10/11/2010 2:47
Mọi sinh hoạt bị đảo lộn do triều cường - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Để triển khai các công trình chống ngập tại TP.HCM, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 20.000 tỉ đồng.
Từ năm 2004 đến nay, đỉnh triều cao nhất của TP.HCM liên tục tăng qua các năm. Theo số liệu từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cường năm 2006 tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt mức lịch sử là 1,47m. Những năm sau đó, đỉnh triều liên tục đạt kỷ lục mới là 1,49m (2007), 1,55m (2008) rồi 1,56m (2009). Năm nay, đỉnh triều vào chiều tối 6 và 7.11 vừa qua đã ở mức 1,55m. Ngoài ra, trong những năm gần đây, khoảng gần 40% các đợt triều cường trùng với lúc có xảy ra mưa lớn với lượng mưa trên địa bàn TP.HCM từ 30 mm trở lên. Đặc biệt, đợt triều cường trong thời gian từ 28.10 - 2.11 vừa qua, lẽ ra nước triều thấp nhưng ngược lại nước vẫn dâng cao.
TP.HCM cần phải chú ý gia tăng tỷ lệ ao hồ dành cho thoát nước. Có thể ở những khu vực bình thường khi quy hoạch chỉ cần đảm bảo 17% diện tích ao hồ để trữ nước, nhưng ở khu vực như phía nam TP thì cần quy định gia tăng tỷ lệ diện tích trữ, thoát nước - Ông Nguyễn Ngọc Anh - quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam |
Giải pháp cấp bách
Phó giám đốc thường trực Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập) - ông Nguyễn Ngọc Công cho biết, về các giải pháp cấp bách, đối với những vùng ven bị ảnh hưởng của triều cường, phương án thi công đê bao định hình bằng bê tông ven các con rạch nhỏ đã tỏ ra hiệu quả so với đê bao bằng đất (hằng năm phải tốn khoảng 10 tỉ đồng để duy tu, lại thường hay bị vỡ khi triều cường dâng cao). Tuy nhiên, trong 2 năm triển khai thực hiện, tiến độ xây dựng các công trình đê bao bê tông (giao cho quận, huyện làm chủ đầu tư) vẫn còn khá chậm và không đồng bộ. Mới đây còn có một giải pháp công nghệ mới là gia cố bờ rạch bằng cừ nhựa, đã được ứng dụng thử nghiệm tại rạch Gò Dưa, rất hiệu quả.
Đối với khu vực nội thành, giải pháp cấp bách đã và đang áp dụng là lắp van một chiều để ngăn triều cường tại các miệng cống xả. Các van này tự động đóng lại khi triều cường lên và tự động mở ra khi triều rút. Tính từ khi bắt đầu vào tháng 10.2008 đến nay, đã có 319 van một chiều được lắp. Hiệu quả giảm ngập rất rõ. Nếu như vào năm 2007, khu vực nội thành có 92 điểm ngập do triều cường, lúc đó đỉnh triều chỉ có 1,47m, thì vào chiều tối 8.11 vừa qua, đỉnh triều 1,50m mà chỉ ngập có 12 tuyến đường và sáng 9.11 chỉ còn ngập 7 tuyến đường khi đỉnh triều ở mức 1,49m. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Trung tâm chống ngập sẽ lắp thêm 131 van nữa, trên khu vực các quận 1, 5, 7 và H.Nhà Bè.
Tuy nhiên, ông Công cho biết, một số nơi đã lắp van ngăn triều, nhưng vẫn bị ngập. Ngoại trừ do có mưa lớn trùng thời điểm triều cường, còn có nguyên nhân khác là thời điểm lắp van, đỉnh triều cường chỉ 1,45m (nay đã là 1,55 -1,56m), nên ở những vùng thấp, bờ kênh thấp hơn đỉnh triều, dẫn đến nước tràn bờ, điển hình là khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), Mễ Cốc (Q.8). Ngoài ra, còn do tình trạng xả rác xuống kênh rạch, dẫn đến kẹt van, không tự động đóng lại được. Bên cạnh đó, nhiều nơi nhà dân xây cất lấn chiếm kênh rạch, thậm chí xây nhà ngay trên miệng cống thoát nước, nên không thể lắp van ngăn triều. Ngoài ra, UBND TP cũng đã chỉ đạo tiến hành nạo vét ngay các kênh rạch như Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ...
Xây dựng tuyến đê bao khép kín
TP.HCM chuẩn bị xây dựng hệ thống cống kiểm soát triều cùng với tuyến đê bao khép kín. Theo kế hoạch, sẽ có 12 cống kiểm soát triều tại cửa các sông, kênh, rạch cùng tuyến đê bao dài khoảng 172 km từ Bến Súc (Củ Chi) đến giáp ranh với tỉnh Long An. Riêng khu vực trung tâm TP sẽ có 7 cống kiểm soát triều được xây dựng tại các cửa sông, kênh, rạch, gồm: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sông Kinh, kênh Tẻ (Tân Thuận), sông Phú Xuân, sông Vàm Thuật, rạch Tra, rạch Bến Nghé, cùng với đoạn đê bao dài 44 km bờ hữu sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến kinh Lộ.
Theo kế hoạch, cống kiểm soát triều kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ được xây dựng đầu tiên, với quy mô rộng 58m, có hệ thống máy bơm công suất 45 m3/giây, dự kiến khởi công trong thời gian từ ngày 25 - 30.11 tới, hoàn thành vào quý 1/2012, nhưng đến khoảng tháng 7, tháng 8.2011 là sẽ phát huy tác dụng chống ngập cho lưu vực rộng khoảng 350 ha, chủ yếu là các điểm ngập ở vùng ven rạch Xuyên Tâm, rạch Cầu Sơn, rạch Cầu Bông và rạch Văn Thánh thuộc Q.Bình Thạnh và một phần Q.1, Q.Phú Nhuận. Các cống còn lại sẽ lần lượt thi công từ năm 2011, đến năm 2015 hoàn thành. Tuyến đê bao cũng được thi công song song đó, dự kiến đến năm 2016 sẽ hoàn thành. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ các công trình chống ngập do triều cường và mưa trên địa bàn TP, ước tính khoảng 20.000 tỉ đồng - ông Công cho biết. "Qua công trình đầu tiên là cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chúng tôi sẽ chứng minh và chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của nó" - ông Công quả quyết. Trên thực tế, cống ngăn triều Bình Triệu ở cạnh cầu Bình Triệu (Q.Bình Thạnh) đã mang lại hiệu quả chống ngập cho khu vực đường Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Bùi Đình Túy, cư xá Chu Văn An,... của Q.Bình Thạnh.
Triều cường tại TP.HCM xấp xỉ mức lịch sử Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, mực nước trên sông Sài Gòn đã đạt đỉnh cao nhất trong đợt triều này tại các trạm: Phú An (TP.HCM) là 1,55m (lúc 17 giờ ngày 6 và lúc 18 giờ ngày 7.11) - xấp xỉ mức lịch sử 1,56m vào tối 4.11.2009; Nhà Bè là 1,54m (lúc 17 giờ 30 ngày 7.11), Thủ Dầu Một (Bình Dương) là 1,39m (lúc 20 giờ ngày 7.11). Sau khi đạt đỉnh, mực nước vùng hạ lưu sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch TP.HCM đã và đang xuống dần, cụ thể tại trạm Phú An là 1,49m (lúc 19 giờ ngày 8.11) xấp xỉ báo động III và 1,43m (lúc 5 giờ ngày 9.11). Dự báo ngày 10.11, mực nước trạm Phú An vẫn duy trì ở mức cao trên báo động II (1,40m), riêng trạm Thủ Dầu Một trên báo động III. Ngày 9.11, mực nước tại các hồ chứa có dung tích lớn tại thượng lưu (Dầu Tiếng là 22,72m, Thác Mơ là 207,80m, Trị An là 54,62m) - hiện còn rất thấp so với mực nước dâng bình thường.
M.Vọng |
Mai Vọng - Nguyễn Đình Mười
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét