The Lucky Few
Source: http://www.vietlandnews.net/forum/showthread.php/5905-The-Lucky-Few-Phim-ng?-di-t?n-4-30-75--do-h?i-qu?-Hoa-K?-th?c-hi?n.
Đã 36 năm qua, cuộc di tản 30 tháng 4 năm 1975 của chúng ta vẫn còn in sâu trong ký ức của mỗi người với từng góc cạnh khác nhau.
Ngày 29 tháng 4 năm 1075, không khí chiến tranh đang bùng nổ khắp nơi với khói lửa và tiếng súng vang rền.
Ở ngã ba Tổng Tham Mưu, trước khi vào Sân bay TSN, buổi trưa rực nóng, một đoàn trẻ em VN đang chầm chậm bước qua trạm kiểm soát của VN.
Không có cha mẹ, anh chị em, họ hàng bên cạnh, các em bé ngơ ngác nắm chặt tay nép vào nhau đi theo những người dẫn đường, không vội vã, không hoảng hốt, không rối loạn nhưng im lặng bước đi.
Trên vai một người dẫn đường, họ còn để một em bé ngồi trên cổ. Một tay giữ em bé, một tay dắt một em bé khác.
Quần áo lếch thếch và tóc tai rối bù. Cả đoàn bước như những người lạc hướng mệt mỏi.
Tôi không đếm được bao nhiêu em bé, khá nhiều, một đoàn dài, có thể chừng 50 em nhưng tôi nhớ chỉ có vài người dẫn đường.
Đoạn người âm thầm tiến vào hướng phi trường TSN.
Trạm kiểm soát có nhiều người cảnh sát và quân đội VNCH đang bực tức canh gác với súng ống và tiếng quát tháo chửi thề ầm ĩ vì cố ngăn chận cả một đoàn xe dài muốn vào phi trường nhưng lại tự động mở ra cho đoàn em bé đi vào không một chút hạch hỏi.
Không phải các em bé nhưng những người dẫn đường. Họ là ai vậy ?
Họ là những người khác chúng ta về mầu da, mầu tóc, mầu mắt. Họ là những người không nói cùng ngôn ngữ với mình, họ là những người không sinh ra ơ mảnh đất này và họ cũng chẳng có một huyết thống liên hệ gì với các em bé đang đi cả.
Tôi đã thấy họ trước mắt hôm đó và nay tôi lại thấy họ trên màn ảnh hôm nay.
Tôi không thể ngăn được đôi mắt ướt khi được nhìn thấy họ ngoài biển khơi, trên bong tầu của 36 năm về trước, nay ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe câu chuyện của những ngày không bao giờ quên được trong cuộc đời binh nghiệp của họ.
Tiếng kể chuyện không day dứt và ân hận. Ngược lại, đầy hãnh hiện và hân hoan.
Từ người sỹ quan hạm trưởng đến binh nhì, tất cả đều trộn vào câu chuyện các ngọn lửa nồng ấm của yêu thương tình người, nỗi sung sướng hạnh phúc của hành động không phải của một người lính mà của những người không còn súng ống bên cạnh, không có ngăn cách chức tước và quân kỷ giữa sỹ quan và binh lính, mà là hành động của những người bình thường.
Họ là nhiều người như một. Họ đã hành động như nhau mặc dù họ làm những công việc khác nhau.
Vì vậy, họ chỉ kể câu chuyện của tình người bằng một ngôn ngữ giống nhau, ai cũng hiểu. Cái ngôn ngữ không biên giới và không định luật. Nó đơn giản đến độ nhiều khi chẳng phải nói nhiều, mọi người đều hiểu.
Hiểu có lúc rơi nước mắt. Hiểu có khi nước mắt pha tiếng cười. Đôi khi không còn cười và khóc được nữa.
Tôi cười trong mắt ướt khi nghe họ kể ước ao có một em bé được sinh ra trên con tầu Kirk của họ từ 4 bà mẹ mang bầu để có một dấu mốc không bao giờ quên của cuộc đời binh nghiệp của mình.
Tôi lặng người với con tim chùng xuống khi nghe tiếng hát "Này công dân ơi..." theo lá cờ vàng đang trầm mình hạ xuống trên con tầu sắt xa lạ và là một chỗ đứng tự do cuối cùng của mình.
Tiếng hát không có một mảnh đất để đứng nhưng có cả một đại dương để nghe và cả một trời xanh để làm chứng.
Nơi cuối cùng này chắc chắn sẽ là bắt đầu cho tiếng hát mới của cuộc đời bầy chim xa xứ.
Phim đã chấm dứt với nhiều người đứng dậy và vỗ tay ca ngợi cuộc hành trình đầy tình người này.
Riêng tôi, tôi muốn nói đến hai chữ : Cám Ơn đến những người kể chuyện và những người :
Họ là ai vậy ?
Họ là những người đang ở quanh tôi, quanh bạn và quanh gia đình bạn đấy bạn ạ.
Xin được chia xẻ với các bạn câu chuyện của họ khi nhớ đến đất nước và cuộc đời mỗi năm trở lại vào tháng 4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét