01/12/2010 22:45
Ngày 30.11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá cả, thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý 1/2011. Như vậy, liên tiếp trong hơn 1 tháng qua, Thủ tướng đã ban hành 2 chỉ thị chỉ đạo quyết liệt công tác bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm.
Theo chỉ thị trên, các cơ quan chức năng phải đảm bảo cung ứng đủ và ổn định giá cả đối với những mặt hàng thiết yếu: gạo, thịt gia súc, gia cầm; rau, củ, quả; sữa, xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng; thuốc phòng chữa bệnh; dịch vụ đi lại... Không để mất cân đối cung cầu giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước vào trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Không cho phép tăng giá bất hợp lý Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh phát triển sản xuất rau, củ, quả ở những vùng bị bão lũ; giữ ổn định giá bán điện, giá bán than cho các hộ sản xuất điện, xi măng, phân bón, giấy; áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu; giãn thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá; kiểm soát các yếu tố hình thành giá, kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá các hàng hóa, dịch vụ (thuộc diện đăng ký giá) có mức giá tăng không hợp lý.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định tỷ giá ngoại tệ, giá vàng và lãi suất; phối hợp với UBND cấp tỉnh kiểm tra, xử lý các trường hợp đầu cơ, găm giữ kinh doanh trái pháp luật vàng, ngoại tệ làm lũng đoạn thị trường. Cung ứng đủ hàng dịp Tết Tại buổi họp báo thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, hôm 30.11, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, nguồn cung hàng hóa, đặc biệt lương thực thực phẩm từ nay đến cuối năm 2010 và Tết Tân Mão chắc chắn được đảm bảo đầy đủ. Tuy nhiên, bài học từ việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 tăng cao đột biến đã cho thấy, việc tăng giá không phải do yếu tố cung cầu hàng hóa, mà phần nhiều do yếu tố tâm lý, đầu cơ, găm hàng giữ giá bất hợp lý. Đáng nói là việc đầu cơ, găm giữ hàng lại chưa được xử lý triệt để và rốt ráo. Bình luận về việc CPI cả năm khó giữ dưới 10% (vượt xa mục tiêu ban đầu đặt ra là 8%), bà Thoa cho rằng, "nếu không có các biện pháp quyết liệt của các bộ ngành, CPI sẽ còn tăng nữa. Các giải pháp đưa ra, dù không được như mong muốn, nhưng cũng đã giữ được con số CPI như hiện nay". Để gìm giữ giá trong tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM tiếp tục đổ tiền vào chương trình bình ổn giá. Theo đó, TP.HCM chi 380,6 tỉ đồng, Hà Nội chi 500 tỉ đồng, trong đó dành 400 tỉ đồng để dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Nhiều địa phương dù không đủ vốn cho chương trình bình ổn, nhưng đều có hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp theo từng nhóm mặt hàng. Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cung cầu những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, xi măng, gạo, dược phẩm..., đồng thời xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cũng sẽ tăng cường kiểm tra chặt chẽ các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ của doanh nghiệp, xử lý đầu cơ mua vét hàng hóa, dự trữ hàng hóa quá mức... Mai Hà |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét