Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

# Ta?n Ma.n Ngày 30/4 & Thâ'y Gì Qua Nghi. Quyê't Ddoàn Kê't - GS Pha.m M Hoàng

 
 

Tản mạn ngày 30 tháng 4

 

Sài Gòn, 30/4/2003, 11 giờ trưa. Ðường xá hôm nay vắng hơn mọi khi. Nhiều người đã lợi dụng hai ngày nghỉ để đi xa hoặc ở nhà.

 

Tôi thuộc loại người thứ hai.

 

Vào thời điểm này 28 năm về trước, một đoàn xe tăng của cộng sản húc đổ cổng Dinh Ðộc Lập. Một chế độ cáo chung, một chế độ mới được thiết lập.

 

Ngày hôm nay. Ðứng ngắm nhìn thành phố. Cũng một đoàn xe, nhưng là một đoàn xe hai bánh đang lưu thông trên đường. 99% vượt đèn đỏ!

 

28 năm sau, Việt Nam nói chung và bộ mặt hòn ngọc Viễn Ðông nói riêng có thay da đổi thịt. Nhưng bộ mặt đường phố, bộ mặt xã hội vẫn còn đầy rẫy những xấu xa, tệ hại, bất công, nghèo đói.

 

28 năm sau. Chế độ vẫn thường tự hào đạt mức tăng trưởng cao nhất Á châu. Nhưng trong một bài viết gần đây, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thú nhận Việt Nam vẫn còn là một trong những nước nghèo nhất thế giới, và với đà tăng trưởng này, 60 năm nữa, chúng ta sẽ bắt kịp... Thái Lan, một nước mà chúng ta đã từng sánh vai trước năm 1975.

 

60 năm nữa Thái Lan sẽ không ở đó mà đợi chúng ta, và ngay ngày hôm nay, 28 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn còn loanh quanh bên mấy cái đèn đỏ, mấy con kênh, mấy sô nước mùa khô (để uống) và mấy sô nước mùa mưa (để chống lụt).

 

***

 

Sau khi chiếm được miền Nam, chế độ cộng sản đã lùa dân đi khai mương, khai thông các con rạch đen quánh. Nhiều người lúc ấy dù sợ, dù buồn nhưng vẫn thấy đây là một công việc hữu ích và là một thành công của chế độ. 28 năm sau. Cũng vẫn con kênh ấy, nhưng không phải là một màu xanh như họ thường hứa hẹn mà nó còn ô nhiễm và bẩn thỉu hơn gấp trăm lần khi trước. Hiện nay Sài Gòn có tổng cộng 5 con kinh với chiều dài tổng cộng 76km. Mỗi ngày chúng phải gánh gần 100 tấn rác, cộng thêm với 53.000 tấn đang có sẵn, người ta không biết đến bao giờ thì chúng sẽ ngừng chảy. Hiện nay là mùa khô, có nhiều nơi lòng sông cạn đến đáy, các thuyền bè neo bến đều đậu trên bùn và người ta phải ngày đêm sống chung với những mùi xú uế ngoài sức tưởng tượng. Trong những điều kiện ấy, 43.000 gia đình lấn chiếm giòng chảy, nheo nhóc sống trong những điều kiện vệ sinh vượt mức báo động và ngày ngày vẫn góp phần vào công cuộc ô nhiễm hóa môi trường kinh rạch.

 

Sau 28 năm, người ta không biết đến bao giờ các giòng kinh có được màu xanh như kẻ chiến thắng đã hứa!?

 

***

 

Trong những năm tháng chiến tranh, bộ máy tuyên truyền cộng sản đã không ngừng tố cáo các xấu xa quân đội Mỹ đem đến, đặc biệt là ma túy và mãi dâm. Họ nói chỉ riêng Sài Gòn đã có 200 ngàn gái mãi dâm - và điều này cũng lừa được nhiều người, trong đó có nhiều trí thức. Mãi đến sau này, một nữ cán bộ cao cấp đã thố lộ rằng ngay cả trong chiến tranh bà ta cũng thấy con số này quá lố, vì Sài Gòn lúc ấy chỉ khoảng 1,8 triệu, cho như nữ chỉ chiếm một nửa là 900 ngàn, trừ đi 30% là người già và con nít thì chỉ còn khoảng 600 ngàn. Như thế cứ 3 phụ nữ là có một gái mãi dâm, nghĩa là hầu như gia đình nào cũng có, kể cả gia đình tôi - tức người nữ cán bộ ấy.

 

Con số này ngày nay hầu như không được nhắc tới - có thể vì ngượng - nhưng có thể vì tình trạng mãi dâm bây giờ còn vượt xa cái mức ngày xưa (cái mức thật sự). Theo Ủy Ban Nhân Dân TP-HCM thì hiện nay trên địa bàn thành phố (chỉ) có khoảng 20 ngàn gái mãi dâm (trên tổng số 6 triệu dân quả là quá ít so với tỷ lệ 200 ngàn/1,8 triệu trước 75!!). Nhưng đây là con số kiểm soát được, con số thực thì không ai biết. Mà mãi dâm lại kéo theo ma túy và HIV. Theo thống kê chính thức, Sài Gòn ngày nay có khoảng 25 ngàn con nghiện và 14 ngàn nhiễm HIV. Con số thực được Tổ Chức Y Tế Thế Giới ước lượng nhiều hơn gấp 5 lần. Tỉ lệ nhiễm HIV lây lan qua gái mãi dâm lên đến 26%. Ðây là một con số kinh khủng vì ở Thái Lan, trong những thời điểm nóng nhất của đại dịch HIV thì tỉ lệ này chỉ mới 18%. Phải 60 năm nữa chúng ta sẽ bắt kịp Thái Lan về kinh tế, nhưng về khía cạnh này, dưới sự lãnh đạo anh minh của đảng cộng sản và tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ 28 năm, chúng ta đã qua mặt họ!

 

Trong bài phỏng vấn nhân ngày 30/4/2003, Nguyễn Minh Triết, bí thư thành ủy TP-HCM đã hùng hồn tuyên bố sẽ cơ bản ngăn chặn nạn ma túy mãi dâm. Một điều mà ngay ký giả phỏng vấn cũng thấy khó làm. Cách đây hơn một năm, vào tháng 1/02, lúc con nghiện là 15 ngàn, nhiễm HIV 9.600, ông Triết cũng đã tuyên bố từa tựa như thế.

 

28 năm trước, con số 200 ngàn gái mãi dâm ở Sài Gòn, biết đâu cũng chính ông Triết phịa ra, cũng như ông tiếp tục phịa như ngày hôm nay.

 

***

 

Ngày 30/4 là một mốc lịch sử. Ðối với cộng sản thì cái mốc này màu đỏ, là một ngày phải ăn mừng. Thế cho nên các chiến dịch, các thi đua trong xã hội thường lấy ngày này làm thời điểm kết thúc, đặc biệt là các công trình xây dựng. Tuy nhiên việc này đã tạo ra biết bao phiền hà cho các xí nghiệp, các công nhân và cuối cùng là làm trò cười cho thiên hạ. Số là khi khởi động công trình, người ta thường hay dự tính hoàn tất vào các ngày lễ của chế độ như 3/2, 30/4, 19/5, 2/9... nhưng khi bắt tay vào việc thì không suôn sẻ như dự kiến ban đầu. Chỗ thì đền bù giải tỏa không kịp, chỗ thì vướng dây điện, chỗ thì kẹt ống nước, hoặc các trở ngại kỹ thuật khác làm chậm trễ việc thi công. Trễ thì trễ nhưng bắt buộc phải khánh thành vào các dịp lễ để còn "báo công với Bác" và làm vinh danh cho chế độ ưu việt.... nên mọi chuyện đều phải khẩn trương hoặc ngược lại phải đình trệ nhiều hạng mục khác để cắt băng khánh thành đúng ngày tháng. Hậu quả trước tiên là chất lượng công trình không bảo đảm, thứ nữa là nhiều công đoạn bị xáo trộn đưa đến việc kéo dài thời gian thi công. Tại Sài Gòn có ít ra là 4 công trình lớn đang ở trong tình trạng này.

 

Ở Cầu Ông Lãnh, công nhân hối hả hoàn tất lắp đặt chấn song, trải đá chuẩn bị tưới nhựa đường dẫn lên cầu để thông xe kỹ thuật, thế nhưng dưới dạ cầu vẫn còn bề bộn ngổn ngang đủ loại vật tư, đặc biệt là rác bốc mùi hôi thối khắp khu vực. Ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, công trình được khánh thành ngày cách đây đúng một năm, ngày 30/4/2002. Thế nhưng từ sự cố hầm Văn Thánh bị lún nên công trình lại bỏ dở cho đến nay vẫn chưa hoàn thành. Toàn bộ tuyến đường hầu như bỏ trống không ai quản lý nên rác đầy đường, cát đá vương vãi khắp tuyến. Còn tuyến đường Xuyên Á có nhiều đoạn, ngày 26/4 vừa qua cắt băng khánh thành một đoạn, phần còn lại phải đợi ít ra là đến hết năm. Người dân thắc mắc tại sao không hoàn thành toàn bộ dự án mà phải đợi lễ này lễ nọ để khánh thành rồi sau đó gây biết bao phiền hà. Nhà nước thì bắt buộc phải có hình thức uy nghi vào các dịp lễ trong khi dân người dân chỉ mong một tuyến đường đi lại thuận tiện hơn là các nghi thức rình rang để rồi sau đó các đơn vị lại tiếp tục đủng đỉnh kéo dài thời gian.

 

Cứ đến ngày 30/4 là khánh thành, là ăn mừng để rồi cả năm sau đó phải suốt ngày chịu đựng.

 

***

 

Trong suốt thời gian chiến tranh và cho đến cả sau này, cộng sản vẫn luôn luôn nói đến các loại thuốc khai quang đã tàn phá nghiêm trọng đến rừng Việt Nam. Luận điệu này đã lừa cả thế giới cho cả đến ngày nay. Tuy nhiên có sống trong lòng chế độ, có tiếp xúc với những người làm công tác bảo vệ rừng hoặc qua các thông tin trên báo, đài, người ta mới thấy rõ ràng là tài nguyên rừng ngày nay đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những vụ phá rừng hoặc để khai thác gỗ, hoặc để canh tác và rất nhiều vụ lại cho chính cán bộ kiểm lâm bao che.

Từ Bắc chí Nam, người ta phá rừng ở khắp nơi. Tại Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, một nơi rừng đẹp có tiếng với đủ chủng loại, và cũng là nơi lâm tặc hoành hành dữ dội, cán bộ kiểm lâm chỉ về phía những ngọn đồi trọc và ngậm ngùi: cách đây 5 năm, chúng tôi vào đây lắm khi còn lạc mà bây giờ thì thế đấy.... Tại Buôn Mê Thuột, một quan chức bộ canh nông buổi sáng đi họp băng qua một cánh rừng rậm rạp và rất đẹp, đến chiều về thì cánh rừng trên hoàn toàn biến mất. Hỏi ra mới biết lâm tặc đã dùng cưa máy cưa ngang một loạt cây, sau đó chúng chỉ cần đẩy một số cây là cả khu rừng hàng trăm cây khác sẽ đổ theo. Tại Cà Mau, theo số liệu người Pháp để lại thì năm 1940 có 1 triệu mẫu. Ðến năm 1975, sau bao năm chiến tranh tàn phá, còn lại 600 ngàn mẫu. Năm 1983, 150 ngàn mẫu...

 

Thắng giặc Mỹ rồi, ta sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp hơn xưa. Ðúng thế, chẳng còn bao lâu gần 15 triệu mẫu rừng sẽ chỉ còn lại vài cây vú sữa để hồn Bác còn nhớ đến miền Nam.

 

***

 

Tháng 2/03, Hà Nội điên tiết lên vì vụ hai dân biểu Mỹ đệ trình dự luật HR1019 về tự do thông tin tại Việt Nam. Bộ ngoại giao của nước dân chủ nhất thế giới đã tuyên bố cho đến nay, ở Việt Nam có 486 cơ quan báo chí với trên 600 ấn phẩm. Hằng năm, có trên 550 triệu bản báo được xuất bản. (...) Hiện nay, có trên 80% số hộ nghe được đài Tiếng nói Việt Nam và 70% số hộ xem được chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam (...) Người dân cũng có mọi điều kiện thuận lợi để tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet".

 

Quả thực đúng như thế! Bà Phan Thúy Thanh không nói sai. Tuy nhiên cho dù có 1000 tờ báo và 100% bắt được đài thì có cắt nghĩa được gì khi tất cả đều do đảng kiểm soát. Các quyết định của nhà nước về chính trị đều được đăng tải hoặc tóm tắt nơi trang nhất của các báo, kể cả những báo vô tội vạ như Phụ Nữ, Kiến Thức Phổ Thông, Sinh Viên... Sự thao túng, kiểm soát đến cọng lông cọng tóc này cũng không chừa một ai, kể cả các báo nước ngoài. Vào trung tuần tháng 4/03, Phan Văn Khải đã làm mọi người ngạc nhiên khi tiếp Hòa Thượng Huyền Quang. Báo Le Monde - một tờ báo uy tín của Pháp ngày 19/4 chạy hàng tít: Hà Nội mở lại đối thoại với giáo hội Phật giáo đối kháng. Cái tựa này quả là một điểm tốt về ngoại giao, về nhân quyền. Nhưng cho dù thế, trong bài viết 130 hàng này, cơ quan kiểm duyệt nhà nước cũng đã tận tình lấy bút lông tô đen 43 hàng trên khắp các ấn bản Le Monde nhập vào Việt Nam!

 

Riêng về cái sự tự do sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet thì có ở trong nước mới thấy cái cơ cực khi tìm cách truy cập các tin tức của các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền ở hải ngoại. Bị chặn hết, không còn cách nào để truy cập. Vì thế chúng tôi mong mỏi các bạn ở hải ngoại biết về vi tính, làm sao tìm ra một phương thức để phá thủng bức tường lửa mà nhà nước dân chủ nhất thế giới này đang thiết lập để chúng tôi còn có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

 

28 năm thực thi dân chủ và sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng Internet. Chẳng bao lâu nữa trên đầu mỗi người Việt Nam sẽ được trực tiếp gắn ăng-ten để thâu nhanh 20 đài phát thanh và truyền hình nhà nước. Và về khía cạnh này thì không riêng gì Thái Lan, mà Việt Nam sẽ bỏ xa cả thế giới.

 

***

 

Chiều 29/4/03, bà tổ trưởng đi nhắc nhở treo cờ giữa những cái nhìn của người dân hàm chứa nhiều ẩn ý. Mới cách đây vài hôm, báo chí đã phê phán nhiều ngôi nhà, trong đó có nhiều cơ quan nhà nước treo cờ quá phỉ báng. Chỗ thì treo cờ bạc phếch, màu đỏ đã xuống cấp thành màu vàng nên chẳng còn nhận ra ngôi sao, chỗ thì treo ngược ngôi sao, và phỉ báng nhất là có nơi cờ rách nát, chỉ còn một phần năm của chiều dài.

 

Cảm tình của người dân đối với lá cờ hiện nay như thế nào? khó biết trong một tập thể 80 triệu con người. Nhưng trong quốc hội thì rõ ràng hơn. Trong kỳ họp cuối năm 2002, một đại biểu đã đề nghị mọi người phải hát quốc ca chứ không để nhạc như hiện nay. Cả hội trường lặng đi. Vị đại biểu này bồi thêm: "ai chưa thuộc thì phải tập và phải hát thật nghiêm túc". Ơ! hóa ra là các ông bà đại diện cho nhân dân không biết hát à? Rồi "hội trường lặng đi" là vì sao? Chẳng qua là vì các ông bà phần chẳng thuộc, phần chẳng mấy quan tâm. Ðến như các vị mà không quan tâm đến các biểu tượng của quốc gia thì trách gì thằng dân đi treo lá cờ rách hoặc phai màu.

 

28 năm sau, có lẽ không chỉ riêng lá cờ phai màu.

 

Sài Gòn, 30/4/2003

Phan Kiến Quốc.

 

Thấy gì qua Nghị Quyết Ðại Ðoàn Kết Dân Tộc?

 

Ngày 20/3/2003 vừa qua, Ban chấp hành trung ương đảng CSVN vừa nhóm họp và ban hành Nghị Quyết lần thứ 7 (khóa 9) với nội dung liên quan đến 3 vấn đề - nhưng đúng ra chỉ quanh một vấn đề chính - vấn đề gai góc đang tạo ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của đảng: đại đoàn kết dân tộc.

 

Nghị Quyết nêu lên và phân tích chi tiết 3 vấn đề nổi cộm: đại đoàn kết, vấn đề dân tộc và tôn giáo. Cả 3 vấn đề đang gặp những khó khăn nghiêm trọng mà tựu trung chúng đến từ các nguyên nhân sau:

- bất công lan tràn trong xã hội, tình trạng tham nhũng, hối lộ làm dân chúng chán ngán, xa rời với các guồng máy đảng và nhà nước khiến các chính sách, các vận động không đạt hiệu quả.

- những "diễn biến phức tạp" trong một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đào sâu hố phân cách giàu nghèo giữa thành thị với thôn quê, và ngay cả giữa thành thị với thành thị ngày càng sâu khiến một bộ phận "không nhỏ" trong xã hội xa rời với đảng.Tình trạng khiếu kiện của người dân càng lúc càng nhiều.

- tình hình tại các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và những vùng có đông người "dân tộc" (người thiểu số) chưa thực sự được ổn định. Vấn đề tranh chấp đất đai và tôn giáo vẫn còn là những ngòi nổ âm ỉ.

- khả năng kiểm soát và thao túng các tôn giáo lớn không như ý muốn củaa đảng. Các giáo hội "quốc doanh" và nhân sự được nhào nặn không đủ cân lượng để tạo niềm tin trong giáo dân chứ đừng nói gì đến việc thay thế các giáo hội chính thống. Mặt khác, ngày càng nhiều các vụ khiếu kiện đòi lại đất đai, tài sản của giáo hội bị trưng thu.

- ý thức và khả năng của cán bộ kém, không giải quyết rốt ráo các vấn đề. Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã không giữ được vai trò của mình là vận động, đoàn ngũ hóa người dân đi theo đảng. Công tác dân vận không đạt.

- và sau cùng, các thế lực thù nghịch ngày đêm chống phá công cuộc xây dựng và tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Chúng thường xuyên xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, vận động,... gây tai hại nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng chia rẽ và phá hoại khối đại đoàn kết để gây ly gián, chia rẽ nội bộ đảng, nhà nước và nhân dân.

 

Ðọc suốt bản nghị quyết này thì thấy các diễn biến tiêu cực thì rẫy đầy nhưng các biện pháp xem ra không có gì mới, cũng vẫn toàn những điều cũ rích như: tăng cường và phát huy vị thế lãnh đạo của đảng, tích cực và tham gia xây dựng bảo vệ đảng, đẩy mạnh giáo dục ý thức chính trị, mở rộng dân chủ (làm như Việt Nam đã có dân chủ từ bao đời), xây dựng đội ngũ quản lý, thu hút các tầng lớp thanh niên vào các phong trào ngoại vi do MT quản lý... Các biện pháp này còn mang tính cách mị dân, lừa bịp bằng những con số như đến năm 2010 phải giảm hộ nghèo tại các vùng có người dân tộc xuống dưới 10% trong khi ngay tại TP Hồ Chí Minh là nơi chiếm 1/4 tổng sản lượng của các nước - trên 300 phường xã mới chỉ có 3 được công nhận là không còn hộ nghèo (được gọi là nghèo nếu mức thu nhập dưới 3 triệu đồng/năm, tương đương 200 USD/năm).

 

* * *

 

Nhưng một điều thật khó hiểu khi một nhà nước, một đảng phái được bầu lên với một tỷ lệ 98% cách đây chưa đầy một năm lại lên tiếng báo động thiếu đoàn kết. Vả lại, thiếu đoàn kết thì đã sao? đừng so sánh với các nước Âu Mỹ nhưng hãy thử nhìn chung quanh - từ Thái sang Phi - là hai nước có dân số xấp xỉ Việt Nam, đều là những dân tộc tương đối gần gũi nhau - ở những nước này, trung bình cứ 5, 7 năm là có một biến cố chính trị hoặc một biến động xã hội mà họ đâu có đặt vấn đề ra một cách nghiêm trọng như Việt Nam, một quốc gia tỷ lệ đắc cử hầu như "tuyệt đối". Cả hai nước này đều có những khó khăn về chủng tộc, về tôn giáo, về chính trị, cũng cần sự đoàn kết toàn dân nhưng đâu có đặt nó như một vấn đề sinh tử như đảng ta, một đảng cai trị không hề có một tiếng nói đối lập, một đảng kiểm soát từ cái lông cái tóc người dân. Không lẽ chúng ta cứ mang hậu quả chiến tranh ra để biện minh? Mà nếu biện minh thì tại sao lại biện minh cho sự mất đoàn kết? Trong nghị quyết 10.000 chữ này không hề một lần nhắc đến hậu quả chiến tranh.

 

Vậy thì sự mất đoàn kết nó đến từ đâu và tại sao cả Ban chấp hành trung ương đầy quyền uy phải "nháo nhào" lên như thế? Vì những lý do sau:

 

Người cộng sản đã biết rất rõ và biết từ lâu về suy nghĩ của người dân đối với đảng. Tất cả những gì viết trên báo và phát trên đài đều chỉ phản ảnh không đầy 10% sự thật. Sự thật là người dân, trong đó có rất nhiều đảng viên không đồng tình với chính sách của đảng, nếu không muốn nói là bất mãn. Những "ý đảng lòng dân", "lòng tin sắt đá vào đảng"...đều là những câu nói suông và trống rỗng. Nhưng trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay, không ai còn dũng cảm đứng lên nói những điều mình nghĩ hay nói hộ cho người khác. Một nhà báo đã từng viết "Trong xã hội ta đang tồn tại một hiện tượng: làm ngơ cho đến lúc không thể làm ngơ. Vậy đằng sau sự làm ngơ trước những đau khổ của đồng loại ấy là gì, phải chăng lại là sự thao túng của đồng tiền và sự xuống cấp về đạo lý" (Nhị Ngọc, Pháp Luật 13/1/03). Thái độ mũ ni che tai trước những vấn nạn trong xã hội, của đất nước, trước những đau khổ của tha nhân đã ngự trị trong con người Việt Nam và ngày càng lan rộng trong cộng đồng. Ðối với đảng, sự thờ ơ này đã giúp cho họ tiếp tục ngự trị nhưng đồng thời nó lại tạo ra một sức ì vô cùng to lớn: ngày nay đảng khó có thể vận động người dân tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước. Các phong trào như xây nhà tình thương (cho các bà mẹ cán binh cộng sản), quyên góp, các cuộc mít tinh, hội thảo, các buổi học tập nghị quyết... đều mang nặng tính hình thức và không có một kết quả cụ thể.

 

Gần đây nhất ta có thể thấy qua các cuộc mít tinh phản đối Mỹ đánh Irak. Các trường học, các đoàn thể được các cơ quan chủ quản điều động đến nơi biểu tình gióng kèn đánh trống và hô những khẩu hiệu đã soạn sẵn. Ðể có sắc thái dân tộc, nhà nước còn cho "điều" các thôn nữ trên bản trên làng, những người suốt đời chỉ biết cây ngô cây sắn xuống để biểu dương tình đoàn kết với nhân dân Irak, một nước mà có lẽ chưa đến 10% người đi biểu tình biết nó nằm ở đâu !Tất cả đều diễn ra trong 3 ngày, đến ngày 25 - đúng là ngày cường độ chiến tranh trở nên khốc liệt thì hoàn toàn im ắng. Người ta có cảm tưởng đảng chỉ muốn phản đối đến đấy rồi thôi. Còn người dân thì ì ra đấy, bảo hô là hô, bảo phất là phất. Sự thụ động này là kết quả của bao năm đảng "suy nghĩ hộ" cho dân.

 

Trong tầng lớp trí thức, sự thụ động này mang một hậu quả khá quan trọng. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một người có nhiều công trình về khảo cổ và nghiên cứu về dân tộc học đã viết:"Có xã hội công dân, tức là có quyền làm chủ tư tưởng của mình, có quyền phản bác người khác hay là người trên mình và đặc biệt có một lớp người cấp tiến đại diện và phát ngôn cho tư tưởng của mình. [...] Ở những nước văn minh, tầng lớp trí thức phải đóng được vai trò này. Ở chúng ta thì ai? Sự chọn lọc tự nhiên không có nên phải thay bằng sự chọn lọc nhân tạo, bộ máy đảng và chính quyền kiêm luôn việc định hướng ấy [...] Bởi thế trong nếp nghĩ của số đông chúng ta vẫn có thói quen phó mặc cho họ thay luôn "cái đầu" của mình. Diện mạo trí thức chúng ta hôm nay xét kỹ vẫn chưa khác xa sĩ phu thuở xưa bao nhiêu. [...] Và lý do khiến kẻ sĩ không còn là mình vì thiếu dân chủ. Theo tôi, đã đến lúc cần phải nghiên cứu những cái khác với cái truyền thống được coi là bình thường này. [...] Kẻ sĩ của chúng ta phải có tầm nhìn như vậy" (Nguyễn Huệ Chi, Công Ðoàn, Ðặc San Xuân Quý Mùi 2003).

 

Sự thụ động này ăn sâu vào suy nghĩ và hành động con người, nó dần dẫn đến tình trạng ý thức công dân suy đồi. Và đây là một vấn đề vô cùng trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Bao lâu người ta còn bình tâm vứt một con chuột chết ra đường hoặc tọng nguyên một bao đựng ống hút plastic - là một chất không tự hủy - xuống cống thì ngày đó vẫn còn cảnh đường xá nhếch nhác, cống rãnh ứ đọng. Bao lâu người ta còn ngang nhiên chiếm lòng lề đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều thì đừng nói đến "nếp sống văn minh của người Sài Gòn" như dự thảo của Hội Ðồng Nhân Dân TPHCM cho năm 2003. Bao lâu người ta còn nhẫn tâm đốn hàng trăm hecta rừng gỗ quý thì ngày đó còn phải sống chung với lũ lụt cùng các mất mát về sinh thái, môi trường. Bao lâu người ta còn bỏ túi 30% tiền đầu tư vào xây dựng cơ bản thì ngày ấy vẫn còn cảnh công trình kém chất lượng và ngân quỹ thất thoát trầm trọng. Tất cả những thứ mất mát ấy không thể chỉ tính ra bằng tiền mà còn là một sự thụt lùi hàng chục năm so với các nước trong vùng. Tất cả những thứ ấy đều do ý thức công dân quá kém, hậu quả của hàng chục năm sống với thành tích ảo, với sự bao che, dung túng, nói tóm lại với một sự giả dối, lừa bịp.

 

Riêng về khía cạnh tôn giáo được nêu lên trong bàn nghị quyết này đã cho thấy đây là một vấn nạn không nhỏ. Ðảng đã nhào nặn ra hai giáo hội Phật giáo và Tin Lành, một Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo, và cứ vài năm lại tổ chức linh đình các Hội nghị cho các giáo hội trên, cắm đủ thứ ăng-ten vào các chùa, các nhà thờ, khuyến khích nhiều tu sĩ vào Mặt Trận Tổ Quốc, cho xây nhà thờ, chùa chiền đồ sộ... Tất cả những áp lực và vuốt ve đó cũng chưa làm cho đảng an tâm và hầu như nó có tác dụng ngược. Càng buông lỏng, các tín hữu lại trở về với các giá trị, với giáo hội, với giáo lý truyền thống và xa rời với các tổ chức có bàn tay ảnh hưởng nhà nước. Ðức Cha Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Gòn trong lá thư ngày 15/12/2002 đã viết: "Phát huy tinh thần liên đới trong cộng đồng dân tộc. Tình liên đới chỉ được xây dựng và phát huy vững bền trên nền tảng tôn trọng con người và các quyền của họ, tôn trọng sự tự lập chính đáng và quyền tự quyết của mọi tổ chức công dân, tôn trọng các giá trị đạo đức trong truyền thống văn hóa. Tình liên đới đòi hỏi phải nhìn xa hơn bản thân của tổ chức, của phe phái để phục vụ cho sự phát triển vững bền, cho sự thăng tiến lâu dài của con người, gia đình và xã hội". Giáo hội truyền thống không chấp nhận một sự đoàn kết kiểu quốc doanh.

 

Tất cả những "diễn biến tiêu cực" này đảng đều biết và biết từ rất lâu nhưng tại sao bây giờ mới lên tiếng báo

động? Có nhiều nguyên nhân.

 

Trước tiên niềm tin vào đảng đang suy sụp trầm trọng - đặc biệt qua các sự kiện gần đây: vụ cháy ITC, vụ xét xử Năm Cam, cộng thêm với nạn tham nhũng nở rộ lên như nấm sau mưa, càng làm gắt càng thấy nhiều và phức tạp vì cơ chế chồng chéo. Vụ Irak gần đây cũng cho thấy khả năng vận động và kết quả quá ư khiêm tốn càng làm lộ rõ sự mất tin tưởng hay đúng ra chỉ tin tưởng trên báo chí và khẩu hiệu.

 

Tất cả những phức tạp trong xã hội hiện nay muốn giải quyết rốt ráo cần phải có sự đồng tình tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân cũng như sự thi hành nghiêm chỉnh, trong sáng của cán bộ. Hai việc này to lớn còn hơn lấp bể vá trời, nhưng có lẽ theo đảng, việc thứ nhất xem ra dễ làm hơn. Vả lại có thất bại thì có lẽ cũng chẳng ai biết, vì bản thân bản nghị quyết 7, ngay cả đảng viên cũng còn chưa biết nữa là...

 

Một lý do khác, sự đấu tranh bền bỉ của các thành phần đối kháng trong nước, dù nhỏ nhoi, khiêm tốn nhưng cũng có một hiệu quả nào đó trong nhân dân và gặt hái được sự ủng hộ của nhiều đoàn thể, chính giới ngoại quốc. Song song, nỗ lực của đồng bào hải ngoại và các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền không ngừng nghỉ từ bao năm qua cũng đã góp phần không nhỏ vào suy nghĩ của đồng bào trong nước cũng như tạo một áp lực thường xuyên lên nhà cầm quyền. Trong bản nghị quyết trên, các "thế lực thù địch" đã được nhắc đi nhắc lại 15 lần.

 

***

 

Ðối với những quốc gia còn đang gặp nhiều khó khăn, đại đoàn kết dân tộc là điều kiện cần thiết. Ðối với đảng CSVN, có lẽ nó là vấn đề sinh tử, nhưng chắc chắn rằng nghị quyết này cũng sẽ rơi vào quên lãng vì chẳng ai để ý đến nó và nhất nữa, dân tộc lúc nào cũng đoàn kết nhưng chỉ có điều đây là thứ đoàn kết không như ý đảng muốn.

 

Sài Gòn, 25/3/2003

Phan Kiến Quốc

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét