Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Tệ hại biển chỉ đường


Ngoài những bất cập về biển báo giao thông, việc thiếu biển báo chỉ dẫn tại các đô thị lớn, trong đó có TP.HCM, đã gây nhiều phiền toái cho người dân, đặc biệt là người ở ngoại tỉnh.

Lần mò tìm đường đi

Đầu tháng 5.2011, vợ chồng chị Nguyễn Thị Dung (ngụ Long Khánh, Đồng Nai) đi xe gắn máy chở đứa con 18 tháng tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM để chữa bệnh. Hằng ngày, quen với cuộc sống làm rẫy, vợ chồng chị như bị ngợp khi vào đến cửa ngõ TP.HCM tấp nập người xe.

 

 Dù chạy chậm nhưng khó có bác tài nào lĩnh hội hết các bảng chỉ dẫn đặt rối rắm trên QL1A - Ảnh: Lê Nga

Trong cái nắng gay gắt, hai vợ chồng cứ trực chỉ cầu Sài Gòn và dọc đường thầm mong gặp được biển chỉ dẫn cụ thể để nhanh đến Bệnh viện Nhi đồng 2 nằm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1). "Đi cả chục cây số trên xa lộ Hà Nội, lòng vợ chồng tui như lửa đốt khi chẳng thấy có tấm bảng nào hướng dẫn về bệnh viện hoặc về Q.1, trong khi con thì sốt cao", chị Dung kể.

Qua cầu Sài Gòn, rồi đến vòng xoay Hàng Xanh cũng không thấy bảng chỉ dẫn nào, vợ chồng chị Dung đành hỏi đường. Không biết người chỉ dẫn như thế nào mà vợ chồng chị ra đến chợ... Bến Thành. Sau khi hỏi tiếp đường và phải mất thêm 30 phút nữa, vợ chồng chị mới tìm ra Bệnh viện Nhi đồng 2. "Vừa đến bệnh viện, thằng nhỏ phải vào ngay phòng cấp cứu, vì sốt cao, khóc ngất, mặt mày đỏ bừng và kiệt sức. Thấy tình trạng con như vậy, vợ tui chỉ biết khóc. Tôi không ngờ, một thành phố lớn như TP.HCM mà lại thiếu bảng chỉ dẫn như vậy!", anh Thành, chồng chị Dung bức xúc nói.

Sáng 14.5, chúng tôi bắt gặp vợ chồng ông Trương Văn Sáu ở Bến Tre lên TP.HCM. Đến khu vực vòng xoay An Lạc, vợ chồng ông quay qua, quay lại ngơ ngác tìm kiếm gì đó rồi loạng choạng tay lái tấp vào lề đường hỏi người chạy xe ôm hướng về chợ Bình Tây. Anh lái xe ôm đang lau chùi chiếc xe quay sang gắt "không biết" rồi làu bàu: "Sáng giờ chưa có cuốc nào, bố mày đứng đây để chỉ đường suốt ngày à". Thấy hai vợ chồng già, quệt mồ hôi trên mặt vẻ khổ sở, chúng tôi xuống xe chỉ dẫn hướng đi mà cũng không tin họ có thể đến đích thông suốt.

Vừa thiếu, vừa bất cập

Tiếp xúc với chúng tôi, những người ở các địa phương khác và cả những du khách nước ngoài khi đặt chân đến TP.HCM đều tỏ ra ngán ngại: "Biển chỉ dẫn giao thông ở TP.HCM sao mà ít thế". Nếu không dừng lại hỏi người đi đường hoặc những người buôn bán nhỏ lẻ, xe ôm ở dọc đường thì không thể nào thoát ra được khỏi mê hồn trận giao thông ở thành phố.

 

 Dù chạy chậm nhưng khó có bác tài nào lĩnh hội hết các bảng chỉ dẫn đặt rối rắm trên QL1A - Ảnh: Lê Nga

Có mặt tại các cửa ngõ TP.HCM, chúng tôi nhận thấy nỗi lo của người dân, nhất là người ngoại tỉnh là hoàn toàn có cơ sở.

Bắt đầu từ cửa ngõ Sài Gòn (từ cầu Đồng Nai về cầu Sài Gòn), với chiều dài hơn 20 cây số, không thấy biển chỉ dẫn cụ thể nào được treo hoặc lắp đặt hai bên đường. Trong khi đó, chốc chốc đập vào mắt chúng tôi là một số tấm bảng "Mặt cắt ngang lộ giới xa lộ Hà Nội", trên đó thể hiện nhiều thông số và hình vẽ khó hiểu, to tướng được cắm ở con lươn nằm giữa đường. Chỉ tay về phía tấm bảng "vô bổ" trên, ông Năm, chạy xe ôm ở góc cầu vượt gần khu công nghệ cao (Q.9), bức xúc: "Tấm bảng to, rõ đó có ai đọc đâu. Tại sao mấy ổng không thay tấm bảng khó hiểu này bằng những biển chỉ dẫn đường vào trung tâm thì dân được nhờ hơn không?".

Tại giao lộ QL13 - QL1A, cửa ngõ nối Bình Dương với Q.Thủ Đức, TP.HCM, khó khăn lắm chúng tôi mới thấy tấm bảng chỉ dẫn được cắm khuất ven đường, nhưng trên đó thể hiện thông tin sơ sài: "Mũi tên rẽ trái đi Đồng Nai, rẽ phải đi Hóc Môn và đi thẳng là Bình Triệu". Một người dân ở gần giao lộ này cho biết: "Hằâng ngày, tui và bà con ở đây chỉ đường vào trung tâm không biết cho bao nhiêu người. Nếu mấy ông giao thông cắm thêm bảng chỉ dẫn tại cửa ngõ này thì đỡ cho người đi đường biết bao!".

Trên QL1A từ Q.12 về ngã tư Trạm 2, giữa con lươn đoạn qua P.Đông Hưng Thuận (Q.12), có treo tấm bảng chỉ dẫn "Đường đi của xe ô tô về ngã tư chợ Cầu". Dù đã cố ý cho xe đi thật chậm, song chúng tôi cũng không sao lĩnh hội hết bảng chỉ dẫn này. Tiếp xúc với chúng tôi, người dân ở khu vực này cho biết cách đây vài ngày, vì mải lo tìm đường đi trên tấm bảng chỉ dẫn này mà một chiếc Camry mang biển số tỉnh Đồng Tháp đã bị xe sau húc vào đuôi. "Qua chính quyền địa phương, dân tụi tui đã nhiều lần đề nghị cho dẹp những tấm bảng chỉ dẫn đường gây nguy hiểm này nhưng đến nay đâu vẫn vào đấy", một người dân ở P.Đông Hưng Thuận nói.

Tương tự, tuyến QL1A hướng từ Long An vào TP.HCM, ngay nút giao vào đại lộ Đông Tây (đường Võ Văn Kiệt) có bảng hướng dẫn hướng đi vào quận 5, 6... Nhưng đến vòng xoay An Lạc thì tìm đỏ mắt chúng tôi không thấy bất kỳ bảng chỉ dẫn nào cho biết hướng nào về Chợ Lớn, hướng nào đến trung tâm thành phố, hay các địa danh như Bùng binh Cây Gõ, Công viên Phú Lâm không tìm đâu thấy.

Biển chỉ dẫn bị "tắc"

Không chỉ ở ngoại thành, nhiều khu vực ở nội thành chỗ có bảng chỉ dẫn, chỗ không hoặc thích thì cắm chứ không nhằm đáp ứng nhu cầu của người đi đường.

Vừa ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi khấp khởi mừng thầm khi nhìn thấy bảng chỉ dẫn hướng đi (duy nhất) về trung tâm thành phố. Theo hướng này, chúng tôi đi được một đoạn thì bí lối ở giao lộ. Trước mặt chúng tôi, một bên là đường Hoàng Văn Thụ, một bên là vòng xoay Lăng Cha Cả và tuyệt nhiên không có biển chỉ dẫn nào cho biết kế tiếp nên đi đâu để vào trung tâm thành phố hay những con đường khác sẽ dẫn đi đâu. Tương tự, ở chiều ngược lại vào sân bay Tân Sơn Nhất, có biển chỉ dẫn hướng vào đường Hồng Hà. Một chị bán hàng ở đây bức xúc: "Chỉ dẫn vô bổ, ai chả thấy biển tên đường "Hồng Hà" nằm cạnh đó, quan trọng là đường này dẫn đi đâu". Theo chị này, biển báo đó vô tác dụng, nhiều người vẫn cứ phải hỏi thăm đến ngã năm Chuồng Chó hoặc Bệnh viện 175 đi thế nào. Nhưng mà đi xe hơi phải đi vào các làn giữa hoặc tay trái thì làm sao mà dừng lại hỏi đường!

Tiếp tục theo đường Cộng Hòa đến ngã tư An Sương, chúng tôi cũng không tìm được biển chỉ dẫn nào báo cho người đi đường biết hướng đang đi sẽ đến được Hóc Môn, Củ Chi, Tây Ninh, Thủ Đức hay Long An. Trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), bảng phân làn đường kèm chỉ dẫn hướng đi làm rất hoành tráng nhưng đến các giao lộ, rẽ vào tìm biển chỉ dẫn đi tiếp đều không thấy.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn qua chân cầu Thủ Thiêm hoặc đoạn đến chân cầu Sài Gòn thì chỉ có người đi thường xuyên ở đây mới biết làn đường nào đi về đâu còn khách lạ thì như vào mê hồn trận, thế mà không hề có một biển chỉ đường nào.

Hiếm hoi lắm, trên QL1A (xa lộ Đại Hàn, hướng từ ngã tư An Sương đến vòng xoay An Lạc) thỉnh thoảng gần các giao lộ chúng tôi thấy bên đường xuất hiện bảng chỉ dẫn hướng về Bà Quẹo, An Lạc, Tham Lương, Bà Điểm... nằm bên vỉa hè. Nhưng những con đường như vậy không nhiều.

Ông Tống Phước Hải, một doanh nhân ở TP.HCM, than: "Ở VN, lưu thông trên đường mà không có "thổ địa" là "chết đến bị thương". Tuần rồi, tôi đi từ TP.HCM ra Vũng Tàu, đến ngã ba Vũng Tàu không có biển chỉ dẫn, đi lạc ra ngã ba Dầu Giây mà không hay biết. Ở bên Mỹ, trong thành phố, ngoài thành phố biển chỉ dẫn đầy đủ, dễ hiểu, khắp nơi đi đâu cũng thấy như hướng đi phi trường, hướng đến trung tâm, hướng ra xa lộ... Trên các bảng phân làn đường cũng có chỉ dẫn hướng đi, thậm chí bao nhiêu mile (dặm) là đến đâu. Như thế, nếu có đi lạc người ta cũng biết. Còn ở đây đi lạc cũng không thể biết!".

Minh Nam - Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét