Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

6.000 dân huyện núi Khánh Sơn bị cô lập sau lũ

Nhiều đoạn đường sạt lở, cầu tại tỉnh lộ 9 bị cuốn trôi sau hai tuần mưa lũ đã khiến 6.000 người dân thuộc 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn huyện núi Khánh Sơn, Khánh Hòa rơi vào tình trạng cô lập.

Quan sát của VnExpress.net, tỉnh lộ 9 chạy sát vách núi, tuyến đường vốn trắc trở nay càng nguy hiểm hơn vì tình trạng sạt lở kéo dài. Riêng ở km 26+100, đoạn đường này bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 20m, độ rộng 7m, khối lượng đất đá sạt ước tính 10.000 m3. Toàn bộ nền đường đều bị sạt trôi, khoét sâu vào núi.

Cảnh dân bị cô lập băng sông

Đoạn đường từ trung tâm thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) đến 2 xã Sơn Lâm và Thành Sơn dài khoảng 20km cũng đang bị sạt lở , việc đi lại hết sức khó khăn.

Đặc biệt cầu tràn Sơn Bình qua sông Tô Hạp đã bị đất đá lấp tạo thành dòng chảy mới. Điều này khiến 2 xã Sơn Lâm, Thành Sơn hầu như chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.

Phụ nữ phải vượt suối vì đường giao thông không thể đi.
Phụ nữ Raglai phải vượt suối vì đường giao thông không thể đi. Ảnh: Tường Vi.

Xã Sơn Lâm hiện có gần 4.000 dân và một ngôi chợ, nhưng gần 10 ngày nay chợ này cũng không thể hoạt động vì hàng hóa không vào được.

Xã Thành Sơn có trên 2.000 dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên lương thực dự trữ rất ít. Việc chia cắt 2 xã này liên tục hơn 10 ngày qua đã khiến người dân rơi vào tình trạng hết sức khó khăn về lương thực, thực phẩm, thông tin liên lạc, điện nước.

Để đi lại, nhiều người tự chế ra xuồng bằng bao, can nhựa để đưa người qua sông Tô Hạp. Nhưng dịch vụ này giá 5.000 đồng một người, còn xe máy là 20.000 đồng. Những người không có tiền thì phải lội bộ qua suối, rất nguy hiểm.

Anh Cao Minh, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết, anh phải mượn gạo để ăn, mới 2 ngày nay nước rút bớt anh mới lội qua sông đi làm. Tuy nhiên nước vẫn còn ngập trên bụng khiến con cái anh đi học rất khó khăn, khổ cực.

Giao thông không thuận lợi, nông sản không bán được, người dân lâm vào cảnh túng thiếu. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch xã Sơn Lâm cho biết tại đây còn tồn đọng khoảng 5 tấn chuối giá trị hơn 10 triệu đồng. Mía cũng đồng loạt trổ bông, không thể chặt bán. “Thông đường cho 2 xã, trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, từ đó mới có thể giải quyết nhiều điều khác”, ông Trung nói.

Để giúp dân, UBND huyện Khánh Sơn cùng một số đơn vị tài trợ phát cho dân 2 xã khoảng 14 tấn gạo cứu trợ, đồng thời các cán bộ chiến sĩ, dân quân đã chuyển thêm 5 tấn nữa tới 2 xã này để bình ổn giá cả.

Đến nay toàn huyện Khánh Sơn đã mất trắng hơn 330ha hoa màu, sạt gần 40ha đất nông nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, việc khắc phục, sửa chữa tuyến đường trên chính đang tổ chức thực hiện, còn cầu tràn Sơn Bình huyện phải đợi đến hết mùa mưa lũ năm nay (23/10 âm lịch) mới bắt tay vào làm để tránh mưa lũ tiếp tục làm hư công trình sau khi sửa chữa.

Tại Phú Yên, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên đã phân bổ 875 kg thuốc bột Cloramin B, 713 kg hóa chất Pur (để xử lý nước), 350 túi vệ sinh cá nhân cho 9 Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là lượng thuốc được Trung tâm quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp để xử lý nước sinh hoạt, chữa bệnh cho người dân sau lũ.

Đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên, cho biết, trong 2 đợt mưa lũ vừa xảy ra, mỗi đợt toàn tỉnh Phú Yên có khoảng 40.000 giếng nước bị ngập. Ngay sau trận lũ đầu tiên vào cuối tháng 10, ngành Y tế dự phòng đã xử lý toàn bộ số giếng nước bị ngập bằng các loại hóa chất cloramin và pur. Từ sau đợt lũ lần thứ 2 đến nay, trên 20.000 giếng nước đã được xử lý hóa chất; công tác này đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

Ngoài vấn đề đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, Phú Yên cũng đã chuẩn bị rất tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân vùng lũ. Đến nay, Phú Yên chưa ghi nhận một ca nào mắc các chứng viêm phổi, đau mắt đỏ, tiêu chảy... là những loại bệnh thường gặp sau mỗi đợt mưa lũ.

Tường Vi - Thy Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét