(VTC News) - Sức nóng của chủ đề biển Đông đang sôi sục trên khắp các mặt báo và diễn đàn đã thể hiện lòng yêu nước và quan tâm đến vận mệnh dân tộc của đông đảo người dân Việt Nam. Cùng với đó, hàng loạt các chủ đề nóng đã xuất hiện, như những ý kiến đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, đa phương hóa, quốc tế hóa; và quan trọng nhất là thể hiện lòng yêu nước theo cách nào để không bị nước ngoài lợi dụng cho những luận điệu cáo buộc bất lợi cho ta.
Tin liên quan |
» Đường lưỡi bò và những lý lẽ kiểu "chỉ có ở Trung Quốc" |
Xung quanh chủ đề này, VTC News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, chuyên gia về nghiên cứu biển Đông ĐHQGHN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, hiện đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
Đừng để mắc bẫy trong "phép thử" của Trung Quốc
- Thưa ông, trước nay, Việt Nam luôn bày tỏ thái độ nhất quán và cương quyết với các vấn đề chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, phản ứng lần này của ta trước động thái mới nhất của phía Trung Quốc dường như có phần cứng rắn hơn. Ông đánh giá thế nào về nhận xét này?
- Nói đúng hơn, đây giống như một cuộc phát động xâm lược - xâm lược ở đây không phải là chiến tranh, mà mang nhiều ý nghĩa, với nhiều giai đoạn, mà vụ tàu Bình Minh 02 chính là một "phép thử". Nếu ta không phản ứng cương quyết, họ sẽ tiếp tục lấn tới, và càng lúc càng phức tạp hơn.
"Cả Việt Nam là một tàu sân bay lớn" - PGS. TS Nguyễn Hồng Thao (Ảnh: Thành Lương) |
- Tuy nhiên, theo quan sát, Trung Quốc đã tỏ ra khôn ngoan trong "phép thử" này, khi cố gắng bẻ lái dư luận bằng cách đưa ra những cáo buộc ngược về phía ta. Không những thế, họ cũng sử dụng báo chí một cách đắc sách khi giữ nguồn tin ngoại giao trên mặt báo và đẩy những luận điệu gây hấn sang các diễn đàn, trong khi "diễn đàn" lại chiếm vị trí trang trọng trên mục quân sự các báo, với sự góp mặt của nhiều chuyên gia.
Theo ông, báo chí Việt Nam phải làm sao để vừa hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền, vừa không bị lợi dụng cho những cáo buộc "gây hấn" của Trung Quốc?
- Đó đúng là một kinh nghiệm mà Trung Quốc đã rút ra được. Chính vì vậy, báo chí chúng ta nêu cao tinh thần dân tộc, nhưng nếu có những bài viết quá sa đà, nặng nề, chính là đang "mắc bẫy" họ.
Về cơ bản, thực chất, chúng ta lên tiếng về những gì thuộc về chính nghĩa của mình. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là chấm dứt đàm phán, chấm dứt quan hệ, hô hào "bài trừ, cắt đứt" hết, như một số người quá khích.
Tinh thần lên cao, nhưng phải đi kèm với sự tỉnh táo, nhìn vào toàn cục, hết sức tránh những việc có thể tạo cớ cho họ tiếp tục gây hấn với ta.
Kiện chưa hẳn là giải pháp
- Nói về việc giải quyết, hiện nay trong dư luận đang nhắc nhiều đến vấn đề đưa vụ việc ở biển Đông ra Tòa án Quốc tế. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?
- Trước hết, nếu muốn kiện lên Tòa án Quốc tế thì phải đúng quy trình, thủ tục. Thẩm quyền xét xử của Tòa án Quốc tế theo quy định được xác lập trên cơ sở đồng thuận của các bên tranh chấp. Như vậy, nếu phía Trung Quốc không đồng ý thì Tòa án cũng không đủ cơ sở để xác lập quyền tài phán.
"Tất nhiên, tòa sẽ không đời nào chấp thuận đường lưỡi bò của Trung Quốc, nhưng cũng chưa chắc đã có một kết quả hoàn toàn theo mong đợi của ta." |
Mặt khác, ngay cả khi Trung Quốc đồng thuận, thì tranh chấp này, về bản chất xét cho cùng là tranh chấp chủ quyền trên 2 quần đảo. Trong khi đó, tất cả những người nghiên cứu luật quốc tế đều biết rằng quy chế các đảo trong Công ước Luật biển 1982 cũng như các nguồn khác của luật biển đều chưa thực sự rõ ràng và phụ thuộc rất nhiều vào cách giải thích của các bên. Ngay cả bản thân mỗi khái niệm, định nghĩa trong Công ước vẫn tiếp tục là những vấn đề gây tranh cãi.
Cho nên, về mặt pháp lý, ta có ưu thế rõ ràng, nhưng không có nghĩa là chắc chắn chiến thắng trước tòa. Theo án lệ từ trước đến nay, tòa thường có xu hướng xử "phân đôi", hai bên cùng có lợi và cùng chịu thiệt. Nhưng chủ quyền quốc gia có thể thỏa thuận theo hướng đó được không? Người dân Việt Nam có chấp thuận mất dù chỉ một phần chủ quyền thiêng liêng và toàn vẹn không?
Cho nên, mấy ngày nay, nhiều người đề cập đến vấn đề "kiện". Tất nhiên, điều đó thể hiện lòng yêu nước đáng quý. Tuy nhiên, vô hình trung, lại định hướng cho người dân: Đã chắc chắn như vậy, vì sao chính phủ chưa làm ngay? Có phải là quá nhu nhược?
Sự thật thì, chúng ta phải cân nhắc tất cả các yếu tố, tình huống.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga: "Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp." |
- Một trong những thành công lớn của ngoại giao Việt Nam những năm gần đây là hoàn tất đàm phán và phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc, cũng sau nhiều năm kiên trì đàm phán. Theo kinh nghiệm của ông qua nhiều năm làm công tác biên giới, đàm phán trên biển có những thuận lợi và khó khăn gì so với đàm phán trên đất liền? Triển vọng và lộ trình?
- Thực ra, đàm phán trên biển, nếu thực sự thiện chí, có khá nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, đàm phán trên đất liền liên quan trực tiếp đến lợi ích cục bộ của người dân: nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả..., cho nên nếu có bất kỳ vấn đề nào, phản ứng sẽ mạnh hơn rất nhiều. Sở dĩ hiện nay có thể phản ứng mạnh trên biển, cũng là vì đã hoàn thành trên đất liền; còn trước đây, biên giới trên đất liền vẫn là ưu tiên số 1.
Thứ hai, trên đất liền phải có cắm mốc, phân giới, với đầu tư rất lớn về kĩ thuật, nhân lực, vật lực... Còn đàm phán trên biển, nếu thực sự thiện chí, thì chỉ cần vài tấm bản đồ, thước kẻ, cứ theo tọa độ vạch ra. Ví như đàm phán Vịnh Bắc Bộ, khi đã đạt được thiện chí và nhận thức chung, thì chỉ từ năm 1996 đến năm 2000 là hoàn thành, trong khi biên giới trên bộ, chỉ tính riêng giai đoạn đàm phán thực chất, thì cũng kéo dài từ 1991 đến tận năm vừa rồi.
Cho nên, đối với đàm phán trên biển, quan trọng nhất vẫn là thiện chí của các bên. Tuy nhiên, đạt được thiện chí từ tất cả các bên lại chính là yếu tố nan giải nhất. (cười)
Đa phương và quốc tế hóa phải nhìn từ 2 mặt
- Thế còn một mối quan tâm khác của dư luận, vấn đề song phương và đa phương?
- Thực chất ở đây ít nhiều có sự hiểu lầm, do định hướng chưa chính xác của một số báo. Chúng ta phải tranh thủ tất cả các diễn đàn. Về thỏa thuận nguyên tắc, quan điểm của ta hết sức rõ ràng: những vấn đề nào là song phương thì phải giải quyết song phương, vấn đề nào là đa phương thì phải giải quyết đa phương. Phía Trung Quốc thì muốn tất cả đều phải giải quyết song phương, nên đến giờ vẫn còn tranh cãi ở điểm đó.
Việt Nam đã thực sự thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN 2010 |
Thực sự, vấn đề này phải được giải quyết tổng thể, và không gì hơn là phải đàm phán. Kinh nghiệm lịch sử từ xưa đến nay, thậm chí qua các cuộc chiến tranh trên thế giới, cuối cùng tất cả cũng phải quay lại bàn đàm phán. Như vậy, không có lý do gì lại cắt đi một chiếc cầu của chính mình.
Tất nhiên, về lý thuyết, thế giới là bình đẳng, nhưng trên thực tế, các nước lớn luôn dùng nhiều loại sức ép, cả chính trị, kinh tế và quân sự để áp đặt ý đồ của mình lên các nước nhỏ. Trong bối cảnh đó, giải pháp tối ưu là phải xác định được thế mạnh của bản thân mình. Với trường hợp của ta, cần phải đẩy mạnh mặt trận ngoại giao - pháp lý, làm cho cả dân ta, dân họ và cả cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ.
- Qua thành công rực rỡ của Năm Chủ tịch ASEAN 2010, đặc biệt qua việc vấn đề biển Đông được đưa ra diễn đàn ARF hồi tháng 7, người ta cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề "quốc tế hóa" và "ASEAN hóa"?
- Ngay hồi tháng 7 năm ngoái, tôi đã có bài phân tích với chủ đề: Vấn đề biển Đông không cần "quốc tế hóa", bởi bản thân nó đã là một vấn đề quốc tế. Khi lạm dụng thuật ngữ "quốc tế hóa", tức là chúng ta đang tạo cơ hội cho Trung Quốc cáo buộc mình phức tạp hóa vấn đề, trong khi chính Trung Quốc mới là bên thường xuyên gây phức tạp.
Hơn nữa, cần nhìn nhận từ cả 2 mặt của vấn đề. Bản thân Trung Quốc cũng phải đứng trước một bài toán không hề đơn giản. Một mặt, họ phải khẳng định sự hiện diện ở đây, đẩy bớt sự có mặt của Mỹ, làm cho các nước trong khu vực ngả theo họ. Nhưng nếu làm quá, rất có thể Mỹ sẽ là bên được lợi. Thứ nhất, quan hệ giữa 2 nước xã hội chủ nghĩa, cho dù không hoàn toàn cùng ý thức hệ. Thứ hai, Mỹ có cớ để nhảy vào, trong khi hiện tại vẫn đang loay hoay tìm cớ. Thứ ba, Mỹ được lợi từ việc bán vũ khí và phát động chạy đua vũ trang.
Nếu tiếp tục gây hấn, Bắc Kinh sẽ tự mình phá hủy hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" mà họ đã dày công xây dựng |
Chưa kể, nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ có thể dựng lại "hàng rào chúa đảo" bao vây Trung Quốc, chặn đường xuất khẩu hàng hóa. Và thiệt hại lớn nhất đối với Trung Quốc chính là tổn hại đến hình ảnh một Trung Quốc "trỗi dậy hòa bình" mà họ mất rất nhiều công xây dựng lâu nay. Khi niềm tin của quốc tế đã mất đi thì khó mà xây dựng lại được.
Hơn nữa, khi bên ngoài có biến thì các vấn đề nội tại trong lòng Trung Quốc cũng sẽ được dịp bùng lên. Cho nên, nếu chỉ nhìn về mặt quân sự, thì dường như việc xuất quân của Trung Quốc là hết sức dễ dàng, nhưng đánh thì dễ, giữ mới là nan giải. Trung Quốc càng hung hăng, Mỹ càng có cơ hội.
Đừng cho rằng việc Mỹ nhảy vào Đông Nam Á sẽ đem lại toàn thuận lợi; càng không nên suy nghĩ đơn giản về "quốc tế hóa". Với sự thực dụng của Mỹ, nếu Trung Quốc chịu nhượng bộ một số quyền lợi trên biển, Mỹ không dại gì tham chiến. Mặt khác, trong quan hệ quốc tế luôn cần có một "điểm nóng". Afghanistan đã tạm xong, Trung Đông đã gần tàn cuộc, lực lượng Mỹ hay liên quân Mỹ dưới cái ô của Liên Hợp Quốc đang tìm điểm đáp mới, và sẽ chẳng hay gì nếu điểm đáp mới đó là biển Đông.
Vấn đề của Việt Nam phải do Việt Nam tự mình giải quyết!
Cả Việt Nam là một tàu sân bay lớn
- Còn việc Trung Quốc tăng cường vũ khí quân sự, liên tục phát triển hệ thống tàu chiến, tàu ngầm và cả tàu sân bay?
Vũ khí áp đảo chưa chắc giúp nước lớn giành chiến thắng |
- Ở thời kỳ hiện đại, một nước lớn chưa chắc đã thắng được một nước nhỏ, nếu nước nhỏ đó nắm được công nghệ. Hãy thử nhìn một mình Israel đối đầu với cả thế giới Ả Rập. Khi xưa, trong chiến tranh Anh - Argentina 1982, tàu chiến hiện đại nhất của Anh bấy giờ cũng đã bị 2 tên lửa Argentina đánh hỏng.
Cả Việt Nam đã là một tàu sân bay lớn, không có gì đáng ngại. Quan trọng nhất, vẫn là xác định được thế mạnh của mình và huy động được sức mạnh toàn diện, đồng thời có những chiến lược hợp lý, hợp thời nhất.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn!
Đông Linh (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét