Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Dân Mường Nhé 'đã về nhà'

Trẻ Hmong ở Điện Biên
Nguồn chức sắc tôn giáo cho hay người tham gia bạo động tại Mường Nhé, Điện Biên, đã trở về nhà nhưng tình hình vẫn chưa thật ổn định.
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội trưởng Hội thánh Tin Lành miền Bắc, nói với BBC rằng thông tin cập nhật mà hội thánh nhận được từ nhân sự tại Mường Nhé cho hay người tham gia sự kiện mới rồi, mà đa số là tín đồ Tin Lành, đã "giải tán về nhà".
"Thế nhưng, chúng tôi cũng được biết tình hình chưa thật sự ổn định và cuộc sống của họ chưa quay trở lại hoàn toàn bình thường."
Mục sư Mạc không cho biết thêm chi tiết.
Được biết các tín đồ Hmong tham gia vụ bất ổn không có liên quan tới Hội thánh Tin Lành đã chính thức được Nhà nước công nhận, mà đa phần là theo đạo Vàng Chứ, một phiên bản của Tin Lành.
Họ đã được khuyến cáo tập trung tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé để đợi Chúa trời.
Mục sư Nguyễn Hữu Mạc cũng nói ông đã nhận được thông tin về thương vong trong các tín đồ, nhưng "chưa chắc chắn và đang đợi kiểm chứng".
Trong khi đó, hãng thông tấn DPA của Đức dẫn lời ông Lò Văn Sùng, bí thư xã Nậm Kè, nói có ba trẻ em dưới một tuổi tử vong vì điều kiện vệ sinh thiếu thốn tại nơi người Hmong tụ họp.
Ông này thừa nhận có khoảng 5.000 người tham gia sự kiện kéo dài từ 30/04, và cho hay chính quyền đã bắt 40 người trong vụ này. Ông Sùng bác bỏ rằng có người chết vì can thiệp của chính quyền.
Truyền thông nhà nước không nói tới các vụ bắt giữ và mới chỉ đưa tin một trẻ em ốm bệnh tử vong.
BBC đã nhiều lần tìm cách liên lạc với quan chức địa phương tại Mường Nhé và Điện Biên nhưng đều bị từ chối trả lời.

Chính sách dân tộc

Thống kê chính thức cho hay trong địa bàn tỉnh Điện Biên có ba hội thánh hoạt động mạnh.
Trong đó, Hội thánh Tin Lành Việt Nam hoạt động ở 109 bản, 24 xã thuộc 5 huyện với 3.749 hộ, tổng cộng 22.022 tín đồ.
Bên cạnh đó là Hội thánh Liên hữu Cơ đốc miền Nam hoạt động ở huyện Điện Biên Đông và Hội thánh Liên đoàn truyền giáo Phúc âm Ngũ tuần ở huyện Mường Chà.
Đại diện Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần nói với BBC họ đã căn dặn tín đồ không tham gia vụ Mường Nhé.
Mấy ngày nay, báo Việt Nam đăng một số bài đả phá đạo Vàng Chứ, mà họ gọi là "tà đạo lợi dụng và xuyên tạc đạo Tin Lành".
Người Hmong ở Điện Biên

Người Hmong vẫn sống trong điều kiện thiếu thốn


Vụ Mường Nhé đã khiến chính quyền một lần nữa phải xem xét chính sách tôn giáo và dân tộc, nhất là đối với các khu vực đồng bào sắc tộc ít người.
Theo một số đánh giá, đây là vụ bất ổn có yếu tố sắc tộc với quy mô lớn nhất từ khi có biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên năm 2004.
Phó Thủ tướng Việt Nam Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc của Chính phủ, đã có mặt ở nơi xảy ra bạo động của người Hmong tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, Mường Nhé hôm thứ Bảy 07/05.
Ông Trọng khẳng định "tình hình tại đây đã yên ổn".
Trong phỏng vấn dành cho Thông tấn xã Việt Nam, ông nói: "Sự việc đã được giải quyết một cách rất thiện chí và nhân đạo. Mặc dù là vụ việc tụ tập đông người, gây rối, nhưng vẫn được giải quyết trong hòa bình."
Ông phó thủ tướng hứa Chính phủ sẽ tạo điều kiện nâng cao cuộc sống của dân địa phương, đồng thời chỉ đạo cho chính quyền địa phương "phải tiếp tục có trách nhiệm giải thích, giúp đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, đồng thời bảo đảm đời sống của đồng bào".
Trung tâm Phân tích Chính sách Công (Center for Public Policy Analysis - CPPA), một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở ở Washington DC, Mỹ, nói hơn 1.000 người Hmong bị chính quyền bắt trong vụ Mường Nhé cùng hàng chục người chết.
Thế nhưng thông tin này không thể kiểm chứng được khi phóng viên nước ngoài không được phép tới địa phương để tìm hiểu tình hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét