Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư rất lớn vào các chương trình mục tiêu về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà ông cha ta đã tạo dựng suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì mà vẫn còn đó những bất cập rất đau lòng bởi những giá trị văn hóa đó đang bị bỏ vùi thành phế tích bị lãng quên.
Phần còn lại của di tích Ngọa Vân. |
Điển hình là những lăng mộ các vị Vua Trần bị bỏ hoang phế trong rừng xanh núi thẳm trên đất Yên Tử qua loạt bài của nhà báo Phạm Ngọc Dương đăng tải trên Báo điện tử VTC News. Loạt bài đã gây bức xúc dư luận những ngày qua.
Thời đại nhà Trần trong lịch sử dựng nước và giữ nước thật huy hoàng và đáng tự hào biết bao. Các vị minh quân (nguyên thủ quốc gia) đó đã để lại bao tiếng thơm cho con dân người Việt về một triều đại hiển hách lẫy lừng, với những chiến thắng mang tầm thời đại, không những đi vào lịch sử dân tộc mà lịch sử thế giới cũng phải công nhận và nghiêng mình kính nể.
Vậy, chúng ta đã đúng chưa khi để những lăng mộ của các vị ấy trở thành những phế tích bị quên lãng? Và tôi tin rằng nếu không có biện pháp bảo vệ tôn tạo khẩn cấp thì tất cả sẽ chẳng còn gì trong một ngày không xa.
Con đập này đã xóa sổ lăng mộ Trần Minh Tông và nhấn chìm lăng mộ Trần Anh Tông. |
Tôi đã có một thời gian hơn 10 năm làm cán bộ của ngành văn hóa một tỉnh ở địa phương, cũng đã tham gia thực hiện một số dự án khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc, trong đó bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Những công trình mà chúng tôi đã thực hiện không thể so sánh với các lăng mộ đã và đang bị bỏ hoang kia cả về giá trị văn hóa lẫn giá trị lịch sử và cả giá trị tâm linh của người Việt.
Hôm nay, khi nhìn vào những phế tích lăng mộ các vua Trần đang bị quên lãng, thực sự tôi cũng như bao độc giả thấy quá đau lòng, quá bất công thay cho các đấng minh quân trong lịch sử của dân tộc. Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Thiết nghĩ, trước tiên thuộc về ngành văn hóa của Trung ương và địa phương là tỉnh Quảng Ninh.
Tượng đá ở lăng Trần Hiến Tông bị đập vỡ sạch sẽ. |
Quảng Ninh là một tỉnh có thế mạnh về phát triển du lịch, số tiền đổ vào việc quy hoạch, xây dựng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các công trình văn hóa nhằm tạo nguồn lực phát triển kinh tế du lịch là con số không nhỏ.
Nhưng Quảng Ninh đã làm gì khi mà giờ đây những công trình lăng mộ của các bậc đế vương kia vẫn đang là những đống hoang phế lăn lóc trong thâm sơn cùng cốc?
Thậm chí, không hiểu là vô tình hay cố ý với các di tích mang nhiều ý nghĩa kia, chính quyền địa phương lại cho phép đắp đập xây hồ vùi lấp luôn các phế tích xuống lòng hồ một cách không thương tiếc?
Tôi còn nhớ vào năm 2010, ở quận Hà Đông, Hà Nội, đã có trường hợp những kẻ đi đổ trộm phế thải lấp mồ mả ngoài nghĩa trang, khiến sự bức xúc của người dân ở đó lên đến đỉnh điểm.
Lăng mộ Trần Nghệ Tông chỉ còn lại thế này đây. |
Cơ quan chức năng đã điều tra xử lý những kẻ đổ trộm phế thải và trừng phạt thích đáng theo pháp luật. Vậy, ở đây người ta đã vùi lấp, phá hoại lăng mộ của bậc đế vương thì liệu có phạm vào tội “khi quân” không?
Văn hóa tâm linh và bản chất tốt đẹp của người Việt Nam là luôn tôn trọng mồ mả tổ tiên. Ai cũng mong muốn tổ tiên ông cha mình sau khi khuất núi sẽ được mồ yên mả đẹp. Nếu ai không thực hiện được ước nguyện ấy sẽ cảm thấy lương tâm cắn dứt với ý nghĩ chưa làm tròn bổ phận hiếu nghĩa với cha ông, tổ tiên mình.
Cảnh lăng mộ các Vua Trần tan nát hiện nay khiến rất nhiều con dân người Việt cảm thấy chạnh lòng xót xa...
Lăng mộ Trần Dụ Tông được người dân đắp lại bằng đất. |
Có câu nói nổi tiếng rằng: “Nếu chúng ta sống trong thời đại mà không tôn trọng những giá trị của quá khứ thì sẽ có tội với tương lai”. Nhìn vào những lăng mộ này, tôi thấy tội của chúng ta với tương lai là rất lớn.
Sau 10 năm, 20 năm... hàng trăm năm sau nữa, thế hệ con cháu chúng ta sẽ nghĩ gì về việc cha ông của họ đã đánh mất đi những lăng mộ, những công trình văn hóa lịch sử của những đấng minh quân kia một cách vô trách nhiệm?
Những người có trách nhiệm với xã hội hiện rất bức xúc bởi thế hệ trẻ của Việt Nam kém hiểu biết về lịch sử nước nhà. Nguyên nhân do đâu? Chẳng phải đâu xa, tôi nghĩ đây là một trong những nguyên nhân khiến thế hệ trẻ mù tịt lịch sử nước nhà. Vì lăng mộ vua của nước nhà còn bị chúng ta bỏ quên thành phế tích trơ trọi trong đại ngàn thì làm sao các em học sinh biết được lịch sử?
Chùa Hồ Thiên chỉ còn lại dấu vết nền móng. |
Nếu so sánh giá trị những công trình (phế tích) lăng mộ các Vua Trần với các công trình mà chúng ta đã và đang cố công bỏ tiền của công sức của nhân dân vào bảo tồn tôn tạo thì e rằng nhiều công trình kia có đáng được đầu tư để rồi xếp những lăng mộ các Vua Trần vào quên lãng?
Phải chăng, chúng ta chỉ đầu tư vào những công trình văn hóa lịch sử đem lại lợi nhuận, còn không có lợi nhuận thì để mặc cho thời gian và đạo chích phá hoại!
Mong sao các cơ quan chức năng có cái nhìn công bằng hơn với lịch sử và có những hành động cụ thể để cứu vãn những phế tích lăng mộ vua Trần như những gì Báo điện tử VTC News đã nêu, đem lại niềm an ủi cho con dân đất Việt và tạ tội trước các đấng minh quân, một triều đại huy hoàng của dân tộc ta.
Phạm Công Hoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét