02/12/2010 2:30
Hàng chục người lao động ở Bình Định cũng đang bị "bán đứng" và hết sức lo lắng về sức khỏe, tính mạng vì phải làm việc cực khổ như bị đày khổ sai. Ngay sau khi Báo Thanh Niên số ra hôm qua 1.12 phản ánh tình trạng người lao động ở các tỉnh: Gia Lai, Khánh Hòa, Phú Yên bị "bán đứng", người dân ở xã Cát Hanh, H.Phù Cát (Bình Định) lập tức gọi điện thoại cho PV Thanh Niên vì thân nhân của họ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Chỉ riêng xóm Tân Lợi A, thôn Tân Xuân; xóm 1, thôn Hòa Hội (xã Cát Hanh) có hơn 50 người bị lừa lên làm việc ở Lâm Đồng, trong số đó có nhiều cặp vợ chồng gửi con nhỏ ở quê ra đi trước lời hứa hẹn sẽ được trả mức lương cao của 2 "cò" tuyển dụng tên là Cư (số điện thoại 0977270613) và Đông (01654517690). Bà Phạm Thị Quy (54 tuổi) có chồng là ông Huỳnh Thủy (54 tuổi) và con là Huỳnh Văn Tiến đang biệt tích ở Lâm Đồng suốt mấy ngày qua, kể: "Cách đây 1 tuần, có 2 người đàn ông tuổi ngoài 40 đến nhà ông Bốn Thọ (thôn Tân Xuân) ở và loan tin tuyển người lên Lâm Đồng hái cà phê với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng đối với lao động nam, 2,5 triệu đồng/tháng đối với lao động nữ, ngoài ra còn được bao ăn ở miễn phí. Thấy mức lương này quá cao so với thu nhập hiện tại ở quê nên mọi người đến đăng ký rất đông. Sau đó, vào chiều 28.11, họ thuê xe đò đưa đi, cho đến nay gia đình không rõ tung tích cả hai cha con nên rất lo lắng. Mọi người đến nhờ ông Bốn Thọ gọi điện hỏi thông tin người thân từ 2 "cò" tuyển dụng nhưng 2 "cò" không bắt máy". Theo phản ảnh của thân nhân các nạn nhân, trước khi đưa lao động rời khỏi Cát Hanh, "cò" Cư và Đông đã tổ chức ăn uống, bầu chọn tổ trưởng, tổ phó hẳn hoi rồi sau đó đưa ra các bản hợp đồng yêu cầu họ ký vào. Mọi người vì quá tin tưởng và đang cần có thu nhập nên đều nhanh chóng ký mà không đọc rõ bất kỳ nội dung nào ghi trong hợp đồng, và cũng không có ai giữ lại 1 bản cho gia đình. Khi lên tới Lâm Đồng, mọi người hết sức bất bình vì thực tế hoàn toàn trái ngược. Chúng tôi đã tìm cách liên lạc qua điện thoại với một trong số những lao động bị "bán đứng" là anh V.T (32 tuổi). Giọng run sợ, anh V.T cho biết: "Xe đi từ quê 3 giờ chiều, đến Lâm Đồng vào lúc 3 giờ sáng. Tất cả người lao động bị nhốt chung vào một phòng chật hẹp, sau đó bị chia tách ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm từ 4 - 7 người. Sáng hôm sau các chủ rẫy cà phê đến trả tiền cò 7 triệu đồng thì mới tiếp nhận một nhóm. Chủ rẫy bắt làm việc quần quật suốt ngày còn khổ hơn đi đày khổ sai nhưng họ thông báo chỉ trả lương 1 triệu đồng/tháng". Anh V.T đề nghị giấu tên "vì biết được, chủ rẫy sẽ giết chết", và cho biết thêm: nhóm của anh về làm tại một rẫy cà phê ở xã Tân Thanh, H.Lâm Hà; những nhóm khác không rõ làm ở đâu. Mọi người đều bị chủ rẫy thu giữ giấy CMND và "quản" rất chặt. Sáng chủ rẫy đưa đi, chiều đưa về, trong thời gian làm việc thì họ đứng canh giữ. Người lao động đề nghị được quay về quê thì họ đòi đánh đập, dọa giết nên phải cắn răng chịu đựng. Muốn liên lạc về gia đình cũng bị ngăn cấm. Điện thoại di động hết pin cũng không cho sạc. Mọi người rất muốn đến trụ sở UBND xã Tân Thanh để nhờ giải cứu, nhưng lo sợ chủ rẫy phát hiện, đánh đập thì tình thế còn nguy hiểm hơn... Chiều qua, quá lo lắng cho tính mạng người thân, các gia đình mới đến trình báo vụ việc với chính quyền địa phương, đề nghị vào cuộc can thiệp giúp người lao động hồi gia. Trong vai một người muốn có việc làm hái cà phê, PV Thanh Niên đã liên lạc được với "cò" Cư. "Tôi đang cần thêm 50 lao động, nhưng ở Lâm Đồng đã đủ người, phải sang Đắk Lắk. Lúc nào anh gọi thêm đủ số người ấy, tôi sẽ đưa xe đến đón…", "cò" Cư bình thản nói. Đình Phú |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét