứ Mặt trận không phải là cây cảnh, lúc cần thì trưng lên. Phát huy tốt Mặt trận bao nhiêu thì vai trò của Đảng sẽ lên bấy nhiêu.
Trong thời gian gần đây, Mặt trận chưa phát huy được mặt này, mặt khác là có phần lỗi từ phía Đảng, bởi sau khi lãnh đạo thì Đảng phải thể chế hóa đường lối, chính sách để Mặt trận hoạt động một cách dễ dàng và hợp pháp.
Pháp luật phải dẫn đường cho dân chủ
Như ông nói thì tính dân tộc của Mặt trận là nổi trội, xuyên suốt và có truyền thống nhưng trong giai đoạn tới, dân chủ phải là mục tiêu, nền tảng trong hoạt động của Mặt trận. Trên thực tế, chúng ta đã chú trọng và thực sự phát huy chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân chưa, thưa ông?
Trước đây chúng ta chống giặc ngoại xâm thì nhiệm vụ dân tộc được đề cao. Ngày nay, độc lập rồi không có nghĩa là vấn đề dân tộc không cần chú ý. Việc giữ cho được độc lập là vấn đề quan trọng không kém tiếp theo. Dân tộc chúng ta phải trường tồn, đất nước chúng ta phải vươn lên nhưng luôn nhớ là lúc nào cũng giữ vững bản chất Việt Nam, thì đó chính là dân tộc.
Dân tộc sống mà không bị đồng hóa, đó mới là dân tộc Việt Nam và tính dân tộc đó sẽ không bao giờ được mất đi khi thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng.
Đối với dân chủ, là công việc hàng ngàn năm nay của loài người. Chính Thụy Sỹ - cái nôi của dân chủ, từ cộng đồng làng cho đến một quốc gia họ luôn chú ý đến vấn đề phúc quyết của nhân dân và vấn đề dân chủ đó được bắt đầu từ cơ sở, hoạt động trưng cầu ý dân được diễn ra nhiều lần.
Như vậy, bài học dân chủ là bài học của nhiều nơi và chúng ta có thể thu nạp những điều hay. Tuy nhiên, người lãnh đạo giỏi là phải biết tiếp thu cái gì hay, cái gì cần cho đất nước mình.
Ví dụ, nhiều nước trưng cầu ý dân nhưng lại chọn thời điểm có lợi cho nhà cầm quyền, với điểm này là lợi dụng dân chủ và chúng ta không nên học theo. Chúng ta trưng cầu và lấy ý kiến của nhân dân phải trên cơ sở thành thật, nói như Bác Hồ là phải "thực sự", còn lấy ý kiến nhân dân để mà làm hình thức theo ý mình, rồi hỏi chỉ để mà hỏi thôi thì không nên, không phải.
Tuy nhiên, dân chủ cũng phải đi từng bước chắc chắn, không thể gắn mười bước thành một bước để đi cho nhanh được.
Đúng là không thể hấp tấp, vội vàng được, nhưng vẫn có không ít người dân tâm tư, hình như chúng ta đang đi chậm quá trong phát huy dân chủ, ngay cả trong Đảng?
Đại hội X có nêu ra vấn đề giám sát xã hội và phản biện xã hội, hai vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Đây là những nội dung mới trong việc phát huy dân chủ và trong thời đại ngày nay nó rất quan trọng.
Mỗi thời lại mỗi khác, ngày nay ai cống hiến được gì thì hãy để cho họ cống hiến hết sức mình, dân chủ sẽ phát huy và hiến kế để họ cống hiến xây dựng xã hội mới.
Đúng là có người đặt câu hỏi: tại sao ta lại phát huy chậm thế? Thực ra không phải thế. Trong xã hội nhận thức, trình độ hiểu biết mỗi người một khác. Dân chủ thì ai cũng mong muốn, dân chủ càng nhiều thì càng phát huy được nhân tố con người. Thế nhưng, khi vận dụng vào điều kiện cụ thể của đất nước ta thì phải có cơ chế để vận hành dân chủ, tức là Luật pháp và các quy phạm phải đảm bảo dân chủ trong đó.
Vì thế, cần làm cho hệ thống pháp luật tốt hơn, tức là phát luật đi vào được đời sống, không còn chung chung mà phải cụ thể. Chính điều này là phát huy dân chủ, vì pháp luật dẫn đường. Nếu phát luật đi sau đời sống xã hội thì chỉ làm cho dân chủ trì trệ thêm.
Hơn nữa, phải dân chủ trong từng tổ chức. Vấn đề này do điều lệ xử lý, nếu có một điều lệ tốt thì sự vận hành sẽ thông suốt và có một tổ chức mạnh.
Mị dân, lấy lệ thì đừng làm còn hơn
Vậy theo ông, Mặt trận có thể phát huy dân chủ như thế nào?
Dân chủ trong Mặt trận còn phải hiểu là người dân được bàn bạc thông quan giám sát, phản biện và phải nghe ý kiến của người dân, qua đó thu nhận những ý kiến phù hợp để hành động. Ý kiến nào của người dân chưa phù hợp thì phải được giải thích cho người dân biết lý do tại sao. Còn lấy ý kiến xong rồi để đấy, không trả lời thì rõ ràng là không nên.
Cách làm cũng đặc biệt quan trọng. Nếu nhìn cách làm quá hình thức thì người dân sẽ tạo nên một sự phản kháng, bất bình. Cho nên tâm lý của con người đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải công bằng, hay nói như Bác Hồ là phải trung thực, thực sự.
Những cái gì mà làm theo kiểu mị dân, qua loa, lấy lệ cho xong thủ tục thì thà đừng làm còn hơn.
Nói tóm lại, tôi thấy rằng, không chỉ có Mặt trận mà các tổ chức khác ngoài Mặt trận cũng cần nghe dân, thấu hiểu dân và giải quyết những vấn đề mà nhân dân mong đợi. Nếu ra đời một quyết định nào đó thì phải tuyên truyền đến nơi, đến chốn để xem nhân dân có đồng tình, ủng hộ hay không mới được làm.
Hiện nay, vấn đề tiếp xúc và quyết đáp những vấn đề mà nhân dân mong đợi theo tôi vẫn chưa thỏa đáng, nhuần nhuyễn, còn nặng đầu này, nhẹ đầu kia, được chăng hay chớ.
Như ông nói thì hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận là đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã khẳng định: "Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình
Thời gian vừa qua, nhiều chủ trương, chính sách, dự án lớn của Đảng và Nhà nước được đưa ra gây xôn xao trong dư luận. Với những chủ trương, chính sách, dự án lớn, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận đến đâu, thưa ông?
Cần hiểu giám sát ở đây là giám sát nhân dân và phản biện là phản biện nhân dân. Là một bộ phận của hệ thống giám sát, cũng có điểm giống như kiểm tra của Đảng và thanh tra của Chính phủ nhưng giám sát của Mặt trận không ra một quyết định nào cả, do nhân dân theo dõi, giám sát rồi đưa ra ý kiến trước hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức.
Như vậy, kiểm tra Đảng và thanh tra Chính phủ có thể ra quyết định và kỷ luật bất kỳ ai vi phạm, còn Mặt trận đại diện cho tiếng nói đông đảo của nhân dân lại không có quyền ra quyết định, ngay cả Trung ương Mặt trận cũng vậy. Cho dù, tiếng nói của Mặt trận là vô cùng trung thực, chính đáng vì không phải đại diện cho một cá nhân nào cả, mà tiếng nói này là lợi ích xã hội có thể nhìn thấy.
Trong thời gian vừa qua, vấn đề giám sát của ta chưa làm rõ ra được từng loại vấn đề và từng chuyên đề cụ thể, xảy ra tình trạng trong tiếp xúc cử tri rất có nhiều vấn đề được đề cập và không đi sâu vào được vấn đề nào cả và từ đó không thấy hết được cái gì cần điều chỉnh hay bổ sung.
Nghĩa là chúng ta vẫn còn tồn tại vấn đề trong cơ chế phản biện của Mặt trận?
Đúng vậy. Phản biện xã hội của nhân dân là trước khi Đảng và Nhà nước quyết định cái gì thì cần hỏi nhân dân để nhân dân đóng góp. Điều này rất quan trọng khi đưa ra một quyết định lớn liên quan đến lợi ích, vấn đề sống còn của quốc gia, dân tộc.
Hiện nay, cơ chế hoạt động của ta chưa quy định loại việc nào là lấy ý kiến nhân dân, loại việc nào là không lấy ý kiến nhân dân mà chỉ thông qua cơ quan dân cử.
Từ đấy dẫn đến một thực tế là có nhiều ý kiến khác nhau sau khi Đảng và Nhà nước đã quyết định. Vì vậy, chúng ta sẽ không tìm ra được sức mạnh, trước hết là sức mạnh đại đoàn kết, là sự đồng thuận và khả năng thắng lợi của dự án sẽ thấp.
Luật hóa việc giám sát, phản biện
Một vấn đề đặt ra cho mặt trận hiện nay nữa là giám sát, phản biện việc gì và theo những quy trình nào, sau khi giám sát thì thực hiện đến đâu. Hiện nay, rất cần một đề án như thế và chúng tôi cùng với các tổ chức đang trong quá trình xây dựng.
Nhưng lưu ý là Mặt trận không tự đưa ra quy định để giám sát và phản biện mà cần phải được thể chế hóa bằng pháp luật.
Cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Cụ thể là nên sớm ban hành luật quy định điều này, vì đây là nhu cầu có thật và hoàn toàn phù hợp. Luật ấy phải quy định cụ thể ai giám sát, giám sát cái gì, tiến hành như thế nào, hiệu lực của giám sát ra sao. Có nghĩa là phải có chế tài cụ thể thì việc giám sát và phản biện mới thành công được.
Để làm được điều mong đợi này thì các bên nên ngồi lại với nhau, Mặt trận cũng chủ động đề xuất nhưng chưa có quyết định cuối cùng.
Nếu có quy định thì những việc làm đó của Mặt trận sẽ đi theo tuần tự các bước và sẽ có tính pháp lý hơn, khoa học hơn và dân chủ hơn.
Ngoài ra, cần có những chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận, nhất là đội ngũ cán bộ mặt trận cấp cơ sở, vì đây là những người gần dân nhất. Vì vậy, nếu Mặt trận cơ sở thành công thì cấp Trung ương mới thành công được.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Tác giả: TRẦN ĐÔNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét