Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Hầm bộ hành ở thủ đô bị bỏ hoang, xâm lấn


Thứ bảy, 4/12/2010, 11:54 GMT+7


Được đầu tư hàng triệu USD để giúp người dân qua đường an toàn, nhưng từ vài năm nay, nhiều hầm bộ hành ở Hà Nội đang bị xuống cấp. Nhiều hầm trở thành nơi ở, chứa đồ, chứa rác, bán hàng...
Ổ tệ nạn từ những hầm bộ hành hoang phế

*Ảnh: Hầm bộ hành bị bỏ hoang

Hà Nội hiện có khoảng 20 hầm đường bộ nằm trên đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, ngã tư Kim Liên và Ngã Tư Sở. Hầm trên đường Phạm Hùng được khởi công từ cuối năm 2002, với tổng mức đầu tư mỗi công trình 2,5-3 tỷ đồng. Từ đầu tháng 3/2007, một số bắt đầu mở cửa.

Tuy nhiên, 4 hầm được mở cửa trên đường Phạm Hùng rất vắng người. Một nhân viên vệ sinh tại hầm gần siêu thị Big C Thăng Long cho biết, khu vực này rất đông người qua lại, nhưng hầu hết đều băng qua đường chứ không chịu đi xuống hầm.

Lý giải nguyên nhân, chị Thủy ở gần bến xe Mỹ Đình phản ánh phía dưới hầm bốc mùi khó chịu, không có bảo vệ nên nhiều khi trở thành nơi ngồi nghỉ của một số tay anh chị. "Vào buổi tối, nếu có việc phải sang bên kia đường, tôi thường chọn cách băng qua dòng xe cộ bởi không có bảo vệ nên đi dưới hầm chỉ sợ gặp bọn cướp giật, nghiện hút ngồi dưới đó", chị nói.

Một hầm đường bộ bị người dân xâm lấn. Ảnh: Lê Hiếu.

Do chưa được đưa vào sử dụng nên một số hầm còn bị chiếm dụng. Điển hình, hầm gần đường Lê Văn Lương kéo dài lâu nay trở thành nơi ở và bán hàng của người dân. Trước cửa hầm là bàn ghế, cốc chén, phía dưới có đầy đủ đồ dùng sinh hoạt như giường tủ, tivi, bát đĩa... Theo một số xe ôm, việc chiếm dụng này xảy ra từ lâu nhưng không thấy ai xử lý.

Một hầm đường bộ trên đường Phạm Hùng, gần điểm đầu đại lộ Thăng Long cũng bị người dân chiếm làm nơi bán nước. Và để tiện cho việc sinh hoạt cũng như làm việc, những công nhân xây hầm ở ngay phía dưới.

Một số hầm đối diện tòa nhà CT5 Phạm Hùng không được sử dụng nên trông rất nhếch nhác. Trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long, để đảm bảo mỹ quan, chúng được khoác lên mình lớp áo mới là những tấm pano cỡ lớn. Sau đại lễ, lớp áo bị bỏ đi, để lại những mảng tường thô kệch cùng những thanh sắt trơ trọi.

Thậm chí, nhiều hầm đường bộ được khóa trái cửa, có thể thấy rõ lớp gạch men ốp trên tường bị bong tróc, để trơ lại những bức tường bê tông nham nhở, những cánh cửa, khung sắt bên trong hầm cũng hoen gỉ. Có hầm, rác được đổ thành đống và nước ngập sâu cả mét.

Khung sắt được dùng để căng tấm pano phục vụ đại lễ không được tháo dỡ, để trơ ra bức tường bị bong tróc hết gạch ốp. Ảnh: Lê Hiếu.

Đẹp nhất và luôn sáng đèn là hầm đường bộ Ngã Tư Sở. Tuy nhiên với 12 cửa lên xuống và vài chục biển chỉ dẫn, hầm này đã trở thành "mê cung" thách đố người đi bộ, đặc biệt đối với những người đầu tiên qua đây.

Chị Hạnh, bán nước ngay cửa hầm phía đường Láng cho biết, nhiều người xuống đi bộ, nhưng 5 phút sau thấy quay lên phàn nàn chẳng biết đi thế nào vì quá nhiều biển chỉ dẫn.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Lưu Tuấn Cường, Trưởng phòng dự án 3, Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị chịu trách nhiệm thi công hầm đường bộ, cho biết một số hầm hoàn thiện, đã được giao cho Sở Giao thông Vận tải và chỉ vài ngày nữa sẽ mở cửa phục vụ người dân.

"Còn hai hầm trên đường Phạm Hùng, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẽ được bàn giao sau. Để tránh mất mát, hư hỏng thiết bị trong hầm, chúng tôi phải khóa cửa", ông Cường nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lại khẳng định: "Chúng tôi mới đi khảo sát và phối hợp cùng Ban quản lý dự án Thăng Long kiểm đếm, chứ các hầm chưa được bàn giao cho Sở. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống biển báo và sẽ nhanh chóng mở cửa các hầm".

Về tình trạng hầm đưa vào sử dụng nhưng ít người qua lại, đặc biệt là việc bị lấn chiếm, ông Tân khẳng định sẽ kiểm tra, có biện pháp để xử lý.

Lê Hiế
u


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét