Thứ Tư, 8.12.2010 | 22:25 (GMT + 7)
(LĐO) – Đưa vào khai thác, sử dụng đã 7 năm, nhưng đến thời điểm hiện nay chợ hoạt động chỉ mang tính chất cầm chừng. Các gian hàng đang bị biến thành nơi tập kết phế liệu, sắt thép, đồ gỗ… Thậm chí nhiều chỗ lại bỏ hoang.
Đó là tình trạng tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội).
Chợ "bà Đanh"
Được biết, vào cuối năm 2003, chợ đầu mối Bắc Thăng Long được UBND TP và huyện Đông Anh cho khai trương và đưa vào khai thác sử dụng với mục đích giúp nông dân, tiểu thương tiện lợi giao dịch, buôn bán hàng hoá phục vụ nhu cầu người dân khu vực nội thành và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, hiện nay chợ đang trong tình trạng… "thoi thóp".
Chợ đầu mối nhưng luôn trong cảnh vắng vẻ như chùa bà Đanh. |
Có lẽ ai khi đặt chân tới trước cổng khu chợ này đều giật mình bởi dự án chợ đầu mối hiện đang đứng trước nguy cơ biến thành chợ rác, là địa điểm tập kết phế thải, vật liệu xây dựng,…
Với tổng diện tích trên 30.000m2, được chia thành 3 ngành hàng bao gồm nhà chờ chính có mái che rộng 2.862m2 là nơi bán hàng nông lâm sản; Khu vực bán hàng thực phẩm tươi sống có diện tích 464m2 và khu phục vụ dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, chợ còn có khu gửi hàng rộng 123m2 và nhiều công trình phụ trợ khác. Thế nhưng, sau khai trương chợ bắt đầu đi vào hoạt động với cảnh ảm đạm.
Bỗng chốc bị "biến" thành chợ đồ cũ. |
Bà Lâm Thị Tới (ở Cổ Điển, xã Hải Bối) cho biết: "Người dân khu vực gọi đùa chợ đầu mối này là chợ bà Đanh. Vì chợ xây khang trang, hoành tráng như thế nhưng chẳng có mấy người kinh doanh, buôn bán …". Khi hỏi về nguyên nhân, bà Tới cho hay: "Lâu nay, người dân buôn bán nhỏ lẻ quen rồi. Trong khi đó, chính sách thu hút chưa hợp lý nên rất ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể vào trong chợ buôn bán. Gần chục năm nay, chỉ vài cá thể thuê làm kho, còn lại chợ nằm im lìm giữa bãi cỏ hoang".
Theo quan sát của PV, tấm biển "Chợ đầu mối Bắc Thăng Long" đó đắp bằng xi măng đã rơi rụng nhiều con chữ. Nằm sát ngay đó là một tấm biển khá hoành tráng ghi rõ " Chợ đồ cũ". Hai nhà chờ chính được thiết kế mái tôn Đức, khung thép có giá vài chục tỷ đồng nay trở thành kho chứa gỗ, cạnh đó là khu vực giết mổ gia cầm và mặt hàng thủy sản luôn trong tình trạng nhớp nháp, bốc mùi trên nền bê tông đang xuống cấp.
Chợ tạm "giết" chợ chính
Nói về những bất cập tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long, ông Dương Xuân Mạnh - Quyền Trưởng phòng kinh doanh của Trung tâm kinh doanh chợ đầu mối Bắc Thăng Long (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội) cho biết: "Từ khi khai trương, đưa vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn. Cuối năm 2007, UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh chuyển giao quyền quản lý, kinh doanh khai thác chợ đầu mối Bắc Thăng Long về cho Tổng công ty thương mại Hà Nội (Happro) tiếp tục quản lý, đầu tư, khai thác công năng của chợ. Trung tâm kinh doanh chợ đã có nhiều cải tiến, thúc đẩy hoạt động mở rộng đa ngành, nghề kinh doanh song vẫn không thu hút được các doanh nghiệp, tiểu thương vào chợ buôn bán".
Các gian hàng trong chợ cho thuê sử dụng sai mục đích. |
Diện tích sử dụng của chợ đến nay trong cảnh bị bỏ hoang, chợ hoạt động cầm chừng từ khoảng 12h đêm ngày hôm trước đến 6 sáng hôm sau. Trong đó chủ yếu là kinh doanh buôn bán, giết mổ gia súc (gần 40 hộ), gia cầm (22 hộ) và số ít mặt hàng thủy sản đông lạnh. Ngoài ra, có thêm một số doanh nghiệp tư nhân thuê lại hai khu nhà chờ để làm kho tập kết các phế liệu, vật phẩm và trung chuyển hàng hoá.
Ông Mạnh cho biết thêm, việc thuê mặt bằng nói trên là do các hộ trước đây trúng thầu sử dụng kiốt bán hàng nhưng vì chợ không hoạt động cho nên họ đã cho các doanh nghiệp thuê lại. Hiện nay, còn nhiều trường hợp cho thuê, chuyển nhượng chui Trung tâm không kiểm soát được. Khi chợ đi vào hoạt động trở lại, phía Trung tâm sẽ yêu cầu các doanh nghiệp đang thuê lại mặt bằng chợ ký cam kết bàn giao lại ngay mặt bằng.
"Muốn chợ đi vào hoạt động, các cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý triệt để chợ tạm, chợ "cóc". Lâu nay, thói quen của người dân là tiện đâu mua đấy, do vậy nếu tình trạng chợ "cóc", chợ tạm vẫn còn hoạt động là đang dần "giết chết" chợ chính. Và để chợ hoạt động hiệu quả, cũng cần có những chính sách quản lý kinh tế linh hoạt nhằm thu hút doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào kinh doanh trong chợ". – Ông Mạnh cho hay.
Đạt Lê – Linh Chang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét