Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

Bình Định - Phú Yên: Nỗi đau khi lũ chồng lên lũ

Chủ nhật, 14/11/2010 08:31 
 
(BNS) Mưa gió gầm gào, thủy điện hè nhau xả lũ, nước chồng nước, dân chạy tả tơi, liên tục đứt đường sắt - bộ xuyên Việt, núi lở kinh hoàng giữa phố... Đó là những gì đang xảy ra ở vùng đất giữa hai đèo Cả và Cù Mông trong những ngày này... 


Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ trắng núi rừng

THIỆT HẠI NẶNG NỀ
Từ ngày 6-11 đến chiều 10-11, khu vực tỉnh Bình Định xuất hiện mưa lớn trở lại. Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường phố tại TP. Quy Nhơn như: Nguyễn Thị Định, Trần Cao Vân, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Nguyễn Trãi, Trần Thị Kỷ... bị ngập sâu nhiều đoạn, giao thông đi lại khó khăn. Hai phường phía đông bắc TP.Quy Nhơn là Nhơn Bình, Nhơn Phú có nhiều vùng bị ngập lũ từ 0,7 đến 2 mét. Các hộ dân sống phía trên dãy núi Bà Hỏa bị cô lập hoàn toàn. 

Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông do úng ngập gây ra, lực lượng CSGT Công an TP.Quy Nhơn đã túc trực tại một số tuyến đường ngập sâu ngăn không cho phương tiện đi lại. Một số đoạn bị ngập sâu trên đường Trần Cao Vân, Nguyễn Trãi... người dân cũng đã chăng dây báo hiệu để tránh thiệt hại. 
Trong khi cơn lũ từ ngày 2 đến 5-11 chưa kịp rút khỏi ra đồng, thì từ chiều 7-11 đến nay, mưa to cộng với nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ra tình trạng "lũ chồng lên lũ" ở vùng khu đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát và nhiều xã khác thuộc khu đông các huyện: An Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn... Tuyến Tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Phù Cát và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn hai huyện Tuy Phước, Phù Cát nước lũ ngập sâu từ 1 đến 2 mét, giao thông đi lại ách tắc. Các xã ven đê khu đông phía đông nam huyện Phù Cát như: Cát Chánh, Các Thắng, Cát Tiến... và các xã phía đông huyện Tuy Phước như: Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Sơn... tiếp tục bị ngập chìm trong lũ, chỉ tiếp cận được bằng thuyền hoặc bo bo của lực lượng cứu hộ. 

Hàng chục ngàn hộ gia đình thuộc các vùng ven sông Kôn ở các huyện An Nhơn, Tuy Phước, đông nam huyện Phù Cát và phía bắc TP.Quy Nhơn bị cô lập hoàn toàn từ 7 đến 10 ngày qua. Riêng tại huyện Tuy Phước, nước lũ đã làm vỡ đê sông Gò Chàm thuộc địa bàn xã Phước Quang, hệ thống đê biển bị vỡ đứt nhiều đoạn, khiến 1.300 hộ dân ở các xã Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Sơn, Phước Quang... bị cô lập nhiều ngày, người dân hiện gặp khó khăn về lương thực, nước uống. 

Bà Võ Thị Mẫn (ở thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cho biết: "Nước ngập cả tuần nay nên trong nhà không còn gì ăn. Cũng may là được các đoàn cứu trợ và chính quyền địa phương cho thùng mì tôm và mấy chai nước uống cầm cự chờ nước rút". Nhiều đoạn thuộc các tuyến đường giao thông, nhiều tuyến đê sông, đê biển và hệ thống đê khu đông bị sóng đánh sạt lở mái. 

Đến chiều 10-11, tại huyện Phù Cát vẫn còn 3.500 ngôi nhà dân bị ngập nước, trong đó có 1.725 hộ dân ở các xã: Cát Nhơn, Cát Thắng, Cát Chánh bị cô lập hoàn toàn, đang gặp khó khăn về lương thực và nước uống. Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Sở GD-ĐT Bình Định đã cho hơn 50.000 học sinh nghỉ học tránh lũ, để đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên và học sinh. 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến chiều 10-11, trên địa bàn tỉnh có thêm 2 người chết do mưa lũ. 70 m đê sông bị vỡ đứt, hơn 12,5 km đê sông, đê kè bị sạt lở; 8 tàu cá bị chìm và cuốn trôi; 940 ha ao nuôi tôm bị hư hỏng; 15.580 m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp và hơn 2.000 m kênh mương bị lũ cuốn trôi; 134 cống lấy nước, đập bổi trên sông, suối bị hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ bị lũ tràn phá hoại nặng. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính trên 440 tỷ đồng.


Kinh hoàng núi Nhạn lở sập nhà trong lúc gia đình đang ăn cơm...

LŨ VÀ... THỦY ĐIỆN
Hàng ngàn người dân vừa chạy lũ trở về được 1 - 2 bữa, ngày 9-11, trên 1.000 hộ dân vùng cô lập lại phải lên thuyền, bè... chạy tiếp. Đây cũng là ngày "đỉnh" của nước dâng đợt mưa lũ triền miên hơn 10 ngày qua. 

Theo thường trực Trưởng BCH Phòng chống bão lụt - TKCN Phú Yên, hễ mưa lớn - lũ cao về hồ chứa là các thủy điện trong tỉnh và nhiều thủy điện "trên nữa" trong bậc thang hệ thống thủy điện sông Ba buộc phải xả lũ, "chứ nếu không xả thì vỡ hồ chứa". Đặc biệt, thủy điện Sông Ba Hạ đã xả lũ cực lớn so với "tầm vóc", với lưu lượng trên 6.000 m3/s, và dự định xả đến 7.000 m3/s, mà không hề báo cáo chính quyền địa phương và dân vùng hạ lưu chủ động... né nước. 

Ông Nguyễn Bá Lộc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, Trưởng BCH Phòng chống bão lụt - TKCN tỉnh, phát biểu: Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ (SBH) sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, khi đã vi phạm Quyết định 1757 của Thủ tướng Chính phủ về Quy trình vận hành liên hồ chứa Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Krông HNăng, Ayun Hạ và An Khê - Ka Nak. 

Theo thống kê của BCH Phòng chống bão lụt - TKCN Phú Yên, đợt mưa lũ 10 ngày qua, tỉnh đã có người chết, nhà sập, hàng ngàn hộ dân phải di dời khẩn cấp, thiệt hại hàng ngàn hecta lúa mùa, hoa màu, cây trồng, tài sản khác... trong vùng ảnh hưởng lũ sông Ba.

Liên tục choáng váng vì các đợt lũ trước đó, ngày 9-11, Phú Yên, SBH tiếp tục xả lũ với lưu lượng 4.000 - 6.000 m3/s, trong lúc lũ sông Ba đang xấp xỉ mức báo động cấp 3, các sông khác trong tỉnh cũng ở mức tương tự. Hàng loạt khu dân cư, tuyến đường huyết mạch đang tiếp tục bị chia cắt, ngập chìm nghiêm trọng trong lũ lụt, đang cần cứu trợ khẩn cấp. Lực lượng vũ trang đã phải vào cuộc giúp dân các vùng cô lập di dời đến nơi an toàn và lo cứu đói trước mắt.

ĐÈO CẢ KHÔNG BÌNH YÊN
Mười ngày qua, cùng lúc đường sắt và Quốc lộ 1A đoạn qua đèo Cả (giữa Phú Yên - Khánh Hòa) đã có ít nhất ba lần làm "đứt mạch" giao thông bắc - nam, dồn tàu - ùn xe vất vả trăm bề. Ông Nguyễn Đình Tân, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh, cho hay: hàng trăm nhân viên của ngành đã phải dầm mình trong mưa lớn đêm 8-11, để giải phóng hàng trăm mét khối đất đá tại cung đường sắt đèo Cả; sau khi hơn 10 giờ "đứng bánh", đường tàu đã thông vào sáng 9-11. Thế nhưng liền đó, đá núi khu vực đèo Cả lại tiếp tục sạt lở ầm ầm phủ kín đường ray; ngành đường sắt lại phải sử dụng chất nổ để phá những tảng đá nặng nhiều tấn, mới có thể giúp thông tàu lần nữa vào lúc 15 giờ 30 ngày 9-11.

Tương tự, Quốc lộ 1A qua đèo Cả liên tục khốn đốn từ sáng đến xuyên đêm 8-11, cũng do lở núi làm hàng ngàn mét khối đất đá tràn xuống chắn đường. Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên, trao đổi với PV: đơn vị đã cùng lực lượng CSGT Phú Yên làm việc vô cùng căng thẳng để giải cứu và giữ vững lưu thông 24/24 giờ trong ngày 8-11, khi có hai vụ lở núi nối tiếp nhau. Ông Hóa cũng cho biết, đèo Cả đang còn hàng loạt điểm chờ sạt lở, trong lúc nhiều đoạn Quốc lộ 1A khác qua Phú Yên đang bị nghiêng - đứt, vô cùng nguy hiểm cho người xe lưu thông.


CSGT huyện Tuy Phước hướng dẫn giao thông trên Tỉnh lộ 640

29 NGƯỜI CHẾT, HƠN 2.000 NGÔI NHÀ BỊ SẬP 
Ngày 9-11, tỉnh Bình Định đã cấp 20 tấn mì tôm cùng hàng chục ngàn chai nước uống để kịp thời cứu đói cho dân ở các vùng bị ngập sâu trong lũ thuộc vùng khu đông hai huyện Tuy Phước và Phù Cát. Đồng thời, tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương cùng với việc tập trung di dời dân ở các vùng ngập sâu, tổ chức đến thăm hỏi, chia buồn; hỗ trợ các gia đình có người chết do lũ lụt 4,5 triệu đồng, bị thương 1,5 triệu đồng/người và có kế hoạch bố trí nơi ăn, ở cho các hộ dân có nhà bị sập. 
Ngày 9-11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã chuyển 1.000 thùng mì tôm và 1.000 chai nước uống tinh khiết cho các xã: Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, Phước Thắng (huyện Tuy Phước); Cát Tiến, Cát Nhơn, Cát Chánh và Cát Thắng (huyện Phù Cát) để cấp cho người dân đang bị nước lũ cô lập. 

Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 11-11, mực nước trên các triền sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ở mức báo động 1, báo động 2, diện tích bị ngập lụt cơ bản đã rút hết, diện ngập lụt còn lại chủ yếu ở các khu vực trũng, thấp như các xã, phường ven sông Kôn thuộc huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, tỉnh Bình Định. Tỉnh Quảng Ngãi còn 5 điểm giao thông bị sạt lở cục bộ gây khó khăn khi tham gia giao thông (đường Trà Trung đi Di Lăng; trung tâm huyện Sơn Tây đi xã Sơn Long; đường Sơn Mùa đi Sơn Liên; đường Sơn Mầu, Sơn Lập, Sơn Tinh và tuyến Đông Trường Sơn thuộc xã Sơn Tây). Bình Định vẫn ách tắc tại tuyến đường từ thị trấn Tuy Phước đi Cát Tiên; từ thành phố Bình Định đi Gò Bồi, Phước Hòa. Một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ 641, 644, 647 tại Phú Yên bị ngập, sạt lở cục bộ gây ách tắc giao thông. Đến nay, mưa lũ đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi: 1; Bình Định: 7; Phú Yên: 7; Khánh Hòa: 7; Ninh Thuận: 5, Đăk Lăk: 2), 2 người mất tích (Bình Định: 1; Khánh Hòa: 1); 8 người bị thương. Hiện có gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trôi; hơn 34.000 ngôi nhà khác bị ngập, hư hỏng. Tổng thiệt hại tài sản lên tới 2.087 tỷ đồng, trong đó nặng nhất là Quảng Ngãi 1.567 tỷ đồng; Ninh Thuận 1.000 tỷ đồng; Bình Định 513,22 tỷ đồng; Khánh Hòa 300 tỷ đồng; Phú Yên 152 tỷ đồng và Đăk Lăk 120 tỷ đồng.
 
 X.N - T.H - B.Đ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét