27/04/2011 00:48:37 Mặc dù nỗ lực cải cách hành chính được thực hiện trong nhiều năm qua nhưng doanh nghiệp nước ngoài cho biết vẫn gặp trở ngại như mất nhiều thời gian để được cấp phép đầu tư, hay đút tiền để được thông quan nhanh... Trong hội thảo nhằm đánh giá và tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư tại TP.HCM hôm 26/4, ông Han Jae Jin, trưởng ban phụ trách quan hệ đối ngoại của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) cho biết, doanh nghiệp được hẹn 45 ngày sau khi nộp thủ tục đăng ký đầu tư. Tuy nhiên một thời gian sau lại chỉ nhận thông báo để bổ sung hồ sơ và được hẹn thêm từ 30-45 ngày nữa. Và, đến hơn sáu tháng mới nhận được giấy phép đầu tư.
Trong khi đó, theo ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, có trường hợp hơn sáu tháng mà nhà đầu tư vẫn chưa nhận được kết quả gì. Theo ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thời gian xem xét và cấp giấy phép đầu tư kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là 15 ngày làm việc nếu dự án đầu tư thuộc diện đăng ký điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT), và 30-45 ngày làm việc nếu dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra điều chỉnh GCNĐT. Tuy nhiên, đối với các dự án thuộc diện thẩm tra, thì việc xem xét có liên quan đến các bộ ngành khác, như Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp, và có những trường hợp các bộ không thống nhất với nhau, nên gây mất nhiều thời gian chờ đợi cho nhà đầu tư. Ngoài ra, các nhân viên mới của sở vì chưa nắm rõ luật, nên cũng gây mất thời gian, ông Phong nói. Ông Phong cũng cho biết, một số nhà đầu tư cũng chưa nắm được luật, nên không làm đúng như quy định, dẫn đến việc sở phải yêu cầu bổ sung hồ sơ. Ông Christopher C. Twomey, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), cũng phản ảnh tình trạng đút tiền để thông quan nhanh và phải mất 3 ngày để thông quan đối với hàng xuất khẩu và 4 ngày đối với hàng nhập khẩu (không tính thời gian chậm trễ do tắc nghẽn cảng). Theo một khảo sát mới đây nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành tiến hành trên 1.155 doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, 70% nhà đầu tư thường xuyên xuất nhập hàng qua cửa khẩu hải quan cho biết phải trả tiền đút lót để được thông quan nhanh. Cũng theo kết quả của khảo sát này, chất lượng lao động hiện nay của Việt Nam cũng được doanh nghiệp nước ngoài coi là cản trở cho chiến lược đầu tư của họ tại Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI phải đầu tư nhiều vào đào tạo lao động trong công ty. Đầu tư đào tạo này trung bình chiếm khoảng 8% tổng chi phí của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nhảy việc của người lao động khiến doanh nghiệp không được hưởng lợi từ đầu tư này. Ông Han Jae Jin (KOCHAM) cho biết, hiện các công ty nước ngoài không muốn đào tạo tay nghề cho người lao động nữa vì nhân viên nhảy việc và nghỉ việc quá nhanh. Hội thảo trên thuộc chương trình cải thiện môi trường đầu tư của TP.HCM. Trần Thu (TBKTSG) |
Thứ Ba, 26 tháng 4, 2011
TP.HCM: Các doanh nhân nước ngoài tiếp tục "tố khổ"
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét