Khánh An, phóng viên RFA2010-11-29Có nhiều ý kiến cho rằng tình hình chống buôn người tại Việt Nam chưa đạt hiệu quả và thiếu tính hệ thống. Tổ chức NGO có nhiều nỗ lực và sáng kiến trong vấn đề giúp Việt Nam phòng chống nạn buôn người, cũng như vấn đề thi hành trách nhiệm của chính phủ Việt Nam trong công tác này. Những ngày này, Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận sôi nổi xung quanh Dự thảo Luật phòng, chống mua bán người. Có nhiều ý kiến thừa nhận rằng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác phòng chống buôn người và không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành ở các địa phương. Tổng kết sau 6 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 – 2010, chỉ mới có 12/63 tỉnh thành xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác này. Điều này cho thấy ngay cả cấp lãnh đạo ở nhiều địa phương cũng còn nhận thức rất thấp về tầm quan trọng của vấn đề phòng chống buôn người. Trong khi đó, các tổ chức NGO hoạt động tại Việt Nam lại rất nỗ lực và có nhiều sáng kiến trong việc giúp đối phó với nạn buôn người. Ngoài việc hỗ trợ chính quyền trong công tác giúp các nạn nhân buôn người tái hòa nhập với xã hội, các tổ chức phi chính phủ còn tổ chức các chiến dịch giúp giáo dục kiến thức phòng tránh HIV/AIDS, hỗ trợ các cơ sở trong việc nâng cao kỹ năng công tác giúp các nạn nhân, thiết lập mạng lưới hợp tác phòng chống buôn người với các chính phủ và với nhau. Rất khó thực hiện Tuy nhiên, công việc của họ không phải lúc nào cũng suông sẻ và nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Bà Christina Arnold, sáng lập của Tổ chức Phòng chống buôn người (PHT) kể về một kinh nghiệm sang Việt Nam làm việc của bà:"Chúng tôi chưa từng nhận trợ cấp từ chính quyền (Việt Nam). Họ cũng không thực sự cởi mở, chẳng hạn như có lần chúng tôi muốn đến một nhà mở để xem có thể giúp được gì nhưng bị họ từ chối. Rồi sau đó họ cũng để cho chúng tôi đến một nhà mở. Tuy nhiên, chúng tôi bay từ Hoa Kỳ sang đến đây không phải để cuối cùng bị từ chối, tôi hiểu là cũng có những lý do để họ không tin tưởng tất cả mọi người đến làm việc dưới danh nghĩa chống buôn người, nhưng rất nhiều người khác họ không hề có ý xấu, cho nên việc đó dễ làm người ta bực mình." Ngoài việc tham gia trực tiếp vào công tác phòng chống buôn người ở Việt Nam, một số tổ chức NGO còn đầu tư vào việc khảo sát, nghiên cứu, phân tích để tìm giải pháp cho thực trạng trên. Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Alliance Anti Trafic (ATT), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… chính là những tổ chức đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa ra các dữ liệu, xây dựng khung chương trình cho các hoạt động phòng chống buôn người, cũng như đóng góp, tư vấn cho các quyết định, dự thảo Luật về phòng chống mua bán người tại Việt Nam, đơn cử như ý kiến đóng góp của tổ chức AAT trong việc ban hành Quyết định 17 của Thủ tướng chính phủ về quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; hay như một trong những kết quả khảo sát nghiên cứu của Tổ chức Action Aid đã được đăng tải trên phần góp ý cho Dự thảo Luật phòng chống mua bán người của Quốc Hội như sau:
"Buôn bán phụ nữ và trẻ em là một vấn đề quyền con người. Nghiên cứu của Action Aid Việt Nam tiến hành tại một số tỉnh miền Nam Việt Nam, Trung Quốc, Cam-pu-chia và Đài Loan cho thấy nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thường diễn ra trong bối cảnh di cư đang ngày càng trở nên phổ biến. Rất nhiều phụ nữ biết rõ những nguy cơ do việc di cư mang lại song vẫn quyết định ra đi và trở thành những đối tượng rất dễ bị tổn thương và bị buôn bán. Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng rất nhiều phụ nữ tự quyết định việc ra đi, do đó các can thiệp cần được thực hiện ngay từ trước khi họ rời quê hương và tại điểm đến của họ, từ đó giúp họ hiểu và lên tiếng yêu cầu các quyền cơ bản mà họ được hưởng". Cần chính phủ hợp tác Hiện Dự thảo Luật Phòng chống mua bán người vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Các ý kiến đóng góp cho rằng Dự thảo Luật đưa ra còn mang tính khẩu hiệu, không rõ ràng, không đưa ra được phương pháp cụ thể, có nhiều điểm trùng lắp với các điều luật khác, còn yếu trong việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân… Tuy nhiên, nhiều trong số các ý kiến cho rằng Dự thảo Luật trên cần phải đi sát với thực tế, đồng thời cần xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ và đủ mạnh, thể hiện được ý chí chính trị trong việc quyết tâm đối phó với nạn buôn người. Bà Christina Arnold cho rằng điều quan trọng là phải cho các nạn nhân buôn người biết chính phủ quan tâm đến họ. Bà nói: "Chính quyền nên có những chương trình huấn luyện chính thức để làm việc với chính phủ Campuchia và những tổ chức phi chính phủ. Họ nên tìm hiểu số lượng nạn nhân Việt Nam tại Campuchia, nỗ lực tìm đến những nạn nhân này và cho họ biết rằng chính phủ quan tâm đến họ. Đôi khi người Campuchia đối xử với họ rất tệ, đặc biệt là những tổ chức của chính phủ. Tôi rất sốc khi biết được là ngay cả những tổ chức phi chính phủ cũng đối xử phân biệt. So với các cô gái Campuchia thì các cô gái Việt Nam thường bị bỏ rơi. Việc tự mình thoát ra khỏi hoàn cảnh đó để trở về lại Việt Nam không hề dễ dàng.
Ví dụ như ở Thái Lan họ có một chương trình rất hay là họ cộng tác với các tổ chức, chẳng hạn như IOM, và nếu họ biết được là có một cô gái từ Việt Nam muốn trở về nước thì tổ chức IOM sẽ trả tất cả các chi phí để cô ta hồi hương. Cách này sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các cô gái và họ dễ dàng trở về hơn." Nói tóm lại, từ tình hình và hiệu quả thực tế trong công tác phòng chống mua bán người, có thể thấy Việt Nam không thiếu những hỗ trợ của quốc tế và các tổ chức tại địa phương, nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nỗ lực sáng tạo, những hỗ trợ ấy chưa được kết nối bằng một ý chí chính trị để có thể phát huy hết hiệu quả của nó. Theo dòng thời sự:
|
Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010
Phòng chống buôn người tại VN (phần 2)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét