Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

Một Tunisia đang chờ đợi ở Việt Nam


Những cuộc nổi loạn thường có tính cố hữu là không thể ngờ trước được. Cuộc nổi dậy của giới trung lưu vừa qua ở Tunisia lật đổ chế độ của Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali chỉ có thể được giải thích khi nhìn lại rằng: rõ ràng là không một ai đoán được là nó sẽ xảy ra.

Các nhà phân tích hiện đang hướng vào tình trạng tức nước vỡ bờ của việc có quá nhiều sinh viên trẻ tốt nghiệp nhưng lại quá ít việc làm, cộng với một "nhà nước đạo tặc", và sự thất bại của guồng máy an ninh nhằm bảo vệ cho chế độ khi tình hình trở nên tồi tệ.

Nhiều nhà phân tích khác thì lại cân nhắc rằng không biết trường hợp điển hình ở Tunisia có sẽ được lập lại ở các nước Á rập láng giềng –trong đó có Algeria, Ai Cập và Yemen– hay không, và nếu có thì các nền dân chủ trên thế giới sẽ phải phản ứng ra sao để đối phó với sự rối loạn này.

Các bộ ngoại giao từ Hoa Thịnh Đốn, Luân Đôn, Đông Kinh đến Ba Lê và Bá Linh đang cố phỏng đoán xem thái độ nào thích hợp nhất để bảo đảm cho chính phủ của họ có khả năng tìm ra một căn bản đồng thuận để hợp tác với bất cứ thành phần chiến thắng cuối cùng nào, nếu một cuộc cách mạng thành công, nhưng sẽ không làm mất lòng mối quan hệ hiện hữu nếu các chính quyền đương thời thoát được khỏi cơn sóng gió này.

Và nếu họ khôn ngoan, thì họ sẽ không chỉ chú tâm vào các nước Ả rập.

Cuộc cách mạng tại Tunisia nhìn giống như các cuộc biểu tình làm rúng động chế độ Hồi giáo trị tại Iran cách đây hơn một năm. Nó không phải về vấn đề Hồi giáo nhưng đúng hơn là về công bằng xã hội và các quyền tự do cá nhân. Và nếu điều đó đúng thì các nhà phân tích phải xem xét sự thích đáng của nó đối với tất cả mọi quốc gia, bất kể Hồi giáo hay không Hồi giáo, trong từng giai đoạn khó khăn của các diễn biến.

Trong nhiều quốc gia đang phát triển, giáo dục và các mạng giao kết xã hội dựa trên kỹ thuật số đã làm cho giới trẻ thành thị nhận thức ra những gì họ còn bị thiếu sót. Ở vài nơi, họ không có những thứ mà người khác có thể mua sắm được nếu họ có một công việc làm ăn ổn định. Còn ở nơi khác, thì họ không có quyền được nói những điều họ nghĩ, hoặc quyền được bầu ra người lãnh đạo, chứ đừng nói đến việc thay đổi chế độ.

Việt Nam đang nằm trong trường hợp thứ hai.

Kể từ năm 1991, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã khá thành công trong việc đưa các thứ đến tay người dân. Một dân tộc vẫn còn bị ám ảnh bởi cái ký ức đói nghèo khốn khổ do sự thất bại của nhà nước Việt Nam muốn tạo dựng lên một chủ nghĩa xã hội hiện thực (1975-1986), hiện đang vui sướng với những gì mà mức thu nhập bình quân hàng năm 1200 đô la mang lại : nhà cửa tốt hơn, đủ ăn đủ mặc, xe gắn máy, tivi và tiền bạc để thỉnh thoảng tiêu xài vào vài thứ xa xỉ. Các cuộc thăm dò về chỉ số hạnh phúc của tạp chí Forbes thường cho thấy người Việt Nam là một trong những dân tộc lạc quan nhất khi cho rằng cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp hơn.

Nhưng có một số nhỏ người Viêt Nam lại liên tục than phiền trên các trang blog, trên Facebook và cùng cho rằng vật chất giàu có vẫn chưa đủ, các quyền tự do chính trị căn bản còn thiếu sót. Cho đến nay thì đại đa số dân Việt Nam, nếu không muốn nói là tất cả, đều cho những kẻ đó là hay lắm chuyện, là những thành phần kỳ cục không chịu học hỏi để cùng đứng chung vào hàng ngũ. Họ nhún vai khi những kẻ bất mãn chế độ bị đánh đập hoặc bỏ tù vì các tội như "sử dụng mạng Internet để kêu gọi cho một hệ thống dân chủ đa đảng".

Thái độ thụ động về chính trị của phần lớn người Việt Nam không thể được giải thích rằng họ không biết gì về thế giới bên ngoài. Các tờ báo sống động, rõ ràng là không bị kiểm duyệt, đang thường xuyên đưa tin về các biến cố ở Tunisia và hiện nay ở Ai Cập từ khi chế độ của Tổng thống Ben Ali bị lật đổ vào giữa tháng vừa qua. Và cũng như khi các cuộc bạo loạn làm náo động Bangkok cách đây một năm khi các tờ báo cũng đưa tin theo kiểu vuốt đuôi, với một cảm nghĩ chung có vẻ như "cám ơn Trời Phật là điều đó không xảy ra ở đây"

Trong một đất nước từng chính thức cho mình là một xã hội công bằng dân chủ văn minh, nhưng bây giờ lại là nơi việc khoe khoang sự giàu có lại là chuyện bình thường, nhiều thành phần trẻ có học ở thành thị đơn thuần chỉ khao khát làm thế nào để đạt được điều thô thiển như thế. Hầu như mọi người đều tin rằng bằng cách chăm chỉ làm việc và với một chút may mắn, sẽ đưa đến một đời sống tốt đẹp dễ dàng hơn.

"Chỉ số thịnh vượng" của Legatum Institute, là một bản phân tích tổng hợp được công bố vào ngày 26/1, cho biết Việt Nam đã nhảy vọt lên 16 hạng từ năm ngoái và hiện đang ở hàng thứ 61 trong 110 quốc gia được thăm dò. Tunisia đứng hàng thứ 48 trong bản "đánh giá về thịnh vượng và hạnh phúc trên toàn cầu "

Một đại hội đảng CSVN vừa tân trang lại thành phần lãnh đạo chóp bu, đưa lên một số và cho về hưu vài người. Qua dư luận xôn xao người ta thường nghe trong suốt trong các buổi họp như thế rằng thì là đại hội nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong việc tiếp tục thực hiện tăng trưởng kinh tế, Không phải chỉ tăng trưởng về số lượng nhưng lẫn cả chất lượng — tức là kiểu đầu tư và chính sách kinh tế nhằm đưa Việt Nam ra khỏi hàng ngũ các nước chỉ chuyên về xuất cảng nguyên liệu thô và các mặt hàng gia công trong các xưởng vắt mồ hôi .

Đó là một điều hứa hẹn mà chế độ Hà Nội có thể không thực hiện được. Có lẽ các uỷ viên trong đảng đều hiểu rằng cái danh nghĩa cầm quyền chính đáng của họ bây giờ tuỳ thuộc rất mật thiết vào việc làm sao đưa mức sống người dân lên cao hơn bao giờ hết, và họ sẽ thực hiện một cách phù hợp. Nhưng dường như có vẻ chắc chắn rằng những thành phần cải cách trong đảng sẽ tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn vì một hệ thống xơ cứng điển hình qua việc mua quan bán chức, tham nhũng tràn lan và nạn quan chức lộng quyền ở địa phương.

Nếu sự tiến bộ về kinh tế của Việt Nam trong một phần tư thế kỷ qua bị gián đoạn hoặc đình trệ, thì hỗn loạn sẽ xảy ra. Hàng triệu thanh thiếu niên lái xe gắn máy, đứa nào cũng có điện thoại di động 3G –ai đã từng chứng kiến các cuộc ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia đều có thể hình dung được chuyện gì sẽ xảy ra nếu sự cuồng nhiệt ấy được biến thành nỗi bất mãn về chính trị. Và nếu như ở Tunisia tình hình đã chuyển sang một thái độ dứt khoát đáng sợ, nếu một sự chạm trán xảy ra khiến một hay hai người phải hy sinh, nếu hàng ngàn người cùng thách thức cái quyền lực đương thời, thì liệu chế độ có thể dựa vào thành phần đang bảo vệ họ là Công an Nhân dân?

Việt Nam là một quốc gia 86 triệu dân, có một lực lượng công an gồm 1 triệu 200 ngàn người theo một ước lượng của nhà phân tích an ninh có uy tín là giáo sư Carl Thayer. Cùng với nhau thì công an Việt Nam có bộ dạng của một lũ tham nhũng, lạm dụng quyền lực, có mặt khắp mọi nơi mà người dân nào cũng muốn tránh xa đến độ càng xa càng tốt. Về mặt cá nhân, thì hầu hết tất cả các nhân viên công an –như được biết trong trường hợp ở Tunisia– là những kẻ xuất thân từ thành phần dưới của giai cấp trung lưu, họ coi việc gia nhập vào lực lượng công an là một cách để dễ dàng tiến thân.

Các đơn vị công an đặc biệt tỏ ra rất xuất sắc trong việc theo dõi và bóp nát những người Việt Nam nào chia sẻ các tư tưởng chống đối chế độ với người khác. Các quan chức phụ trách an ninh trong nước thường xuyên cảnh báo rằng các thế lực thù địch với Việt Nam có ý định phát động một cuộc "cách mạng màu sắc" kiểu Đông Âu. Công an được trợ lực bằng các điều luật nghiêm cấm việc thành lập các tổ chức hội đoàn độc lập, là sức mạnh của một xã hội dân sự ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới.

Các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam dường như bị cô lập và còn lại rất ít, và khi nào điều đó vẫn còn, thì họ không phải là đối thủ ngang hàng với công an.

Nhưng giả sử như nếu tăng trưởng kinh tế bị gián đoạn hoặc đình trệ? Giả sử nếu một thanh niên Việt Nam với mảnh bằng đại học không thể nào tìm được việc làm ổn định, phải mở ra một quầy hàng bán dưa hấu bên vệ đường? Rồi giả sử như nếu công an bắt anh ta vì buôn bán không có phép tắc và tịch thu đồ nghề của anh ta? Giả sử như nếu anh ta đi kêu oan nơi nhà chức trách đương thời và bị nhục mạ và làm ngơ?

Những chuyện này xảy ra rất thường xuyên ở Việt Nam. Và giả sử như nếu người bán hàng trẻ tuổi, có học đó đến trước một văn phòng đảng uỷ địa phương tưới xăng lên người và tự thiêu?

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo "Vietnam as Tunisia in waiting", Asia Times 29/1/11


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét