Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm.
>Mức độ gây hấn của TQ tăng lên
Dưới đây là bài phân tích của nhóm tác giả Lê Vĩnh Trương, Nguyễn Đức Hùng, Dư Văn Toán, Nguyễn Trọng Bình, Phạm Thu Xuân (Quỹ Nghiên cứu biển Đông), trước hành động Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, cắt cáp địa chấn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam ngày 26/5.
Trong suốt những năm qua, các tàu ngư chính của Trung Quốc đã liên tục bắt giữ, đánh đập và đòi tiền chuộc đối với ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng với sự kiện ngày 26/5, Trung Quốc đã leo thang từ bắt giữ tàu thuyền ngư nghiệp của Việt Nam tại các vùng nước xa bờ đến tấn công tàu khảo sát địa chấn trong chính vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Vào ngày 26/5, Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công tàu Bình Minh 02 của Việt Nam ngay tại vùng biển của Việt Nam (12 độ 48'25" vĩ bắc, 111 độ 26'48" kinh đông), trong vòng 200 hải lý kể từ đường cơ sở, tức hoàn toàn không dính dáng gì đến các tranh chấp ngoài xa hơn là Hoàng Sa và Trường Sa.
Sự kiện này diễn ra ngay sau chuyến thăm các nước Singapore, Indonesia và Philippines (từ 15/5) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Trước đó, ngay trước chuyến thăm Mỹ của Tham mưu trưởng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức (16/5), Trung Quốc cũng đã đơn phương ban bố lệnh cấm đánh bắt cá trong biển Đông có hiệu lực từ ngày 16/5 đến ngày 1/8/2011, trên vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền…
Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà chính phủ Trung Quốc đã cùng ký kết và cam kết tại các hội nghị từ trước đến nay, bất chấp văn minh ứng xử của cộng đồng các quốc gia văn hiến, cho thấy một số tín hiệu phát đi của giới làm chính sách Trung Quốc.
Vị trí tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp địa chấn. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Thứ nhất, giới quân đội có tinh thần dân tộc cực đoan Trung Quốc đang cố chứng tỏ với ASEAN và cộng đồng thế giới rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng phủ nhận các văn bản mà chính mình đã ký kết và kiên trì cách tiến xuống vùng biển Đông bằng chính sách vừa lấn vừa đàm. Những sự kiện nêu trên cho thấy các văn bản ký kết với các nước ASEAN có ít giá trị ràng buộc.
Chính sách tàm thực (tằm ăn dâu), vừa lấn vừa đàm, tuyên bố trước, hù dọa kèm và giành giật sau, đã được Trung Quốc thực hiện lâu dài từ nhiều năm. Từ giai đoạn sử liệu Trung Quốc nhìn nhận cực nam Trung Quốc là đảo Hải Nam cho đến lúc tuyên bố mập mờ cả vùng chữ U là "lợi ích cốt lõi", Trung Quốc đã tiến xa, tiến sâu ngay trước sự chứng kiến của ASEAN và thế giới.
Thứ hai, Trung Quốc đang tiến đến cô lập và uy hiếp Việt Nam hơn nữa sau chuyến thăm Mỹ và ASEAN của giới quân sự nước này, bất chấp những động thái ôn hòa hơn của giới ngoại giao; đồng thời phát một tín hiệu đến Việt Nam và các nước ASEAN khác rằng họ đang tìm cách vừa làm thân với Mỹ và các cường quốc có lợi ích quốc gia về hàng hải tại khu vực, vừa cách ly Việt Nam với các quốc gia ASEAN. Thậm chí thái độ này của Trung Quốc còn là một nước cờ nhằm làm cho ASEAN bán tín bán nghi liệu họ đã thỏa thuận được với Mỹ và cho Việt Nam phỏng đoán liệu Trung Quốc đang mặc cả với Singapore, Philippines và Indonesia và cả Mỹ trên lưng Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc đang làm phép thử đối với đường chữ U (đường lưỡi bò). Nếu gặp phải sự phản ứng kiên quyết của Việt Nam và của ASEAN thì họ sẽ tính toán khác. Nếu Việt Nam im lặng và ASEAN giữ thái độ đứng ngoài, Trung Quốc sẽ đương nhiên ghi điểm và sự việc ngày 26/5 sẽ có thể được tô vẽ thành một sự kiện bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc như sự kiện Lý Chuẩn ra Hoàng Sa năm 1909 và sự kiện Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.
Thứ tư, Trung Quốc đang chuyển hướng lưu ý của dư luận ra bên ngoài nhằm hạ nhiệt dư luận đối với các khó khăn xã hội trong nước. Các cuộc đình công của giới xe tải tại Thượng Hải vào cuối tháng 4/2010 và các cuộc đánh bom tại Giang Tây trong tuần vừa qua đã nói lên phần nào lý do thái độ gây hấn của Trung Quốc vừa qua.
Thứ năm, tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu về biển của Trung Quốc được sự tài trợ của chính phủ đã liên tiếp cho ra nhiều sách và xuất bản phẩm đưa thông tin sai lệch về chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và lần này họ cũng đang tạo một tiền đề cho các học giả Trung Quốc "bảo vệ" hành động của các tàu hải giám, để dành cho những ngụy biện về sau.
Thứ sáu, Trung Quốc dùng sự kiện này để răn đe các nước khác có tranh chấp với Trung Quốc như Nhật, nước hiện có kế hoạch triển khai quân ra đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư).
Trước những động thái vừa được phân tích trên, những nhà làm chính sách và nhân dân Việt Nam chúng ta cần làm gì?
Đầu tiên chúng ta cần có những phản ứng về ngoại giao ở cấp cao nhất tầm quốc tế (Liên Hợp Quốc) và quyết liệt như gửi kháng thư, yêu cầu bồi thường và thông tin kịp thời đến cho các giới kinh doanh, các hộ ngư dân làm thủy sản, các giàn khoan ngoài khơi để tránh bị động nếu giới quân sự của Trung Quốc lại leo thang xâm lấn. Việc minh bạch các thông tin này cũng là để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước thái độ hung hăng này.
Cần nhanh chóng xúc tiến xây dựng và ban hành Luật biển Việt Nam để có cơ sở bảo vệ ngư dân, lãnh hải trong khuôn khổ luật quốc tế và các cam kết đối với khu vực.
Lực lượng Hải quân bảo vệ đảo Trường Sa Đông. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Chúng ta cần luôn luôn tận dụng chữ ký của Trung Quốc tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và tại Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC 2002) cũng như có những biện pháp để ASEAN có ý kiến, vì đây là một vi phạm nghiêm trọng đến thể diện, lợi ích và những cam kết hòa bình mà ASEAN đã theo đuổi.
Chúng ta cũng cần có cách thức tác động đến nhân dân Trung Quốc là những giới bị thiếu thông tin trong vấn đề biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa. Họ đang ngày càng xa rời sự thật khách quan khi nhận nhiều thông tin có tính dân tộc cực đoan và bóp méo hiện trạng cũng như lịch sử từ giới quân sự.
Nhân dân Việt Nam cũng cần lên tiếng từ các hội đoàn, người Việt ở cả trong và ngoài nước. Đây cũng là lúc mà sự đoàn kết trong và ngoài nước sẽ có giá trị lớn để vượt qua khủng hoảng. Người Việt sẽ tiếp tục sử dụng những cách thức ôn hòa và văn minh để vượt qua thách thức này của đất nước.
Sau cùng, ngoài việc bảo vệ đất nước bằng ngoại giao, chúng ta có lẽ cũng cần tính đến việc buộc phải sử dụng cách thức bất khả kháng, khi có những tình huống xấu hơn nữa, mà không rơi vào tình thế bị động. Hành động xâm lấn không phải chỉ có thể xảy ra ở bờ biển nước nhà, khi người láng giềng lại tiếp tục leo thang với những hành động không thể biện minh được như vừa qua.
Tóm lại, sự việc 26/5 nghiêm trọng ở chỗ sự xâm lấn ngày càng sâu dần vào lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam, thách thức và thăm dò lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp tổng thể trên nhiều phương diện để tìm giải pháp cho Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Các giải pháp hiện nay cần tiến hành đồng bộ, đồng loạt và đi sâu vào nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam.
(Theo Pháp luật TP HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét