Thứ sáu, 19/11/2010, 17:45 GMT+7
|
Lũ quét cuốn sập nhà dân ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín. |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, hôm nay UBND tỉnh Phú Yên đã có công điện hỏa tốc chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra chặt chẽ các khu dân cư vùng trũng thấp; thông báo cho người dân biết diễn biến của thời tiết để chủ động phòng tránh; bảo vệ và sơ tán dân trước khi có lũ hoặc khi có sự cố xảy ra; không để người dân vớt củi, gỗ trên các sông, suối.
UBND tỉnh Phú Yên cũng nghiêm cấm các phương tiện đò dọc, đò ngang không có đăng ký hoạt động; yêu cầu ban quản lý các hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng không được lớn hơn lũ về và phải thường xuyên báo cáo UBND tỉnh...
Đến chiều nay, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp khiến huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vẫn còn bị cô lập. Hiện mực nước trên sông Tranh, sông Nước Là chảy rất mạnh. 44 hộ dân ở xã Trà Dơn, xã Trà Tập, đang có nguy cơ bị lũ quét. Nhiều khu dân cư ở vùng trũng thấp huyện Duy Xuyên bị cô lập, nhiều tuyến đường liên xã, liên thôn vẫn còn ngập sâu.
Trong khi đó mưa lớn kéo dài từ đêm qua đến sáng nay khiến cho nhiều khu dân cư, đường phố trên địa bàn thành phố Quy Nhơn chìm trong biển nước, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Trong khi đó, mực nước lũ trên các sông Hà Thanh, sông Kôn… tiếp tục dâng cao cô lập nhiều khu dân cư ở hai huyện Tuy Phước và Phù Cát - vùng rốn lũ của tỉnh Bình Định.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, đến cuối hôm qua mưa lũ đã làm 4 người chết, một người mất tích; sập hoàn toàn 15 ngôi nhà và làm hư hỏng 37 nhà khác... Ước tổng thiệt hại do đợt lũ này gây ra cho tỉnh Bình Định là 142 tỷ đồng.
Hôm nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi thị sát tình hình lũ lụt ở hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Đợt mưa lũ trong những ngày qua gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản cho tỉnh Quảng Nam. Tính đến sáng nay, tỉnh có 7 người chết, một người mất tích, thiệt hại nặng các công trình giao thông, thủy lợi, nhiều cây cầu bị ngập và hư hỏng. Đặc biệt cầu Gò Nổi (còn gọi là cầu Đen) trên tuyến đường qua huyện Điện Bàn bị đứt gãy ba nhịp, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang có trên 100 đập thủy lợi thời vụ bị cuốn trôi.
Những em bé chơi bên ngôi nhà đổ nát vì lũ. Ảnh: Trí Tín |
Tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phải cảnh giác trước diễn biến phức tạp của mưa, lũ. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan, làm việc với Quảng Nam cũng như các tỉnh bị thiên tai thời gian qua để đánh giá, đề xuất chương trình hỗ trợ cũng như biện pháp khắc phục, sửa chữa công trình.
Tại Quảng Ngãi, chiều nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra, chỉ đạo tình hình khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông và thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Hai làng chài này bị lũ ống, lũ quét làm sập hoàn toàn, hư hỏng nặng 25 ngôi nhà, đe dọa hàng chục nhà khác có nguy cơ tiếp tục sụp đổ.
Ông Trương Ngọc Nhi, Trưởng ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến chiều nay trên địa bàn tỉnh có 11 người chết, một người mất tích và 32 người bị thương. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra gần 444 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thiệt hại nặng về giao thông.
Sau bốn ngày tập trung mọi phương tiện thi công, đến 19h tối qua, đường lên hai huyện miền núi Tây Trà và Sơn Tây đã được khai thông, chấm dứt nhiều ngày bị cô lập hoàn toàn.
Ông Nhi cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2.000 tấn gạo cứu đói, 1.000 tấn giống cây trồng các loại, 100 cơ số thuốc y tế và 310 tỷ đồng giúp tỉnh khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tỉnh cũng đề nghị Chính phủ trang bị tàu cứu hộ cứu nạn công suất lớn có thể vượt biển tiếp tế lương thực, cấp cứu kịp thời người dân đảo Lý Sơn trong điều kiện sóng gió cấp 7, cấp 8 ngăn cách huyện đảo với đất liền.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thông báo, Chính phủ sẽ hỗ trợ Quảng Ngãi 1.000 tấn gạo, cùng giống, cây con.
Trí Tí
n
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét