Thứ Tư, 17.11.2010 | 13:54 (GMT + 7)
Thu nhập trung bình của thợ lò từ 6-8 triệu đồng/tháng. Ảnh: Thành Duy. |
Dễ bỏ, khó tuyển
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2008, số thợ lò bỏ việc là 2.700, năm 2009 là 2.650. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2010, gần 1.500 thợ lò bỏ việc hoặc xin chấm dứt hợp đồng lao động. Một số đơn vị có tỷ lệ công nhân bỏ việc lớn là Cty Than Hạ Long, Cty Than Mông Dương, Than Mạo Khê, Than Khe Chàm.
Cty Than Mạo Khê cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2010, đã có hơn 300 thợ lò nghỉ việc, và mặc dù liên tục tuyển thợ, Cty vẫn thiếu trên 100 thợ lò. Tại Cty Than Hạ Long, số công nhân lò bỏ việc là hơn 300. Cty Than Quang Hanh cũng có trên 300 thợ lò nghỉ việc. Các đơn vị khai thác hầm lò khác đều có hàng chục, cho tới hơn 100 thợ lò bỏ việc…
Lãnh đạo một đơn vị khai thác lò tại thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho biết, hầu hết thợ lò bỏ việc đều còn rất trẻ và có bậc thợ thấp (bậc 3-4 và dưới 30 tuổi chiếm trên 80%). Thợ lò bậc 5/6, từ 30 tuổi trở lên và có nhà ở, gia đình ổn định rất ít người bỏ việc.
Ông Nhữ Xuân Hinh, Phó Chánh văn phòng Cty Than Mạo Khê, cho biết: "Hiện, nhiều khâu, nhiều kíp làm việc thiếu thợ lò và buộc chúng tôi phải căng mình khắc phục bằng cách luân chuyển, để có thể có đủ nhân lực trong quy trình sản xuất. Thậm chí có lúc phải tạm dừng sản xuất vì thiếu người. Thợ lò nghỉ việc như virus lây lan nhanh và về lâu dài nếu tình trạng này không được ngăn chặn, sẽ không biết lấy người đâu làm việc vì đời thợ lò không dài chỉ khoảng 12-15 năm là phải nghỉ để bố trí công việc khác hoặc về hưu do công việc này cực kỳ vất vả, nặng nhọc", ông nói.
Theo ông Ngô Văn Tung, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề mỏ Hồng Cẩm (TKV), gần đây, việc tuyển sinh đào tạo cơ khí, cơ điện, điện tử, lái xe rất dễ dàng, nhưng rất khó tuyển đủ chỉ tiêu học viên nghề khai thác hầm lò. "Hiện, chúng tôi dùng rất nhiều kênh để có thể tuyển đủ người học lò. Số này hầu hết là con em vùng sâu vùng xa, miền núi và thậm chí là cả đồng bào dân tộc. Mặc dù được bao trọn gói chi phí từ ăn, ở, đào tạo, bố trí việc làm nhưng những vùng có học viên truyền thống như Nam Định, Thái Bình, Hải Dương rất khó để tuyển sinh", ông nói.
Giám đốc một đơn vị khai thác lộ thiên lo ngại: "Trữ lượng khai thác lộ thiên sắp hết và không thể khai thác trong vòng vài năm nữa. Từ năm 2009, Cty chúng tôi đã phải tính kế hoạch chuyển đổi sang khai thác hầm lò. Công nghệ không lo, kinh phí chưa phải là vấn đề. Tuy nhiên, đào tạo, tuyển công nhân lò đang là một thách thức. Không dễ tuyển 1.000 thợ lò/đơn vị, chứ chưa nói nhiều đơn vị có năng lực khai thác lớn và cần nhiều công nhân hơn".
Một lãnh đạo TKV cho biết, công nhân lò bỏ việc hàng loạt ảnh hưởng lớn tới sản lượng khai thác và cả hệ số an toàn. Nhiều ca, nhiều kíp thiếu công nhân nên năng suất đào lò giảm, dẫn tới tăng áp lực đất đá lên đường lò cũ, rất nguy hiểm. Trong điều kiện hiện nay, việc đầu tư công nghệ để giảm lao động là rất khó, vì vậy thợ lò vẫn là nhân tố chủ lực trong ngành than, vị lãnh đạo nói.
Nguyên nhân bỏ việc
Hoàng, 25 tuổi, công nhân lò Xí nghiệp Than Cẩm Thành (Cty Than Hạ Long) có khai trường tại thị xã Cẩm Phả nói: "Bọn em người chăm chỉ nhất cũng chỉ kiếm được trên 7 triệu đồng/tháng. Trung bình một ca chỉ gần 200.000 đồng là quá thấp. Chỗ em nhiều công nhân bỏ việc vì nếu ra ngoài làm thì cũng được hơn 100.000 đồng/ngày mà không vất vả, cực nhọc như trong lò. Em đang tính ra Tết sẽ xin nghỉ việc, để chuyển sang Cty khác có thu nhập cao hơn".
Nhiều công nhân cho rằng, bỏ việc không phải vì vào lò nguy hiểm bởi đã vào lò là xác định nguy hiểm; tai nạn hay không chủ yếu do có tuân thủ quy trình sản xuất hay không. Ngoài chuyện lương bổng, sức khỏe..., thanh niên tỉnh khác tới Quảng Ninh sống xa nhà nên cũng buồn chán. Làm việc quần quật cả ngày rồi chỉ biết ngủ vùi. Nhiều người phải về quê mới lấy được vợ. Nhiều năm tháng tìm hiểu gái đất mỏ nhưng sau đó đều không thành vì gia đình bạn gái chê không có nhà ở.
Phó Chủ tịch Công đoàn Cty Than Quang Hanh - bà Vũ Minh Quyên cho biết, có cả nghìn lẻ lý do bỏ việc. Người thì muốn về quê với vợ con, người thì do mâu thuẫn với chỉ huy kíp trực, người thì do nợ nần, gia đình yêu cầu về quê để mẹ nuôi.
Theo TKV, nguyên nhân thợ lò bỏ việc là vì môi trường lao động độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, lương chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Công nhân phải sống xa gia đình; nhiều nơi, nhiều chỗ, điều kiện ăn, ở, giải trí khó khăn, xa nơi tập trung dân cư thành thị. Công nhân lò hầu hết trình độ học vấn không cao, cơ hội thăng tiến rất thấp. Khó có khả năng định cư lâu dài để ổn định cuộc sống.
Nhiều địa phương vốn có nhiều công nhân làm thợ lò giờ có khu công nghiệp; làm trong khu công nghiệp, lương có thể thấp hơn thợ lò nhưng gần gia đình. Một bộ phận công nhân trẻ đứng núi này trông núi nọ, không chịu được gian khó...
Ông Vũ Thành Lâm, Phó Tổng Giám đốc TKV, cho rằng, lương không phải là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng công nhân bỏ việc hàng loạt bởi thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, thậm chí có người 15 triệu đồng/tháng không phải là thấp. Chuyện thợ lò bỏ việc là tổng hợp của nhiều nguyên nhân mang yếu tố xã hội và tâm lý nhiều hơn như khó an cư tại Quảng Ninh, khó lấy vợ, xa gia đình, xã hội có nhiều nghề để lựa chọn.
Ông Lâm nói, TKV đang nỗ lực để ổn định tâm lý thợ lò, chăm lo nhiều hơn tới đời sống, sức khỏe của công nhân, tăng lương, xây khu chung cư dành cho công nhân, đầu tư xe đưa đón công nhân cải thiện điều kiện sản xuất.
Theo TPO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét