Thứ Bảy, 4.12.2010 | 09:55 (GMT + 7)
Bộ "tứ linh hội tụ" có giá chưa đến 20 triệu đồng?! Những ngày qua, thông tin về ông Võ Ngọc Hà (SN 1978) - chủ nhân bộ "Tứ linh hội tụ" và câu chuyện đấu giá từ thiện với số tiền kỷ lục "ảo" đăng tải tràn ngập trên các báo.
Ông Hà đã kể lại hành trình khá ly kỳ khi đi tìm bốn tứ linh "long, lân, qui, phụng" và cho rằng mình là nạn nhân của vụ đấu giá từ thiện này. Thế nhưng, qua tìm hiểu, một sự thật đã được phơi bày. Chuyện đi tìm bảo vật chỉ là bịa đặt. Ông Hà đã bỏ tiền ra mua bốn "linh vật" với giá rẻ bèo... để rồi sau đó dàn dựng "đấu giá từ thiện" được 47 tỷ đồng ảo!
Tứ linh hết...linh
Trong một cuốn sổ tay nhỏ, gọn được in với hai thứ tiếng (Việt, Anh), chủ nhân bộ tứ linh Võ Ngọc Hà đã trau chuốt từng lời khi kể lại hành trình gian nan, thấm đẫm màu sắc ly kỳ, huyền bí khi đi tìm bốn linh vật. Ròng rã suốt năm năm trời, ông Hà mới tìm đủ bộ long, lân, quy, phụng bằng gỗ lũa, hoàn toàn do thiên tạo. Nào là bỗng nghe tiếng chim hót rất lạ, nào là mơ thấy một con rồng trắng... nghe rất hoang đường. Cuối câu chuyện, ông Hà còn nhấn mạnh: đây là duyên trời, lộc trời. Vì thế món quà này sẽ càng có ý nghĩa hơn khi cứu giúp những người bất hạnh. Tuy nhiên, dù chỉ là nghi vấn liệu câu chuyện đó có thật hay không, chúng tôi cũng quá sửng sốt khi biết được một sự thật không thể nào ngờ được. Tất cả chỉ là trò lừa dối của ông Hà. Không hề có bất cứ một chi tiết nào trong lời kể của ông là đúng. Theo những ghi nhận của phóng viên, việc xuất hiện bộ tứ linh mà ông Hà đã đưa ra đấu giá với giá trên trời chỉ đơn giản là "tiền trao, cháo múc".
Ông Hà đã mua bốn linh vật này tại các cơ sở gỗ, đá của một số người dân tại huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, con rồng (long) đã được ông Hà mua của anh Linh (cơ sở Duy Linh) tại xã Liên Đầm, huyện Di Linh. Ngày 29-11-2010, chúng tôi tìm đến nhà anh Linh nhưng không gặp. Anh Duy và chị Thơm (anh trai và chị dâu của anh Linh) cho biết: Cách đây hơn hai tháng, anh Linh có bán cho Võ Ngọc Hà một con rồng bằng gỗ với giá ba triệu đồng. Ba hiện vật còn lại, gồm con rùa (quy), con lân và khối gỗ hình con chim phụng, ông Hà đã mua của ông Tuấn (một cơ sở gỗ tại xã Đại Lào, TP. Bảo Lộc.
Tứ linh hết...linh |
Anh Vũ (con ông Tuấn, một gia đình có tiếng chuyên đi sưu tầm các gốc cây có những hình dáng lạ) kể lại: Trong khoảng thời gian hai tháng, tức trước ngày diễn ra lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gia đình anh đã bán cho ông Võ Ngọc Hà 5, 6 hiện vật bằng các gốc cây tự nhiên có hình dáng của các con vật, cây cảnh với tổng số tiền 16 triệu đồng, trong đó có con chim phụng, con lân và con rùa. Con rùa có hình thù giống nhất nên bán với giá 10 triệu đồng. Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Tuấn cũng khẳng định có việc mua bán này. Theo thông tin từ một người quen của ông Hà, sau khi mua về, ông Hà còn bỏ ra khoảng năm triệu đồng để chỉnh sửa các linh vật cho giống với thực tế. Vậy là mọi việc đã quá rõ ràng. Bốn linh vật được ông Hà mua lại với giá quá rẻ so với giá một triệu USD trong bản hợp đồng mà ông đã ký với Cty truyền thông Asean C&C và với giá khởi điểm hai triệu USD trong đêm đấu giá từ thiện.
Vấn đề được đặt ra là ông Hà đã móc nối với ai hoặc đơn vị nào đã đứng ra bảo lãnh cho bảo vật của ông Hà có mặt trong đêm từ thiện? Lẽ nào chỉ bằng câu chuyện hoàn toàn bịa đặt của ông Hà, không hề có sự kiểm chứng, mà bảo vật của ông đã trở thành "tâm điểm" của đêm đấu giá? Đại diện Hội sinh vật cảnh tỉnh Lâm Đồng cho biết: ông Hà đã tự ý mang bộ tứ linh đi tham gia Triển lãm sinh vật cảnh 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, chứ không hề đại diện cho tỉnh như lời ông Hà nói. Đã đến lúc cần phải xem lại 4, 5 bằng chứng nhận của ông Hà về bộ tứ linh? Câu hỏi được đặt ra là các cơ quan cấp giấy chứng nhận cho ông Hà đã dựa vào tiêu chí nào? Ngay từ đầu, ông Hà đã cố tình lừa dối về bảo vật khiến cho đêm đấu giá từ thiện bị biến thành trò đùa. Và hàng ngàn người xem chương trình cũng bị lừa một vố đau. Không chỉ lừa dối về hành trình tìm kiếm bảo vật, xung quanh việc đấu giá đêm 11-11-2010 cũng chỉ là trò bỡn cợt của ông Hà. Trong một lần nói chuyện với chúng tôi, chị H. (bạn của anh Thắng - cậu ruột của Võ Ngọc Hà) đã vô tình tiết lộ: chính Võ Ngọc Hà đã dàn cảnh để ông Phạm Văn Đạt - Giám đốc Công ty gốm sứ Bảo Long Bát Tràng đấu giá mua bộ tứ linh này. Chị H. cũng cho rằng: người trả giá 45 tỷ đồng (người đã được các MC mời lên sân khấu tuyên bố thắng đấu giá nhưng từ chối vì lý do nhường lại cho những người khác tiếp tục tham gia đấu giá) cũng là bạn của Võ Ngọc Hà. Được biết, Hà và Phạm Văn Đạt quen biết nhau trong những ngày tham dự lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Cần chặt chẽ hơn với các chương trình từ thiện
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty gốm sứ Bảo Long của doanh nhân Phạm Văn Đạt - người thắng đấu giá bộ tứ linh đêm 11-11-2010 với số tiền 47,9 tỷ đồng cũng chỉ là một doanh nghiệp hạng trung bình tại Bát Tràng. Ông Đạt cũng mới "bập bõm" kinh doanh chứ chưa có gì nổi bật. Câu chuyện mua bảo vật này cũng không thống nhất. Tại cuộc họp báo ngày 23-11-2010, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TPHCM cho biết: theo một số thông tin thì ông Đạt chỉ là người đại diện mua bộ tứ linh cho cả làng - nơi ông đang sinh sống. Ứng theo tâm linh, họ muốn mua bảo vật này về đặt ở làng để làm ăn được thuận lợi. Tuy nhiên, rốt cuộc, dù đứng ra mua hay đại diện cho cả làng mua thì bản chất cũng chẳng có gì thay đổi. Ông Đạt vẫn từ chối mua bộ tứ linh với lý do cũng "chẳng giống ai". Có phải đây là kịch bản mà ông Hà và ông Đạt đã thống nhất từ trước? Sau khi từ chối mua bảo vật, ông Đạt đã công bố là móc hầu bao một tỷ đồng để chuyển đến cho Hội chữ thập đỏ TPHCM ủng hộ bà con vùng lũ. Nhưng cho đến thời điểm này, Hội chưa nhận được bất cứ đồng nào từ ông Đạt. Theo ông Đinh Gia Diên - Giám đốc Cty đá quí Gia Gia, đơn vị tổ chức sự kiện đấu giá vừa qua, thì việc nhiều người tham gia đấu giá, rồi "xù" rất thường gặp. Tất cả chỉ nhằm quảng bá thương hiệu.
Điểm lại một số vụ đấu giá từ thiện "hoành tráng" đã diễn ra, chúng tôi đều thấy chung một kết cục đáng buồn. Khâu tổ chức được thực hiện hết sức "hoành tráng" nhưng kết quả thu được đều chỉ là những lời hứa hão. Chương trình từ thiện "Nối vòng tay lớn" nhằm ủng hộ quỹ vì người nghèo được tổ chức công phu, với sự có mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cùng với hơn 200 doanh nghiệp tham dự. Theo đó, cây trầm hương đã được TGĐ Công ty Thương mại Tổng hợp Việt Nam Nguyễn Khắc Hiệp trúng đấu giá và chuyển ngay 1 tỷ 370 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng trong đêm hôm đó, chiếc sim điện thoại đẹp nhất Việt Nam (0988.888.888) được chốt giá một tỷ mười triệu đồng, nhưng sau đó ông Trần Ngọc Hoan - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng Tràng Tiền - người thắng đấu giá lại chây ì không chịu trả. Sau khi xem chương trình từ thiện này, khán giả truyền hình và người dân trong cả nước đã thực sự xúc động trước nghĩa cử của các doanh nhân. Nhưng đến khi báo chí phanh phui, dư luận mới thực sự phẫn nộ trước hành động tàn nhẫn của một số người lợi dụng từ thiện... để làm "oai".
Tương tự là buổi đấu giá từ thiện "Singe's day - ngày hội nối vòng tay lớn" được tổ chức đầu năm 2010 tại Bình Định. Chương trình cũng quy tụ hơn 200 ca sĩ và được nhạc sĩ Lê Quang đứng ra tổ chức. Chương trình kết thúc với số tiền công bố đã quyên góp được 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền thực thu chỉ được 6 tỷ đồng. Ngoài những vật phẩm được người trúng đấu giá trả tiền ngay, thì bức tranh Gạo của ca sĩ Quang Dũng có "đường đi" trắc trở nhất. Người trúng đấu giá là người của một phòng trà (tại P6Q3, TPHCM) đã yêu cầu phải chuyển tranh về đúng địa chỉ mới chịu trả tiền. Sau đó, "hàng" đã được trao, nhưng tiền thì không chịu chuyển...
Đã đến lúc, những đơn vị tổ chức chương trình đấu giá từ thiện cần phải nhìn lại những kết quả đáng buồn này để rút ra những bài học kinh nghiệm cho những chương trình lần sau. Thiết nghĩ, trước khi tổ chức đấu giá, cần có những qui định chặt chẽ nhằm ràng buộc cả người tham gia đấu giá và người thắng đấu giá để chương trình thật sự có ý nghĩa, không bị biến thành nơi phô diễn những trò đùa quá đáng của một số cá nhân, doanh nghiệp.
Ngày 27-11-2010, hoa hậu Mai Phương Thúy đã có buổi gặp gỡ báo chí để trả lời về những vấn đề liên quan đến việc cô "xù" tiền từ thiện vừa qua. Theo Thúy, ngay đêm diễn ra buổi đấu giá (11-11-2010) cô đã chuẩn bị đầy đủ tiền và hàng. Nhưng do có nhiều diễn biến bất ngờ nên chưa thể trao ngay trong buổi đấu giá. Ngay sau đó, Thúy lại phải trở lại Hà Nội để lo công việc. Đồng thời, cô cũng muốn được trao những phần quà này một cách minh bạch, rõ ràng trong một dịp trang trọng nhất. Đó chính là nguyên nhân của sự chậm trễ. Tại buổi làm việc, Thúy đã đại diện Cty Quốc Huy Anh trao số tiền 20.000USD và 100.000 cuốn tập cho bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TPHCM. Cùng ngày, Mai Phương Thúy và Công ty Quốc Huy Anh cũng ủng hộ thêm 100 triệu đồng cho gia đình những nạn nhân người Việt trong thảm họa dẫm đạp tại Campuchia.
( Còn tiếp)
Theo Công an TP Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét