(Dân trí) - Không chồng, không con, không một mảnh đất cắm dùi, có nơi chôn nhau cắt rốn nhưng 12 năm nay bà không dám về quê… Mong ước cuối đời của bà Liên là có tiền về quê để thắp nhang cho cha mẹ Đó là hoàn cảnh đáng thương của bà Phạm Thị Liên (62 tuổi), đang ở nhờ hơn 20 năm nay tại hội trường của tổ dân phố 1, phường Yên Thế, TP Pleiku, Gia Lai. Ở vào cái tuổi gần đất xa trời, lại sống trong cảnh cô quạnh, bà không dám ví mình như nải chuối chín trên cây. Bởi, chuối trên cây còn có anh em, họ hàng bên cạnh xúm xít, còn bà, hơn 20 năm nay vò võ một thân một mình, có quê nhưng không dám về. Bà kể: Bà vốn sinh ra tại mảnh đất Thanh Hà, Hải Dương, khi đất nước còn chiến tranh, cũng như bao người con yêu nước, năm 1971 bà đi thanh niên xung phong vác đạn, đào hầm, khoét núi tại Quân khu 3, trung đoàn 2, đơn vị đội 4. Đất nước giải phóng, bà trở về quê tiếp tục tăng gia sản xuất. Rồi chẳng hiểu cơ duyên nào đã đưa đẩy bà đến mảnh đất Gia Lai này vào năm 1984. Sau 4 năm tham gia xây dựng nông trường cà phê Iasao, bà chuyển sang làm công nhân cho nhà máy chế biến cà phê 331. Cứ tưởng, từ đây công việc của bà sẽ được ổn định đến suốt đời, nhưng đến năm 1992 nhà máy giải thể, không dám quay về quê với hai bàn tay trắng, mà về quê cũng không nhà cửa đất đai. Vậy là một mình bà lam lũ trụ lại ở mảnh đất đại ngàn này với đủ thứ nghề từ nhổ cỏ thuê, hái cà phê thuê… để mưu sinh. Ở mảnh đất đại ngàn bà cũng không có gì là hạnh phúc, vậy hỏi cớ gì bà không dám về quê một lần khi cuối đời? Cha mất từ khi bà mới lên 5, một mình mẹ bà vật lộn nuôi các anh chị em bà khôn lớn, ai cũng lập gia đình con cháu đề huề. Riêng bà, cái kiếp này đã không cho bà lấy chồng, sinh con đã đành, nhưng tuổi xuân bà cũng đã cống hiến sức mình cho đất nước, giải phóng bà không quản khó khăn lênh đênh với nhiều nghề để mưu sinh. Nhưng đổi lại, cuối đời bà lại sống trong buồn hiu, cô quạnh, bệnh tật. 26 năm xa quê làm ăn, người ta thì nhà này, xe nọ, còn bà mảnh đất cắm dùi cũng không có, mỗi lần căn bệnh gai cột sống nặng hay viêm đại tràng phát tác, được hàng xóm đưa đi cấp cứu nhưng bà cũng chỉ có mỗi cái thẻ bảo hiểm hộ nghèo để làm phương tiện chữa bệnh. Sống như vậy, hỏi làm sao bà dám về quê chứ, mà về quê cũng đâu có phải là dễ dàng? Đi thanh niên xung phong, bây giờ muốn làm chế độ trợ cấp cho người có công với đất nước nhưng giấy tờ gốc của bà không còn. Cùng đi với bà ở làng có 4 người, một người đã hy sinh từ lâu, một người theo chồng vào Nam, còn một vẫn ở quê, bà muốn làm lại giấy tờ cũng dễ dàng lắm, chỉ cần về quê xin giấy xác nhận của bạn ở quê mang lên chính quyền địa phương đóng dấu là xong. Có vậy thôi mà 12 năm nay bà không dám đặt chân về làng để làm? Về quê chứ có phải là nơi đô thị đâu, cả họ nhà bà, chưa tính chú bác, anh em thì cháu, chắt cũng dễ đến cả trăm đứa rồi. Họ hàng thì đông như vậy, có mỗi người cô đi làm ăn xa cả mấy chục năm trời, người này người kia đến hỏi thăm, cháu chắt đến đòi kẹo. Vậy lúc đó làm sao ăn nói với bọn trẻ con được đây? Chẳng nhẽ bà chỉ chuẩn bị vài ba trăm tiền xe, về đến quê làm xong giấy tờ lo cho bản thân mình rồi lại quay trở vào hưởng thụ một mình? Mà nói thật, mỗi ngày hết vài ba nghìn tiền mua rau để sống qua ngày bà còn phải lo từng bữa chứ lấy đâu ra vài ba trăm nghìn để về quê. Đến bây giờ, mỗi khi bệnh tật của bà tái phát, bà cũng chỉ biết nằm một chỗ rên rỉ nhờ hàng xóm đến chở đi bệnh viện, uống vài ba viên thuốc được cấp theo tiêu chuẩn của bảo hiểm y tế hộ nghèo rồi lại bước bộ từ bệnh viện về đến nhà. Bà cho biết thêm, năm ngoái bà còn đi hái thuê cà phê mỗi tháng cũng được vài trăm, nhưng năm nay do bệnh ngày càng nặng, bà chỉ ở nhà nuôi 12 con gà để lấy trứng bán mua gạo. Còn tiền thức ăn, mỗi tháng bà được cấp 120 nghìn tiền trợ cấp tuổi già bà giành mua rau và thuốc thang: "Không chồng con, nhà cửa, đất đai, không lương… lại bệnh tật, tôi cũng chỉ mong chết sớm được ngày nào thì đỡ khổ ngày đó. Nhưng trước khi chết tôi cũng chỉ mong được về quê thắp một nén nhang lên bàn thờ cha mẹ để tạ lỗi mà khó quá", bà tâm sự. Thiên Thư |
Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010
Người đàn bà không chốn nương thân cũng không dám về quê
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét