Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Các tỉnh Nam Trung Bộ tiếp tục hứng chịu mưa to, lũ lớn

Cập nhật lúc 02:52, Thứ tư, 17/11/2010 (GMT+7)

* Nhanh chóng sơ tán nhân dân khỏi vùng ngập sâu

* Tiếp tục ủng hộ đồng bào miền trung bị thiên tai 

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, ngày 16-11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh thuộc phía đông Bắc Bộ gây ra mưa vài nơi, ở bắc vịnh Bắc Bộ đã có gió đông bắc mạnh cấp 5.

 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi. Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; gió đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật trên cấp 6, biển động. Khu vực Bắc và giữa Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Từ ngày 14 đến 16-11, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to. Tính đến sáng ngày 16-11, lượng mưa đo được phổ biến 200-400mm, riêng ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi 400-500mm, một số nơi lớn hơn như Tà Lương (Thừa Thiên - Huế) 572mm, Trà My (Quảng Nam) 544mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 606mm. Ngày 16-11, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi đạt đỉnh và đang xuống chậm. Dự báo, lũ trên sông Trà Bồng và các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam tiếp tục lên và ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Mực nước sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên 4,5m, trên báo động (BÐ)2: 0,5m; sông Bồ tại Phú Ốc lên 4,5m BÐ3; sông Hương tại Kim Long lên 3,8m, trên BÐ3: 0,3m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 9m BÐ3; sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên 4m BÐ3; sông Trà Bồng tại Châu Ổ lên 5,5m, trên BÐ3: 1m. Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng hạ lưu các sông thuộc các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn kết hợp triều cường đã làm ngập 2.246 nhà dân ở hầu hết các huyện dọc sông Hương, sông Bồ. Tại TP Huế, nhiều tuyến đường ngập sâu 0,3-0,5m. Ðến chiều 16-11, mưa lũ làm ba người chết, một người bị thương. Ðường Hồ Chí Minh sạt lở nặng tại hai điểm, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Quốc lộ 1A, 49A, 49B và các tỉnh lộ 4, 9, 10A, 11B, 16... bị sạt lở ở nhiều điểm. Học sinh nhiều nơi phải nghỉ học. Ban chỉ huy PCLB tỉnh chỉ đạo hai nhà máy thủy điện Bình Ðiền và Hương Ðiền hạn chế xả lũ về đêm để bảo đảm an toàn và tránh ngập lụt cho vùng hạ du...

Tại tỉnh Quảng Nam mưa lớn kéo dài một số xã vùng cao thuộc huyện Nông Sơn, Nam Trà My bị nước lũ cô lập. Các lực lượng chức năng trên địa bàn đang giúp đỡ bà con sơ tán ra khỏi những vùng trũng sâu và đã sẵn sàng lương thực dự trữ để cứu trợ, kiên quyết không để người dân đói. Ban chỉ huy PCLB các cấp đã bố trí trực 24/24 giờ, huy động lực lượng trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng sơ tán nhân dân. Huyện Nam Trà My có 10 xã bị ngập, đã bố trí 40 tấn gạo dự phòng tại các xã và dự trữ 50 tấn gạo tại huyện, sẵn sàng hỗ trợ cho người dân. UBND huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ một tỷ đồng để khắc phục các tuyến giao thông hư hỏng, hỗ trợ cho gia đình có gia súc bị chết. Tính đến chiều 16-11, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm hai người chết.

Do mưa to, tại tỉnh Bình Ðịnh xảy ra lũ quét làm sạt lở 200 m bờ suối Quán Rừng, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, gây ngập úng 100 nhà, với độ sâu 1-1,5 m, năm nhà sập hoàn toàn; hơn 30 ha ruộng lúa bị sa bồi thủy phá; 400 tấn thóc và 180 tấn giống bị ướt... Chính quyền địa phương đã tổ chức huy động lực lượng tu bổ tạm thời đoạn bờ suối bị lũ quét gây ra, không để sạt lở thêm và giúp các hộ dân thiệt hại dựng lại nhà cửa, vệ sinh môi trường.

Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Ngãi, chiều 16-11, tại khu dân cư Giếng Hồ, thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn xảy ra một vụ sạt lở núi, làm hàng nghìn m3 đất đá đổ ập xuống, vùi lấp một nhà và gây nứt vách, sạt đổ tường hàng chục nhà khác. UBND tỉnh đã cử đoàn công tác đến thôn Lệ Thủy thăm hỏi và kiểm tra thiệt hại, yêu cầu chính quyền địa phương khẩn trương đưa toàn bộ số hộ sống trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn.

Tính đến 20 giờ ngày 16-11, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 1.586 hộ dân/6.572 khẩu ở các vùng bị ngập lụt, vùng có nguy cơ bị sạt lở núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đã gặp khó khăn và được Ban Chỉ huy PCLB&TKCN các địa phương chỉ đạo, tổ chức di dời sơ tán đến nơi an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi hiện đã điều động ba tàu cứu nạn cứu hộ ra Bình Sơn (cùng với hai tàu cứu hộ địa phương) sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Bình Sơn là vùng bị lũ nặng nhất, đến chiều 16-11, toàn huyện có hai người chết, chín người bị thương; 21 nhà sập hoàn toàn; 13 nhà hư hỏng nặng, hàng nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị ngập trong nước; một tàu bị chìm; hơn 42km đường bị sạt lở; ba trường học bị hư hỏng; 1.200 giếng nước bị ngập, ước tổng thiệt hại hơn 72 tỷ đồng... 

Tại huyện đảo Lý Sơn, mưa lớn làm hơn 100 nhà ở thôn Ðông, xã An Hải ngập nước. Tuyến kè biển thuộc xã An Hải bị mưa lũ và sóng biển làm sạt lở hơn 15m, nhiều tuyến kênh mương sạt lở nặng. Ngoài ra, mưa lớn làm hơn 250 ha tỏi dập nát. Huyện đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung kích và nhân dân địa phương khẩn trương nạo vét khơi thông cống rãnh để tiêu, thoát lũ ra biển.

UBND tỉnh Tuyên Quang vừa có Quyết định số 1375/QÐ-CT về việc phê duyệt chủ trương đầu tư gia cố, khắc phục cống dưới đê Hưng Ðịnh - cống tiêu nước qua đê sông Lô địa phận xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức kè gia cố phần cửa ra của cống Hưng Ðịnh bằng rọ thép đá hộc; xây gia cố hai bên kênh tiêu sau cống bảo đảm tiêu úng, an toàn cho đê và cống. Chủ đầu tư công trình là UBND huyện Sơn Dương; nguồn vốn đầu tư là vốn dự phòng ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2010.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định xây dựng chín tuyến đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn trong giai đoạn 2011-2015. Dự án trên nằm trong chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống thiên tai, giai đoạn 2011-2015 tại tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ 1.782 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư. Chín tuyến đường tránh lũ, cứu nạn nói trên có tổng chiều dài khoảng 135km thuộc vùng rốn lũ của 12 huyện, thành phố ở Quảng Nam.

Ðoàn công tác Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã trao 150 triệu đồng cho tỉnh Khánh Hòa để góp phần giúp nhân dân khắc phục thiệt hại trong đợt lũ lụt lớn vừa qua. Tỉnh Bình Phước quyên góp hơn 1,7 tỷ đồng tiền mặt và hàng trăm nghìn phần quà cứu trợ đồng bào các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Gia đình ông Lê Văn Mẩm, nông dân xã Bình Ân, huyện Gò Công Ðông (Tiền Giang) vừa tiếp tục tặng 10 tấn gạo cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cứu trợ đồng bào nghèo miền trung. Trước đó, gia đình ông đã chuyển chín tấn gạo cứu trợ dân nghèo miền trung. Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa ủng hộ 2,25 tỷ đồng cho các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Ðịnh, mỗi tỉnh 250 triệu đồng; Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Ðác Lắc, mỗi tỉnh 200 triệu đồng. Ngoài ra, công đoàn SCIC đã đóng góp gần 50 triệu đồng giúp đỡ người dân miền trung. Hội Nạn nhân chất độc màu da cam, Ðoàn phật tử tỉnh Bến Tre đã đến thăm và tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá hơn 200 nghìn đồng cho các gia đình bị thiên tai, lũ lụt ở hai phường Tân Thiện và Tân Ðồng, thị xã Ðồng Xoài (Bình Phước).

 

 
 

Quảng Bình khoanh nợ, xóa nợ cho những hộ dân thiệt hại nặng do lũ

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách và Xã hội tỉnh Quảng Bình đang lập danh sách những hộ dân đang vay vốn ngân hàng, đã bị thiệt hại nặng do mưa lũ để có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ. Theo đó, những hộ đã vay vốn của ngân hàng này bị thiệt hại hơn 80% tài sản sẽ được xóa nợ; thiệt hại hơn 40% tài sản được khoanh nợ. Sau hai đợt mưa lũ vừa qua, hàng chục nghìn hộ dân đang vay vốn ngân hàng đã thiệt hại tổng cộng hơn 160 tỷ đồng, trong đó nhiều gia đình mất trắng tài sản, không còn khả năng trả nợ.

PV và CTV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét