Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Giải mã cuộc biểu tình của người Hmong tại miền Tây Bắc Việt Nam

Người tỵ nạn Hmong ở vùng giáp giới với Lào (AFP)
Người tỵ nạn Hmong ở vùng giáp giới với Lào (AFP)
Trọng Nghĩa

Từ hơn một tuần nay, ngày càng có nhiều thông tin có lúc trái ngược nhau về cuộc tập hợp của hàng ngàn người thuộc sắc tộc Hmong ở miền Tây Bắc Việt Nam thuộc tỉnh Điện Biên, giáp giới với Lào, không xa Trung Quốc. Đây là một sự kiện nghiêm trọng vì chính quyền đã điều động thêm quân đội đến tận nơi để giải tán đám đông, đồng thời phong tỏa khu vực, không cho báo chí ngoại quốc lên tìm hiểu.
Chính vì sự kiện thông tin bị khống chế kể trên mà cho đến lúc này, thực hư vẫn chưa rõ về nguyên do dẫn đến cuộc biểu tình rầm rộ đó của người Hmong, cũng như quy mô của chiến dịch trấn áp, với một số nguồn tin chưa được kiểm chứng nói đến hàng chục người thiệt mạng, và hàng trăm người bị bắt.
Theo các thông tin từ các phương tiện truyền thông ngoại quốc, thì người Hmong đã tụ tập lại từ ngày 30/04/2011, tại huyện Mường Nhé, vùng đồi núi tỉnh Điện Biên, nằm trên ngã ba biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc và Lào. Số lượng người tập hợp, tùy theo các nguồn tin, gồm từ 5000 đến hơn 8000 người, hầu hết theo đạo Tin lành.
Về nguyên nhân tập hợp của hàng ngàn người Hmong này, nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra. Quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam, là những người Hmong vì mê tín dị đoan nên đã bị xúi giục.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên chẳng hạn, đã nói với TTXVN như sau : « Một số phần tử xấu đã có hành vi lừa gạt, lôi kéo bằng những luận điệu mê tín dị đoan, thậm chí còn khống chế bà con người Mông, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em ở bản Huổi Khon và một số bản lân cận ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, tụ tập trong rừng, rêu rao về cái gọi là 'thành lập vương quốc Mông' ».
Trước đó, chính phủ Việt Nam đã cho rằng những người Hmong tụ tập lại vì tin rằng một thế lực siêu nhiên sẽ hạ thế tại vùng này để ban phát hạnh phúc cho tất cả mọi người. Theo chính phủ Việt Nam, các thế lực bên ngoài đã kích động người Hmong để họ hành động chống lại chính phủ và thiết lập một vùng tự trị.
Một số nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội cũng cho phóng viên báo Anh Financial Times biết là trong khu vực có những giáo phái rao giảng rằng Chúa Giêsu có thể hiện xuống ở đây vào hạ tuần tháng này và đó là lý do tại sao người Hmong bắt đầu tụ tập và không chịu về nhà, buộc chính phủ Việt Nam phải gửi lực lượng an ninh đến nơi khuyến khích người dân giải tán.
Theo hãng tin Mỹ AP, mục sư Nguyễn Hữu Mạc, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc Việt Nam nói rằng một số tín hữu của ông cho biết là trong vụ việc vừa qua, có tới 5.000 người Hmong tề tựu lại, đợi Đức Chúa xuất hiện và đưa họ đến vùng đất hứa vào ngày 21 tháng 5.
Một số nguồn tin khác, đặc biệt là từ các tổ chức bảo vệ nhân quyền hay đấu tranh cho quyền lợi của người Hmong, thì những người biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo, quyền sở hữu đất đai tốt hơn. Phải nói là Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất nước. Thống kê của chính quyền công nhận là hơn 60% cư dân huyện này bị nghèo đói. Tổng số dân của cả huyện Mường Nhé khoảng 52 600 người trong đó có đến 36 800 là người Hmong.
Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa, thì cuộc tập hợp đã bị giải tán. Tổ chức mang tên Trung Tâm Phân tích Chính sách công – CPPA, trụ sở tại Mỹ, đã đưa ra con số 49 người chết trong các cuộc đàn áp biểu tình do quân đội Việt Nam. Thông tin này không thể phối kiểm được trong tình hình hiện nay.
Chính phủ Việt Nam hôm 6/05 khẳng định là tình hình ở Mường Nhé đã ổn định nhưng không nói rõ ổn định như thế nào. Một nguồn tin chính quyền tiết lộ là một số người biểu tình đã bắt đầu về nhà, tuy nhiên tin này cũng không thể kiểm chứng.
Cuộc tập hợp của hàng ngàn người Hmong đã thu hút sự chú ý của dư luận về cộng đồng sắc tộc này, và nhất là về quan hệ có lúc không thuận thảo lắm giữa người Hmong với chính quyền của đa số người Kinh. Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, RFI đã phỏng vấn nhà báo Nguyễn Văn Huy, nguyên giảng viên Đại học Paris 7, chuyên nghiên cứu về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Huy tại Paris
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét