Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Thắt chặt tiền tệ có thể chống lạm phát?


2011-05-10

Trong nghị quyết 11 của Thủ tướng chính phủ vấn đề thắt chặt tiền tệ đước nêu lên hàng đầu và nhấn mạnh đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát.

AFP PHOTO

Nhân viên một Ngân hàng Thương mại ở Hà Nội đang nhận tiền gửi của khách hàng hôm 23/2/2011.

 

Từ đó nghị quyết 11 đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát và phân bố tiền tệ để đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận xét đây chỉ là một chính sách tiền tệ có tính cách đối phó và khó thể thành công trong chống lạm phát.

Nhiều chỗ bất cập

Sau khi nghị quyết 11 đi vào thực hiện thì tình hình lãi suất trên thị trường tài chánh trở nên trầm lắng không tranh vay, và cho vay như trước. Lãi suất bị khống chế bởi Ngân Hàng Nhà Nước đã cho thấy sự tác động của cả hai mặt, trước tiên nó giảm bớt sức ép đè nặng lên lạm phát nhưng ngược lại nó cũng tăng sức ép rất lớn lên doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn luôn lệ thuộc vào đồng vốn vay từ ngân hàng.

Giáo Sư Vũ Văn Hóa, Trưởng khoa Kinh tế tài chánh ĐH Quản Lý Kinh Doanh cho biết nhận xét của ông:

Khi người ta rất cần vốn nhưng mình lại đưa ra một chính sách như thế thì tôi cho là rất bất cập. Nhưng để chống lạm phát gia tăng thì bắt buộc phải không cho gia tăng tín dụng.

GS Vũ Văn Hóa

"Chính sách tài khóa tiền tệ của Việt Nam hiện nay là những chính sách nhằm giảm bớt khó khăn trong điều kiện hiện nay thôi chứ còn nói để đìêu hành một cách lâu dài thì nó còn có nhiều chỗ bất cập. Bởi vì hiện nay sự gia tăng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói riêng và của các quốc gia trên thế giới nói chung thì do chịu ảnh hưởng của cả thế giới. 

Ở Việt Nam có khó khăn trong vấn đề gì thì chính phủ chỉ đạo cho các ngành chức năng, cụ thể là tài chính và ngân hàng phải có những biện pháp khắc phục kịp thời để đảm bảo giảm bớt khó khăn. Tôi lấy một ví dụ như thế này chẳng hạn, về tình hình lạm phát của Việt Nam hiện nay gia tăng rất lớn. Trong tháng Tư vừa rồi chỉ số giá tiêu dùng nó tăng mà trong mười mấy năm trứơc đây nó chưa bao giờ tăng cao như vậy.

Vừa rồi nhà nước đưa ra chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng thì nếu ra chỉ tiêu cho các ngân hàng thương mại cho đến nay hết tăng 20% rồi thế cho nên nhiều ngân hàng sắp tới phải công bố là tạm ngừng họăc giảm bớt cho vay đối với nền kinh tế và như vậy thì rất khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trong khi người ta rất cần vốn nhưng mình lại đưa ra một chính sách như thế thì tôi cho là rất bất cập. Nhưng để cứu chữa cho tình trạng lạm phát gia tăng thì bắt buộc phải không cho gia tăng tín dụng một cách quá mức

Cho nên theo tôi thì các chính sách về tài khóa cũng như tiền tệ vừa rồi đã có tạo một điều kiện bớt sức ép lạm phát, giảm bớt phương tiện thanh toán nói chung. Tuy nhiên nó lại nảy ra một khó khăn mới tức là làm cho các doanh nghiệp hiện nay đang rất thiếu vốn. Vì vậy cái này được việc thì cái kia lại khó khăn. Đấy là một sự lúng túng trong cách điều khiển hiện nay của Việt Nam."

000_Hkg4619858-250.jpg
Vàng miếng SJC tại một tiệm kinh doanh vàng ở Hà Nội hôm 25/2/2011. AFP photo.
Trong suốt nhiều năm qua tỷ lệ đầu tư trong nền kinh tế quá cao làm cho tăng trưởng tín dụng gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, tăng trưởng GDP lại ở mức không tương xứng, điều này đồng nghĩa với chất lượng tăng trưởng thấp. Nhà nước xem chỉ tiêu tăng trưởng là thước đo sự khỏe mạnh của nền kinh tế thế nhưng sự tăng trưởng bằng bất cứ giá nào cũng dẫn tới những hệ lụy mà trước hết là tăng trưởng tín dụng sẽ theo sau chỉ số tăng trưởng kinh tế. 

Biện pháp giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng nêu ra trong nghị quyết 11 là biện pháp chấp nhận giảm chỉ tiêu tăng trưởng để chống lạm phát nhưng gây ra sự trì trệ trong sản xuất và xuất khẩu khi không vay được vốn để sản xuất của các doanh nghiệp lại đưa ra bài toán khó khăn khác cho nền kinh tế vĩ mô.

Ông Lê Trọng Nghi, một chuyên gia kinh tế nguyên tư vấn cho văn phòng Thủ tướng nhận xét về chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay ông nói: 

"Trong hai năm từ năm 2008 tới bây giờ thì kinh tế Việt Nam thoát được vào năm 2009 và năm nay trở lại và cho tới năm 2011 thì nó trở thành trầm trọng hơn. Về bên tài khóa tôi thấy một số lổ hổng chưa ổn. Tôi vẫn đặt nặng về vấn đề chính sách tiền tệ. 

Lý do chính làm cho lạm phát cao trong mấy tháng gần đây tôi nghĩ tất cả các người nghiên cứu quốc tế ở tại VN đều thừa nhận do những lý do nằm trong nội bộ nền kinh tế VN.

Bà Phạm Chi Lan

Đơn cử chẳng hạn như trở lại vần đề đầu tư của các công ty quốc doanh như Vinashin rồi nhiều vấn đề khác như EVN rồi than và mới đây nữa là công ty Lisin của Agibank những điều đó mình thấy nó làm méo đi chính sách tiền tệ của NHNN và không đo được số vốn hay số tín dụng nó đưa trật chỗ và làm tăng cái ICOR. 

Như vậy thì nó cũng tạo ra khiếm khuyết lớn trong nền kinh tế chung và như vậy nó trực tiếp hay gián tiếp chỗ nào đó trên vấn đề lạm phát của ngày hôm nay. Tôi cho là vấn đề kỷ luật trong chính sách tài khóa vẫn là vấn đề của nền kinh tế Việt Nam."

Chịu tác động từ bên ngoài

Mới đây ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết ngân hàng đã sử dụng một số giải pháp cần thiết để kiểm soát tín dụng và tổng phương tiện thanh toán. Nhưng theo ông để tránh những biến động bất lợi cho thị trường thì Ngân hàng Nhà nước vẫn phải duy trì thường xuyên hoạt động nghiệp vụ thị trường mở̉, chủ yếu cho mục tiêu thanh khoản ngắn hạn.

Trong khi đó, nhận xét về tình hình lạm phát hiện nay Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, Chính phủ, các cơ quan quản lý hiện đang điều hành nền kinh tế trong bối cảnh hết sức khó khăn do chịu tác động từ bên ngoài, trong khi trong nước thì không thể kìm hãm như trước.

"Yếu tố bên ngoài" được bộ trưởng Ninh đưa ra một lần nữa như cái cớ để giải thích tình trạng lạm phát hiện nay. Bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn văn phòng thủ tướng chính phủ không đồng ý với lập luận này bà nói:

lamphat1-250.jpg
Tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam từ tháng 12-2010 đến tháng 3-2011. RFA PHOTO.
"Tôi cho những nguyên nhân khách quan đó nó chỉ là những lý do rất nhỏ thôi. Nó tác động cả những nền kinh tế khác nhất là các nước chung quanh Việt Nam và Đông Nam Á nhưng họ không có tình trạng lạm phát như Việt Nam. 

Không nên đổ thừa do những lý do bên ngoài mà Việt Nam lạm phát. Những lý do chính làm cho lạm phát cao trong mấy tháng gần đây tôi nghĩ tất cả các người nghiên cứu quốc tế ở tại Việt Nam đều thừa nhận do những lý do khác, những lý do nằm trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam."

Nguyên Bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết cũng đưa ra nhận xét:

"Nếu nói về những sự chi tiêu cũng như hoạt động tài chính của một số tập đoàn, công ty cũng như các công ty tài chính thì tôi nghĩ nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho căng kéo về hoạt động tài chính nói chung và tiền tệ nói riêng." 

Trong mục C và D của điều 1 của nghị quyết 11 yêu cầu phải linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối cho phù hợp với thị trường, đồng thời nêu ra việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, Nhận xét về việc này bà Phạm Chi Lan nêu ý kiến:

"Về tỷ giá của Việt Nam với đồng ngoại tệ cũng vậy, năm nay chính phủ điều chỉnh với một mức cao chưa từng có và sau khi điều chỉnh với mức cao như vậy thì giá đô la tăng ở mức cao hơn so với kỳ vọng của xã hội.

Những tuyên bố của chính phủ về việc kinh doanh vàng miếng, ngoại tệ tại Việt Nam thì chính phủ làm cho thị trường phần nào có những diễn biến không bình thường so với mọi năm. Xét về tâm lý mà nói thì thị trường rất là hoang mang. Chứng khoán và bất động sản thể hiện khá rõ điều đó".

Tất cả những hoạt động tài chánh và các hình thức kềm chế lạm phát hình như vẫn chưa song hành với nhau nhằm tạo thêm sức mạnh cần thiết để chống lạm phát. 

Theo ông Nguyễn Trần Bạt, giám đốc công ty Tư Vấn Đầu Tư InvestConsul có văn phòng tại Hà Nội cho biết kinh nghiệm của ông về vấn đề này như sau:

"Thật ra các vấn đề về kinh tế của Việt Nam hiện nay chủ yếu nó là hệ quả tự nhiên của sự mất cân đối trên quy mô xã hội. Sự phân bố chú ý chính trị của nhà nước vào các khu vực kinh tế khác nhau là mất cân đối. Sự chú ý đến khu vực của nên kinh tế tài chính và những nền kinh tế công nghiệp khác cũng mất cân đối. 

Mất cân đối vĩ mô là hình thức chủ yếu của tình trạng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, và dễ dàng trông thấy nhất là hiện tượng lạm phát.

Ô. Nguyễn Trần Bạt

Mất cân đối giữa sản xuất và đầu tư. Mất cân đối giữa các thị trường như bất động sản và các thị trường công nghiệp hàng tiêu dùng khác. Hay nói cách khác là mất cân đối vĩ mô là hình thức chủ yếu của tình trạng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, và dễ dàng trông thấy nhất là hiện tượng lạm phát. 

Bài thuốc cho tình trạng hiện nay là phải lấy lại sự cân đối. Từ sự chú ý của nhà nước đối với các khu vực kinh tế. Lấy lại sự cân đối trong lĩnh vực sản suất ngắn hạn cùng với đầu tư trong giáo dục đào tạo dài hạn nhằm tạo một nguồn nhân lực thỏa đáng cho một nền kinh tế lành mạnh."

Và ông Nguyễn Trần Bạt đưa ra kết luận:

"Qua sự diễn đạt của các chuyên gia kinh tế khác nhau thì nghe chừng bài toán kinh tế Việt Nam phức tạp. Theo quan điểm của tôi thì giải pháp tốt nhất bây giờ là bình tĩnh để lấy lại cân đối trong sự phân bố tiền vốn, phân bố lực lượng, phân bố sản xuất, nhân lực của toàn xã hội đối với nền kinh tế.

Cố gắng làm sao vực dậy nền kinh tế nội tại để tạo làm cho công ăn việc làm. Lấy lại sự cân bằng tiền - hàng để mà giảm bớt lạm phát. Còn bây giờ tất cả mọi cố gắng có chất lượng gây sốc tôi không nghĩ rằng nó thích hợp trong điều kiện và trạng thái hiện nay của nền kinh tế Việt Nam".

Vấn đề lớn nhất mà nhiều chuyên gia tài chính đều cùng có chung một nhận xét đó là lâu nay, chính sách tiền tệ chưa bao giờ được thực hiện một cách độc lập. Mục tiêu chính sách tiền tệ của chính phủ đưa ra luôn luôn phục vụ cho tăng trưởng, có nghĩa là cho mục tiêu của chính phủ chứ không như các nước khác nhằm cân bằng và điều tiết tiền tệ cho nền kinh tế.

Khi chính sách tiền tệ độc lập chỉ được đưa ra nhằm đối phó một giai đoạn ngắn hạn nào đó và sẽ quay trở lại với mục tiêu tăng trưởng thì nền kinh tế Việt Nam không có cơ hội nào để thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của lạm phát.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét