Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Ý thức cộng đồng và ô nhiễm - mặn xâm nhập


2011-05-09

Mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng còn kém góp phần gây thêm khó khăn.

RFA PHOTO

Người dân ĐBSCL chăn nuôi sinh sống trên sông Mekong.

 

10 ngàn hecta lúa nhiễm mặn

Nước mặn từ biển đang xâm nhập sâu với độ mặn 4 phần nghìn tại nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Các giới chức khí tượng thủy văn cho biết, trên sông Hàm Luông mặn xâm nhập sâu hơn 60km, trên sông Cổ Chiên, Cửa Đại nước mặn vào xa trong đất liền hơn 45km.

Ở Trà Vinh hơn 10 ngàn ha lúa đông xuân thu hoạch muộn bị ảnh hưởng mặn cây lúa úa vàng có nguy cơ mất trắng. Người làm lúa khu vực phía Nam đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi, độ mặn cao tới 4 phần ngàn thì không có cây lúa nào chịu nổi. Ông ghi nhận tình trạng sản xuất và sinh hoạt khó khăn:

Nguồn nước ngày một giảm, quá nhiều những rạch xả lũ thẳng ra biển. Thực tế thấy nước không còn được bao nhiêu, cá tôm ở dưới sông hầu như không còn.

Nông dân ĐBSCL

"5 năm trở lại đây nguồn nước ngày một giảm, quá nhiều những rạch xả lũ thẳng ra biển. Thực tế thấy nước không còn được bao nhiêu, cá tôm ở dưới sông hầu như không còn. Các dòng sông bây giờ nước quá kém, các Sở Nông nghiệp chỉ đạo đóng các cống ngăn mặn trong thời hạn dài nên tất cả các con kênh đều ô nhiễm, nước sông tắm còn không được nói chi xài, bây giờ dân phải đi mua nước chai uống, rất khó khăn.

Người nào có xây hồ bê tông thì chứa nước mưa, người nghèo thì nước sông ô nhiễm vẫn phải xài. Thí dụ khoảng hai tuần người ta mở cống thì nó thay đổi con nước, nó lưu thông thì bớt mùi hôi thối có thể tắm được. Cũng tùy cơ ứng biến phải cam chịu sống riết cũng quen. Người khá giả thì đỡ hơn, có phương tiện mua nước khoan giếng làm bể chứa, người nghèo có người vẫn phải nấu nướng bằng nước dưới sông."

DSC_0548-250.jpg
Ruộng lúa ĐBSCL. RFA PHOTO.
Mặn xâm nhập trong mùa khô ở miền tây nam bộ là chuyện có từ xưa nhưng mức độ ít nghiêm trọng. Những năm gần đây nước mặn ngày càng xâm nhập vào sâu hơn độ mặn cao hơn, do những nguyên nhân nội tại của chính con người đồng bằng sông Cửu Long gây ra, cộng thêm chuyện biến đổi khí hậu và sự giảm lưu lượng dòng chảy sông Mekong trước khi vào sông Tiền sông Hậu rồi đổ ra biển.  

Gánh nặng rác thải

Trong hai thập niên vừa qua, đồng bằng sông Cửu Long ngày một đông dân hơn, kinh tế phát triển hơn, với hơn 200 cụm công nghiệp và khu công nghiệp tình trạng ô nhiễm môi trường ở vựa lúa xuất khẩu của Việt Nam đã đến hồi báo động. Số liệu chưa đầy đủ cho thấy sông ngòi đồng bằng sông Cửu Long gánh chịu hàng năm một lượng chất thải khổng lồ phần lớn chưa qua xử lý. Cụ thể về chất thải sinh hoạt là hơn 600 ngàn tấn chất thải rắn và hơn 100 triệu mét khối nước thải. Về chất thải công nghiệp rắn khoảng 222 ngàn tấn, nước thải công nghiệp hơn 47 triệu mét khối mỗi năm, chưa kể khoảng gần 4.000 tấn rác thải y tế. 

Hầu như tất cả những gì dơ bẩn họ đều đổ bỏ xuống sông. Chuồng heo xây trên sông 'vô tư', tôi không thấy chính quyền xã huyện hay bên môi trường can thiệp hay vận động người dân.

Nông dân ĐBSCL

Nếu như ý thức bảo vệ môi trường của chính quyền các tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp còn quá nhiều vấn đề để phê phán, thì tất nhiên người dân nông thôn lại càng xem nhẹ việc bảo vệ môi sinh. Một nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

"Một cái khó là người dân không có ý thức bảo vệ, còn Nhà nước không thấy thường xuyên khuyến khích người dân giữ gìn dòng sông để mình có thể dùng nước đó lợi ích của mỗi gia đình. Hầu như tất cả những gì dơ bẩn họ đều đổ bỏ xuống sông. Chuồng heo xây trên sông 'vô tư', tôi không thấy chính quyền xã huyện hay bên môi trường can thiệp hay vận động người dân. Chuồng xí cũng dựng trên sông chuồng heo xây vô tư. Có những nơi cách chuồng heo vài ba mét là một cái cầu để múc nước lên xài bình thường."  

Từ chỗ phải nhập khẩu lương thực trong những năm 70-80, Việt Nam nhanh chóng trở thành nước xuất khẩu gạo lớn của Thế giới với hơn 6 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm. Để có nhiều gạo, các chính phủ liên tiếp phát triển diện tích trồng lúa với giải pháp đê bao hóa ở các vùng trồng lúa, dẫn tới hệ quả mùa mưa nước lũ chảy hết ra biển không lưu lại trên đất. 

DSC_0289-200.jpg
Dẫn nước sông Mêkong vô lạch của một hộ dân ở ĐBSCL. RFA PHOTO.
Tăng kim ngạch xuất khẩu luôn hấp dẫn hơn bảo vệ môi trường, phải đến những năm gần đây tiếng nói của các nhà khoa học mới được lắng nghe. Trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Hữu Chiếm chuyên gia tài nguyên môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

"Viện Đại Học Cần Thơ đang cố gắng đưa giáo dục môi trường vào trong cộng đồng, đồng thời xây dựng những làng sinh thái để nâng cao nhận thức chung cho nông dân và nhất những người sống ở thành thị có ý thức chưa tốt.

Về chuyện chia sẻ nguồn nước chúng tôi có nhiều cuộc hội thảo để các tỉnh ĐBSCL ngồi lại với nhau đề xuất là trên thượng nguồn cũng phải chia sẻ với hạ lưu. Thí dụ các tỉnh đầu nguồn đang áp dụng phương pháp đắp đê bao hở có nghĩa là cho nước vào chứ không đắp kín hoàn toàn, vì như thế nước sẽ dồn xuống hạ lưu gây ngập ở các tỉnh phía dưới như Cần Thơ, Vĩnh Long. Các tỉnh đầu nguồn cũng thấy được điều này, bữa nay tôi đi từ An Giang về Bắc Vàm Nao thấy rằng chính quyền và người dân chấp nhận ba năm làm tám vụ. Người ta sẽ luân phiên nhau mỗi một năm có 8.000 héc-ta mở đập ra cho nước lũ tràn đồng. Đó là cách để giải quyết vấn đề chia sẻ nguồn nước."

Đồng bằng sông Cửu Long đang giải quyết bài toán khó của mình: thiếu nước trong mùa khô, thừa nước trong mùa lũ và đang tiến dần đến chỗ mùa lũ không có lũ.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét