Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011
Ngang nhiên lấp hồ, xẻ rừng phòng hộ… bán
Từng thửa đất hồ, đất rừng phòng hộ không giấy tờ được người dân giao xẻ bán bán với giá tăng chóng mặt không kém là bao so với giá đất thổ cư… Sự việc đang diễn ra trước sự thờ ơ của cơ quan chức năng.
Sau cơn sốt đất Ba Vì vào 2010, hiện tại không khí mua bán đất ở Sóc Sơn, một huyện ngoại thành Hà Nội đã lên tới cao điểm. Không phải ngày nghỉ, cũng chẳng vào dịp cuối tuần, vậy mà không khí mua bán đất tại một số khu vực của huyện Sóc Sơn vẫn vô cùng nhộn nhịp. Xen giữa những chiếc xe máy đời mới của dân "cò" là hàng loạt những chiếc xế hộp bóng lộn, đắt tiền của các nhà đầu tư đất cỡ bự trong nội đô dập dìu về đây bán mua.
Lấp hồ, xẻ rừng phòng hộ
Những vòng bánh xe đầu tiên vừa trạm đất xã Minh Phú, chúng tôi liền được hai cò nghễu nghện trên chiếc xe tay ga đắt tiền, áp sát mời mua đất. Theo chân hai cò, chúng tôi tới thửa đất nằm ngay mặt đường trải nhựa phằng lì dẫn đi sân gôn. Đó là một thửa đất thổ cư rộng 550m2 được gia chủ xây đánh dấu bằng móng gạch, cao chừng dăm chục phân, có giá 10 triệu đồng/m2. Còn các thửa đất nằm tít sâu, mãi trong đường làng cũng có giá từ 4 – 7 triệu đồng/m2. Theo hai cò, nếu thời điểm trước Tết, giá mỗi mét đất tại Minh Phú cao lắm cũng chỉ rơi vào khoảng 2,5 triệu đồng/m2 và rất ít khách hỏi mua.
Qua tìm hiểu được biết, từ khi có thông tin quy hoạch huyện Sóc Sơn là một trong 5 vệ tinh của Thủ đô, rồi các trường Đại học, khu du lịch, vui chơi giải trí sẽ mọc lên… giá đất nơi đây đang tăng theo ngày. Và hơn một tháng trở lại đây, thôn Minh Tân thuộc xã Minh Trí được coi là tâm điểm của đợt sốt đất này. Nói như thế, bởi chiếm tới phần lớn diện tích đất thuộc thôn Minh Tân là đất rừng phòng hộ và hồ, tuy nhiên người dân vẫn thản nhiên, công khai, vô tư bán mua.
Trong vai một đại gia tìm mua đất, tôi được một người dân sinh sống tại thôn Minh Tân, kiêm nghề môi giới, tên NT, chào mua những thửa đất có giá dao động từ 230 – 250 triệu đồng/sào. Theo "cò" NT, những thửa đất có mặt tiền chạy dọc theo mặt nước hồ Minh Tân, phần hậu thửa đất dựa lưng vào núi được coi là đắc địa, bởi người mua hoàn toàn có tận dụng số đất bạt núi để lấn hồ mở rộng diện tích thửa đất. Và một trong những thửa đất kiểu này, rộng ngót 15 sào được "cò" NT ra giá 300 triệu đồng/sào. Liền kề ngay đó, một thửa đất đắc địa khác rộng hơn hai hecta cũng được "cò" NT bán cho một nhà thiết kế thời trang có tiếng ở Thủ đô.
Và cũng giống với nhiều thửa đất sau khi được chuyển nhượng, ngay lâp tức chủ nhân của nó tiến hành thuê máy xúc, nhân công bạt núi, xây kè bằng đá cao cả chục mét để dựng nhà. Đất bạt núi lại được dùng san ủi lấp phần hồ trước mặt thửa đất, khiến lòng hồ bị thu hẹp đáng kể.
Việc mua bán đất tại thôn Minh Tân, thực chất là việc chuyển nhượng được tiến hành trên danh nghĩa chuyển nhượng tài sản lâm lộc trên đất. Còn người nhận chuyển nhượng chính là người mua, mà chiếm số lớn là người trong nội thành tìm mua nhằm mục đích xây nhà nghỉ cuối tuần, nhà hàng ăn uống, khu vui chơi giải trí… chứ hoàn không phải để phủ xanh rừng.
Không chỉ những phần diện tích đất rừng phòng hộ bị xâm phạm, mà ngay cả khu vực nơi lòng hồ Minh Tân vốn dùng chứa nước tưới tiêu, phòng chống cháy rừng hiện cũng bị rất nhiều hộ dân sinh sống trong thôn Minh Tân rao bán. Thời gian này đang là mùa cạn, nên dọc suốt chiều dài hồ Minh Tân, không khó để bắt gặp cảnh tượng từng đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ đất tân lấp lòng hồ, chia lô rao bán với giá từ 300 – 350 triệu đồng/sào.
Chính quyền thờ ơ
Thông tin mà nhóm PV tìm hiểu được, nhiều năm về trước, khi cải tạo lòng hồ được sâu, rộng hơn, cung cấp được nhiều nước tưới tiêu hơn cho các hộ dân, chính quyền các cấp đã tiến hành đền bù, hỗ trợ, giải phóng, di dời người dân ra khỏi khu vực trong lòng hồ. Nhưng chỉ vài tháng lại đây, khi Sóc Sơn xuất hiện những cơn sốt đất đầu tiên, ngày cũng như đêm, cả đoàn xe tải nối đuôi nhau đổ đầy đất tạo nền, phân lô rao bán.
Trong buổi làm việc với phóng viên, Chủ tịch xã Minh Trí, ông Tạ Văn Viễn cho biết, các hộ dân sinh sống tại thôn Minh Tân đều thuộc diện được Chính phủ giao đất rừng, đất lâm nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài để bảo vệ và phát triển đất rừng. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân này được phép sử dụng một phần đất nhận khoán không quá 200m2 làm nhà tạm, theo kiểu lán trại không quá hai tầng để trông nom đất lâm nghiệp, phần chênh ra sẽ bị đập bỏ.
Tuy nhiên khi được hỏi về những trường hợp đang cho máy xúc, máy ủi bạt núi, xây kè đá hộc cao cả chục mét, rộng cả vài sào trong khu vực đất lâm nghiệp, đất rừng, như thế liệu có còn được coi là làm nhà lán trại để bảo vệ, phát triển và làm giàu rừng? Ông Viễn cho biết: "Chưa được nghe báo cáo, sẽ khẩn trương cho cán bộ đi kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử lý".
Trong khi đó, với những trường hợp tiến hành lấp hồ, ông Viễn lại cho rằng, khu vực người dân đổ đất vẫn trong mốc giới. Và tuyệt nhiên không có trường hợp nào vi phạm. Nhưng khi chúng tôi đề nghị được xem bản đồ có thể hiện mốc giới thì ông Viễn cho biết, cán bộ địa chính đã mang đi thực địa và việc quản lý hồ Đồng Đò thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trịnh Văn Sơn, Trạm phó quản lý hồ Đồng Đò (trực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội) lại cho biết, đã phát hiện hai trường hợp đổ đất lấp hồ Đồng Đò. Hai trường hợp này hiện đang tiến hành xây dựng, đã dùng máy ủi, máy xúc đổ đất lấp hồ nhằm mục đích mở rộng diện tích sử dụng. Và ngay sau khi phát hiện, anh Sơn đã liên lạc với những người có trách nhiệm trong xã Minh Trí tới chứng kiến, cùng lập biên bản.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét