Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Thủy điện xả lũ tràn lan: Dân lãnh đủ

* Khẩn cấp cứu quốc lộ 1A

TT - Hôm qua (13-11), Bộ Công thương đã tổ chức hội thảo về vận hành hồ thủy điện trước băn khoăn của dư luận việc các hồ thủy điện xả lũ không đúng quy trình, góp phần gây lũ lớn hơn cho hạ du và làm thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân.

Thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh xả lũ góp phần gây lụt nặng vùng hạ du

Các ý kiến đưa ra tại hội thảo cho thấy có quá nhiều bất cập trong việc vận hành hồ thủy điện, từ cả phía chính quyền lẫn chủ hồ thủy điện.

Nhiều hồ thủy điện chưa có quy trình xả lũ

Bộ Công thương thừa nhận một số hồ thủy điện thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, có trường hợp không tuân thủ quy trình, thiếu linh hoạt và chưa lập được phương án vận hành phù hợp với điều kiện thực tế. Mặc dù vậy, Bộ Công thương cũng cho rằng các tồn tại trong việc xả lũ gây thiệt hại cho dân còn do... chính quyền địa phương.

Theo Bộ Công thương, đó là các cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống lụt bão nhiều nơi thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, thiếu phối hợp với chủ đầu tư trong điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi xả lũ. Cá biệt một số cán bộ chuyên trách của cơ quan phòng chống lụt bão địa phương không đủ năng lực, thậm chí không nắm được thông tin về công trình cũng như nội dung quy trình vận hành hồ chứa thủy điện.

Theo ông Cao Anh Dũng - cục phó Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), thời gian qua cục thường xuyên theo dõi, kiểm tra các thủy điện lớn, "còn thủy điện nhỏ, nói thật, do rất nhiều nên cục chưa đủ người đi kiểm tra" - ông Dũng nói. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng lại đưa ra được con số cụ thể. Ông cho biết VN có 32 nhà máy thủy điện vừa và lớn, công suất từ 30MW trở lên, 86 nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30MW - một số lượng mà ông Vượng cho là chưa lớn, vì theo quy hoạch, VN sẽ có tới gần 1.000 thủy điện nhỏ.

Ông Dũng cho biết Thủ tướng mới ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa cho ba lưu vực sông, trong khi có 11 lưu vực sông cần có quy trình. Đặc biệt, ông Dũng cho biết nhiều hồ chứa đã vận hành nhưng... chưa hề có quy trình vận hành hồ chứa được phê duyệt. Cũng theo ông Dũng, nhiều chủ hồ không xây dựng hoặc xây dựng phương án phòng chống lụt bão có nội dung chưa thỏa đáng.

Về việc cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các chủ hồ và cơ quan quản lý, ông Dũng cho rằng chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là thủy điện nhỏ do địa phương quản lý. "Ngay ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Bộ Công thương, khi xảy ra sự kiện hồ thủy điện Hố Hô cũng khó khăn trong thu thập thông tin" - ông Dũng nói.

Ảnh (từ trên xuống): Lụt liên tiếp ở các xã Đức Thọ, huyện Vũ Quang; xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân và huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh - Ảnh: VĂN ĐỊNH - THUẬN THẮNG - VIỄN SỰ

Cần có giám sát nhân dân

Để giảm thiệt hại do xả lũ, ông Nguyễn Trâm, tổng giám đốc thủy điện A Vương, chia sẻ kinh nghiệm mời người dân đến nghe mô hình xả lũ. A Vương cũng đã lập ban giám sát nhân dân, mời 12 người dân, mỗi ngày hai người trực với thủy điện để tăng trách nhiệm của cán bộ vận hành việc xả lũ và để công khai, tránh dị nghị. Tuy nhiên, ông Trâm cũng than thở: mỗi khi xả lũ, chủ hồ thủy điện phải báo cáo... 10 đầu mối.

Bộ Công thương cho biết sắp tới sẽ triển khai tám giải pháp lớn, trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành các hồ chứa thủy điện trên toàn quốc, tiếp tục phối hợp với các bộ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa, tăng mạng lưới các trạm đo mực nước trên sông...

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị các chủ đập thủy điện phải có "chân" trong ủy ban phòng chống lụt bão của địa phương để bám sát tình hình. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ rà soát các thủy điện nhỏ, nếu nhà máy nào phát điện ít mà gây ngập lụt nhiều thì loại bỏ. Ông Vượng nhấn mạnh các chủ đập cần đầu tư cho quan trắc, vận hành vì "nếu làm không tốt điều này thì dù vận hành đúng quy trình nhưng có thể cũng không hiệu quả".

C.V.KÌNH

Khó xử phạt hồ thủy điện gây lũ

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ khiến người dân vùng hạ lưu ở Phú Yên khốn khổ - Ảnh: Nguyễn An Bang

Tại hội thảo, giải thích về những vấn đề dư luận nêu mới đây liên quan đến xả lũ của thủy điện Sông Ba Hạ, ông Võ Văn Tri - tổng giám đốc thủy điện Sông Ba Hạ - cho biết việc không báo cáo UBND tỉnh Phú Yên trước xả lũ chủ yếu là do... lỗi văn thư. Theo ông Tri, do cán bộ đã fax cho UBND tỉnh thông báo đầu tiên nhưng lại bấm sai số fax, gọi điện cũng không được.

Mặc dù vậy, ông Cao Anh Dũng cho rằng khó xử phạt và bắt các chủ hồ thủy điện đền bù được vì... chưa có quy định. Song ông Dũng công nhận cần có quy định về xử phạt các chủ hồ vận hành sai quy trình. Ông Đào Tấn Cam, giám đốc Sở Công thương Phú Yên, đề nghị cần có chế tài các hồ thủy điện làm sai trong trường hợp "một thủy điện ở tỉnh Gia Lai, nước họ xả xuống Phú Yên nhưng họ không báo cáo chúng tôi cũng chịu". Ngoài ra, ông Cam đề nghị phải có sơ đồ ngập lụt cho liên hồ vì hiện mới chỉ có sơ đồ cho từng hồ, trong khi "các hồ cùng xả thì sơ đồ ngập lụt sẽ rất khác".

_____________________

Khẩn cấp cứu quốc lộ 1A

"Rất nghiêm trọng!" - ông Nguyễn Đức Thắng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đánh giá về tình trạng sạt lở quốc lộ 1A đoạn qua thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).

>> Hãi hùng đất lở

Đến sáng 13-11, nhờ nỗ lực của Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, đoạn quốc lộ 1A bị sạt lở tại km1294+820 qua thôn Cần Lương (Tuổi Trẻ ngày 13-11) đã được mở rộng về phía taluy dương 4m, dài 130m và cho thông xe hai chiều. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở của quốc lộ tại điểm này tiếp tục diễn ra với dự báo xấu.

Hàng ngàn khối đất đá được vận chuyển đến để cứu đoạn đường - Ảnh: Duy Thanh

Đường có thể bị "trôi"!

Trọn buổi sáng 13-11 khảo sát khu vực quốc lộ 1A bị sạt lở, ông Nguyễn Thanh Tịnh, phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 5 (thuộc Khu Quản lý đường bộ 5), cho biết: "Tôi rất lo khi dự báo sẽ có mưa lớn vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Nếu mưa lớn kéo dài thì nguy cơ cả mặt đường quốc lộ đoạn này sẽ bị "trôi" về phía dưới và có khả năng tắc giao thông hoàn toàn!".

Kỹ sư Lê Năng Hải, cán bộ phòng kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, cho hay kể từ khi xuất hiện tình trạng sạt lở (ngày 10-11), công ty đã đổ hơn 2.000m3 đất đá để giữ nền đường và mặt đường, chống sụt lún thêm.

"Dù vậy, tình trạng sụt lún đang tiếp tục diễn ra do lượng xe trọng tải lớn qua lại nhiều và nền đường quá yếu. Cứ đổ một đống đất đá lớn, chưa kịp san bằng thì sau một đêm đã thấy lượng đất đá này lún trụt về phía dưới. Mặt đường đang bị đẩy vẹo về phía đông, sâu 6-7m, kéo dài gần 100m. Gần một nửa mặt đường đoạn này đã bị giật sập xuống phía dưới" - kỹ sư Hải nói.

Nhận định ban đầu về nguyên nhân gây sụt lún, sạt lở nghiêm trọng đoạn quốc lộ 1A này, ông Nguyễn Thanh Tịnh nói: "Cấu tạo địa chất ở khu vực này phức tạp, có thể nói là rất yếu. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ trên núi ngấm sâu xuống đất thành mạch nước ngầm rửa trôi lớp cát dưới cùng, làm tầng đất sét giữa bị nhão ra và trượt, kéo đổ cả phần nền đường và mặt đường". Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc sạt lở ba điểm trên đoạn đường này vào mùa mưa năm 2005 (km1294+225 dài 50m, km1295+075 dài 70m và km1296+050 dài 120m, sâu 2-7m) gây tê liệt quốc lộ 1A đoạn qua khu vực này gần ba ngày liền.

Ngoài điểm sạt lở nghiêm trọng trên, theo kỹ sư Lê Năng Hải, tại km1293+750 ở cách đó gần 1km về phía bắc, thuộc xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu cũng xuất hiện một vết nứt lớn và dài, xô hệ thống rọ đá ngăn lở từ cách chân mép rãnh đường 7m giờ chỉ còn 3m.

Dời dân làm đường tránh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thắng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, đánh giá: "Tình trạng sạt lở ở đoạn quốc lộ 1A này ở mức rất nghiêm trọng. Tỉnh Phú Yên đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào chiều 12-11 và ngay trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN có mặt tại hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục trong tình huống khẩn cấp, vì nếu không làm kịp thời thì tuyến đường huyết mạch của đất nước có thể bị đứt, gây tắc giao thông".

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, công việc làm ngay là khẩn trương thi công tuyến tránh để không gây áp lực lên đoạn quốc lộ yếu và sạt lở hiện nay. "Ngay trong đêm 12-11, chúng tôi đã lên phương án và tiến hành khảo sát, đo vẽ, thu hồi đất, di dời dân để làm ngay tuyến tránh. Vì là công trình trong tình huống khẩn cấp nên vừa thiết kế vừa thi công ngay theo hình thức cuốn chiếu chứ không thể chờ đợi" - ông Thắng nói. Ông cũng cho hay tuyến tránh này mở sâu về phía taluy dương khoảng 30m, làm đường rộng 12m đảm bảo hai làn xe lưu thông với độ dài khoảng 200m.

Về lâu dài, ông Thắng nói rằng Tổng cục Đường bộ VN sẽ tổ chức khoan địa chất, khảo sát tình hình toàn đoạn quốc lộ dài 7km qua khu vực thường xảy ra sụt lún nghiêm trọng này để có hướng khắc phục bền vững. "Chúng tôi sẽ ưu tiên việc xử lý bền vững 7km của đoạn quốc lộ 1A này. Lâu nay chúng tôi làm theo kiểu hư chỗ nào xử lý chỗ đó, nhưng tại khu vực này cần phải nghiên cứu xử lý cả đoạn dài" - ông Thắng cho biết.

Di dời dân khẩn cấp

Trưa 13-11, ông Trần Hữu Hiệu - chủ tịch UBND xã An Dân, huyện Tuy An - cho biết vừa thực hiện xong việc di dời khẩn cấp sáu hộ dân ở thôn Cần Lương bị quốc lộ 1A sạt lở làm sập nhà, uy hiếp đến tính mạng. Địa phương này cũng vận động 11 hộ khác có nhà bị rạn nứt do tình trạng lở quốc lộ gây ra chuẩn bị di dời. "Xã đã có phương án khẩn trương mở rộng khu tái định cư để đưa các hộ dân này đến ở, ổn định cuộc sống".

DUY THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét