Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Lún mặt cầu Thanh Trì: "Khoan là biết ngay"


21/11/2010 10:40:05

 -  PGS.TS Phạm Quang Toản cho rằng, muốn biết nguyên nhân không cần đợi lâu tới vậy mà chỉ cần "khoan mặt cầu là biết ngay, ba tháng chỉ để biết nguyên nhân là quá chậm".

TIN LIÊN QUAN

Mặt cầu Thanh Trì hơn một năm nay xuất hiện hàng loạt điểm lồi lõm, gồ ghề, bị biến dạng kéo dài khoảng 1km trên cả 2 làn đường từ phía quốc lộ 5 về Thanh Trì và ngược lại.

Trong đó, phần đường dẫn phía Gia Lâm về trung tâm Hà Nội dài khoảng 200 mét chạy dài theo chiều dọc, tiếp giáp và song song với vạch sơn phân làn cho xe máy và ô tô.

Chiều ngày 19/11 trao đổi với PV, ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án Thăng Long, đơn vị chủ đầu tư công trình cầu Thanh Trì, ông Bình khẳng định những vết lún hiện nay xuất hiện trên mặt cầu vẫn là những vết lún cũ nhưng sâu hơn chứ không phải là vết lún mới.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguyên nhân của việc lún mặt cầu, ông Bình không trả lời thẳng mà chỉ nói đã báo cáo lên Bộ GTVT và cũng đang chờ kết quả giám định của đoàn kiểm định độc lập.

"Khi biết nguyên nhân mới đưa ra biện pháp khắc phục", ông Bình cho biết.

Việc thuê đơn vị kiểm định độc lập này đã được BQLDA Thăng Long xúc tiến từ đầu tháng 8, nhưng hiện tại vẫn phải chờ kết quả giám định nguyên nhân.

 

Vết lún dọc có thể gây nguy hiểm khi lái xe tới tốc độ nhanh
Vết lún dọc có thể gây nguy hiểm khi lái xe tới tốc độ nhanh


Trao đổi vơi Bee.net.vn, PGS.TS Phạm Quang Toản cho rằng nếu muốn biết nguyên nhân không cần đợi lâu tới vậy mà chỉ cần "Khoan mặt cầu là biết ngay. Ba tháng chỉ để biết nguyên nhân là quá chậm".
Vị PGS chuyên ngành cầu đường này kiến nghị: "Khi sự cố xảy ra thì người dân không thể chờ lâu đến vậy. Hỏng thì phải sửa thôi".

Ông Toản nhận định hiện tượng lún nứt hiện nay trên cầu Thanh Trì do lớp bê tông nhựa trên mặt cầu bị trượt. Nguyên nhân là bởi bê tông nhựa chịu nhiệt kém, chỉ khoảng 60 độ, nên vào mùa nóng  dưới áp lực của trọng tải xe thì nó sẽ bị lún.

"Dưới lớp bê tông nhựa là bê tông xi măng. Vậy nên lớp bê tông nhựa mặt cầu như cái đe. Khi gặp phải trọng tải quá lớn lớp bê tông nhựa này bị đẩy sang 2 bên tạo thành vệt lõm dọc theo bánh xe có thể dày tới 20-30 phân", ông Toản phân tích.

Về khắc phục những đường lún này, về trước mắt thì chỉ cần cào lớp bê tông nhựa chỗ đã lún rồi thay lớp bê tông nhựa khác lên. Nhưng làm vậy sẽ không khắc phục triệt để được, về lâu dài phải thay toàn bộ lớp bê tông nhựa này bằng vật liệu khác cứng hơn, giải pháp có thể là bê tông nhựa đúc của Đức chịu nhiệt và lực tốt hơn.

Tính đến khả năng này, ông Toản cho rằng chi phí sẽ đội lên gấp 2 lần so với bê tông nhựa

Cũng theo ông Toản thì khi xây dựng các nhà thầu không lường hết được điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên áp dụng bê tông nhựa. Vòng đời của bê tông nhựa là 5 đến 7 năm,  và "chờ đến khi đó mới thay thì quá muộn".

Nên quy định vận tốc tối đa 50km/h

Nguyễn Quốc Hùng, Giáo viên trung tâm lái xe cơ giới đường bộ Thành Đạt thì với kiểu đường lún như cầu Thanh Trì, lái xe sẽ rất khó phân biệt trừ khi trời mưa tạo ra những vũng nước để lái xe tránh. Với những lái xe ô tô, ông Hùng cảnh báo độ chênh phần cao phần thấp khi chạy với tốc độ cao thì lái xe sẽ khó kiểm soát và có thể dẫn tới mất lái.

Theo ông Hùng, với mặt đường lún hiện nay nên đặt biển cảnh báo đường lồi lõm và nên có biển báo giới hạn cho phép chỉ được 50 km/h chứ không nên 100 km/h.

Thông Chí


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét