TT - Tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), đồng muối lớn nhất của Sa Huỳnh, những ngày này muối chất đống la liệt từ quốc lộ vào đồng muối, từ các đường xã đến sân nhà diêm dân.
Trước đó, đêm 9-11 mưa to lũ về, người dân không kịp trở tay nên gần 400 tấn muối của 40 hộ diêm dân bị nước lũ cuốn trôi. Trong đó, muối của dân ở các hợp tác xã sản xuất muối trôi trên 300 tấn, số muối còn lại bị ướt sũng và khả năng mất trắng.
Muối của diêm dân Phổ Thạnh phải chất đống dầm mưa lũ - Ảnh: T.Minh |
Ông Trịnh Quốc Thiên, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, buồn bã: "Hơn 10 tấn muối chỉ sau một đêm trôi ra biển. Bao nhiêu công sức một năm lao động cật lực trên ruộng muối giờ trắng tay".
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có hơn 800 hộ diêm dân với diện tích hơn 112ha, lượng muối sản xuất năm 2010 khoảng 9.000 tấn, tăng gần 150% so với năm trước nhưng giá bán tại ruộng chỉ 300-500 đồng/kg, bằng 25% so với năm trước và 50-75% giá thành sản xuất. Giá muối thấp cộng với việc không có đầu ra nên lượng muối tồn trong diêm dân Quảng Ngãi đến 4.500 tấn.
Ông Phan Huy Hoàng - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận đời sống diêm dân của tỉnh hiện rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn. Được biết, hồi giữa tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hỗ trợ 100% lãi suất cho diêm dân vay vốn đầu tư sản xuất muối đến cuối năm 2010; chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) mua tạm trữ 200.000 tấn muối cho diêm dân (20.000 tấn các tỉnh phía Bắc và 180.000 tấn các tỉnh phía Nam). Tuy nhiên, theo ông Hoàng, từ đó đến nay doanh nghiệp vẫn không mua ký muối nào.
Trong khi đó, theo ông Lê Văn Nghiêm - chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện quy hoạch phát triển muối, bàn biện pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ muối do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều địa phương có muối tồn đọng bất ngờ khi nghe nhiều doanh nghiệp nhập khẩu muối.
Theo báo cáo của ông Phạm Ngọc Thảnh - chuyên viên cao cấp Cục Hóa chất (Bộ Công thương), nhu cầu muối năm 2010 là 454.000 tấn (sản xuất hóa chất 240.000 tấn và sản xuất, chế biến thực phẩm, hải sản 214.000 tấn) thì mua trong nước chỉ có 156.000 tấn, nhập khẩu đến 298.000 tấn.
Theo ông Nghiêm, loại muối sử dụng sản xuất, chế biến thực phẩm và hải sản (20 tỉnh có nghề muối với hơn 14.000ha) trong nước có thể đáp ứng được, cụ thể là chất lượng muối Sa Huỳnh có khả năng thỏa mãn yêu cầu này nhưng các doanh nghiệp lại nhập khẩu đến 88.000 tấn.
VIỆT HÙNG - TRÀ MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét