Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Tài Liệu Đặc Biệt: Quốc Kỳ Việt Nam - Nguồn Gốc và Lẽ Chính Thống

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Sài

Giới thiệu VNN: 
Một trong những sự kiện điển hình nhất của cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong năm 2003 là chiến dịch Cờ Vàng. Tính cho đến nay, chiến dịch này đã vận động được gần 30 bản nghị quyết từ cấp thành phố cho đến tiểu bang, công nhận lá cờ vàng 3 sọc đỏ là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do. Sự công nhận lá cờ Vàng truyền thống còn mang thêm một ý nghĩa đặc biệt nữa là vinh danh lý tưởng đấu tranh vì tự do dân chủ của người Việt Nam. Để giúp thêm tài liệu cho những chiến dịch vận động còn đang tiếp diễn, cũng như trang bị một số kiến thức lịch sử cho các bạn trẻ, chúng tôi xin gửi đến qúy độc giả tài liệu nghiên cứu giá trị của tác giả Nguyễn Đình Sài về nguồn gốc lá cờ Vàng 3 sọc đỏ.

I. DẪN NHẬP
"Quốc Kỳ" - The National Flag - là lá cờ chính thức của một dân tộc sống trên một lãnh thổ do một chính quyền quốc gia quản trị, được đa số dân chúng tín nhiệm trong nghĩa vụ bảo vệ sự hiện hữu và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia đó.

Ngày xưa, khi tất cả các quốc gia còn trong chế độ quân chủ chuyên chính, thì "đế kỳ" (cờ của vua) cũng là biểu tượng của quốc gia, nhưng chỉ được dựng lên tại những nơi có vua ngự. Còn các thành quách, biên ải thì dựng cờ của các vị thống lãnh. Ý niệm dùng một lá "quốc kỳ" để biểu tượng chủ quyền quốc gia trên toàn thể lãnh thổ chỉ mới có về sau này. Quốc kỳ Đan Mạch có nền đỏ và chữ thập trắng, được xem là xưa nhất trong lịch sử thế giới, khánh thành vào năm 1219.

Quốc kỳ Liên Hiệp Anh "The Union Jack" được quốc hội quân chủ lập hiến thừa nhận năm 1707. Quốc kỳ "Tam Tài" ba sọc đứng xanh, trắng, đỏ của Pháp xuất hiện cùng với cuộc cách mạng nhân dân năm 1789. Quốc kỳ Mỹ đã được công bố qua đạo luật First Flag Act của Quốc Hội vào năm 1777, nhưng khác hẳn với quốc kỳ hôm nay, với một nền gồm 7 sọc đỏ, 6 sọc trắng, và một hình chữ nhật màu xanh đậm phía trên cờ góc trái, trên đó có một vòng tròn gồm 13 sao trắng tượng trưng cho 13 tiểu bang sáng lập ra quốc gia Hoa Kỳ. Qua nhiều lần thay đổi với số lượng tiểu bang ngày càng gia tăng, vòng tròn sao trắng được sắp thành nhiều hàng thẳng. Ngày 4 tháng 7, 1958 quốc kỳ Mỹ có 50 ngôi sao trắng với sự gia nhập liên bang của Alaska và Hawaii. Đa số những lá quốc kỳ khác chỉ mới xuất hiện trong thế kỷ 20, khi các quốc gia bắt đầu chuyển hóa từ chế độ quân chủ sang dân chủ, cần có quốc kỳ tiêu biểu cho quốc gia và dân tộc chứ không chỉ riêng cho đế chế mà thôi.

Từ khoảng hậu bán thế kỷ 19 đến nay, Việt Nam cũng đã thay đổi khoảng một chục lá "quốc kỳ". Đáng chú ý nhất là hai lá cờ "nền vàng ba sọc đỏ" (gọi tắt là Cờ Vàng) và cờ "nền đỏ sao vàng" (gọi tắt là Cờ Đỏ) đã có một lịch sử tương tranh từ hơn 5 thập niên qua. Từ năm 1954 đến 1975, hai lá cờ này đã là hai biểu tượng của sự chia đôi đất nước thành hai miền Nam, Bắc Việt Nam, và được dùng làm lá "quốc kỳ" của mỗi miền. Ba mươi năm chiến tranh vì nỗ lực của đảng CSVN muốn xâm chiếm miền Nam đã gây nên nhiều chết chóc hơn bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử dân tộc. Sau năm 1975, với sự kiện đảng CSVN chiếm trọn vẹn miền Nam, thì Cờ Đỏ đã ngự trị vùng trời Việt Nam và tại trụ sở các cơ quan quốc tế mà chế độ Hà Nội là thành viên. Cũng từ năm 1975, với hàng triệu người tỵ nạn cộng sản trên khắp thế giới, Cờ Vàng vẫn tiếp tục tung bay tại hải ngoại, tất cả những nơi có cộng đồng người Việt lưu vong tìm tự do cư ngụ. Đó là một sự thật, không một ai có thể biện giải khác đi được.

Trong vòng vài năm qua, có một số bài viết về hai lá Cờ Vàng và Cờ Đỏ xuất hiện trên các diễn đàn sách, báo, và internet. Lịch sử về Cờ Đỏ có thể được dễ dàng tìm thấy trên các websites của đảng Cộng Sản Việt Nam và của chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Các bài viết về lịch sử Cờ Vàng có thể được tìm thấy qua các sách báo xuất bản trước năm 1975 và một số bài viết được phổ biến rộng rãi tại hải ngoại trong vài năm qua.

Tất cả các tài liệu được trích dẫn ở cuối bài đều có những chi tiết khác nhau về nguồn gốc cũng như ý nghĩa của lá Cờ Vàng và Cờ Đỏ. Ngoài ra, lại có một số tài liệu của người ngoại quốc cho thấy Cờ Vàng đã hiện hữu từ cuối thế kỷ 19. Các tài liệu này được trình bày khá công phu và khoa học, nhưng lại không nêu xuất xứ để kiểm chứng thêm. Đã thế, chế độ cầm quyền hiện hữu luôn luôn muốn vinh danh thành quả của chế độ và nỗ lực khỏa lấp hay hủy hoại những gì liên hệ đến phe chiến bại, đưa đến tình trạng đáng buồn là các sử sách trong và ngoài nước mâu thuẫn nhau về các dữ kiện trong các thập niên từ 1930 trở về sau.

Chính vì thế, nhu cầu tổng lược, thống nhất hóa sử liệu về quốc kỳ Việt Nam đang trở thành cần thiết. Với định hướng đó, trong bài sưu khảo này, người viết có tâm nguyện trình bày những dữ kiện khách quan về lịch sử những lá cờ từng được toàn thể hay một phần dân Việt sử dụng làm "quốc kỳ". Những tài liệu góp nhặt sau đây, tuy dựa vào các sử liệu đã hiện hữu, nhưng được kèm theo những đối chiếu, phân tích, giải thích, và chọn lọc, để mỗi dữ kiện có được căn nguyên trung thực của nó. Ước mong rằng đóng góp nhỏ mọn này sẽ phần nào được hữu dụng cho các thế hệ mai sau.

II. NHỮNG LÁ QUỐC KỲ TỪ ĐẦU THẾ KỶ 19 ĐẾN NAY
Thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay muốn tìm hiểu về lá quốc kỳ chính thống của dân tộc Việt Nam trong hơn 100 năm qua đã và đang bối rối vì sự tương phản cũng như nguồn gốc và ý nghĩa của mỗi lá cờ. Vì vậy, đi tìm nguyên khởi của mỗi lá cờ đó là tìm về lịch sử biến thiên của dân tộc. Sau đây là tóm lược bối cảnh lịch sử cấu thành và ý nghĩa của mỗi lá cờ được tìm thấy trong một hay nhiều tài liệu trích dẫn ở cuối bài.

1. Long Tinh Kỳ: Quốc Kỳ nguyên thủy của triều đình Nhà Nguyễn
Đối chiếu với các tài liệu được tham khảo thì lá quốc kỳ đầu tiên trong thời nhà Nguyễn đã được đặt tên bằng tiếng Hán là "Long Tinh Kỳ". (Ghi chú cho tuổi trẻ Việt Nam: Ý nghĩa của các chữ Hán như sau: Kỳ là cờ. Long là Rồng, biểu tượng cho hoàng đế, có màu vàng. Râu tua màu xanh dương chung quanh tượng trưng cho Tiên và cũng là màu đại dương, nơi Rồng cư ngụ. Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời, mà cũng có nghĩa là màu đỏ. Màu đỏ còn biểu tượng cho phương Nam và cho lòng nhiệt thành. Long Tinh Kỳ là Cờ Rồng có chấm Đỏ viền tua xanh, biểu hiệu cho một dân tộc có nguồn gốc Rồng Tiên ở phương Nam vùng nhiệt đới.)

Long Tinh Kỳ (1802-1885)
* Nền vàng biểu hiệu hoàng đế và sắc tộc dân Việt
* Chấm đỏ biểu hiệu phương nam* Tua xanh biểu hiệu đại dương, vẩy rồng



Cờ Long Tinh đã có từ thời vua Gia Long khi mới thống nhất sơn hà và lên ngôi hoàng đế vào năm 1802. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn chưa có bang giao quốc tế với các nước Tây phương, nên Long Tinh Kỳ được xem là "Đế Kỳ". Đế kỳ khác quốc kỳ ở chỗ:

- Đế kỳ là cờ của nhà vua, vua ở đâu thì đế kỳ treo hay dựng nơi đó.
- Quốc kỳ là biểu tượng của quốc gia, treo tại các nơi có cơ quan công quyền chứ không chỉ ở chốn hoàng triều.


Năm 1863, sau khi Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản thụ mệnh vua Tự Đức đi sứ sang Pháp trở về, thấy Pháp chào quốc kỳ Tam Tài trong các buổi lễ, nên ý niệm dùng Long Tinh Kỳ làm "quốc kỳ" mới khởi đầu.

 

Năm 1885, trước âm mưu đô hộ của thực dân Pháp đã lộ liễu quá rõ, triều đình nhà Nguyễn không còn chịu nổi áp lực ngoại xâm, Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công quân Pháp. Cuộc tấn công bị thất bại, thủ đô Huế bị thất thủ. Ông phò vua Hàm Nghi trốn chạy khỏi hoàng thành, ra Quảng Trị, rồi sau đó lên căn cứ Tân Sở, miền núi Trường Sơn, giáp biên giới Lào-Việt, để tiếp tục chống Pháp. Triều đình mang theo lá cờ Long Tinh để thể hiện sự hiện diện của vua Hàm Nghi và cũng để hiệu triệu quốc dân hưởng ứng phong trào "Cần Vương" (Cần Vương nghĩa là cứu viện vua). Nhiều nhà ái quốc đã hưởng ứng phong trào Cần Vương, và nổi lên chống Pháp khắp nơi từ nam chí bắc, mà lịch sử cận đại còn ghi rõ như các cuộc khởi nghĩa của các anh hùng Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật, v.v... Họ dựng lên những lá "Long Tinh Kỳ" tại bộ chỉ huy cũng như tiền đồn, để xác quyết sự hưởng ứng của họ đối với hịch Cần Vương. (Ghi chú Việt Sử Toàn Thư Trang 467: "Từ Trung ra Bắc, cờ khởi nghĩa bay khắp nơi"). Chính vì vậy mà sử sách thế giới mới ghi nhận sự hiện hữu của lá Cờ Long Tinh vào năm 1885, mặc dù nó đã được dùng làm đế kỳ từ đầu thế kỷ 19.

2. Đại Nam Quốc Kỳ
Nước Việt ta từ thời lập quốc đến đầu triều Nguyễn đã có nhiều quốc hiệu. Từ năm 1010, vua Lý Thái Tổ khai sáng triều đại nhà Lý thì đổi quốc hiệu Đại Cồ Việt thời Đinh Bộ Lĩnh thành ra Đại Việt. Quốc hiệu này vẫn được giữ nguyên qua nhiều triều đại Trần, Hồ, Lê, cho đến cuối triều đại Tây Sơn vào đầu thế kỷ 19. Tuy vậy, các triều đại Trung Hoa không hề chấp nhận quốc hiệu Đại Việt mà vẫn gọi nước ta là "An Nam", ngụ ý một nước Nam được trị cho yên và tùng phục người Hán, không còn quật cường nữa. Khi vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802, nhà vua sai sứ sang Tàu cầu phong và xin lấy quốc hiệu là Nam Việt. Tuy nhiên, Thanh triều nghĩ đến tên Nam Việt vốn là quốc hiệu từ thời vua Triệu Đà vào năm 207 trước Công Nguyên (BC).

Lúc bấy giờ, Nam Việt còn bao gồm hai tỉnh lớn Quảng Đông, Quảng Tây, và đảo Hải Nam. Sau Công Nguyên (AD) thì các đất ấy đã bị người Hán chiếm mất. Đến thế kỷ 18, Quang Trung Hoàng Đế, một anh hùng bách chiến bách thắng của dân tộc Việt đã định đòi nhà Thanh trả lại các vùng này, song chưa thành công thì ông đã tạ thế lúc mới 40 tuổi. Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, muốn đổi quốc hiệu thành Nam Việt, Thanh triều nhớ lại lời yêu sách của vua Quang Trung, nên lo ngại và không chấp thuận. Để giữ hòa khí, Thanh triều mới tráo đổi chữ Việt ra trước chữ Nam để cho khỏi lầm với tên cũ. Vì thế, nước ta có quốc hiệu là Việt Nam kể từ năm 1804. Năm 1820, vua Minh Mạng nối ngôi cha, mở mang bờ cõi rộng lớn về phía tây và phía nam. Minh Mạng cũng sai sứ sang Tàu xin tấn phong và xin đổi quốc hiệu Việt Nam thành Đại Nam, ngụ ý một nước Nam rộng lớn.

Tuy nhiên Thanh triều đã không chính thức chấp thuận cho vua Minh Mạng đổi quốc hiệu mới thành Đại Nam Quốc. Mãi đến gần hai thập niên sau, nhân nhà Thanh bắt đầu suy yếu, vua Minh Mạng đã quyết định đơn phương đổi tên nước thành Đại Nam và chính thức công bố tên mới vào ngày 15 tháng 2, 1839. Quốc hiệu này đã được dùng trong đời vua Tự Đức và các đời vua kế tiếp. Một số tác phẩm nổi tiếng vào thời đó đã mang tên Đại Nam. Điển hình là bộ sách "Đại Nam Thực Lục Chính Biên" và bộ "Đại Nam Nhất Thống Chí" do Quốc Sử Quán triều vua Tự Đức soạn ra, tổng hợp các công trình sử sách từ các đời vua trước.

Trong lúc đó, thì người Pháp cũng theo sử sách của Tàu, vẫn gọi nước ta là "Annam", và cũng cùng ngụ ý tương tự như người Tàu, để "yên trị" người Việt.

Năm 1885, vì cờ Long Tinh theo vua Hàm Nghi vào bưng kháng Pháp, nên người Pháp không chấp thuận cho vua Đồng Khánh dùng Long Tinh Kỳ làm quốc kỳ nữa. Triều đình Đồng Khánh phải chế ra lá cờ mới. Lá cờ mới cũng có nền vàng, nhưng màu đỏ thì gồm hai chữ Hán "Đại Nam" mang tên quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ, tức là "Đại Nam Kỳ". Tuy nhiên, những người tinh thông chữ Hán, khi nhìn thoáng qua lá cờ mới đều nhận thấy không hoàn toàn giống các nét chữ "Đại" và "Nam", nên không ai có thể quả quyết rằng lá cờ ấy liên hệ với quốc hiệu Đại Nam.


Sau đây là hình lá cờ Đại Nam, được tìm thấy qua tài liệu của người Tây phương.



Đại Nam Kỳ (1885-1890)
* Nền vàng* Hai chữ Đại Nam màu đỏ & xoay 90o ngược vị trí đối diện

Chúng ta hãy nhìn lại hai chữ Đại Nam viết bằng Hán tự sau đây:

  Đại   Nam
Bây giờ hãy thử xoay chiều, chữ Đại xoay 90 độ ngược chiều kim đồng hồ và chữ Nam xoay 90 độ theo chiều kim đồng hồ:
  Đại (xoay 90o CCW)   Nam (xoay 90o CW)
Bây giờ, chúng ta mới nhận thấy hai chữ Đại và Nam xoay chiều theo kiểu trên khá giống lá quốc kỳ nước ta vào năm 1885-1890. Tuy vậy, chữ bên trái trên lá cờ khá giống chữ Đại, trong khi chữ bên phải trên lá cờ không hoàn toàn giống chữ Nam. Nguyên do có thể là vì người ngoại quốc đã không rành thuật viết chữ Hán, nên đã thiếu sót vài nét khi chuyển thành hình vẽ của chữ Nam trên các websites của họ. Cũng có thể đó chỉ là sự cố ý của triều đình Đồng Khánh khi thực hiện lá cờ, vì vua Đồng Khánh do Pháp đưa lên ngôi, là một ông vua bù nhìn, thể chất yếu đuối, thiếu tinh thần tự chủ, nên không dám làm mất lòng nhà Thanh cũng như chính phủ bảo hộ Pháp. Vì thế triều đình đành phải xoay đổi đi một chút.

3. Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ dưới hai triều đại Kháng Pháp 1890 - 1920
Vua Đồng Khánh ở ngôi được 3 năm thì băng hà vì bạo bệnh vào ngày 25 tháng 12, 1888, lúc mới 25 tuổi. Vì các con của ông còn nhỏ nên triều đình lập hoàng tử Bửu Lân, con vua Dục Đức lên ngôi năm 1889, lấy hiệu là Thành Thái.

Vua Thành Thái là một vị vua thông minh, hiếu học, còn nhỏ tuổi mà sớm có ý chí tự cường dân tộc và có tinh thần canh tân đất nước. Ông thích tìm cơ hội sống gần dân, thường ra khỏi hoàng thành giả dạng đi chơi hay săn bắn, thậm chí về sau còn giả điên, nhưng thật ra là để tiếp xúc với các nhà chí sĩ cách mạng.
Trước đó, vào tháng 8 năm 1883 đời vua Hiệp Hòa, Pháp tấn công vào cửa Thuận An, gởi tối hậu thư bắt ép triều đình phải ký hoà ước Quý Mùi 1883, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, còn Trung và Bắc Kỳ thuộc quyền bảo hộ của Pháp (có nghĩa là mất tư cách độc lập về ngoại giao và quốc phòng). Từ đó cho đến năm 1945, nước ta không còn là một lãnh thổ nguyên vẹn từ Nam chí Bắc.
Cảm thông tâm trạng bất mãn của nhân dân thể hiện qua những tiếp xúc với các sĩ phu ngoài hoàng thành, vua Thành Thái đã không những không thỏa mãn các đòi hỏi của chính quyền bảo hộ, mà còn trọng dụng nhiều nhân tài thanh liêm và đức độ như các ông Ngô Đình Khả, Nguyễn Hữu Bài, với hy vọng khôi phục và canh tân đất nước. Năm 1890, nhà vua xuống chiếu thay đổi quốc kỳ chữ Hán bằng quốc kỳ mới. Lá cờ nền Vàng Ba Sọc Đỏ lần đầu tiên được cấu tạo và được dùng làm quốc kỳ.
  Đại Nam Quốc Kỳ (1890-1920)
* Nền vàng* Ba sọc đỏ bằng nhau biểu hiệu bắc nam trung bất khả phân

Có thể nói Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - gọi tắt là "Cờ Vàng" - là lá "quốc kỳ" đúng nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt, vì nó hàm chứa nguyện vọng độc lập và thống nhất của lãnh thổ Việt.
Sự kiến tạo lá quốc kỳ mới ấy có nhiều ý nghĩa vô cùng quan trọng:

- Thể hiện ý chí đấu tranh, bác bỏ hiệp ước Quý Mùi, "chia để trị" của thực dân Pháp, đã tao ra tình trạng Nam Kỳ thuộc địa, Trung Bắc kỳ bảo hộ.

- Xác quyết sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Nam Quốc, ba miền đều có tư thế chính trị giống nhau và bất khả phân trong nền tảng màu Vàng của dân tộc Việt ở phương Nam.

- Nêu cao tinh thần "quốc gia dân tộc", bằng cách đoạn tuyệt với sự liên hệ của chữ Hán, cũng như thoát ly ra khỏi nền bảo hộ Pháp và triều cống Tàu.

Chính vì các ý nghĩa trên mà lá cờ Vàng còn được mệnh danh là cờ "Quốc Gia". Như vậy, từ ngữ "quốc gia" có từ cuối thế kỷ 19, đối nghịch với "thuộc địa", chớ không chỉ mới có vào bán thế kỷ 20 khi từ ngữ "cộng sản" xuất hiện.

Lá cờ Quốc Gia đã được tồn tại suốt triều vua Thành Thái. Năm 1907, vì tánh khí quật cường, không chịu làm một ông vua bù nhìn và không nghe theo các đề nghị của Pháp, vua Thành Thái bị Pháp biếm nhục là ông mắc bệnh "điên" và truất phế ông, rồi đưa ông đi quản thúc ở Vũng Tàu. Con vua Thành Thái là hoàng tử Vĩnh San được triều đình phò lên ngôi, lấy hiệu là Duy Tân. Cũng như vua cha, vua Duy Tân tuy còn nhỏ tuổi mà đã tỏ ra là một người ái quốc can đảm. Vì thế, lá cờ Quốc Gia vẫn còn tồn tại cho đến khi chính vua Duy Tân cũng bị bắt vì tội tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp rồi bị đày sang đảo Réunion ở Phi Châu cùng với vua cha vào năm 1916.

Ghi chú: Dữ kiện là Cờ Vàng hiện hữu từ 1890-1920 được tìm thấy trên website của World Statemen. Chủ website này là Ben Cahoon, một chuyên gia Mỹ, tốt nghiệp đại học University of Connecticut. Muốn biết thêm về ông, xin vào đây:
http://www.worldstatesmen.org/AUTHOR.html

World Statemen là một website khổng lồ, chứa các lịch sử chính trị của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có VN. Tài liệu trong website này vô cùng phong phú, khá chính xác về các phần khác của VN, như các triều vua, các đời quan toàn quyền Pháp, v.v.., với sự đóng góp của nhiều giáo sư danh tiếng.

Người viết nghĩ rằng ngoài sự căn cứ vào các tài liệu, các sử gia còn cần phải cân nhắc, phân tích các sự tường thuật có khi mâu thuẫn, đối chiếu các biến cố thời sự để tìm ra các dữ kiện hợp lý nhất, với ý hướng rằng việc gì cũng có cái nguyên ủy của nó chứ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử VN từ ngàn năm trước được viết bởi các sử gia thời hiện đại, mỗi người mỗi khác, và cũng khác với sử ký do người Hoa viết (như bộ Sử Ký Tư Mã Thiên chẳng hạn). Những sử gia thời sau dùng các sử liệu của người thời trước cho công trình nghiên cứu của mình, có khi lại thêm những khám phá mới. Đó là sự phát kiến về lịch sử vậy. Phát kiến (innovation) là tìm ra sự kiện mới dựa trên tài liệu cũ, chứ không phải phát minh (invention), hay bịa đặt sự kiện (fabrication). Các bộ sử của Sử Gia Phạm Văn Sơn viết gần đây nhất, rất dày, có nhiều chi tiết khá lý thú và mới lạ, không hề tìm thấy nơi sách khác, có lẽ đã được viết theo phương pháp "phát kiến" ấy.

Sau khi đối chiếu với các sử sách, bằng vào trí thức và sự chân thành của Ben Cahoon, người viết không nghĩ tác giả website đã bịa đặt ra sự kiện Cờ Vàng đã hiện hữu năm 1890-1920, cũng như Cờ Đại Nam bằng chữ Hán xoay 90 độ nghịch chiều. Hiển nhiên Cahoon đã tìm thấy trong hàng đống tài liệu hay thư khố Pháp và Mỹ hoặc các đại học, nhưng lại không trích dẫn rõ ràng tài liệu nào. Riêng cờ chữ Hán "Đại Nam" thì ông cũng không trích dẫn xuất xứ và diễn tả là gì (có lẽ vì không hiểu chữ Hán), nên lúc nhìn qua không ai hiểu được là gì. Về sau, loay hoay xoay chuyển các chữ Đại và Nam, người viết mới khám phá ra cái thâm ý của tiền nhân triều Nguyễn.

Trong tinh thần tôn trọng các sách sử và các bài viết của các bậc trưởng thượng, mới đầu người viết cũng có sự nghi hoặc về dữ kiện Cờ Vàng hiện hữu từ 1890, vì không thấy sách Việt sử nào ghi lại chi tiết này. Nhưng về sau thì người viết thấy dữ kiện ấy rất hữu lý khi đối chiếu với lịch sử vào thời điểm nước ta mới bị Pháp ép ký các Hiệp Ước 1883 và 1884, cắt miền Nam cho Pháp làm thuộc địa. Tiếp theo, Pháp đày ải các vua Thành Thái và Duy Tân, vì hai vua này chủ trương toàn vẹn lãnh thổ. Các sự kiện này rất phù hợp với ý nghĩa của Cờ Vàng.


Trên đây là sự đối chiếu và chọn lọc của người viết để đi đến kết luận là tài liệu của World Statesmen có tính xác thực và khả tín. Tuy nhiên, nếu độc giả không thỏa mãn với tài liệu của World Statesmen thì nên trích dẫn tài liệu phản bác lại.

4. Cờ Bắc Trung Kỳ trong thời miền Nam thành thuộc địa Pháp
Sau khi hai vua Thành Thái và Duy Tân bị Pháp bắt đày đi Phi Châu, con của vua Đồng Khánh là Khải Định lên ngôi. Giống như cha, Khải Định cũng là một vua bù nhìn và nổi tiếng nịnh Tây. Vì vậy, đến năm 1920 thì Khải Định tuân lời quan bảo hộ Pháp, xuống chiếu thay đổi Cờ Vàng Quốc Gia tượng trưng cho ba miền thống nhất, thành Cờ Vàng Một Sọc Đỏ, chỉ tượng trưng cho hai miền Bắc và Trung của triều đình Huế mà thôi (còn miền Nam thì trở thành thuộc địa và có "quốc kỳ" riêng).

   Long Tinh Kỳ (1920 - 10 Mar, 1945)
* Nền vàng
* Một sọc đỏ lớn
* Biểu tượng cho Bắc và Trung kỳ mà thôi.
* 10-3-45 là ngày cáo chung của chế độ bảo hộ Pháp



Lá cờ Vàng Một Sọc Đỏ, cũng được gọi là cờ "Long Tinh", vì nó biến thể từ Long Tinh Kỳ nguyên thủy trong mấy chục năm đầu của nhà Nguyễn. Nền vàng có hình chữ nhật tương tự như quốc kỳ của các quốc gia khác. Chấm đỏ được kéo dài ra thành sọc đỏ ở giữa. Tua xanh không còn nữa. Đây là lá cờ biểu hiệu cho một quốc gia chỉ còn hai miền Bắc và Trung, thuộc quyền bảo hộ Pháp. Lá cờ này trải qua đời vua Khải Định và tồn tại trong đời vua Bảo Đại, sau khi vua Khải Định băng hà vào năm 1925. Sau khi lên ngôi vào đầu năm 1926 lúc mới 12 tuổi, vua Bảo Đại trao hết quyền cho "Hội Đồng Phụ Chính" với sự chỉ đạo của Toàn Quyền Pháp rồi trở sang Paris tiếp tục học cho đến 1932 mới trở về chấp chính. Lá cờ Long Tinh vẫn được tiếp tục dùng làm biểu tượng của triều đình Huế, lúc bấy giờ chỉ còn thẩm quyền cai trị hai miền Bắc và Trung dưới sự bảo hộ của Pháp.

5. Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (miền Nam thuộc địa Pháp)
Trong khi đó, từ năm 1923, Nam Kỳ đã chính thức thành thuộc địa Pháp "Nam Kỳ Quốc", có chính phủ riêng, quân đội riêng và đã có "quốc kỳ" khác với Long Tinh Kỳ. Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa có nền vàng, với hình cờ Tam Tài của "mẫu quốc" Pháp nằm trên góc trái, như hình ảnh dưới đây.

 Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (1923 - Mar. 10-1945)
* Nền vàng
* Cờ Tam Tài, màu xanh trắng đỏ nằm trên góc trái.
* 10-3-45: Nhật Đảo chính Pháp

Cờ này tồn tại đến 10-3-45 thì cáo chung sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.
6. Long Tinh Kỳ trong thời Nhật chiếm Đông Dương, 11 tháng 3, 1945 - Aug. 1945
Một ngày sau khi Nhật đảo chánh Pháp, vua Bảo Đại đăng đàn tại Huế vào ngày 11-3-45, tuyên bố hủy bỏ hòa ước Quý Mùi 1883 và Giáp Thân 1884, Việt Nam thống nhất và độc lập, theo chế độ Quân Chủ tân thời như một số quốc gia Tây Phương, và ủy nhiệm cho học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Sau đó, vua Bảo Đại phân định cho Long Tinh Kỳ trở lại cương vị của Đế Kỳ, chỉ treo nơi Hoàng Thành Huế hoặc mang theo những nơi vua tuần du. Long Tinh Đế Kỳ cũng tương tự như Long Tinh Quốc Kỳ trong thời Pháp bảo hộ, nhưng nền vàng đậm hơn và sọc đỏ thu hẹp lại bằng 1/3 chiều cao lá cờ, để tương xứng với cờ Quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim.


Long Tinh Đế Kỳ (11 Mar - 30 Aug, 1945)
* Nền vàng,
* Sọc đỏ bằng 1/3 cờ.
* 11-3-45: Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, Long Tinh Kỳ trở thành Đế Kỳ
* 30-8-45: Bảo Đại thoái vị, Đế Kỳ cáo chung


6. Cờ Quẻ Ly của quốc gia Việt Nam trong thời Nhật chiếm Đông Dương
Để biểu trưng cho Quốc Gia trong chế độ Quân Chủ, Bảo Đại ký sắc lệnh chấp thuận đề nghị của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, lấy lại quốc hiệu Việt Nam mà nhà Thanh đã chấp thuận trong thời vua Gia Long, và sáng tạo ra một quốc kỳ mới. Đó là lá cờ có nền vàng tương tự như Long Tinh Đế Kỳ nhưng vạch đỏ được chia làm ba vạch nhỏ bằng nhau, riêng vạch giữa thì đứt khoảng, tương tự như quẻ Ly, một quẻ trong bát Quái.

Không có tài liệu nào ghi lại lời giải thích của chính học giả Trần Trọng Kim về ý nghĩa của Cờ "Quẻ Ly". Tuy nhiên, cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, trong bài viết dưới tựa đề "Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam" đã giải thích như sau:

"Ly là một quẻ của bát quái. Cũng như màu đỏ, nó tượng trưng cho phương nam. Trong vũ trụ quan của Việt Nam và Trung Hoa thời trước, màu đỏ thuộc hành hỏa, tượng trưng cho mặt trời hay lửa; quẻ Ly cũng tượng trưng cho mặt trời, cho lửa, cho ánh sáng, cho nhiệt lực và về mặt xã hội thì tượng trưng cho sự văn minh. Về hình dạng thì quẻ Ly trên cờ của chánh phủ Trần Trọng Kim gồm một vạch đỏ liền, một vạch đỏ đứt và một vạch đỏ liền. Do đó, bên trong quẻ Ly, hiện lên một nền vàng gồm hai vạch liền và một vạch đứng nối liền hai vạch ấy. Trong Hán văn, đó là chữ Công. Chữ công này được dùng trong các từ ngữ công nhơn, công nghệ để chỉ người thợ và nghề biến chế các tài nguyên để phục vụ đời sống con người. Vậy, ngoài ý nghĩa văn minh rạng rỡ, quẻ Ly còn hàm ý ca ngợi sự siêng năng cần mẫn và sự khéo léo của dân tộc Việt Nam trong các ngành hoạt động sản xuất kỹ nghệ."

Còn tài liệu của Cơ Sở Việt Tộc Paris thì ghi:
"Theo Kinh Dịch (khoa học đông phương nói về quy-luật biến-hóa của vạn vật) thì Quẻ Ly thuộc cung Hỏa ở phương Nam. Vì thế nên chữ LY phải mang màu đỏ của lửa. Hình-thể lá cờ tượng-trưng cho lảnh-thổ nên phải là hình vuông (trời tròn đất vuông); nay biến thành hình chữ nhật cho phù-hợp với quy-ước quốc-tế. Vì vậy nên lá cờ mang quẻ ly đã nói lên vị-trí của một Quốc-gia ở phương Nam, tức nước NAM. Nay nước Nam thì ai làm chủ? Màu vàng giải trên toàn thể lá cờ mà ngày xưa gọi là Hoàng Địa, nay ta gọi là Nền Vàng, có nghiã là dân Việt làm chủ trên mảnh đất đó."

Cờ Quẻ Ly thời Nhật (11 Mar - 5 Sep, 1945)
* Nền vàng, ba sọc đỏ, sọc giữa đứt khoảng hơi giống hình Quẻ Ly
* Quốc kỳ chính thức thời Nhật, đồng thời với Long Tinh Kế Kỳ
 

Như vậy, ý nghĩa Cờ Quẻ Ly là sự thống nhất, độc lập cả ba miền thành một khối và theo chế độ quân chủ. Tuy vậy, trên thực tế, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ được Nhật trao thẩm quyền điều hành hai miền Bắc và Trung mà thôi. Còn miền Nam Việt Nam hết lệ thuộc vào Pháp thì lại lệ thuộc vào Nhật.

Mặc dù Cờ Quẻ Ly có ý nghĩa tốt đẹp, nhưng bị nhiều người chỉ trích là "lệ thuộc vào kinh dịch, tức là còn nô lệ văn hóa của người Hán", tương tự như Đại Nam Kỳ bằng Hán tự trong thời vua Đồng Khánh gần cuối thế kỷ 19.

7. Cờ Đỏ Sao Vàng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa"
Hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống lãnh thổ Nhật ngày 6 và 9 tháng 8, 1945 đã đưa đến hậu quả là Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Hậu quả này tạo nên một tình trạng hỗn độn chính trị chưa từng có tại Việt Nam suốt trong tháng 8. Các tổ chức cách mạng liên tiếp tổ chức những cuộc biểu tình giành độc lập, và chính phủ Trần Trọng Kim bị xem là "chính phủ thân Nhật", nên không ai dám hợp tác và Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã phải từ nhiệm.
Trong tình trạng hỗn độn, Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh, lập ra "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời" của nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa", do ông Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhờ khôn lanh mưu lược, Việt Minh đã tranh thủ được quyền điều hành đất nước qua những biến cố sau đây:

- Ngày 19-8-45, tại Hà Nội, Việt Minh tổ chức biểu tình trước tòa Khâm Sứ và "cướp chính quyền" trước hàng chục ngàn dân Hà Nội.

- Ngày 22-8-45, tại Thuận Hóa, Việt Minh hạ cờ Ly trước toà hành chánh của chính phủ Trần Trọng Kim, treo cờ Đỏ Việt Minh.

- Ngày 24-8-45, tại Sài Gòn, Việt Minh thuyết phục các tổ chức cách mạng nhường cho Việt Minh quyền "tiếp thu vũ khí của Nhật", và lập ra "Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ Lâm Thời".

- Ngày 30-8-45, tại Huế, trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người, Việt Minh nhận ấn tín của hoàng đế Bảo Đại trong Lễ Thoái Vị, hạ cờ Long Tinh xuống, treo cờ Đỏ lên, chấm dứt chế độ quân chủ Việt Nam.

- Ngày 2-9-45, tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, trước sự chứng kiến của hàng chục ngàn người, ông Hồ Chí Minh đọc "Tuyên Ngôn Độc Lập" của nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và trình diện thành phần "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời", gồm tất cả thành viên là đảng viên Cộng Sản Đông Dương hoặc tổ chức ngoại vi của đảng. Riêng ông Hồ Chí Minh, trước đó không ai biết là nhân vật nào, cũng đã lộ diện là Nguyễn Ái Quốc hay Lý Thụy, đảng viên CS.

Tình trạng đất nước sau ngày 2-9-45 có thể được tóm lược như sau:

- Ngày 5-9-45, tại Hà Nội, ông Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 5 hủy bỏ cờ Ly và dùng cờ Đỏ Việt Minh làm "Quốc kỳ", chính thức cáo chung sự hiện hữu của Cờ Quẻ Ly.

- Ngày 6-1-46, bầu cử Quốc Hội do chính phủ Hồ Chí Minh tổ chức, kết quả là Việt Minh chiếm đại đa số trong tổng số 356 dân biểu. Tiếp đó, Quốc Hội nhóm họp khóa đầu tiên ngày 2-3-46 và công nhận Cờ Đỏ làm Quốc Kỳ.

- Ngày 20-2-46, nhân dân Hà Nội biểu tình phản đối kết quả bầu cử có nhiều bằng cớ gian lận, đả đảo chính phủ Hồ Chí Minh, yêu cầu cựu hoàng Bảo Đại ra cầm quyền để kếp hợp toàn dân.

- Ngày 2-3-46, trước áp lực của dân chúng và trước nguy cơ bị Pháp tái đô hộ, Hồ Chí Minh lập nội các mới, gọi là "Chính Phủ Liên Hiệp Kháng Chiến" với một số nhân vật thuộc các tổ chức "cách mạng quốc gia" như Nguyễn Hải Thần, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, v.v..., và mời cựu hoàng Bảo Đại làm "Cố Vấn Tối Cao". Được nửa năm thì thế "liên hiệp" tan vỡ với các cuộc đàn áp Việt Nam Quốc Dân Đảng, bắt đầu công khai kể từ ngày 12-7-1946.


Cờ Mặt Trận Việt Minh (5 Sep, 1945 - 20 Dec, 1946)
* Nền đỏ, sao vàng, cạnh sao hơi cong.
* 5-9-45: Hồ ký sắc lệnh số 5 dùng cờ Việt Minh làm Quốc Kỳ, thay thế cờ Quẻ Ly.
* 20-12-46: Việt Minh rút vào bưng kháng chiến chống Pháp. Cờ Việt Minh tạm mất tư thế Quốc Kỳ.
 

- Trong suốt năm 1946, quân đội Pháp càng ngày càng chiếm ưu thế trên các cuộc đụng độ với quân đội Việt Minh. Đến 20-12-46, Pháp chiếm được Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh tuyên bố rút vào bưng kháng chiến. Dần dần, Pháp chiếm đóng và kiểm soát các thành phố, quận lỵ, và các làng xã đông dân; còn Việt Minh thì đồn trú tại các vùng quê, rừng núi hẻo lánh. Như vậy, Cờ Đỏ Việt Minh bị xem như tạm thời mất tư thế "quốc kỳ" kể từ ngày 20-12-46 là ngày Pháp chiếm Bắc Bộ Phủ cho đến ngày 20-7-1954 là ngày đất nước chia đôi và Việt Minh trở lại cầm quyền trên miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên.

8. Cờ Vàng sọc Xanh của Chính Phủ Lâm Thời "Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc"
Riêng tại miền Nam, kể từ 9-10-45 sau khi giải giới Nhật, Anh chính thức giao quyền cho Pháp quản nhiệm hành chánh miền Nam vĩ tuyến 16. Kế đến Pháp trở cờ, tái lập "Cộng Đồng Liên Bang Đông Dương". Ngày 1-6-1946 nước "Cộng Hòa Nam Kỳ" ra đời, với nội các Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh. Lá cờ "Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc" có nền vàng bao bên ngoài ba sọc xanh ở giữa, chen giữa ba sọc xanh là hai sọc trắng. Ý nghĩa của ba sọc xanh là ba phần Việt, Miên, Lào trong liên bang Đông Dương sống hòa bình thịnh vượng (màu xanh và trắng). Chế độ "Nam Kỳ thuộc địa" tồn tại được 2 năm thì cáo chung với sự thành lập Quốc Gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng kể từ 2-6-1948.


Cờ Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc (1 Jun, 1946 - 2 Jun, 1948)
* 1-6-46: Nam Kỳ CH Quốc trong Liên Bang Đông Dương.
* Nền vàng, ba sọc xanh, hai sọc trắng
* 2-6-48: Bảo Đại lập Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, thống nhất ba miền. 


9. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của "Việt Nam Quốc" và "Việt Nam Cộng Hòa"
Tại Hà Nội, sau khi Việt Minh rút vào bưng kháng chiến chống Pháp, thì nền hành chánh của miền Bắc và Trung tạm thời rơi vào tay người Pháp. Kế đó, cựu hoàng Bảo Đại được các đảng phái cách mạng cũng như người Pháp mời ra điều khiển đất nước với tư cách "Quốc Trưởng". Ông đòi hỏi Pháp phải công nhận cho Việt Nam được quyền độc lập và thống nhất ba miền, rồi thành lập "Chính Phủ Trung Ương Lâm Thời Việt Nam", cử tướng Nguyễn Văn Xuân làm Thủ Tướng để điều hành đất nước và thương thảo với Pháp. Tiếp theo, Hội Đồng Đại Biểu Chính Phủ Nam Việt Nam của "Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc" gởi kiến nghị tán thành chính phủ trung ương, chấp nhận sự độc lập và thống nhất thật sự của ba miền. Vì thế ngày 2 tháng 6, 1948, chính phủ Nguyễn Văn Xuân công bố Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam trong liên hiệp Pháp, áp dụng cho cả ba miền Nam, Trung và Bắc Kỳ.

Lá Quốc Kỳ mới cũng có nền vàng với ba sọc đỏ giống hệt như Đại Nam Quốc Kỳ trong thời khoảng 1890-1920. Nhưng đây là lần đầu tiên, Cờ Vàng được chính thức dùng cho "Quốc Gia Việt Nam", một chế độ không còn thuộc Đế Chế của Triều Nguyễn. 

Bàn về xuất xứ của lá Cờ Vàng của chế độ mới, cố GS Nguyễn Ngọc Huy cho biết lá cờ này đã "do một họa sĩ nổi tiếng thời Đệ Nhị Thế Chiến là Lê Văn Đệ vẽ và đã được Cựu Hoàng Bảo Đại chọn trong nhiều mẫu cờ khác nhau được trình cho ông trong một phiên họp ở Hongkong năm 1948". Tuy nhiên, một số tài liệu khác cho thấy không phải ngẫu nhiên mà Bảo Đại chọn lá cờ ấy, cũng không phải chỉ vì lá Cờ Vàng "đẹp và ý nghĩa". Nguyên do chính là vì họa sĩ họ Lê đã vẽ lại một lá quốc kỳ từng hiện hữu trên quê hương từ 50 năm về trước, suốt trong thời kỳ hai vị vua ái quốc Thành Thái và Duy Tân còn tại vị. Điều này đã được giải thích tường tận ở mục "3- Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ dưới hai triều đại Kháng Pháp 1890 - 1920"


Cờ Vàng Quốc Gia VN (2 Jun, 1948 - 20 Jul, 1954)
* 2-6-48: Chính Phủ Trung Ương dùng Cờ Vàng làm quốc kỳ giống như Đại Nam Kỳ thời 1890-1920.
* 20-7-54: Đất nước chia đôi theo Hiệp Định Genève. Từ đó, Cờ Vàng vẫn được dùng làm Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà từ 20-7-54 đến 30-4-75.
 

Vào năm 1948, Bảo Đại không muốn tái sử dụng Long Tinh Kỳ vì đó là Đế Kỳ của một đế chế mà ông đã chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Một ông vua tha thiết với nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, đến nỗi chịu thoái vị vì quyền lợi tối thượng của đất nước, hẳn dư biết nguồn gốc của lá Cờ Vàng. Ngoài ra, một vài chi tiết lịch sử quan trọng khác cũng đã góp phần vào việc chọn lựa Cờ Vàng: Đó là cái chết oan ức tại Phi Châu vào cuối năm 1945 của hoàng tử Vĩnh San, tức là cựu hoàng Duy Tân, và sự hiện diện tại Sài Gòn từ năm 1947 của cựu hoàng Thành Thái, thân sinh của Duy Tân. Cờ Vàng đã được dùng làm Quốc Kỳ lần đầu trong triều đại của hai vị vua này. Cả hai đã là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp dành độc lập vào đầu thế kỷ 20, mà hậu quả là cuộc xử tử các thủ lãnh Quang Phục Hội như anh hùng Thái Phiên, Trần Cao Vân vào năm 1916, và án lưu đày Phi Châu của hai vị vua ái quốc ấy.

Năm 1942, hoàng tử Vĩnh San gia nhập quân đội Pháp (cánh De Gaulle), đến năm 1945 được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, Tướng De Gaulle về Pháp cầm quyền, dự định cho ông về Việt Nam. Nhưng sau đó, có người tố cáo cho De Gaulle biết Vĩnh San luôn luôn ấp ủ chủ trương Việt Nam độc lập và thống nhất Nam, Trung, Bắc. Vì vậy, trong lần hội kiến với De Gaulle vào ngày 14-12-1945, ông bị khiển trách nặng nề và bị tước mất cấp bậc. Ông đã tâm sự với người bạn thân rằng ông lo ngại sẽ bị hại. Ngày 24-12-45, ông bị đưa về lại đảo Réunion. Hai hôm sau, ông bị tử nạn máy bay tại Trung Phi. Cái chết đầy nghi vấn của cựu hoàng Duy Tân đã làm dư luận Việt Nam xúc động và thương tiếc vị vua ái quốc. Năm 1947, cha ông là cựu hoàng Thành Thái lúc bấy giờ đã 68 tuổi, được Pháp cho về Sài Gòn, với điều kiện là ông không giữ bất cứ một trách nhiệm chính trị nào cả.

Dù vậy, sự hiện diện của cựu hoàng Thành Thái cùng với cái chết của cựu hoàng Duy Tân hiển nhiên đã gợi lên tinh thần tôn kính hoài bão của hai vua. Chắc chắn Bảo Đại có đến thăm bậc Thái Thượng Hoàng khả kính của ông, và hội ý trong việc chọn Cờ Vàng làm Quốc Kỳ, nhưng ông không thể tiết lộ ra, vì sẽ phạm vào điều kiện của De Gaulle khi cho cựu hoàng Thành Thái về VN, là không được tham dự vào chính trị phục quốc. Sự rao truyền rằng Cờ Vàng do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ ra mà không nhắc đến sự hiện hữu của Cờ Vàng 50 năm trước, cũng có dụng ý. Đó là vì nhu cầu bảo vệ an nguy của cựu hoàng Thành Thái. Vì thế, việc Quốc Trưởng Bảo Đại lựa chọn Cờ Vàng của thời chống Pháp làm Quốc Kỳ cho tân chế độ là một quyết định sáng suốt và hợp chính nghĩa.
Vì nguồn gốc kháng Pháp hào hùng của Cờ Vàng, mà năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức "trưng cầu dân ý", lập ra chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà, quốc hội mới vẫn giữ nguyên quốc kỳ của một chế độ đã cáo chung. Cuộc đảo chánh năm 1963, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa, lập nên Đệ Nghị Cộng Hoà, Cờ Vàng vẫn được giữ nguyên là Quốc Kỳ cho đến khi miền Nam bị miền Bắc thôn tính.

10. Cờ Đỏ Sao Vàng của "VN Dân Chủ Cộng Hòa" và "Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa VN"
Năm 1954, Hiệp Định Genève được ký kết, đưa đến việc chia hai lãnh thổ, từ vĩ tuyến 17 (ranh giới Quảng Trị và Quảng Bình) trở ra Bắc thuộc quyền kiểm soát của Việt Minh. Việt Minh, lúc bấy giờ đã hoàn toàn lộ diện là đảng Cộng Sản Việt Nam, trở lại Hà Nội và tái lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Lá cờ được dùng làm "quốc kỳ" của miền Bắc vẫn là cờ nền đỏ sao vàng, gọi là Hồng Kỳ - Cờ Đỏ. Tuy nhiên, các cạnh của ngôi sao không còn là đường cong như cờ Việt Minh nữa mà là đường thẳng.

Theo các websites của đảng CSVN, đặc biệt là:
http://www.sfc.keio.ac.jp/apd/minh/flag_emblem_anthem.html, thì lá cờ Đỏ do ông Nguyễn Hữu Tiến vẽ ra và đã từng xuất hiện lần đầu vào ngày 23 tháng 11 năm 1940 tại miền Nam.
Cuốn Việt Nam Niên Biểu 1939-1975 của Chính Đạo cũng ghi "lần đầu tiên CS dùng Cờ Đỏ Sao Vàng làm kỳ hiệu" trong cuộc "tổng khởi nghĩa" ngày 23-11, kéo dài cho đến đầu tháng 12 năm 1940. Cuộc "tổng khởi nghĩa" đã được đảng Cộng Sản Đông Dương phát lệnh tại Sài Gòn, Gia Định (23/11) và một số tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Chợ Lớn, Sóc Trăng (24/11), Mỹ Tho, Vĩnh Long, Tân An (27/11), Long Xuyên, Kiến An (30/11).

Cuộc khởi nghĩa của Cộng Sản bị Pháp dẹp tan, với hàng ngàn người bị bắt cầm tù và 106 lãnh tụ CS bị xử tử hình. Biến cố này cho thấy Cờ Đỏ nguyên là cờ của đảng CSĐD trước khi được sửa đổi và dùng làm cờ của Việt Minh.

Cờ Đỏ Sao Vàng của VNDCCH và CHXHCNVN
20 Jul, 1954 - hiện nay
* Tương tự cờ Việt Minh, nhưng cạnh ngôi sao vẽ thẳng để giống Liên Sô và Trung Cộng
* Nguyên là cờ đảng Cộng Sản Đông Dương, xuất hiện lần đầu ngày 23-11-1940 trong cuộc "khởi nghĩa" tại Nam Kỳ.
* Tháng 7 năm 1976, thống nhất đất nước, vẫn dùng Cờ Đỏ. 


11. Cờ Mặt Trận GPMN
Ngày 30-4-1975, CSVN chiếm được miền Nam. Vài tháng đầu, để trấn an "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam", CSVN lập ra "Chính Phủ Lâm Thời" của chế độ "Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam", có "quốc kỳ" riêng là nền đỏ nửa trên, nền xanh nửa dưới, chính giữa có ngôi sao vàng, tương tự như cờ của Bắc Việt. Sang năm 1976, ngày 2 tháng 7, thì đảng CSVN thống nhất hai miền thành "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam", khai tử Cờ MTGP Miền Nam, và dùng Cờ Đỏ (Sao Vàng) làm Quốc Kỳ trên toàn quốc cho đến nay.


Cờ Mặt Trận GPMN (Nam VN)
30 Apr 1975 - 2 Jul, 1976
* Tương tự cờ Bắc Việt, nhưng một nửa nền dưới thành màu xanh.
* Bị khai tử năm 1976 khi hai miền thống nhất

Điểm đáng ghi nhận là Cờ Đỏ của CHXHCNVN hầu như rập theo khuôn mẫu các "hồng kỳ" của Liên Sô và Trung Cộng, nghĩa là cũng cùng nền đỏ, cũng có sao vàng. Cờ Liên Sô nền đỏ, trên đầu góc trái có hình búa liềm và một nôi sao viền vàng. Cờ Trung Cộng cũng một nền đỏ, trên đầu góc trái có một ngôi sao vàng lớn và 4 ngôi sao vàng nhỏ hình cánh cung phía bên mặt. Ngôi sao lớn tượng trương cho Trung Hoa Lục Địa, bốn ngôi sao nhỏ là bốn chư hầu: Triều Tiên, Việt Nam, Lào và Miên (không kể Đài Loan và Tây Tạng, được xem là lãnh thổ của Hoa Lục). Còn cờ đảng CSVN có nền đỏ và hình búa liềm vàng, tương tự như cờ Soviet Union. Như vậy, khác hẵn với ý nghĩa độc lập thống nhất của Cờ Vàng, Cờ Đỏ mang ý nghĩa "Việt Nam là một trong những chư hầu trong khối cộng sản".


Cờ Liên Bang Soviet Union Cờ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc Cờ đảng CSVN và cờ Nhà Nước VN


12. Cờ Vàng của "Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại"
Kể từ ngày 30-4-1975 đến nay, hàng triệu người Việt không muốn sống dưới chế độ CHXHCNVN, đã tìm mọi cách thoát ra khỏi nước. Suốt gần ba thập niên qua, tại khắp nơi trên các nước tự do, Cờ Vàng luôn luôn được dùng làm biểu tượng của dân tộc VN trong mọi cuộc lễ nghi, hội họp. Từ dịp vui mừng ngày hội tết, cho đến dịp kỷ niệm ngày 30-4, Cờ Vàng luôn luôn được kéo lên, không phân biệt ban tổ chức thuộc đảng phái chính trị hay hội đoàn xã hội nào.


Cờ Vàng của CĐ Việt Nam hải ngoại
1975 - đến nay

* Tương tự Cờ Vàng của:
- Thời Cần Vương kháng pháp 1890-1920
- Thời Quốc Gia Việt Nam 1948-1955
- Thời Đệ Nhất Cộng Hòa 1955-1963
- Thời đệ Nhị Cộng Hòa 1963-1975


Sau đây là vài hình ảnh tiêu biểu trong hàng ngàn cảnh tượng tại hải ngoại suốt gần ba thập niên qua, trong đó Cờ Vàng luôn luôn được xem là biểu tượng của quốc gia và dân tộc Việt Nam.




Frankfurt-Germany-June 30-2003 --------------- Oakland-USA-June 28-2003


New York, Cultural Parade, 2000


Sydney 2-12-2003: Over 12,000 protesters rallied against SBS TV which transmitted directly Thoi Su program from Vietnam

III. PHÂN TÍCH VỀ "CHÍNH NGHĨA" CỦA HAI LÁ CỜ VÀNG" VÀ "ĐỎ"
1. Tính cách "chính thống" của Cờ Vàng

Gần đây, tại Hoa Kỳ, Cờ Vàng đã được một số cơ quan công quyền tại các địa phương như thị xã, quận hạt và tiểu bang chấp nhận như "Cờ Tự Do và Truyền Thống của Cộng Đồng Việt Nam" (The Freedom and Heritage Flag of the Vietnamese Community). Phong trào "Vinh Danh Cờ Vàng" được phát khởi và đạt thành quả tốt đẹp là vì trong lòng của đại đa số người dân Việt đang định cư tại hải ngoại đều cho Cờ Vàng vẫn là lá "quốc kỳ" chính thống của Tổ Quốc Việt Nam. Vì thế mà phong trào đã được sự hưởng ứng của đồng bào, các hội đoàn, nhân sĩ Việt Nam, tích cực nhất là của Ủy Ban Vận Động Chính Trị Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese-American Political Action Committee - VPAC).

Trước tình trạng đó, nhà cầm quyền Hà Nội đã phản ứng mạnh mẽ bằng các phương tiện ngoại giao. Bộ Ngoại Giao của CHXHCNVN đã gởi phái đoàn tới gặp các viên chức chính quyền để vận động thu hồi các nghị quyết về Cờ Vàng. Lý luận của các viên chức của chế độ được tóm gọn trong câu "Cờ Vàng đã cáo chung theo chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nên không thể được vinh danh hay treo lên tại các công sở của các quốc gia khác."

Thế nhưng, hình như họ đã không lưu ý đến lịch sử và pháp lý để hiểu rằng:

- Cờ Vàng không chỉ là Quốc Kỳ trong thời VNCH, mà còn được dùng làm Quốc Kỳ của các chế độ trước đó. Trong thời Pháp thuộc, miền Nam bị cưỡng bách phải dùng cờ Tam Tài làm Quốc Kỳ và hát quốc ca Pháp, nhưng dân Việt vẫn không chấp nhận và đã tranh đấu không ngừng để loại chế độ thuộc địa đi, đồng thời tái sử dụng Cờ Vàng làm Quốc Kỳ.

- Chế độ CHXHCHVN không đại diện cho tập thể người Việt hải ngoại, về mặt pháp lý cũng như về tinh thần. Nhà Nước Việt Nam chỉ có thể đòi hỏi chính phủ Liên Bang Mỹ phải tôn trọng Cờ Đỏ, mỗi khi có sự tiếp đón ngoại giao. Nhưng Hiến Pháp Hoa Kỳ không cho phép chính phủ Liên Bang Mỹ bắt buộc dân chúng hay các cơ quan công quyền địa phương phải tôn trọng những gì mà họ không chấp nhận, nhất là trên phương diện chính trị và tư tưởng.

- Việc vinh danh Cờ Vàng thể hiện tinh thần bất khuất, yêu chuộng độc lập, tự do và dân chủ của dân tộc Việt Nam, từng được biểu dương trong thời chiến đấu chống lại chính sách thuộc địa của thực dân Pháp. Tinh thần đó cao quý hơn sự hiện hữu của các chế độ. Mọi người Việt không phân biệt khuynh hướng chính trị, quốc gia hay cộng sản, đều phải hiểu như thế, chứ không thể lý luận rằng khi chế độ VNCH cáo chung thì Cờ Vàng phải bị loại bỏ.

Một cáo buộc khác cũng đã được các cán bộ Ngoại Giao của Hà Nội sử dụng khi vận động các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ hủy bỏ Nghị Quyết Cờ Vàng, đó là "Cộng đồng người Việt hải ngoại có âm mưu ngăn chặn Cờ Đỏ xuất hiện tại hải ngoại và phục hồi chế độ VNCH, tạo lại cuộc chiến đã trôi qua 30 năm trước."

Sự kiện cộng đồng người Việt hải ngoại chỉ muốn thừa nhận Cờ Vàng mà không muốn nhìn thấy lá Cờ Đỏ đã thể hiện bằng hành động công khai từ trên nhiều thập niên qua, không có gì dấu diếm để bị cho là "âm mưu." Tất cả các cuộc tập họp, lễ lạc như hội chợ Xuân, Lễ Quốc Tổ Hùng Vương, các tiệc liên hoan khánh tiết, kỷ niệm ngày 30-4, v.v... người Việt hải ngoại đều công khai treo cờ Vàng khắp thế giới. Mới đây, tháng 12 năm 2003, để phản đối đài truyền hình SBS ở Australia về việc truyền hình chương trình "Thời Sự", một sản phẩm của Hà Nội, trên 12 ngàn người Việt đã đội mưa biểu tình với rừng Cờ Vàng chen lẫn Cờ Úc, cho thấy ý dân quá rõ ràng, nơi đâu cũng cùng một lòng bảo vệ Cờ Vàng và không chấp nhận Cờ Đỏ. Vụ Trần Trường mấy năm trước, muốn treo Cờ Đỏ tại Nam California đã bị cộng đồng VN tự động phản đối mạnh mẽ, cũng là một bằng chứng cho ý nguyện của người dân, không chấp nhận Cờ Đỏ. Đối với họ, Cờ Đỏ tượng trưng cho sự lệ thuộc vào chủ nghĩa cộng sản lỗi thời và phi dân tộc, nằm trong quỹ đạo của Trung Cộng.

Mặt khác, dù chế độ Đệ Nhị VNCH trước năm 1975 có tự do dân chủ hơn chế độ CHXHCNVN hiện nay gấp bội lần, nhưng không ai muốn "phục hồi" chế độ ấy cả. Đa số người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đều mong muốn đất nước có được một chế độ công bằng, nhân bản, tự do, dân chủ, đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái, lo cho hạnh phúc dân chúng thay vì phục vụ sự vinh thân của giới lãnh đạo. Tất cả mọi người dân trong cũng như ngoài nước, ngoại trừ một số đảng viên cao cấp của CSVN, đều nhận thấy chế độ hiện nay không đáp ứng quyền lợi của người dân, nên cần phải được thay thế bằng mọi cách. Đó là nguyện vọng chính đáng và hợp đạo lý dân tộc.

Tóm lại, nếu lúc này trong nước mở cuộc trưng cầu dân ý, thực sự cho người dân lựa chọn mà không trả thù họ, thì Cờ Đỏ sẽ bị loại trừ và bị thay thế bởi Cờ Vàng lập tức. Đó là điều vô cùng thực tế và là một thách thức cho chế độ!

Chính vì sự thiếu thốn tài liệu trung thực, mà việc nghiên cứu bối cảnh lịch sử trong thập niên 1940 rất cần thiết trong lúc này, không những để cho thế hệ trẻ trong và ngoài nước được biết, mà còn để cho cả những viên chức trẻ của chế độ CSVN hiểu rõ ngõ hầu chấm dứt những vận động xóa bỏ Cờ Vàng, thay vào đó là cố gắng cùng sát cánh với toàn dân trong việc bảo vệ truyền thống cao quý của Việt Nam.

2. Tính chất "phi dân tộc" của Cờ Đỏ.
Từ đầu thế kỷ 20 đến đầu thập niên 1940, tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng qua hai cuộc thế giới đại chiến. Tại Việt Nam, anh hùng Yên Thế Hoàng Hoa Thám bị kẻ nội gian hạ sát vào năm 1913. Kế đến, vua Duy Tân bị Pháp bắt đày đi Phi Châu cùng với Phụ Hoàng Thành Thái vì lòng ái quốc thương dân. Trước thái độ bù nhìn nịnh Pháp của vua Khải Định, phong trào Cần Vương bắt đầu suy tàn. Vì thế, các tổ chức cách mạng liên tiếp ra đời, theo đuổi mục đích phục quốc, thay vì cần vương hồi phục nhà Nguyễn. Kỳ cựu và nổi tiếng nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ). Năm 1930, Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí bị bắt và lên máy chém, thì VNQDĐ với lãnh tụ mới là ông Vũ Hồng Khanh đã trải qua thời kỳ khốn khổ vì bị Pháp truy lùng. Tiếp theo đó, đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) được ông Nguyễn Sinh Cung (tức là Nguyễn Tất Thành, Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc, Lucius, Lin, Hồ Quang, Hồ Chí Minh) thành lập và bí mật phát triển nhân sự một cách nhanh chóng.

Đến tháng 8 năm 1934, VNQDĐ kết hợp với một số nhân sĩ cách mạng như Nguyễn Hải Thần, Hồ Học Lãm và đảng CSĐD thành tổ chức Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, với tên tắt là Việt Minh. Tuy nhiên đến cuối năm 1935 thì VNQDĐ rút ra khỏi tổ chức liên kết vì cảm thấy Việt Minh dần dần bị thao túng bởi các đảng viên của đảng CSĐD. Từ đó, Việt Minh trở thành tổ chức bình phong của đảng CSĐD.

Vào cuối thập niên 1930, Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, lan sang Á Châu. Nhân đó, nhiều tổ chức cách mạng liên tiếp ra đời như Đại Việt Quốc Dân Đảng (đảng trưởng là Trương Tử Anh), Đại Việt Dân Chính (Nguyễn Tường Tam), Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (Hoàng thân Cường Để), Đại Việt Duy Dân Đảng (Lý Đông A), và một số các tổ chức nhỏ khác. Sau đó, các tổ chức này lại kết hợp với Việt Minh thành một tổ chức mới, là Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, viết tắt là Việt Cách, do các ông Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công và Vũ Hồng Khanh giữ trách nhiệm lãnh đạo. Trong lần kết hợp này, Việt Minh không còn có nhân sự trong thành phần lãnh đạo cao cấp nữa, nên Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Hồ Chí Minh quyết định tách ra và tập họp Hội Nghị lần thứ 8 đảng CSĐD vào tháng 5, 1941 tại Pac-Bó, tỉnh Cao Bằng, công khai hóa Mặt Trận Việt Minh để tiến hành cuộc "cách mạng quốc tế vô sản" dưới lá Cờ Đỏ Sao Vàng, với lực lượng võ trang là "Vệ Quốc Quân". Về phía Việt Cách, để tiến hành cuộc "cách mạng quốc gia", họ cũng công khai hóa "Mặt Trận Quốc Dân", dùng cờ hiệu là Nền Đỏ Sao Trắng, với lực lượng võ trang gọi là "Quốc Dân Quân".

Ôn lại các sự kiện trên để thấy rằng ngày từ thuở phôi thai, đảng CSĐD không hề phục vụ dân tộc. Ngược lại, họ đã dùng chiêu bài "cách mạng dân tộc" để phục vụ cho lý tưởng Chủ Nghĩa Cộng Sản đồng thời sử dụng sách lược của Đệ Tam Quốc Tế để cướp chính quyền. Chính vì lá Cờ Đỏ đã được khai sinh bởi lý tưởng Cộng Sản và đến nay vẫn phục vụ cho lý tưởng Cộng Sản, nên Cờ Đỏ không hề mang tính "dân tộc".

3. Tính chất "phi cách mạng" của cuộc chính biến tháng 8, 1945 tại Hà Nội
Bàn về Cờ Đỏ mà không phân tích về các biến chuyển thời sự vào tháng 8-45, thiết tưởng là một thiếu sót, vì Cờ Đỏ gắn liền vói cuộc chính biến lịch sử này.

Sau khi Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập từ tháng ba, năm 1945, tồn tại cho đến khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử trên đất Nhật hai vào ngày 6 và 9 tháng 8 năm 1945, đưa đến sự đầu hàng vô điều kiện của Nhật. Tiếp theo đó, khắp ba miền, các biến chuyển thời sự dồn dập cho đến cuối tháng 8.

Ngày 12-8-45, Phong Trào Phụng Sự Quốc Gia của ông Trần Văn Cương tổ chức biểu tình tại Hà Nội, hô hào dân chúng đoàn kết cứu nước. Tại Thuận Hóa, ông Trần Trọng Kim không mời được người tham gia chính phủ mới vì không ai muốn phục vụ dưới chế độ thân Nhật nữa.
Ngày 14-8-45, tại Sài Gòn, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt ra đời gồm Cao Đài, Hòa Hảo, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của quý ông Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân.

Ngày 16-8-45, ông Hồ Chí Minh cùng các đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế như các ông Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Phạm Văn Đồng, v.v..., dưới bình phong là Mặt Trận Việt Minh, triệu tập "Đại Hội Quốc Dân" tại Tuyên Quang, tuyên bố thành lập nước "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa" và phát động cuộc "tổng khởi nghĩa". Lúc bấy giờ rất ít người biết đến tung tích đích thực của những người này, nhưng tin đồn về Mặt Trận Việt Minh "tổng khởi nghĩa" tràn lan khắp nước.

Ngày 17-8-45, tại Thuận Hóa, vua Bảo Đại chủ tọa buổi họp chính phủ Trần Trọng Kim. Buổi họp đưa đến một số quyết định quan trọng của Bảo Đại như sau:

* Chấp thuận bản dự thảo thông điệp kêu gọi các quốc gia Đồng Minh giúp đỡ, bảo đảm nền độc lập của Việt Nam.

* Ban hành đạo dụ số 105 tình nguyện trao quyền điều hành đất nước cho một chính phủ "cộng hòa dân chủ" và sẵn sàng tuân theo thể chế mà nhân dân quyết định.

* Xuống chiếu tuyên bố cùng toàn dân rằng nhà vua đặt hạnh phúc của nhân dân lên trên ngai vàng nhà Nguyễn, "muốn làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nưóc nô lệ", và kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia việc nước.

Cũng cùng ngày hôm đó, công chức Hà Nội tổ chức biểu tình để ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng được nửa buổi thì bị đảng viên Cộng Sản thuộc Mặt Trận Việt Minh trà trộn vào đoàn biểu tình, phất cờ đỏ sao vàng, bắn súng thị uy và lái cuộc biểu tình thành cuộc biểu tình hoan hô Việt Minh.

Ngày Chủ Nhật 19-8-45, Tại Hà Nội, Việt Minh vận động hàng ngàn đồng bào cầm nhiều Cờ Đỏ Sao Vàng, kéo tới quảng trường Ba Đình, trước dinh của Khâm Sai Phan Kế Toại để biểu tình. Tại đó, các cán bộ Việt Minh dùng súng uy hiếp bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ, "Giám Đốc Ủy Ban Chính Trị Miền Bắc" phải ra lệnh cho binh sĩ Bảo An mở cửa dinh. Cán bộ Việt Minh tước khí giới của họ, chiếm Khâm Sai Phủ và Toà Thị Chính. Sau đó, cuộc biểu tình biến thành buổi ra mắt "Mặt Trận Việt Minh Cứu Quốc". Vì biến cố này, nhóm chữ "Việt Minh cướp chính quyền" bắt đầu được dùng tới, đối nghịch với nhóm chữ "Cách Mạng Tháng 8" mà các sử gia đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng sau này.

Cũng trong ngày 19-8-45, tại Sài gòn, Mặt Trận Liên Hiệp Quốc Gia ra đời. Tổ chức này chủ trương giao thiệp và tiếp nhận khí giới cùng các công cụ do Nhật bàn giao. Tuy nhiên, không được bao lâu thì cán bộ Việt Minh đã thuyết phục họ rằng Việt Minh được Đồng Minh xem là tổ chức "kháng Nhật", nên để cho Việt Minh tiếp thu vũ khi Nhật thì mới được Đồng Minh tiếp tục ủng hộ. Nhờ đó, Việt Minh đã gấp rút thành lập các Ủy ban Nhân Dân địa phương. Đến ngày 24-8-45 thì Việt Minh thực sự nắm chính quyền ở Sài gòn, với sự ra đời của "Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ Lâm Thời".

Theo cuốn SAIGON (Anthoney Grey), sau khi tuyên bố "Tổng Khởi Nghĩa" tại Cao Bằng thì ông Hồ Chí Minh cùng bộ chỉ huy kéo về Hà Nội, dẫn theo một số người Mỹ. Họ vốn là những điệp viên OSS đã nhảy dù xuống vùng thượng du Bắc Việt vào đầu năm 1945, để tiếp tế vũ khí và huấn luyện cho bộ đội Việt Minh tìm cứu các phi công Mỹ bị Nhật bắn hạ. Ông Võ Nguyên Giáp đã phái những toán bộ đội Việt Minh đi trước mở đường. Họ hô hào dân chúng ra đón tiếp, để người Mỹ tưởng là Việt Minh được nhân dân ủng hộ, đồng thời để nhân dân tưởng rằng Việt Minh được Hoa Kỳ ủng hộ. Họ cũng đốt phá các làng mạc nào không chịu ra đón tiếp họ và vu cáo hành động tàn phá cho Việt Quốc (VNQDĐ). Võ Nguyên Giáp còn phái các toán Việt Minh đi sau phá cầu đường để ngăn chặn cuộc trở về Hà Nội của Việt Cách và "Quốc Dân Quân". Phần thì bị các chướng ngại ngăn trở, phần thì yếu thế hơn Việt Minh, lực lượng Việt Cách đã kẹt ở biên giới Việt Trung từ khi Nhật đầu hàng cho đến đầu tháng 9 mới theo quân đội Trung Hoa Quốc Gia do Lư Hán thống lãnh về Hà Nội. Vì thế các cuộc biểu tình tại Hà Nội trong tháng 8, 1945 đã không có sự tham dự của các lực lượng cách mạng quốc gia.

Những cuộc vận động của Việt Minh nhằm tiếp thu chính quyền quốc gia được kể là hoàn tất khi vua Bảo Đại ban hành chiếu thoái vị vào ngày 25-8 tại Huế, và "nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa." Bảo Đại kết thúc chiếu thoái vị với hai câu khẩu hiệu: "Việt Nam độc lập muôn năm!" và "Dân chủ cộng hòa muôn năm!"

Ngày 30-8-45, lễ Thoái Vị được cử hành trọng thể vào lúc 12 giờ trưa trước cửa Ngọ Môn, đến 2 giờ chiều đã có hàng vạn người. Sau khi vua Bảo Đại đọc xong chiếu thoái vị, thì Long Tinh Đế Kỳ được kéo xuống và Cờ Đỏ Sao Vàng của Việt Minh được kéo lên. Trong cuốn hồi ký "Con Rồng Việt Nam", cựu hoàng Bảo Đại tóm lược tình trạng bấy giờ như sau: "... lợi dụng sự tuyên truyền phóng đại và đe dọa, người của Việt Minh như đoạt được quyền hành trên toàn quốc, trong mười lăm ngày sau khi quân Nhật đầu hàng."

Xuyên qua các dữ kiện lịch sử nêu trên, một vấn đề khúc mắc được nêu lên từ 1945 đến nay: Cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 do Việt Minh chủ động có phải là một cuộc "cách mạng chân chính" hay không?

Để giải đáp rốt ráo vấn đề này, trước hết, ta hãy xem lại các định nghĩa về danh từ "cách mạng".
Theo nghĩa chữ Hán, "cách" là "thay đổi, bỏ đi", "mạng" hay "mệnh" là "sự sống"; chữ "cách mạng" viết kép nghĩa là "thay đổi triều vua".

Theo nghĩa Tây Phương, "cách mạng" là "revolution", nghĩa là "a political movement which seeks to overthrow a government", một phong trào chính trị nhằm loại bỏ một chính phủ.

Như vậy, một cuộc "cách mạng chân chính" cần hội đủ các đặc tính: Tính "thay cũ đổi mới", tính "dân tộc", tính "độc lập", tính "tự chủ", tính "quần chúng", và tính "đoàn kết". Sau đây ta thử xét xem các đặc tính trên có trong cuộc chính biến tháng 8, 1945 hay không.

- Tính "thay cũ đổi mới": Biến cố tạo nên hậu quả cáo chung một chế độ cũ và thay thế bởi một chế độ mới.

- Tính "độc lập": Biến cố tự phát sinh mà không do sự hỗ trợ biểu kiến của một ngoại bang nào.

- Tính "tự chủ": Biến cố không bị kềm chế hay ảnh hưởng trực tiếp bởi một lực lượng ngoại lai nào.

- Tính "quần chúng": Biến cố được sự tham dự của nhiều người. Sự tham dự này có thể là do tự nguyện, được vận động, hay bị ép buộc.

- Tính "dân tộc": Biến cố được phát khởi từ một hay nhiều thành phần dân tộc để phục vụ dân tộc chứ không nhằm phục vụ một ý thức hệ nào.

- Tính "đoàn kết": Biến cố tận dụng các tài nguyên của đất nước như thời Kháng Nguyên của Nhà Trần và Kháng Minh của nhà Lê thuở trước.

Xét về mặt biểu kiến, cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 do Việt Minh chủ động có một số đặc tính "cách mạng", vì những sự kiện sau:

Sự thật 1: Nó có tính "thay cũ đổi mới", đưa đến sự cáo chung triều đại quân chủ nhà Nguyễn để tiến dần đến các chế độ mới sau này.

Sự thật 2: Nó có tính "độc lập", thể hiện lòng khát vọng của toàn dân, kể cả hoàng đế Bảo Đại, muốn thấy đất nước được độc lập, không còn bị đô hộ bởi thực dân Pháp nữa. Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội từ lúc thành lập đã có chủ trương chống cả Pháp và Nhật để dành độc lập cho nước nhà. Nhiều người không cộng sản đi theo Mặt Trận Việt Minh từ tháng 8, 1945 về sau cũng vì tán thành chủ trương độc lập đó.

Sự thật 3: Nó có tính "tự chủ". Vào thời điểm tháng 8, 1945, tại Đông Dương có ba lực lượng ngoại bang: Pháp, Nhật, và Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch. Mặt Trận Việt Minh không dựa vào Trung Hoa Dân Quốc, Pháp cũng như Nhật.

Sự thật 4: Nó có tính "quần chúng". Với kỹ thuật sách động và hù họa dân chúng của Việt Minh, hàng vạn người đã tham gia các cuộc biểu tình 19-8 và 2-9, tạo nên khi thế quần chúng chưa bao giờ có.

Đọc đến đây ắt có người về phía "Quốc Gia" sẽ tranh luận ngay rằng cuộc chính biến tháng 8, 1945 không thể có tính "độc lập" hay "tự chủ". Họ sẽ nêu ra dữ kiện rằng "Thành phần chính phủ mà Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-45 hết thảy là cộng sản Việt Nam, là tay sai của Liên Sô và Trung Cộng, nên cuộc chính biến tháng 8 bị lệ thuộc vào lực lượng ngoại bang."

Sự tranh luận ấy không đúng theo lịch sử. Vào giữa thập niên 1940, thế lực chính trị của Liên Sô còn yếu. Lực lượng quân sự của Liên Sô đang dồn vào mặt trận Đông Âu, không có chút ảnh hưởng nào tại Đông Dương ngoài việc huấn luyện ý thức hệ cho các đảng viên đảng Cộng Sản Đông Dương. Trung Hoa còn thuộc chế độ Cộng Hòa của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, từ Tôn Dật Tiên chuyển xuống Tưởng Giới Thạch, đang vất vả chống Nhật ngay trên lãnh thổ của họ và phải nhờ Hoa Kỳ trấn giữ các căn cứ chiến lược vùng đông nam Hoa Lục. Lực lượng Trung Cộng của Mao Trạch Đông chỉ mới phôi thai ở miệt tây bắc Trung Quốc, lúc ấy chưa hề bén mảng đến miền nam; mãi đến năm 1949, dành được Hoa Lục, mới bắt đầu ảnh hưởng vào vùng Đông Dương. Lúc bấy giờ Mặt Trận Việt Minh cũng là một trong những thành phần dân tộc, cho dù họ là "thành phần xấu" đi nữa, và sự tham gia của quần chúng quả thật là xuất phát từ khát vọng độc lập của họ, không bị Liên Sô và Trung Cộng trực tiếp ảnh hưởng.

Việt Minh cướp chính quyền hoàn toàn là do sức của Việt Minh và quần chúng VN, thì phải gọi biến cố ấy có tính "tự chủ". (Ảnh hưởng của hai đảng Cộng Sản Liên Sô và Trung Quốc chỉ mới có từ thập niên 1950 trở đi, đặc biệt là việc cung cấp vũ khí cho Việt Minh trong trận Điện Biên Phủ và cuộc xâm chiếm miền Nam.) Mặt khác, nếu nói đến "ảnh hưởng" về vật chất, tư tưởng, và tinh thần thì phải kể đến ảnh hưởng trực tiếp của Hoa Kỳ qua ba sự kiện quan trọng: Thứ nhất, toán điệp viên OSS (Office of Strategic Services) của Hoa Kỳ đã cung cấp vũ khí, đạn dược, và luấn luyện cho Việt Minh. Thứ hai, khi đoàn quân Việt Minh rời Cao Bằng về Hà Nội từ ngày 20 đến 25 tháng 8, toán OSS đã đi theo bên cạnh Hồ Chí Minh (lúc ấy là điệp viên OSS với bí danh Lucius) và Võ Nguyên Giáp. Thứ ba, bản "tuyên ngôn độc lập" mà Hồ đọc trước quảng trường Ba Đình ngày 2-9 đã phỏng theo bản "Declaration Of Independence" ngày 4 tháng 7, 1776 của Hoa Kỳ. Ba sự kiện này đã tạo cho dân chúng cảm tưởng là Việt Minh được Hoa Kỳ hỗ trợ.

Nhờ thế mà dân chúng đã theo Việt Minh lúc đó và sau này. Dù vậy, những ảnh hưởng đó chỉ là phụ thuộc, không vì thế mà mất đi tính "tự chủ" của cuộc chính biến, hoặc cho rằng nó bị lệ thuộc vào Hoa Kỳ, bởi vì tất cả những kế hoạch và hành động "dành chính quyền" đều do người Việt Nam (Mặt Trận Việt Minh) chủ trì, chứ Mỹ, Nga, Tàu, Nhật, và Pháp không có ảnh hưởng gì cả.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn, cuộc chính biến tháng 8, 1945 dù có một số đặc tính "cách mạng" biểu kiến, nó lại không xứng đáng để được vinh danh là một cuộc "cách mạng dân tộc" đúng nghĩa, tức là "thay thế chế độ cũ xấu bằng chế độ mới tốt hơn" (Hán-Việt Từ-Điển Đào Duy Anh). Lấy một ví dụ dễ hiểu: Một người có dáng vẻ là nhà tu hành, chưa hẳn người đó đích thực là người tu hành. Ngoài nhân dáng, y phục, người ấy còn phải hành đạo theo như giới luật của một nhà tu hành, thì mới đúng là nhà tu hành.

Cuộc chính biến tháng 8, 1945 thiếu các đặc tính sau đây:

Sự thật 5: Nó thiếu tính "dân tộc". Như phần III.2 đã trình bày, chính phủ được ông Hồ Chí Minh công bố ngày 2-9-1945 đều là đảng viên Cộng Sản Đệ Tam. Họ chỉ có mục đích tối thượng là phục vụ cho lý tưởng Quốc Tế Đại Đồng theo Duy Vật Biện Chứng Pháp. Họ chỉ mượn chiêu bài "dân tộc" để tiến hành sách lược đó mà thôi.

Sự thật 6: Nó thiếu tính "đoàn kết". Như chúng ta đã biết, trước khi Nhật đầu hàng, các tổ chức cách mạng đã kết hợp thành Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, mà Việt Minh là một thành phần. Không được bao lâu thì Việt Minh tách ra, tạo nên mầm mống chia rẽ giữa Việt Minh và các tổ chức. Rồi khi Nhật đầu hàng, thì Việt Minh cho ra đời "Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời" ngày 19-8-45 chỉ toàn là cán bộ Cộng Sản. Danh sách này đã được ông Hồ công bố ngày 2-9-45 cộng thêm một vài người thuộc tổ chức ngoại vi của đảng CSĐD. Còn các tổ chức "quốc gia" thì không có đại diện trong chính phủ ấy. Việt Minh cũng gia tăng sự chia rẽ và bất tín đối với nhà cầm quyền với cuộc "bầu cử Quốc Hội gian lận" ngày 1 tháng 6, 1946.

Chính vì sự "độc chiếm chính trị" này mà nhiều thành phần dân chúng đã nổi dậy biểu tình chống chính phủ hàng ngày gần như cơm bữa, nhất là sau khi Mặt Trận Việt Cách và Việt Quốc về đến Hà Nội. Ngoài ra, sau khi dành được chính quyền, Việt Minh quay ra tiêu diệt các tổ chức cách mạng như Việt Cách và Việt Quốc. Hành động tàn nhẫn ấy đã khởi đầu cho cuộc tương tranh dài 30 năm trường, tiêu hao xương máu của hàng triệu người dân lành của cả hai miền Nam và Bắc. Cho đến này nay, đảng CSVN tự đặt cho mình nhiệm vụ vĩnh viễn độc tôn lãnh đạo đất nước, không bao giờ chấp nhận các đảng phái khác. Vì vậy mà "cuộc chính biến tháng 8" không có tính đại đoàn kết dân tộc.

Xét thêm về tính độc lập, nền độc lập biểu kiến đạt được vào tháng 8, 1945 cũng không phải là công lao của một mình Mặt Trận Việt Minh, tức là đảng CSĐD, vì:

Sự thật 7: Chính vua Bảo Đại tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp Ước 1884 và tuyên bố Việt Nam Độc vào ngày 17-8 tại Thuận Hóa, sau đó ông thoái vị để "được làm dân một nước độc lập". Nói cách khác, nếu Việt Minh không "cướp chính quyền" vào ngày 19-8 thì đất nước cũng sẽ tiến đến tình trạng độc lập và dân chủ, theo như lời tuyên bố của Bảo Đại, sẵn sàng nhường quyền điều hành đất nước lại cho một chính phủ "cộng hòa dân chủ".

Sự thật 8: Ngày 2-9-1945, lúc ông Hồ Chí Minh đọc "Tuyên Ngôn Độc Lập" tại Hà Nội, đất nước vẫn chưa thực sự được "độc lập". Quân đội Nhật chưa bị giải giới. Miền Nam vẫn còn chính phủ riêng và lại lệ thuộc vào Pháp ngay sau khi Anh và Pháp giải giới Nhật.

Sự thật 9: Trên phương diện "công pháp quốc tế", nền độc lập của toàn đất nước chỉ chính thức đạt được vào năm 1948, với sự ra đời của "Quốc Gia Việt Nam" có "Quốc Trưởng" và "chính phủ". Dù vậy, Việt Nam chỉ được thực sự "độc lập" sau khi Pháp rút quân về theo Hiệp Định Genève năm 1954.

Mặt khác, ý niệm "cách mạng" cũng không nhất thiết chỉ cô đọng vào "mùa thu" hay "tháng Tám" năm 1945 như các sử gia cộng sản vẫn vinh danh là "Cách Mạng Mùa Thu" hay "Cách Mạng Tháng Tám", vì:

Sự thật 10: Tinh thần "cách mạng" đã được phát khởi đầu tiên bởi VNQDĐ năm 1928 với chủ trương "do dân, bởi dân và vì dân", chứ không phải do đảng cộng sản Đệ Tam Quốc Tế phát khởi. Tinh thần "cách mạng" được thể hiện qua sự vị quốc vong thân của đảng trưởng VNQDĐ Nguyễn Thái Học vào năm 1930, và được tiếp tục nuôi dưỡng bởi nhiều tổ chức kháng Pháp trong suốt các thập niên 1930 và 1940.

Sự thật 11: Khí thế "cách mạng" đã bị đảng CSĐD triệt tiêu. Chỉ vài tháng sau, người Pháp được sự đồng thuận của Đồng Minh, trở lại Việt Nam, đổ quân tái chiếm miền Nam, rồi tiến ra Trung và Bắc Kỳ. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, ông Hồ Chí Minh đã liên lạc và xin ký thỏa ước với Pháp, chấp nhận đứng trong "Liên Hiệp Pháp", trái hẳn với lời tuyên thệ của ông trong ngày 2-9, rằng ông sẽ "không bao giờ thương thuyết hay hợp tác với Pháp". Đây là một trong những bằng chứng rằng những người cộng sản luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên danh dự của dân tộc.

IV. KẾT LUẬN
Chúng ta đã lược qua bối cảnh lịch sử của những lá "quốc kỳ" Việt Nam và các chế độ trong thời cận kim đến nay để nghiệm thấy rằng: Việt sử là của cả quốc dân qua các thời đại chứ không phải của riêng một chế độ nào. Những gì được tạo nên bằng thủ đoạn và bạo lực sẽ không được tồn tại lâu dài, vì những yếu tố đó không là bản sắc truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sau hơn nửa thế kỷ, những sử gia Việt Nam nên nhìn cuộc chính biến tháng 8 năm 1945 một cách khách quan, để có thể đồng ý rằng cuộc chính biến ấy quả thật có một số đặc tính biểu kiến của một cuộc "cách mạng quần chúng" và có hình thái "độc lập tự quyết". Nhưng vì những thủ đoạn hiểm độc trước và sau khi nắm được chính quyền, với lý tưởng phi dân tộc, và với cứu cánh độc tôn đảng trị, đảng CSĐD đã làm mất đi chính nghĩa cao quý của một cuộc "cách mạng dân chủ đích thực". Mặt khác, tính chất "độc lập tự quyết" của cuộc chính biến cũng bị lu mờ vì hành động "thiếu đại đoàn kết toàn dân" mà đảng CSĐD đã phát khởi qua các cuộc sát hại dân lành và các đảng phái đối lập một cách khốc liệt. Cờ Đỏ đã được khai sinh nhờ các thủ đoạn "phi dân tộc" đó.

Ngược lại, Cờ Vàng xuất hiện hơn trăm năm về trước, thể hiện ước vọng độc lập, tự do và dân chủ của dân tộc, sẽ được hậu duệ Việt Nam tiếp tục trân quý như một đặc sản truyền thống của dân tộc. Vì vậy, Cờ Vàng mãi mãi là "Quốc Kỳ" trong trái tim người Việt hải ngoại và đại khối đồng bào "không cộng sản" tại quốc nội. Sẽ có ngày Cờ Vàng trở lại cương vị Quốc Kỳ trên quê hương Việt Nam như đã hai lần xuất hiện trong quá khứ.

Nguyễn Đình Sài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét