Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Phó giáo sư quốc tế bị tố học trường dỏm

Đang giảng dạy tại Việt Nam, bỗng dưng được một trường ĐH ở Hà Lan phong phó giáo sư. Điều kỳ lạ là ông tiến sĩ khoa học lại không nhớ nổi tên trường, website của trường mình đã học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ khoa học và được phong phó giáo sư.

Gần đây, thông tin ông Bùi Việt Hải, 37 tuổi được Trường ĐH URH (Hà Lan) phong phó giáo sư đăng trên nhiều tờ báo với tít tựa như: "Phó giáo sư đẳng cấp quốc tế", "Tiến sĩ khoa học trẻ Việt Nam được phong phó giáo sư", "Anh bán rau trở thành phó giáo sư trẻ nhất của URH"... Nhưng cũng có thông tin nghi ngại về giá trị, tính trung thực của văn bằng tiến sĩ khoa học và học hàm phó giáo sư của ông Hải. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hải tỏ ra bất ngờ khi được trường ĐH nơi ông làm nghiên cứu sinh phong học hàm phó giáo sư về nghiên cứu kinh tế và kinh doanh…

Phóng viên: Anh học thạc sĩ trong bao lâu?

+ Ông Bùi Việt Hải: Chương trình học tối thiểu một năm, tối đa ba năm, tôi học theo tín chỉ nên rút ngắn trong một năm rưỡi. Đến khi làm luận văn thì tôi xin thực tập tại một công ty chuyên bán thiết bị xây dựng cầu đường ở Hà Lan nhưng làm thấy không thích lắm nên tôi nghỉ, trở về Việt Nam. Tôi mới quay qua viết luận văn hoàn toàn bằng lý thuyết về marketing trong du lịch. Luận văn của tôi được chấm điểm cao nhất. Đề tài của tôi được khen là mới, đề nghị phát triển tiếp.

. Đề tài của anh nghiên cứu là gì?

+ Đề tài tốt nghiệp thạc sĩ của tôi là "Nghiên cứu và áp dụng lý thuyết quản lý mối quan hệ khách hàng trong ngành du lịch". Tôi chứng minh lý thuyết đó là sai. Lúc đó luận văn của tôi cũng sai sót nhiều lắm, cũng không phải hoàn chỉnh đâu. Nhưng với trình độ thạc sĩ mà dám xóa bỏ lý thuyết của Mỹ để đưa ra lý thuyết mới, thành ra chấn động.

Nhiều bài báo ca ngợi ông PGS-TS Bùi Việt Hải.

Bảo vệ luận án tiến sĩ…

. Anh chọn trường nào học tiến sĩ?

+ Tôi được các giáo sư giới thiệu vào ba trường là ĐH Maastricht (Hà Lan), ĐH Brussels (Bỉ) và ĐH URH (Hà Lan). Nhưng Bỉ thì ở xa nên tôi chọn hai trường còn lại ở Hà Lan. Cuối cùng tôi được ĐH URH nhận lời khi chờ ĐH Maastricht, nên tôi chọn URH. Tôi học tại URH bốn năm, từ 2003 đến 2007.

. Quá trình học tiến sĩ của anh thế nào?

+ Để trở thành tiến sĩ có ba dạng: chọn đề tài có sẵn của Hà Lan đưa ra; trong một số dự án được khuyến khích thì mình đề ra đề tài của mình nhưng phải nằm trong dự án được khuyến khích này; đề tài nghiên cứu thuận lợi hoàn toàn do mình nghĩ ra, mang tính khó hơn. Tôi chọn đề tài nghiên cứu thuận lợi, dạng thứ ba, vì muốn làm điều mình nghĩ ra với đề tài "Nghiên cứu các ảnh hưởng của chính sách kinh tế tới sự phát triển du lịch quốc gia". Bảo vệ dạng này khó lắm, ít người dám làm. Lúc đó tôi cũng làm đại, mang tính hên xui, không chắc lắm.

Khi đó tôi phải làm nghiên cứu cơ sở ban đầu, vì đây không phải là dự án có sẵn. Khi làm xong bản cơ sở này thì được cấp bằng thạc sĩ. Bằng này thì cao hơn bằng thạc sĩ của Trường ĐH Zeeland nhưng chưa phải là tiến sĩ. Sau đó tôi phải đào sâu và chứng minh, bảo vệ lần nữa thì được cấp bằng tiến sĩ. Bằng của tôi là bằng nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, mang tính đào sâu vào mảng lý thuyết hoàn toàn, khác với dạng của một dự án. Vì vậy cấp độ chấm cao hơn, gọi là DSc-tiến sĩ khoa học.

URH là trường gì?

. Anh học URH nhưng URH tên đầy đủ là gì? Trường ra đời lâu chưa?

(Viết vào giấy cho phóng viên) URH là University of Rossel Hobby, trường mang tên một nhà khoa học người Bỉ. Trường URH chỉ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về kinh tế và luật, không đào tạo cử nhân. Trường ra đời cũng lâu. Tôi cũng không nhớ rõ bao nhiêu năm nhưng cũng khoảng năm một ngàn chín trăm chín mươi mấy.

. Trường này cộng đồng chung châu Âu đánh giá thế nào?

+ Thật ra URH là trường ĐH đặc biệt, chuyên dùng để nghiên cứu, khác với dạng trường đào tạo như ĐH Zeeland. URH tập trung vào các đề tài nghiên cứu, chuyên hỗ trợ cho đề tài đó rồi áp dụng thực tế. Nguồn quỹ của họ có được chủ yếu do nghiên cứu, do nhà nước trả và lấy tiền từ tổ chức khác.

. Trường này có website không?

+ Trang web của trường là www.urh.edu.nl.

Không đếm hết bao nhiêu bài đăng báo

. Nhờ đâu anh được phong hàm phó giáo sư?

+ Tôi hay tham gia nghiên cứu cho trường. Từ khi về Việt Nam thì trường vẫn gửi những nghiên cứu cho tôi viết. Tôi viết cũng nhiều. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu của tôi có đào sâu thêm vì các thầy xác định đó là ý tưởng mới mẻ. Để được phong là phó giáo sư, trường căn cứ vào số giờ đứng lớp, có bài viết đóng góp công trình nghiên cứu và phải có bằng tiến sĩ. Nhất là căn cứ nhiều công trình nghiên cứu, chủ yếu trên báo khoa học của trường và của vùng đó. Tính ra mọi thứ đều đủ nên tôi được trường phong phó giáo sư hồi tháng 7 năm nay.

. Anh có bao nhiêu bài báo đăng tạp chí quốc tế?

+ Tôi ít khi đếm. Nếu chỉ lên báo không thôi thì nhiều lắm. Nếu đúng nghĩa là bài khoa học thì tôi nghĩ chỉ loanh quanh vào đề tài nghiên cứu của tôi. Có những cái tôi viết cho trường thì vẫn lên báo, hoặc viết chung với người khác. Có khi những bài không phải khoa học mà là dạng bài báo, bài lý luận hoặc một số bài đưa ra cảm nghĩ, nhìn nhận vấn đề nào đó… Tôi có thể ví dụ một số bài báo như Lý thuyết hàng chờ, Lý thuyết về sự thống nhất hiệp hội, Mối quan hệ khách hàng, Ứng dụng và áp dụng marketing trực tiếp…

Tôi vẫn nghĩ tôi là phó giáo sư

. Hàm phó giáo sư của anh có được dùng tại Việt Nam không?

+ Nhà nước chưa có văn bản để công nhận bằng của nước ngoài, mà ở nước ngoài cũng chưa có văn bản để công nhận Việt Nam. Chẳng qua là sự hợp tác lẫn nhau. Do đó tôi vẫn nghĩ tôi là phó giáo sư. Còn chuyện nhà nước có công nhận không thì tôi chưa nghĩ tới vì tôi không do Việt Nam đào tạo.

. Hiện tại anh là giảng viên cơ hữu trường nào? Anh có thỉnh giảng cho trường nào?

+ Tôi là giảng viên cơ hữu khoa Việt Nam học của Trường ĐH Bình Dương. Ngoài ra, tôi thỉnh giảng cho hầu hết các trường ĐH như Kinh tế TP.HCM, Ngoại thương, Tôn Đức Thắng, Hồng Bàng, Đà Nẵng, Tài chính-Marketing, Kỹ thuật công nghệ TP.HCM… Tôi dạy chủ yếu du lịch, quản trị kinh doanh, marketing, nhân sự, kỹ năng, thương mại điện tử… Tôi còn dạy cao học tại ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng.

. Xin cảm ơn anh.

QUỐC DŨNG thực hiện

Không nhớ website và tên trường!

Bùi Việt Hải.

Sau khi tiếp xúc với phóng viên Pháp Luật TP.HCM, qua hôm sau ông Bùi Việt Hải gọi điện thoại đính chính: "Hôm qua tôi đọc trang web bị sai. Trường của tôi có website là www.urh-sci.eu".

Nhưng tìm kiếm trên Google phóng viên không thể tìm thấy thông tin về trường University of Rossel Hobby mà ông Hải cung cấp. Sau nhiều nguồn tìm kiếm, chúng tôi có tên trường chính xác là University Russell Hobbes (tại trang web http://www.urh-sci.eu/downloads/URH_April_2006_Master_guide.pdf).

Điều quái lạ website www.urh-sci.eu mà ông Hải cung cấp khi đính chính là của một trường ĐH khác. Đây là trang web của trường University for Original Research. Ông Hải cho biết: "Tên của trường rất dài, tôi chỉ nhớ URH thôi. Trường này không phải là trường lớn lắm, chủ yếu nghiên cứu thôi. Trường lớn thì là trường tôi học thạc sĩ, đó là ĐH Zeeland nhưng không đào tạo tiến sĩ kinh tế. Lâu rồi tôi không vào website nên không biết trường ra sao nữa".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét