Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

Tại sao VN vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ lớn ?

Nguyễn Văn Thế

Đến nay Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền cai trị trên cả nước đã 35 năm. Bất mãn và phẫn nộ của dân chúng đối với chính quyền cộng sản đang rất nhiều và rất chính đáng. Lý do là vì chế độ này đã thất bại trên tất cả mọi mặt và trong tất cả mọi địa hạt. Nhưng tại sao chế độ này vẫn tiếp tục trụ được ?
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng thật ra chỉ có một số nguyên nhân quyết định. 

1. Xã hội Việt Nam đã chỉ tạo ra những con người thích tìm những giải pháp cá nhân


Chế độ độc tài của vua quan trước đây và đảng cộng sản ngày nay đã khiến con người Việt Nam có thói quen tìm những giải pháp cá nhân để sống còn, kể cả luồn lọt. Trọng đẳng cấp và bằng cấp là con đẻ của chế độ độc tài vua chúa, được cộng sản Việt Nam tiếp thu và khai triển, đã trở thành nếp sống phổ cập của văn hóa Việt Nam và đã góp phần vào việc khuyến khích mọi người đi tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống.

Ngày xưa dân ta có thói quen cả dòng họ góp tiền của để cho một cá nhân đi học làm quan với hi vọng cả họ được nhờ. Thói quen này chẳng qua cũng chỉ là biến thể của lối sống trọng đẳng cấp, bằng cấp, thích lệ thuộc và đã góp phần kích thích việc đi tìm những giải pháp cá nhân.

Tại sao không cố gắng tìm nhưng giải pháp tập thể ? Tại sao không sử dụng tiền của đóng góp ấy để mướn thày về dạy cho con cháu cả dòng họ ?
Văn hóa lũy tre làng đã trở thành những pháo đài của những giải pháp cá nhân. Mỗi lũy tre làng chỉ có một ông tiên chỉ và một số ít kì mục. Ai cũng cố gắng trở thành tiên chỉ của làng để hưởng cái thủ lợn trong các dịp hội hè và sự hầu hạ của những người trong làng. Những người ở vị trí thấp kém thì học cách luồn lót để sống yên lành dưới quyền của các tiên chỉ và đầu mục. Do đó ai nấy đều tiêm nhiễm lối sống luồn lót, tìm những giải pháp cá nhân để được tồn tại. Những người không biết luồn lót thì học cách chịu đựng và hi sinh cho những người trên. Lũy tre làng nào cũng vinh danh những người biết chịu đựng và hi sinh cho những người khác.

Thói quen vinh danh anh hùng chính vì thế là một hình thức cổ võ việc đi tìm những giải pháp cá nhân trong cuộc sống. Những tính toán vụn vặt, so kè lợi lộc trước mắt là biểu hiện của văn hóa lũy tre làng, một biến thái của hình thức đi tìm những giải pháp cá nhân trong cuộc sống. Việc chỉ biết tìm cách đối phó và chịu đựng mà không biết tìm cách giải quyết vấn đề là hệ quả của việc chỉ biết tìm những giải pháp cho cá nhân.

2. Chính quyền cộng sản Việt Nam chỉ cho phép người dân tìm những giải pháp cá nhân

Có rất nhiều bất mãn và phẫn nộ dưới chế độ cộng sản Việt Nam, nhưng những bất mãn và phẫn nộ ấy đã không đủ mạnh để thúc đẩy dân chúng quy tụ lại thành một khối chống lại tập đoàn cai trị.

Tại sao lại có tình trạng này ? Đó là vì chính quyền cộng sản Việt Nam đã khôn khéo dùng chính sách "củ cà rốt và cây gậy". Chỗ nào bất mãn dâng cao thì họ cho củ cà rốt để xả bớt sự phẫn nộ, nhưng đồng thời lại giơ cao cây gậy để sự bất mãn không thể bộc lộ và gây khó khăn cho chế độ ở những nơi khác. Do đó người dân dưới các chế độ độc tài luôn sống trong tình trạng lo sợ.

Mục đích chính của chính sách này là khuyến khích dân chúng tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống. Ai khôn khéo biết tìm những giải pháp cá nhân thì được củ cà rốt. Ai cố gắng đi tìm những giải pháp tập thể thì bị quất gậy. Những vụ đàn áp thô bạo các nhà dân chủ ôn hòa và các tổ chức tôn giáo là những bằng chứng cụ thể của quyết tâm ngăn cản những ai muốn tìm những giải pháp tập thể cho cuộc sống. Làm ngơ trước những tệ nạn tham nhũng là hệ quả của chính sách khuyến khích người dân đi tìm những giải pháp riêng cho cá nhân.
Hậu quả là những bất mãn và phẫn nộ của dân chúng đã không thể lên tới cao độ để tạo một sức bật lớn đủ để hình thành những tổ chức dân chủ lớn.

3. Người Việt Nam không có thói quen đầu tư vào những giải pháp tập thể

Việc đi tìm những giải pháp cá nhân cho cuộc sống đã trở thành một nếp sống, ảnh hưởng mạnh đến cách suy nghĩ và hành động của người Việt Nam. Nó đã khiến người Việt Nam mất đi bản năng tìm những giải pháp tập thể để giải quyết các vấn nạn chung của cuộc sống.
Việc người Việt Nam không làm ăn chung được với nhau lâu dài và trên quy mô lớn là một trong những hệ quả của thói quen cổ truyền này. Chính vì thế, càng bất mãn và phẫn nộ với chế độ bao nhiêu thì người ta càng đổ xô đi tìm giải pháp cá nhân bấy nhiêu.

Việc bỏ nước ra đi bằng đường biển, đường bộ hay đường hàng không là một thể hiện khác của việc đi tìm những giải pháp cá nhân. Người ta ra đi là để sống còn và để phản kháng chế độ. Hiện tượng làm chính trị kiểu nhân sĩ, ra những tuyên ngôn chung vào những thời điểm đặc biệt, hoặc chỉ kết hợp trong những nhóm sinh hoạt nhỏ để cá nhân mình được tôn trọng cũng là một thể hiện của tinh thần đi tìm những giải pháp cá nhân.
Cách sống và cách suy nghĩ của người Việt - không thích đi tìm những giải pháp chung cho các khó khăn riêng trong cuộc sống - đã là một trong những lý do khiến đối lập dân chủ Việt Nam cho đến nay vẫn chưa kết hợp lại thành một tổ chức lớn để làm thay đổi thời cuộc.
Phải làm gì để giải quyết trở ngại này ?
Câu trả lời sẽ rất đơn giản cho một câu hỏi tưởng rất phức tạp : phải từ bỏ tư duy và nếp sống thích tìm những giải pháp cá nhân trước những vấn nạn lớn của quốc gia.

Chúng ta phải làm gì để thay đổi nếp sống và tư duy tổ truyền này ? Làm thể nào để tạo dựng được một tập hợp dân chủ lớn mạnh để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên ? Trước khi đề ra những phương thức thay đổi lối sống và tư duy, chúng ta nên ghi chú thêm một vài điểm tương đối quan trọng.

Trước hết chúng ta không dùng những phương thức không lương thiện, có tính bá đạo để thay đổi nếp sống và tư duy này. Những mục tiêu cho dù cao đẹp đến đâu mà dùng những phương pháp không lương thiện đều là lường gạt, bởi vì sự cao đẹp không thể đi chung sự bất lương. Những người hô hào những khẩu hiệu cao đẹp rồi dùng những thủ thuật bất lương để thực hiện sẽ chẳng bao giờ đạt được những mục tiêu mong muốn, và cho dù có đạt được thì cũng sẽ chẳng bền lâu, vì sự bất lương không bao giờ được tha thứ. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh sự thật này. Một trong những bằng chứng ấy là những người đã du nhập chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam ngày nay đang thấy nó ra đi một cách lạnh lùng.

Hai là nên tránh thái độ nóng vội. Nóng vội là kẻ thù của những phương thức lương thiện. Nó có thể đề cao những phương thức bá đạo để thực hiện mục tiêu cao đẹp.
Thứ ba là đầu tư suy nghĩ và tham gia thảo luận. Trong giai đoạn hiện nay, phương thức dễ thực hiện nhất và phù hợp với chủ trương bất bạo động của dân chủ đa nguyên là đối thoại và vận động thay đổi lối suy nghĩ và lối sống thích tìm những giải pháp cá nhân của quần chúng bằng sự dấn thân và chủ trương đi tìm những giải pháp tập thể cho những vấn đề chung của dân tộc. Ngày nay những phương tiện truyền thông tiên tiến đã rất phổ cập và ở trong tầm tay của mọi người. Sự giao lưu tư tưởng đã vượt qua mọi biên giới quốc gia và trở thành phổ cập, chúng ta có thể liên lạc với bất cứ ai tại bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào nếu muốn. Sự xa cách không còn là một trở ngại bất khả vượt qua nữa. Tuy nhiên sự vận động thay đổi tư duy và lối sống đòi hỏi sự kiên trì và lòng bao dung. Có thể chúng ta sẽ đối thoại với những người ở trình độ cao, cũng có thể chúng ta chỉ gặp những người ở trình độ thấp, nhưng cho dù có thế nào, sự kiên nhẫn và lòng bao dung bao giờ cũng là thước đo sự thành công của mỗi con người. Chúng ta có dám tư duy độc lập, tư duy phê phán rồi đưa ra những giải pháp thay thế hay không ?

Sau cùng là học tập và biến lối sống để đi tìm những giải pháp tập thể cho những vấn đề chung trở thành một bản năng, một phản ứng của mỗi con người chúng ta hằng ngày. Lối tư duy và nếp sống mới này có những quy luật riêng của nó : phải nắm vững văn hóa tổ chức để sinh hoạt chung với nhau.

Nếu mỗi chúng ta nắm vững được văn hóa tổ chức mới này, sự kết hợp lại thành một tổ chức dân chủ lớn mạnh sẽ biến thành sự thật. 

Nguyễn Văn Thế (Dresden)

http://www.thongluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét