Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Tại sao người nghèo không đi bệnh viện?


2010-12-11

Trong một phát biểu gần đây với báo chí Việt Nam, TS Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho rằng có khoảng 40% người nghèo mắc bệnh không được chữa trị. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Photo courtesy of Wikipedia

Bệnh viện Tâm Đức tại TPHCM

 

Trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 22 tháng 11, Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã phải đăng đàn trả lời rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề y tế. Điều này cho thấy vấn đề y tế đắt đỏ đang là một trong những trở ngại lớn cho người nghèo.

Theo tin trên tờ Lao Động ngày 9/12, có đến 67% phải mượn tiền để thanh toán viện phí. Như vậy để thấy, dịch vụ y tế tại bệnh viện là một gánh nặng đối với người nghèo và họ chỉ đến khi không thể chịu đựng căn bệnh của mình nữa.

Tiền đâu mà đóng bảo hiểm

nhi-dong-1-2-hospital-250.jpg
Phòng bệnh nhân tại các bệnh viện Nhi đồng 1, 2 TPHCM luôn quá tải. Photo courtesy of thuocbietduoc.com.vn.
Một thẻ BHYT nhà nước có giá chỉ khoảng 300 ngàn 1 năm. Trong chương trình hỗ trợ, thẻ này được phát miễn phí cho những người thu nhập dưới 6 triệu đồng một năm, và sẽ hỗ trợ 50% tiền thẻ với những người có thu nhập dưới 12 triệu 1 năm.

Dù được cấp thẻ miễn phí, được hỗ trợ hay phải mua thẻ thì mức trả của người thụ hưởng cũng là 20%. Đây là một điểm tốt trong chính sách an sinh xã hội cần được ghi nhận và thực chất nhiều người sử dụng giải pháp này vì nhà nước hỗ trợ 80% chi phí thuốc điều trị cho người nghèo.

Nghe con số rất ấn tượng nhưng trên thực tế, nó không được đẹp như người ta tưởng. Nếu nhìn con số 20% dưới dạng phần trăm (%) mà dưới dạng số tiền thì câu chuyện sẽ khác đi rất nhiều. Đối với phần đông người nghèo, để có được con số 20% ấy không phải là điều dễ dàng.

Từng là công nhân với mức lương 1 triệu 500 ngàn một tháng, anh Xuân (tỉnh An Giang) cho rằng:

Người ta đã không có tiền rồi mà còn bắt người ta đóng nữa thì người ta chết luôn chứ sao.

Anh Xuân (An Giang)

"Người ta đã không có tiền rồi mà còn bắt người ta đóng nữa thì người ta chết luôn chứ sao. Họ nói bắt tôi đóng tiền thôi tôi về tôi chết để chừng nào chết thì tính chứ tiền đâu mà đóng".

Trong lúc một ổ bánh mì ở Việt Nam đã có giá 7 ngàn đồng, thật ra mức lương công ngân như anh Xuân không cho phép anh nghĩ tới điều gì ngoài thức ăn và xăng xe.

Có thể nói chỉ vài triệu đồng thôi đã là một gánh nặng đối với người nghèo. Chính vì không có tiền nên họ không dám khám định kỳ, do đó khi đến bệnh viện thì bệnh đã nặng. Cuối cùng họ thường phải điều trị nội trú và tốn ít nhất là vài triệu đồng cho một lần vào viện. Nếu không may mắn mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng, số tiền điều trị còn đắt gấp nhiều lần.

Tự trả tiền thuốc đắt tiền

my-chau-pharmacy-250.jpg
Nhà thuốc Mỹ Châu ở TPHCM. Photo courtesy of yduc.com.
Một mặt hạn chế nữa của BHYT là đối với các loại thuốc đắt tiền, thuốc đặc trị hay các thuốc nhập từ nước ngoài thì bệnh nhân tự trả. Chị K.T., nhân viên chuyên lo mảng xóa đói giảm nghèo của một huyện thuộc TP.HCM cho biết:

"Có thuốc cấp được thì cấp, thường là thuốc Việt Nam. Nhưng thuốc hỗ trợ ở nước ngoài về là mình phải mua".

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc từ nước ngoài, và phải nhập khẩu biệt dược. Nhìn qua con số cũng thấy được việc này đưa người nghèo đến khó khăn và nếu không có tiền trang trải họ đành vay mượn hay ở nhà chờ chết.

Nhiêu khê phức tạp

Có lẽ không quá vô lý khi cho rằng người dân Việt Nam có một phần trách nhiệm khi chưa có thói quen và tâm lý sử dụng bảo hiểm để hưởng được cái lợi từ hỗ trợ bảo hiểm của nhà nước. Tuy nhiên với vị trí của đại đa số người nghèo thì thủ tục nhiêu khê là một ngăn trở dễ thấy nhất để người dân không sử dụng thẻ BHYT.

Trao đổi với chúng tôi, chị N.T.T.T, hiện công tác tại một văn phòng hỗ trợ thương binh xã hội và thường xuyên cung cấp thẻ BHYT cho những người thuộc diện chính sách có thu nhập thấp, chị cho biết thủ tục để vào diện được xác nhận là nghèo như sau:

"Người ta sẽ làm hồ sơ thuộc diện đó và nộp vào phường xã. Phường xã sẽ có một hội đồng để xét và sau đó gởi về quận huyện. Huyện ra quyết định rồi mới được công nhận".

Chị K.T. cũng tiếp lời như sau:

"Người ta sẽ vô nhà mình kiểm tra xem tổng thu nhập của mình ra sao mới vô diện".

Người ta sẽ làm hồ sơ thuộc diện đó và nộp vào phường xã. Phường xã sẽ có một hội đồng để xét và sau đó gởi về quận huyện. Huyện ra quyết định rồi mới được công nhận.

Chị K.T.

Và để được "vô diện" nhận thẻ bảo hiểm miễn phí, người đó phải thu nhập dưới 6 triệu/năm, nghĩa là chưa làm ra được 18 ngàn đồng 1 ngày. Điều này có lý không khi xăng ở Việt Nam đã có giá khoảng 16 ngàn/lít?

Giả sử chi phí điều trị cho một bệnh nhân là 10 triệu, và bệnh nhân đó không dùng thuốc đắt tiền nếu may mắn được hỗ trợ 8 triệu đồng, thì phải bù vào 2 triệu để trả chi phí chữa bệnh. Và để có được 2 triệu đồng để trả số 20% còn lại, người được xem là đạt tiêu chuẩn nghèo phải để nhịn ăn 4 tháng mới có được số tiền đó!

Ngoài ra, những người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế chỉ được chỉ định những bệnh viện nhỏ cấp huyện hay cấp tỉnh nếu muốn được hỗ trợ. Các trường hợp bệnh nhân nhập viện bệnh viện thành phố sẽ tự trả hoàn toàn chi phí nếu không có giấy đồng ý chuyển viện của bệnh viện tuyến dưới.

Do thực trạng các bác sĩ giỏi cũng như điều kiện điều trị tốt thường tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn, do đó khi đổ bệnh (thường là nặng), người nghèo thường cần chuyển đến những nơi điều trị tốt hơn.

Ngoài những khó khăn đó, người dân không ưa chuộng BHYT vì đối với họ sử dụng nó phức tạp hơn sử dụng tiền túi của mình. Anh Xuân nói thêm:

"Phải hướng dẫn từ đầu tới đuôi. Thiếu một bước thì họ cũng không làm được. Người ta không cố gắng nghiên cứu để làm chuyện đó. Quyền đó ngoài phạm vi hiểu biết của họ. Phải hướng dẫn cặn kẽ, chẳng hạn như kêu họ lên phường, kêu họ nộp 3 tấm hình và điền đơn vậy đó".

Con ghẻ con ruột

nguoicaotuoi.org-250.jpg
Cảnh bệnh nhân chờ khám ở bệnh viện Nội tiết Trung ương. Photo courtesy of nguoicaotuoi.org
Một tình trạng đã trở thành mãn tính khi sử dụng BHYT và khám chữa bệnh dịch vụ là vấn đề phân chia "con ghẻ, con ruột" nơi bệnh viện. Tình trạng các y bác sĩ săn sóc các bệnh nhân khám dịch vụ hơn các bịnh nhân có BHYT đã không còn xa lạ với những người được cấp thẻ BHYT.

Anh Xuân cho biết ý kiến của mình về vấn đề này như sau:

"Đâu phải lấy thẻ đi khám là "ngon" đâu. Từ lúc lấy thẻ thì gặp khó khăn khâu phát thẻ. Rồi khi đi khám thì lại gặp khó khăn của đi khám, rồi đến khi lấy thuốc thì cũng khó khăn chỗ lấy thuốc".

Chính vì những khó khăn này, nhiều người ngại sử dụng thẻ bảo hiểm, đành móc tiền túi của mình chữa bệnh, đến khi hết tiền thì lại ngưng điều trị và phó mặc cho số phận.

Từ lúc lấy thẻ thì gặp khó khăn khâu phát thẻ. Rồi khi đi khám thì lại gặp khó khăn của đi khám, rồi đến khi lấy thuốc thì cũng khó khăn chỗ lấy thuốc.

Anh Xuân (An Giang)

Tình trạng đau lòng này không có gì xa lạ với Việt Nam hiện nay. Người nghèo không có tiền khám bệnh, đến khi bệnh "đổ" ra thì đã quá nặng và không đủ tiền chữa bệnh nên phải vay mượn. Chính vì thế, đã nghèo lại càng nghèo. Cái vòng lẩn quẩn này bao vây và đe dọa sinh mạng người nghèo như lưỡi dao treo trên đầu họ mỗi khi đổ bệnh.

Việc hỗ trợ y tế của nhà nước là việc làm có ý nghĩa và không ai phủ nhận. Thế nhưng, nếu thực sự mục đích của nó là phục vụ cho người dân thì cũng phải xem xét lại chính sách cũng như cách thực hiện BHYT để đảm bảo được ý nghĩa ấy.

Theo dòng thời sự:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét