Quyết định mới nhất của công an Việt Nam "khởi tố và ra lệnh tạm giam bốn tháng đối với ông Cù Huy Hà Vũ" đang tiếp tục thu hút dư luận và đặt ra câu hỏi với giới luật sư hành nghề tại Việt Nam.
Truyền thông nhà nước đưa tin ông Hà Vũ bị bắt về "hành vi tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Trả lời BBC hôm nay 16/11, Luật sư Phạm Vĩnh Thái từ TP HCM khẳng định rằng công an Việt Nam "theo luật thì phải làm như thế" dù ông tin rằng chỉ bản án có hiệu lực của tòa mới chính thức kết luận ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không.
Còn Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM thì nói quá trình bắt giữ ông Cù Huy Hà Vũ "khiến ông thực sự lo lắng".
Trước hết, ông Phạm Vĩnh Thái nói với phóng viên Hà Mi của BBC Tiếng Việt rằng:
"Ông Cù Huy Hà Vũ nếu vi phạm luật của Việt Nam trong đó có luật hình sự, điều 88 thì ban đầu chỉ là điều tra, còn kết luận ông ấy có phạm tội hay không còn chờ quá trình tố tụng, chờ ra tòa xét xử."
"Khi nào bản án của tòa có hiệu lực thì mới có thể nói người đó có tội hay không. Còn hiện nay mới là 'nghi có hành vi phạm tội' nên họ tiến hành bắt và điều tra," ông Phạm Vĩnh Thái nói thêm
Trước câu hỏi về thủ tục tiếp xúc luật sư trong quá trình điều tra, khi ông Hà Vũ bị tạm giam, ông Phạm Vĩnh Thái giải thích:
"Theo luật Việt Nam khi khởi tố điều tra người ta có quyền mời luật sư tham gia ngay từ đầu, có quyền tiếp xúc, kể cả khi bên công an lấy cung thì luật sư có quyền ngồi nghe cùng. Hiện tại, việc được tham gia hay không thì tôi không được biết."
Tôi chỉ sợ rằng từ việc hành nghề mà tôi phản đối Viện kiểm sát, tôi phân tích khác tòa án, tôi có cách nhìn nhận liên quan đến một vụ án, một bị can nào đó khác với cơ quan công an mà lại cho rằng tôi chống đối thì không có được, thì tôi lo sợ vậy thôi…
LS Bùi Quang Nghiêm
Nhưng ông Thái cũng nói rằng có nhiều trường hợp, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến bí mật quốc gia thì họ không cho luật sư tiếp cận.
Nhận định về vụ bà Hồ Như Lê Quỳnh có mặt trong phòng tại khách sạn Mạch Lâm nửa đêm 5/11 khi công an ập vào bắt ông Cù Huy Hà Vũ, ông Thái nêu ý kiến:
"Bình thường thì ở Việt Nam, một người phụ nữ với một người đàn ông trong khách sạn thì chẳng có chuyện gì cả. Vì một người có vợ, người kia chưa có chồng thì người ta nghi ngờ và tạm giữ hành chính thôi nhưng sau lại bắt giữ theo một tội khác chứ không phải vì hai người có mặt trong phòng."
Ông Thái từ chối không bình luận câu hỏi liệu vụ bắt tại khách sạn có phải là "cớ để khám nhà":
"Điều này tôi không thể trả lời được vì công an xử lý thế nào thì tôi không được rõ lắm. Còn vấn đề có phạm tội hay không thì tôi không dám bình luận nhiều."
BấmNghe phỏng vấn luật sư Phạm Vĩnh Thái
Được biết bà Quỳnh tuyên bố sẽ kiện một tờ báo đưa tin không đúng về bà trong vụ bắt giữ được mô tả rộng rãi trên truyền thông trong và ngoài nước mấy tuần qua.
Lo ngại cho nghề luật?
Trong khi đó, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho hay:
"Báo chí có nêu ý kiến của một quan chức của Tổng cục Cảnh sát rằng việc bắt giữ là đúng pháp luật. Nhưng tôi thấy việc bắt giữ vì ông Cù Huy Hà Vũ ở trong khách sạn lúc nửa đêm với một phụ nữ không phải vợ ông ấy, rồi khám máy vi tính đem theo, rồi khám nhà ông ấy rồi lại khởi tố vì tội tuyên truyền chống nhà nước thì thực sự tôi thấy rất lo lắng."
"Tôi lo lắng cho bản thân tôi, biết đâu một ngày người ta đến khám văn phòng luật của tôi, khám máy tính của tôi, thấy một số bài viết của tôi chống lại ý kiến của Viện Kiểm sát và Tòa án mà tôi khiếu nại, rồi nói là tôi chống đối nhà nước thì tôi thật sự lo sợ," luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.
Trước câu hỏi có phải vì thế mà ông muốn bỏ nghề hay có ý kiến phản đối thì ông Nghiêm giải thích:
"Tôi có đọc một số bài viết của ông Cù Huy Hà Vũ như kiện thủ tướng ra quyết định về dự án bauxite, rồi kiện thủ tướng liên quan đến việc thủ tướng ra một nghị định cấm không được tập trung khiếu nại đông người. Theo tôi, đấy là cách nhìn nhận của ông Cù Huy Hà Vũ, cách đánh giá của ông ấy."
"Nhưng nếu vì những bài viết ấy, những bài phân tích ấy, có nội dung tương tự, hình thức tương tự, phản đối quan chức cấp cao của nhà nước mà cho rằng ông ấy chống đối thì tôi thấy bản thân tôi cần phải suy nghĩ, rút kinh nghiệm. Chứ không vì lý do đó mà mình lo sợ, mình bỏ nghề, hoặc mình không dám phản đối Viện kiểm sát, cơ quan điều tra liên quan đến thân chủ của mình thì tôi không đến mức tiêu cực như vậy."
BấmNghe phỏng vấn luật sư Bùi Quang Nghiêm
Khẳng định ông "không làm chính trị" nên luật sư Nghiêm cho hay ông "không bao giờ đặt vấn đề như ông Hà Vũ".
"Chẳng hạn ông Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng liên quan đến việc thủ tướng ra một nghị định cấm không được tập trung khiếu nại đông người."
Nhìn rộng ra, ông Bùi Quang Nghiêm "tin là nhà nước Việt Nam cũng không đến mức trấn áp việc hành nghề của luật sư đến mức như vậy".
Ông kết luận vụ bắt ông Hà Vũ "ít có ảnh hưởng đến hoạt động của các luật sư. Chỉ hoạt động nghề nghiệp không của luật sư thì không có vấn đề gì. Trừ khi họ đưa ra các ý kiến phản biện chính sách của Đảng và nhà nước".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét