"Nếu Nghị quyết 11 không được triển khai một cách quyết liệt ngay từ cuối tháng 2/2011 thì diễn biến lạm phát có thể còn xấu hơn nữa. Tuy nhiên, nếu nhìn vào căn nguyên của lạm phát, thì trong thời điểm hiện nay, không nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa".
TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đưa ra nhận định như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Ngân hàng Nhà nước (SBV)
Sức ép lạm phát vẫn tiếp tục gia tăng đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng tới 3,32% so với tháng trước. Bà có nhận định gì?
Phải khẳng định rằng, nếu Nghị quyết 11 không được triển khai một cách quyết liệt ngay từ cuối tháng 2/2011 thì diễn biến lạm phát có thể còn xấu hơn nữa. Kiểm soát được lạm phát ở mức độ này là nhờ Nghị quyết 11 được ban hành kịp thời với một loạt giải pháp đồng bộ và toàn diện.
|
Tốc độ tăng CPI cao trong vài tháng gần đây không xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ mà do "chi phí đẩy" (minh họa nguồn IE) |
Vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là phải nhận rõ căn nguyên lạm phát để có đối sách phù hợp. Trước hết, phải khẳng định rằng, tốc độ tăng CPI cao trong vài tháng gần đây không xuất phát từ nguyên nhân tiền tệ mà do "chi phí đẩy". Đây là nguyên nhân căn bản trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu. Ở trong nước, giá điện, xăng dầu, than... buộc phải điều chỉnh với mức độ khá cao do Ngân sách nhà nước không đủ sức để có thể tiếp tục bù lỗ nhằm giữ giá các mặt hàng này.
Trước tình hình này, theo Bà, có nên thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa?
Tôi cho rằng, chính sách tiền tệ hiện thắt chặt đến mức ngặt nghèo. Trong nhiều năm gần đây, chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán dưới 16%. Điều đó khẳng định mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiềm chế lạm phát.
Nhưng nếu nhìn vào căn nguyên của lạm phát, như đã phân tích ở trên, thì trong thời điểm hiện nay, không nên thắt chặt tiền tệ hơn nữa. Và cũng chưa nên sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND. Tuy nhiên, đối với lãi suất tái cấp vốn và trần lãi suất huy động tiền gửi VND (14%/năm - PV) cần phải xem xét điều chỉnh phù hợp trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao.
Có hiện tượng một số ngân hàng nâng lãi suất huy động VND lên xấp xỉ 20%/năm. Theo Bà, đây là mức lãi suất phù hợp trong bối cảnh lạm phát gia tăng?
Lạm phát cao thì lãi suất có xu hướng tăng lên. Nhưng huy động với lãi suất từ 18% - 20%/năm, theo tôi là bất hợp lý. Huy động như vậy thì lãi suất cho vay ra sẽ ở mức nào? Bởi trong điều kiện hiện nay, ít có doanh nghiệp nào có lãi nếu phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20%/năm.
Mặc dù lãi suất huy động VND tăng cao, nhưng theo một số ngân hàng, vốn VND vẫn chưa chảy nhiều vào ngân hàng. Vì sao vậy, thưa Bà?
Tôi hy vọng sau khi NHNN áp trần lãi suất huy động ngoại tệ (tối đa là 3%/năm đối với cá nhân và 1%/năm đối với doanh nghiệp), người dân và doanh nghiệp sẽ bán ngoại tệ cho ngân hàng và vốn tiền đồng sẽ chảy vào ngân hàng nhiều hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế là, trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì một bộ phận người dân tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình bằng cách đầu tư vào bất động sản. Chính vì vậy, việc giải quyết bài toán vốn VND không chỉ nằm ở lãi suất mà còn phụ thuộc vào xu hướng đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Theo tôi, để vốn VND tập trung chảy vào ngân hàng và ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn này ưu tiên cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn... với lãi suất hợp lý thì phải hạn chế tối đa dòng vốn đầu cơ. Để làm được như vậy thì cần phải đánh thuế thật cao vào các giao dịch mua, bán bất động sản mang tính đầu cơ; ngoài ra phải kiểm soát có hiệu quả lạm phát, thị trường vàng và ngoại tệ.
(theo SBV)
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, cho biết. "Hội đồng tư vấn tiền tệ đã họp, nhận định bản chất của đợt tăng giá vừa rồi vẫn là tiền nhiều hơn hàng (theo báo cáo của NHNN, tổng dư nợ tín dụng năm 2010 cao gấp 1,2 lần GDP trong khi các nước khác chỉ cho phép là 60%). Cùng với đó là tác động chi phí đẩy (hiệu ứng đồng loạt tăng giá các mặt hàng). Phải đến tháng 6 này, chính sách tiền tệ mới có tác dụng rõ nét. Đúng là lạm phát năm nay sẽ ở mức cao, cố gắng phấn đấu không vượt qua mốc 11,75%, nhưng chúng tôi cũng biết là sẽ rất khó. Theo ông Thoả, gốc của vấn đề bây giờ là phải hút tiền về, bên cạnh tiếp tục cắt giảm mạnh đầu tư công. (Theo Tienphong online)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét