09/12/2010 1:04
Đường lún, hầm nứt, nhà sập và đỉnh điểm là hàng loạt "hố tử thần" rình rập người đi đường đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng công trình xây dựng tại TP.HCM. Phần lớn đại biểu tham dự hội thảo Chất lượng công trình xây dựng trong giai đoạn hội nhập do Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức hôm qua 8.12 đều thừa nhận, nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu vẫn do năng lực hạn chế của nhà thầu và thái độ dễ dãi của chủ đầu tư. Nhìn đâu cũng thấy sự cố
Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, thời gian qua đã xảy ra một số sự cố lớn về chất lượng công trình, như vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ, nứt các đốt hầm dìm Thủ Thiêm… Ngoài ra, nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã bộc lộ khiếm khuyết về chất lượng như các dự án nhà ở tái định cư; tình trạng sụt trượt, lún nền trên một số quốc lộ, đường cao tốc… Đáng lo ngại, theo ông Hùng, chỉ trong vài tháng cuối năm nay, TP.HCM liên tục xảy ra hàng chục vụ sụt lún nền đường gây tai nạn cho người lưu thông, mà dư luận đã phải gọi bằng cụm từ "hố tử thần". Một trong những công trình vừa thông xe đã bộc lộ khiếm khuyết là đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương lún chỉ sau 2 tháng thông xe và mới đây còn xuất hiện hàng loạt ổ gà gây nguy hiểm cho xe cộ. Theo BQL dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư, quan trắc cho thấy đường cao tốc vẫn đang tiếp tục lún. Ông Phan Phùng Sanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, cho rằng, nguyên nhân là do công tác khảo sát và xử lý nền đất yếu vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Theo ông Sanh, tình trạng ép tiến độ để thông xe ngày đẹp (Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh), đúng dịp lễ lạt cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. "Rút kinh nghiệm" là xong?
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, trong khi các công trình tư nhân được giám sát chặt chẽ và ít xảy ra sự cố, thì nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách hoặc ODA lại thường xuyên xảy ra sự cố về chất lượng. Nguyên nhân, theo ông Hiệp, nhiều chủ đầu tư đại diện nhà nước sử dụng tiền của dân còn hạn chế về năng lực và khi xảy ra sự cố thì vấn đề xử lý trách nhiệm cũng nương nhẹ, du di. "Mỗi khi xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan chỉ "rút kinh nghiệm" thì làm sao đủ sức răn đe?", ông Hiệp nhấn mạnh. Một thực tế khác, theo ông Hiệp, hầu hết tư vấn giám sát và nhà thầu đều có quan hệ "dễ chịu" với chủ đầu tư, không loại trừ khả năng là "sân sau" của chủ đầu tư. Chính điều này khiến chủ đầu tư lúng túng khi xử phạt nhà thầu vi phạm, và nhiều trường hợp dung túng cho cái sai của nhà thầu, kéo theo công trình chậm tiến độ và kém chất lượng. "Không chỉ chủ đầu tư mà năng lực của tư vấn giám sát cũng hạn chế. Tư vấn kém thì làm sao chọn được nhà thầu có năng lực và đảm bảo được chất lượng công trình" - ông Hiệp nói. Trong khi đó, ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, cho rằng, sự chồng chéo trong phân công, phân cấp quản lý các công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật là một trong những nguyên nhân gây ra hàng loạt sự cố thời gian qua. Chính vì quá nhiều đầu mối quản lý và thi công đã dẫn đến tình trạng "cha chung không ai khóc", phối hợp kém hiệu quả và khi xảy ra sự cố thì không "chỉ đích danh" được đơn vị nào để quy trách nhiệm. Phương Thanh |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét