(Dân trí) - Khi xem thống kê về hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành ngoại ngữ tiếng Pháp - tiếng Nga của nhiều trường đại học trên cả nước, nhiều người không khỏi giật mình vì số lượng hồ sơ quá ít, thậm chí có trường không tuyển đủ chỉ tiêu.
Tỷ lệ "chọi" 1/0,33
ĐH Huế vừa công bố tỷ lệ "chọi" vào các ngành, giật mình vì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ngành song ngữ Nga - Anh và ngành Sư phạm (SP) tiếng Pháp chỉ có 10 thí sinh nộp hồ sơ trong đó chỉ tiêu là 30. Như vậy, tỷ lệ "chọi" là 1/0,33. Ngành ngôn ngữ Pháp của ĐH Huế có 56 hồ sơ ĐKDT mà chỉ tiêu đã là 40. Trong khi đó ngành SP tiếng Anh, tỷ lệ "chọi" là 1/3,3. Tiếng Trung là 1/1,89.
Tương tự, ở ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội nơi có bề dày thành tích về đào tạo ngoại ngữ, ngành SP tiếng Nga chỉ có 23 thí sinh dự thi. Ngành tiếng Nga phiên dịch có vẻ khả quan hơn với 104 thí sinh dự thi trên tổng số 70 chỉ tiêu. Ngành SP tiếng Pháp so với tiếng Nga nhỉnh hơn 1 chút được 76 thí sinh đăng ký dự thi. Trong khi đó ngành SP tiếng Anh có tới 774 thí sinh ĐKDT.
Trường ĐH SP TPHCM cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngành SP song ngữ Nga - Anh chỉ nhận được 24 hồ sơ, trong khi đó chỉ tiêu là 40. Ngành SP tiếng Pháp cũng không kém, trường nhận được 37 hồ sơ.
Với các ngành ngôn ngữ và phiên dịch của ĐH SP TPHCM cũng bị thí sinh "chê". Ngành ngôn ngữ Nga - Anh chỉ nhận được 8 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 50. Ngành ngôn ngữ Pháp, trường cũng chỉ nhận được 54 hồ sơ trên tổng số 50 chỉ tiêu.
Hai ngành ngôn ngữ tiếng Nhật và tiếng Trung tưởng được chuộng hiện nay cũng "ảm đạm" không kém. Ngành ngôn ngữ tiếng Trung trường tuyển 110 chỉ tiêu nhưng nhận được có 93 hồ sơ. Tiếng Nhật biên dịch 100 chỉ tiêu/108 hồ sơ.
Tại ĐH Cần Thơ, ngành tiếng Pháp chỉ nhận được 29 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển là 35. Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, ngành SP tiếng Pháp chỉ nhận được 11 hồ sơ, trong đó chỉ tiêu là 35 và ngành cử nhân tiếng Nga nhận được 37 hồ sơ/35 chỉ tiêu.
Giáo viên người Nga tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh 2011 tại Hà Nội.
Không bao giờ "thất thế"Về nguyên nhân tại sao thí sinh lại "chê" ngành tiếng Nga và tiếng Pháp như vậy, một lãnh đạo trường ĐH phía Nam cho rằng: "Ngoại ngữ tiếng Nga và Pháp khó tuyển là do cơ hội việc làm ít, không tìm được công việc phù hợp. Một số năm trở lại đây, nhiều trường đại học đã phải đóng cửa 2 ngành học này do không tuyển đủ chỉ tiêu".
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Thí sinh ĐKDT ít vào ngành tiếng Nga là do thiếu nguồn tuyển vì các trường THPT hiện nay ít trường còn dạy tiếng Nga, tiếng Pháp. Mặt khác, hiện nay cũng ít doanh nghiệp sử dụng 2 ngôn ngữ này thường là sử dụng bằng tiếng Anh để giao tiếp".
Tuy nhiên, ông Minh rất lạc quan cho hay: "Năm 2009, với ngành tiếng Nga trường cũng không tuyển đủ chỉ tiêu chỉ có 57 hồ sơ/70 chỉ tiêu. Nhưng đến năm 2010 thì trường tuyển được 88 thí sinh/70 chỉ tiêu. Năm nay khả dĩ hơn, trường nhận được 127 hồ sơ/70 chỉ tiêu cả ngành SP tiếng Nga và ngôn ngữ tiếng Nga. Điểm chuẩn vào trường lấy theo điểm sàn của ĐH Quốc gia Hà Nội nên năm nào cũng cao từ 24 điểm trở lên.
Mặc dù không được thí sinh ưa chuộng nhiều nhưng ngành tiếng Nga và tiếng Pháp không bao giờ bị "xóa sổ" như nhiều người nghĩ vì xã hội lúc nào cũng cần và trường luôn đào tạo để đáp ứng yêu cầu của xã hội" - ông Minh khẳng định.
Trường ĐH Hà Nội có bề dày về đào tạo ngoại ngữ, so với các trường trên thì số lượng thí sinh dự thi vào 2 ngành tiếng Nga và tiếng Pháp khả dĩ hơn, tỷ lệ "chọi" là 1 /2. Nhưng trong 269 hồ sơ nộp vào ngành tiếng Nga thì chỉ có 48 thí sinh dự thi bằng tiếng Nga, còn lại là dự thi bằng tiếng Anh.
Nhận định về triển vọng của 2 ngôn ngữ này, ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội cho hay: "Tôi không lo số lượng thí sinh dự thi ít vào ngành tiếng Nga và tiếng Pháp vì đó là 2 nước lớn mà có quan hệ tốt với Việt Nam nên nhu cầu sử dụng nhân lực là rất thiếu, sinh viên không nên lo sợ ra trường bị thất nghiệp".
Hồng Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét