Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Thủ tướng Lào xác nhận với thủ tướng Việt Nam việc tạm dừng đề án Xayaburi

Hai thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (T) và Lào Thoongsing Thammavong (P). Ảnh : chinhphu.vn
Hai thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (T) và Lào Thoongsing Thammavong (P). Ảnh : chinhphu.vn
Trọng Nghĩa
Theo trang web của chính phủ Việt Nam, vào hôm qua, 07/05/2011, thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong đã thông báo cho đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng "quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi". Lời xác nhận này được lãnh đạo Lào đưa ra nhân cuộc tiếp xúc song phương tại Indonesia, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.
Bản tin trên cổng điện tử của chính phủ Việt Nam nói rõ : "Sau khi nghe Thủ tướng Thoongsing Thammavong thông báo về việc Lào quyết định tạm dừng dự án thủy điện Xayaburi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn thông báo hết sức quan trọng và đầy nghĩa tình của Đảng và Chính phủ Lào anh em; cho rằng điều này thể hiện sự hợp tác và quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ Lào đối với đề nghị của Việt Nam".
Cũng theo nguồn tin trên, hai thủ tướng Lào và Việt Nam đã quyết định là sẽ phối hợp nghiên cứu, cũng như thúc đẩy nghiên cứu trong khuôn khổ Ủy hội sông MêKông, không loại trừ việc mời chuyên gia quốc tế có uy tín, kinh nghiệm tiến hành nghiên cứu để có đủ các cơ sở khoa học vững chắc làm căn cứ cho các quyết định tiếp theo.
Xin nhắc lại là trong thời gian qua, đề án của chính quyền Lào dự trù xây đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông ở vùng Thượng Lào, đã khuấy động quan hệ Lào Việt, với việc Hà Nội kiên quyết chống lại đề án này vì các tác hại tiềm tàng nghiêm trọng đối với Đồng Bằng Sông Cửu Long. Đề án cũng bị Cam Bốt phản đối, trong lúc Thái Lan tỏ ý dè dặt trước việc các đánh giá tác động môi trường chưa được thấu đáo.
Không chỉ có chính quyền ba nước láng giềng của Lào là lên tiếng phản đối công trình Xayaburi. Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu về sông Mêkông, các tổ chức bảo vệ môi trường, các hiệp hội phi chính phủ đều liên tục gây sức ép đòi đình chỉ đề án này.
Liên minh Cứu sông Mêkông kêu gọi ASEAN đòi Lào hủy bỏ dự án Xayaburi
Ngay trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Indonesia, Liên minh Cứu sông Mêkông (Save the Mekong Coalition) cũng đã kêu gọi Hiệp hội Đông Nam Á khẩn cấp đòi Lào hủy bỏ dự án thủy điện Xayaburi. Liên minh yêu cầu Viêng Chăn dừng các hoạt động xây dựng tại vùng dự án, đồng thời kêu gọi Bangkok hủy bỏ kế hoạch mua điện từ con đập này.
Đối với Liên minh Cứu sông Mêkông, nếu được xây dựng, con đập đầu tiên trên dòng Mêkông này có thể "sẽ gây ra những xung đột xuyên biên giới nghiêm trọng giữa các quốc gia trong khối ASEAN, đặc biệt là khu vực Mêkông".
Xin nhắc lại là đập Xayaburi là một công trình của Lào, nhưng vốn xây dựng lại đến từ Thái Lan, do một nhà thầu Thái Lan thi công, với điện làm ra chủ yếu bán lại cho Thái.
Các ngân hàng đầu tư dè dặt trong việc cấp vốn cho nhà thầu Thái Lan Ch Karnchang
Các phản ứng chống công trình Xayaburi đã khiến cho giới doanh nhân Thái ngày càng phân vân. Theo nhật báo The Bangkok Post, các ngân hàng đầu tư cho dự án Xayaburi vừa cho biết, họ sẽ chỉ cấp vốn cho công trình, sau khi xem xét các báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ nhất.
Theo kế hoạch, nhà thầu Thái Lan Ch Karnchang và 4 ngân hàng lớn của Thái Lan sẽ ký kết hợp đồng tài trợ cho đề án Xayaburi trong tháng 5 này. Tuy nhiên, các ngân hàng đang do dự vì dư luận phản đối dữ dội, đặc biệt ngay tại Thái Lan.
Cững theo tờ Bangkok Post số ra hôm nay, chính phủ Lào đã tìm cách biện minh cho việc khởi động công trình Xayaburi dù chưa được "phép". Như tờ báo này đã tiết lộ vào tháng tư vừa qua, công việc xây dựng và mở rộng 30 km đường dẫn từ làng Ban Nara đến Ban Houay Souy gần nơi đặt con đập, đã được nhà thầu Thái Lan Ch Karnchang, khởi sự từ năm tháng trước đây, cho dù công trình này chưa chính thức được "phép" tiến hành.
Ông Viraphonh Viravong, tổng giám đốc ngành Điện lực Lào, thuộc Bộ Mỏ và Năng lượng, cho biết là việc nâng cấp hạ tầng cơ sở kể trên là một "thông lệ" tại Lào, và đường xá được xây dựng tại vùng Xayaburi hoàn toàn có thể được dùng cho cư dân nếu dự án không được phê duyệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét