Khánh An, phóng viên RFA2010-11-29Có thêm hơn 1200 phụ nữ Việt Nam đã bị mua bán, đó là con số mới được Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, thuộc Bộ Công An Việt Nam, đưa ra tại một Hội nghị tổng kết vào hôm 23/11. Con số nhói lòng trên khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về công tác phòng chống buôn người tại Việt Nam. Tại sao sau rất nhiều những ký kết của Việt Nam với các nước và các tổ chức, tình trạng buôn người vẫn mang nhiều màu sắc tiêu cực? "Nó mua mình rồi nó đi kiếm thằng nào chưa có vợ để nó bán lại. Thằng nào đưa nhiều tiền thì nó bán, mình phải ở, không ở thì nó đánh". "Môi giới nó hại em, thời gian đầu tiên nó ngủ với em. Thế xong kiểu như là nó cứ cho đi những chỗ công việc làm không được, nó cứ cho đi xong lại cho về. Em về em bảo tìm cho em chỗ khác nhưng nó không tìm, nó cứ để em ở nhà để nó vớ vẩn với em. Sau đó thì em quên hết rồi, em bị cái bệnh này thì em quên hết rồi." "Bà ấy rủ cháu lúc nào thì tôi không biết, bảo chỉ đi chơi thôi. Khoảng độ mấy tháng sau bà ấy trên Lạng Sơn về thì bà ấy bảo để cho nó đi lấy chồng ở bên ấy rồi. Người chồng của nó hơn nó khoảng đến chục tuổi ấy. Tôi chỉ đoán là con tôi sang bên đấy sống cực khổ hay là chồng nó đánh đập hay là thế nào chứ ở nhà thì thấy nó bình thường chứ không thấy có gì. Bây giờ thì cứ phải xích nó lại. Không xích thì nó lại đi, người ta lại ăn nằm với nó…" Tích cực phòng chống ...Trên đây chỉ là một vài trường hợp nạn nhân buôn người tại Việt Nam mà các phóng viên của Đài Á Châu Tự Do có dịp trò chuyện. Còn hàng trăm ngàn phụ nữ, trẻ em vẫn còn đang ở đâu đó trong những điểm đến của các đường dây buôn người, đó là chưa kể đến nguy cơ bị mua bán luôn rình rập hàng triệu phụ nữ khác, đặc biệt là tại các vùng nông thôn của Việt Nam."Tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em diễn biến phức tạp", đó là câu nói người ta thường nghe được từ các báo cáo trong những hội nghị tổng kết về vấn đề phòng chống buôn người tại Việt Nam. Cũng tương tự, tại hội nghị tổng kết đợt cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người và ngăn chặn tình trạng đưa người vượt biên trái phép trong vòng 2 tháng qua do Tổng cục cảnh sát tổ chức hôm 23/11 cũng đưa ra những nhận xét như trên. Báo An Ninh Thủ Đô trích lời Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục Cánh sát phòng chống tội phạm, kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho rằng việc "triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, công tác chống tội phạm mua bán người đã thu được kết quả đáng khích lệ". Tuy nhiên, con số phát hiện được gần 1.300 nạn nhân đã bị mua bán gần đây khiến người ta không khỏi giật mình nhìn lại công tác phòng chống buôn người tại Việt Nam.
Theo nhận xét của các chuyên gia công tác xã hội, Việt Nam hiện vẫn đang là điểm nhắm chính của các đường dây buôn người trong khu vực và thế giới. Theo thống kê của Chương trình hành động phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 – 2010, con số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 4.793 người. Trong khi trước đó, một thống kê khác cho biết suốt giai đoạn từ năm 1998 – 2007 có 6.680 người nạn nhân bị mua bán. Đương nhiên những con số thống kê được chỉ có tính chất tương đối nhưng theo đánh giá của các cơ quan, tổ chức phòng chống buôn bán người thì tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, nhất là đối với các đối tượng học sinh, sinh viên. Vào tháng 9 vừa qua, Việt Nam đã ký cam kết với Trung Quốc, một điểm đến lớn nhất của các đường dây buôn người tại Việt Nam, về việc hợp tác phòng chống buôn người. Trước đó, chính phủ Việt Nam cũng đã từng có những cam kết hợp tác với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Lào, Indonesia… trong vấn đề phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em. Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ cũng đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho Việt Nam trong việc giúp ngăn chặn, giải quyết thực trạng trên. Thế nhưng kết quả của công tác phòng chống mua bán người vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn. ... nhưng không hiệu quả.Báo cáo thường niên năm 2010 về nạn buôn người trên toàn thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phổ biến hồi tháng 6 vừa qua đã xếp Việt Nam vào mức độ 2 và đưa Việt Nam trở lại vào danh sách cần phải theo dõi về vấn đề phòng chống buôn người. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Thanh Trúc của Đài chúng tôi, đại sứ CDebaca, thuộc Cơ quan phòng chống buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: Phía Việt Nam ngay sau khi tiếp nhận bản báo cáo đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ không khách quan khi đưa ra bản báo cáo trên. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng "Việt Nam coi tội phạm buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em là tội phạm nguy hiểm, xâm hại nghiêm trọng đến quyền con người và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Do đó, Việt Nam rất chú trọng công tác phòng chống buôn bán người, kiên quyết đấu tranh và nghiêm khắc xử lý loại tội phạm này, đồng thời có các chính sách, biện pháp đẩy lùi và xóa bỏ tình trạng buôn người". Theo nhận xét của bà Christina Arnold sáng lập viên của Tổ chức chống buôn người (PHT) đã từng làm việc tại Việt Nam thì đúng là Việt Nam đã có những thành quả nhất định trong việc phòng chống nạn buôn người, đặc biệt từ những cá nhân, tổ chức phi chính phủ hay Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tuy nhiên, bà cho rằng sở dĩ tình trạng buôn người tại Việt Nam thời gian qua vẫn không được cải thiện là do thiếu ý chí chính trị. Bà nói:
"Tôi nghĩ là trong một số trường hợp vì thiếu động lực chính trị từ phía chính quyền, chứ Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam thực sự làm việc rất tốt. Họ xây dựng các mái ấm, làm các chương trình huấn luyện khá ấn tượng. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính quyền cần có những chính sách để phòng chống buôn người một cách hệ thống. Theo tôi biết, những người dân tại Việt Nam thực hiện công việc này rất tốt nhưng chính quyền thì không làm được nhiều." Tại sao lại có nhận xét như vậy từ một chuyên viên công tác phòng chống buôn người? Chính phủ Việt Nam đã thực sự nỗ lực trong phạm vi trách nhiệm của mình hay chưa? Làm sao để cải thiện tình trạng trên? Mời quý vị tiếp tục theo dõi phần 2. Theo dòng thời sự:
|
Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010
Phòng chống buôn người tại VN (phần 1)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét