Thưa quý vị độc giả, tôi chính là người từng cung cấp suất ăn cho một số trường tiểu học và tôi cũng quen biết nhiều cơ sở đã và đang làm việc này, rất hiếm suất ăn của các cháu có giá trị bằng số tiền phụ huynh nộp vào.
> Suất ăn cho con học bán trú - trông thấy mà đau lòng
Các nhà cung cấp như chúng tôi ăn lãi rất ít, một suất 15.000 đồng thì cũng chỉ lãi được 2.000 đồng. Bởi chúng tôi bán số lượng lớn (hơn 1000 suất / ngày), và cũng cần phải cạnh tranh giữ mối làm ăn nên không dám lãi nhiều. Hiện nay tôi đã chuyển sang làm việc khác nên cũng không có gì phải che giấu quý vị những "bí mật nghề nghiệp" của chúng tôi.
Cũng giống như nhiều công ty dược phải trích hoa hồng cho bác sĩ để bán thuốc hay các công ty vật tư y tế trích hoa hồng cho viện trưởng, viện phó để giữ mối bán hàng vào bệnh viện. Chúng tôi, các nhà cung cấp suất ăn cũng phải cạnh tranh khốc liệt mức % hoa hồng chi cho hiệu trưởng. Nhà cung cấp nào "cắt máu" cao hơn sẽ được hiệu trưởng lựa chọn, nhưng cũng phải có họ hàng hoặc có quan hệ dây dưa quen biết nữa. Nhiều khi chỉ chênh nhau 500 đồng đã mất mối rồi. Vì thế chúng tôi phải chi tối đa mức có thể cho hiệu trưởng thì mới bán được hàng.
Nếu không phải cạnh tranh % hoa hồng cho hiệu trưởng thì suất cơm chúng tôi bán ra cho các cháu với giá 15.000 đồng rất ngon. Bao giờ cũng có 3 món ăn và 1 món tráng miệng: món thịt hoặc cá, món chiên hoặc xào (khoai tây, ngô, trứng) và món canh rau nấu và món tráng miệng.
Ví dụ khi chúng tôi làm suất ăn 15.000 đồng cho một trường tiểu học dân lập cao cấp (hiệu trưởng không lấy hoa hồng) như sau: một muỗng thịt bằm sốt cà chua (5.000 đồng), trứng cuộn chiên (2.500 đồng) có hôm là khoai tây chiên, ngô ngọt chiên giòn…, canh 2.000 đồng (canh ngon đấy ạ, vì nấu nhiều nên tính ra cũng rẻ, các cháu được ăn canh cua mồng tơi, canh rau ngót thịt băm, canh đậu phụ, canh cải nấu tôm, canh xương thập cẩm…) và 1 miếng dưa hấu tráng miệng hoặc chuối, quýt (1.500 đồng) và 2 lưng bát cơm (2.000 đồng). Tổng cộng là 13.000 đồng, thay đổi món ăn thì giá tiền chênh lệch giữa các món nhưng vẫn trong phạm vi số tiền này. Chúng tôi lãi 2.000 đồng /suất. Và như vậy, giá mỗi suất ăn là 15.000 đồng.
Còn khi phải trích hoa hồng cho hiệu trưởng 5000 đồng / suất, chúng tôi đành cắt bớt khẩu phần mỗi suất chỉ còn : Cơm 1.500 đồng (mua gạo xấu đi), tráng miệng 1.000 đồng, canh 1.500 đồng và món mặn 4.000 đồng (thịt, cá, trứng) – không có món chiên, xào. Tổng cộng là 8.000 đồng, chúng tôi vẫn ăn lãi 2.000 đồng. Và như vậy, mỗi suất ăn này có giá 10.000 đồng.
Nạn ăn chặn tiền cơm chủ yếu xảy ra ở trường công lập, các bạn cứ bảo con chụp ảnh suất ăn giống Bella sẽ rõ. Có lẽ tại trường công có sẵn học sinh, không phải cạnh tranh "danh tiếng" và có những hiệu trưởng khi còn đương chức tranh thủ kiếm chác trên mọi cơ hội.
Ban đầu chúng tôi "cắt" cho một vị hiệu trưởng 2.500 đồng, được mấy tháng bà hiệu trưởng gọi đến nói "nhà cung cấp X trả chị 5.500 đồng cơ đấy. Nếu bên em không trích được 5.000 đồng thì hết tháng này chị chuyển sang bên kia, chị còn phải chi phí nhiều khoản lắm, em tính toán cho chị… ". Đấy, nếu quý vị là tôi quý vị sẽ làm gì? Từ chối để mất mối làm ăn hay đành phải chiều theo ý của hiệu trưởng ? Không những trích % hoa hồng trên từng suất ăn chúng tôi còn phải chiều chuộng hiệu trưởng, các ngày lễ tết có quà cáp, phong bì.
Nhìn vào suất ăn trong ảnh của bạn Bella đăng lên mà tôi cảm thấy phẫn uất, đau xót. Suất cơm ấy so với giá chợ ngày hôm nay chỉ đáng giá 7.000 đồng + 2.000 đồng tiền lãi của nhà cung cấp, cứ cho hẳn là giá tổng cộng là 10.000 đồng/ suất. So với giá tiền phụ huynh đã nộp 16.000 đồng/suất thì số tiền bị ăn chặn trên mỗi bữa ăn của các cháu là quá lớn. Họ dùng tiền ăn chặn này để nuôi con mình ư ? Hay để làm giàu, mua xe, mua nhà, mua chức, mua quan ? Hay để mua thức ăn ngon, mua quần áo hàng hiệu cho ra đẳng cấp cao sang ? Tôi được nghe ở đâu đó câu này "quả báo không phải không đến mà là chưa đến".
Nhìn vào suất ăn của các cháu sao mà thương tâm đến thế!
Nga Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét