Vũ Hoàng, phóng viên RFA2010-12-11Tuần trước, Cẩm nang của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) đã chính thức liệt kê cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ, đưa ra lời khuyến cáo "tránh tiêu dùng" trong cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng thuỷ sản 2010-2011 phát hành tại một số nước Châu Âu. Phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối và cho rằng việc xếp hạng của WWF là thiếu khách quan, thiếu chính xác và không có cơ sở khoa học về cá tra của Việt Nam. Để thấy được đánh giá của người trong cuộc về vấn đề này, Vũ Hoàng đã có buổi tiếp xúc với ông Phan Văn Danh – Chủ tịch Hiệp hội Nghề Nuôi trồng và Chế biến Thuỷ sản các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vũ Hoàng có bài tường trình sau. Sau khi WWF xếp hạng cá tra, loài cá mang lại nguồn thu lớn cho người dân nuôi trồng thuỷ sản các tỉnh ĐBSCL mỗi năm trị giá hơn ngàn tỷ đồng vào danh sách đỏ, thì nhiều người thắc mắc đặt ra câu hỏi tại sao cá tra, loài cá dễ nuôi đến vậy lại bị tuyệt chủng. Thực ra thì danh sách đỏ ở đây được hiểu theo nghĩa khác, nghĩa là dựa trên phân cấp của cuốn cẩm nang tiêu dùng thuỷ sản mỗi năm ấn bản một lần, WWF khuyến nghị người tiêu dùng nên hay không nên tiêu dùng một loại sản phẩm với 19 tiêu chí mà chủ yếu là về môi trường. Cụ thể là cuốn cẩm nang này chia làm 3 hạng mục tương đương 3 màu: xanh, vàng và đỏ. Màu xanh nghĩa là: sản phẩm thân thiện với môi trường, nên sử dụng; màu vàng là: hãy suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng và cuối cùng là màu đỏ: tránh sử dụng. Loài cá tra của Việt Nam đã bị đưa từ khung màu vàng sang màu đỏ. Lời khuyến cáo chính thức từ một tổ chức môi trường có uy tín như vậy hẳn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường nhập khẩu cá tra này từ Châu Âu. WWF cho rằng, môi trường nuôi, sử dụng thức ăn nuôi cá, các hoá chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra của Việt Nam có vấn đề. Phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế Đem câu hỏi về quy trình nuôi trồng và chế biến cá tra từ khâu con giống cho đến khâu cuối cùng trước khi mang đi xuất khẩu có đúng tiêu chuẩn môi trường và hợp vệ sinh hay không, ông Phan Văn Danh – Chủ tịch Hiệp hội Nghề Nuôi trồng và Chế biến Thuỷ sản các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho biết:"Việc nuôi trồng thuỷ sản và đặc biệt là con cá tra, thì nguồn nước hết sức dồi dào, cung cấp đủ số nước cần thiết. Tất nhiên trong quá trình nuôi cá hay nuôi tôm cái, tôi nghĩ tất cả các nước trên thế giới đều sử dụng thuốc trị bệnh cho nó, ngừa bệnh rồi xử lý ô nhiễm nguồn nước. Để cho cá khoẻ mạnh thì cũng có sử dụng một số hoá chất cần thiết nhưng không phải dùng thuốc trừ sâu như họ nói." Ngoài ra, trước những câu hỏi liên quan liệu có sử dụng thuốc trừ sâu để trị bệnh cho cá, ông Danh phản đối: "Nếu sử dụng thuốc trừ sâu hay các hoá chất độc hại thì con cá cũng chết chứ đừng nói đến những chuyện gì khác. Tất cả những loại hoá chất kháng sinh nằm trong phạm vi cho phép thì chúng tôi giám sát, hướng dẫn nhân dân một cách rất bài bản." Từ những ngày đầu tiên xuất khẩu thuỷ sản, thấy được những đòi hỏi kỹ về chăm sóc hay nhân tạo loài cá ba sa phức tạp, hiệu quả không cao và tỷ lệ sống thấp, nên hàng ngàn hộ dân ở vùng ĐBSCL đã chuyển sang nuôi cá tra, loài cá có khả năng sinh sản ưu việt hơn và nuôi trồng đem lại hiệu quả hơn. Kể từ đó, cụ thể là từ năm 2000 cho đến nay, số lượng loài cá tra ngày một tăng với chất lượng ngày một tốt.
Con cá tra của Việt Nam đã được tiêu dùng trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của EU, Australia, Mỹ, Nhật Bản, trong đó một số nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Cũng theo lời ông Danh thì tập quán nuôi trồng cá tra đã thay đổi rất nhiều: "Cách đây khoảng chừng 20-30 năm, bà con nuôi trong ao đầm theo kiểu quảng canh, thì cho ăn đủ thứ, có gì ăn đấy không bài bản như bây giờ. Khi đưa con cá tra này nuôi công nghiệp, mà giờ đây trở thành một ngành công nghiệp có quy mô, tầm cỡ của ĐBSCL hàng tỷ. Năm nay đến 2,000 tỷ chứ không phải như kiểu họ nói. Nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn an toàn chế biến thực phẩm của quốc tế. Thì không vì lý do gì, mà lại đưa con cá tra này vào sách đỏ cả. Đó là một điều phi lý." Không đến nỗi gây ô nhiễm môi trường Những điều được xem là phi lý này dường như không chỉ gói gọn trong những công đoạn đầu vào, bắt đầu từ thả cá giống cho đến khi mang cá tra đi xuất khẩu, mà nó còn liên quan đến nguồn nước thải hay vấn đề lây bệnh của cá là những tác động lên môi trường bên ngoài mà WWF chú tâm:"Tất nhiên quá trình nuôi với số lượng lớn như hiện nay thì cũng có những tác động nhất định đến nguồn nước, nhưng việc giữ gìn vệ sinh môi trường nước thải ra sông, thì đến nay chính quyền Bộ NN và PTNT và chính quyền địa phương cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường có nhiều giải pháp để xử lý. Các nhà khoa học của chúng tôi có khảo sát và cảnh báo tình hình nuôi cá tra đến thời điểm hiện nay thì không đến nỗi gây ô nhiễm môi trường như họ nói." Lặp lại vấn đề việc lây lan bệnh tật của cá tra lên môi trường sông hồ, ông Danh nói tiếp: "Đồng bằng Sông Cửu Long cũng còn đầy sông chứ đâu có vấn đề gì đến nỗi lây bệnh mà nó chết hàng loạt, chưa thấy. Tôi là người sống ở đây, đã từng nuôi cá chưa thấy con cá tự nhiên nào sống ngoài sông Cửu Long mà chết cả. Thỉnh thoảng chỉ có số cá tra nuôi trong ao hầm mà chết, bà con vứt ra sông thì cũng thỉnh thoảng thôi, lâu lâu cũng thấy một vài con chứ con cá ở dưới sông mà tự nhiên chết thì chưa bao giờ." Sẽ có kiến nghị Với những gì ông Danh trình bày thì chuyện nuôi trồng cá tra xem ra là phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Như vậy, với một lời khuyến cáo gây bất lợi cho hàng ngàn hộ nông dân đang trông chờ vào con cá tra xuất khẩu, thì với tư cách là một trong người đứng đầu chịu trách nhiệm giúp đỡ bà con xuất khẩu thuỷ sản, ý kiến đề xuất của ông Danh về những giải pháp ngay trước mắt sẽ như thế nào:"Trước tình hình này, chúng tôi sẽ có kiến nghị, đưa thành văn bản đưa lên website, tổ chức Động Vật Hoang Dã Quốc tế mà nói như vậy là vô căn cứ, không đúng sự thật, cố tình xuyên tạc trong lúc con cá tra của chúng tôi có vị thế trên thương trường quốc tế.
Chúng tôi sẽ tìm nguyên nhân chính, chúng tôi nghĩ rằng Bộ Thương mại cũng như Bộ NN và PTNT sẽ có những chứng lý, sẽ đưa những hình ảnh, sẽ mời những tổ chức quốc tế vào giám sát và có những kết luận rõ ràng, chứ không thể đưa tin một cách vô căn cứ như vậy. Còn nếu nói về chuyện gây thiệt hại, thì chính họ là những người chịu trách nhiệm nếu đưa tin thất thiệt. Tôi sẽ kiện cáo họ bồi hoàn những thiệt hại cho ngư dân chúng tôi." Câu chuyện về con cá tra vẫn chưa có hồi kết, hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, những câu hỏi về cách xếp hạng loài ca tra vào danh sách đỏ sẽ được giải thích rõ ràng, để những băn khoăn của bà con vùng ĐBSCL được giải toả và ngành thuỷ sản sẽ vẫn là một thế mạnh của Việt Nam trong những năm tới đây. Theo dòng thời sự:
|
Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010
Phản đối của Việt Nam trước lời khuyến cáo không nên tiêu dùng cá tra
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét