Đây có thể là đặc điểm mô tả chính xác nhất về thái độ mới của Trung Quốc trong an ninh khu vực. Nó sẽ là thực tế mới mà những người chơi trong khu vực có thể phải tiếp cận.
Bài phân tích của tác giả Lí Minh Giang - trợ lý giáo sư tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam - Đại học Công nghệ Nam Dương, Singapore.
Ảnh minh họa: allvoices |
Tuy nhiên, trong ít tháng qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để thuyết phục khu vực và quốc tế, trấn an nước láng giềng bằng những mục tiêu hòa bình của họ. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Diễn đàn châu Á ở Bác Ngao thuộc Hải Nam khẳng định rằng, Trung Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng thông qua các biện pháp hòa bình và mong muốn xây dựng một "châu Á hòa hợp". Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng không ngừng cố gắng làm nổi bật mong muốn của Trung Quốc trong việc sẵn sàng tham gia và hợp tác với láng giềng qua các chuyến công du gần đây tới Malaysia và Indonesia.
Vậy nên đánh giá thế nào về chính sách an ninh Trung Quốc giữa những sự kiện và tín hiệu này? Những gì đã thay đổi và những gì vẫn còn lại trong quan điểm an ninh của Trung Quốc?
Không đối đầu
Những câu hỏi đặt ra ở trên là rất quan trọng với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng Đông Á. Trong khi thừa nhận rằng, Trung Quốc trở nên quả quyết hơn và sẽ vẫn như vậy trong tương lai trước mắt, chúng ta cũng phải nhấn mạnh rằng, Trung Quốc dường như không theo đuổi chiến lược đối đầu với những người chơi khác ở Đông Á. Quyết đoán nhưng không đối đầu sẽ là nền tảng cho chính sách an ninh của Trung Quốc những năm tới; đây là thực tế mà phần còn lại của thế giới nên chuẩn bị trong những mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
Vậy quyết đoán nhưng không đối đầu của Trung Quốc về cơ bản có ý nghĩa gì? Nghĩa là ở cấp độ chiến lược, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi bất kể sự đối đầu nào với những người chơi khác trong khu vực. Chiến lược không đối đầu của Trung Quốc đã được hình thành bởi một số yếu tố. Chừng nào các yếu tố ấy còn tồn tại, thì cách tiếp cận không đối đầu sẽ còn tiếp tục.
Trước hết, ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh là tiếp tục tăng trưởng kinh tế trong nước. "Tầng lớp tinh hoa" của Trung Quốc tin tưởng rằng, họ vẫn cần một môi trường ổn định và hòa bình bên ngoài để hiện đại hóa kinh tế trong nước. Hiện tại, có rất ít bằng chứng cho thấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc hay sẵn sàng hy sinh tính cấp bách cho phát triển kinh tế bằng sự đối đầu với những cường quốc khác.
Thứ hai, những người đưa ra quyết định tại Trung Quốc hiểu rõ ràng rằng, quan điểm chiến lược tổng thể của Trung Quốc ở Đông Á không cung cấp một động lực nào khiến họ đối đầu với bất cứ người chơi lớn nào trong khu vực. Sau hai thập niên bền bỉ củng cố chỗ đứng của mình trong khu vực, Trung Quốc vẫn trong vị thế bị cô lập tại Đông Á. Bắc Kinh không vui vẻ gì với thực tế này nhưng các nhà lãnh đạo của họ hiểu rằng, Trung Quốc sẽ phải sống với thực tế ấy một thời gian dài nữa. Những sai lầm của Trung Quốc sẽ chỉ dẫn tới hậu quả là sự củng cố vai trò an ninh hơn nữa của Mỹ ở Đông Á và làm trầm trọng thêm những gì Trung Quốc coi là không thuận lợi về mặt chiến lược.
Chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy
Nhưng cùng lúc đó, Trung Quốc đang trở nên quả quyết hơn trong các vấn đề an ninh khu vực. Thứ nhất, sức mạnh của Trung Quốc đã phát triển tới mức họ có đủ khả năng để quyết đoán hơn. Các nỗ lực hiện đại hóa quân sự của họ đã đem lại những kết quả ấn tượng. Kinh tế Trung Quốc chiếm vị trí lớn thứ hai thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng cho nhiều quốc gia khu vực. Khả năng thực thi luật pháp hàng hải của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và sẽ gia tăng hơn trong thời gian tới. Sự trỗi dậy trong những khả năng ấy dường như đã tạo ra "hấp lực" cho việc sử dụng chiến thuật gây áp lực và quả quyết hơn trong ngoại giao.
Thứ hai, một phần bởi khả năng sức mạnh gia tăng, sự tự tin của Trung Quốc cũng trở nên lớn hơn, đặc biệt trong làn sóng khủng hoảng tài chính. Đó không chỉ là sự tự tin, mà là sự gia tăng trong nhận thức về chủ nghĩa dân tộc của những người dân Trung Quốc vài năm gần đây.
Thứ ba, chính trị trong nước ở Trung Quốc không góp phần "kiềm chế" xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc. Bất mãn xã hội do tham nhũng, giá nhà đất tăng cao, bất công bằng xã hội, lạm dụng quyền lực của chính quyền địa phương… là những mối lo lắng lớn với tầng lớp cầm quyền. Những nhà lãnh đạo hàng đầu có thể lo lắng rằng, bất cứ sự thỏa hiệp hay phản ứng yếu ớt nào về vấn đề an ninh khu vực có thể bị thành phần bất mãn sử dụng như một cớ để khơi mào cho những bất ổn về các vấn đề trong nước.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ khả năng này bởi sức mạnh của các phương tiện truyền thông xã hội. Sự chuyển giao quyền lực chính trị sắp tới lại càng làm phức tạp hơn chính sách an ninh của Trung Quốc. Không một nhà lãnh đạo nào của Trung Quốc muốn hiện diện yếu ớt về những vấn đề liên quan tới "các lợi ích cốt lõi".
Tác động từ chính trị trong nước
Trong khi thế giới bên ngoài tin rằng, Trung Quốc đã phạm những sai lầm tại Đông Á trong năm 2010, thì bản thân người Trung Quốc lại có thể chú tâm vào một kết luận hoàn toàn khác biệt. Họ có thể quả quyết rằng, quan hệ an ninh căng thẳng của Trung Quốc với các nước láng giềng là do những nước này muốn tiến gần hơn với Mỹ.
Môi trường chính trị mới cũng làm thay đổi đáng kể động lực hoạt động chính trị ở Trung Quốc. Các lực lượng và cơ quan thiên về quan điểm chính sách cứng rắn trở nên có "vai vế" hơn trong việc ra quyết định. Ví dụ, những cơ quan thực thi pháp luật hàng hải đã tận dụng lợi thế của không khí chính trị trong nước cho các lợi ích riêng của họ; điều này giải thích vì sao Trung Quốc trở nên ngày càng quyết đoán hơn trong lĩnh vực hàng hải những năm gần đây.
Sự kết hợp giữa không đối đầu và tính quyết đoán có thể sẽ chiếm ưu thế trong hành xử an ninh của Trung Quốc tại Đông Á những năm tới. Khu vực Đông Á có thể nhận biết những tín hiệu trái ngược nhau trong chính sách an ninh Trung Quốc: đó là biểu hiện của cả thiện chí lẫn độc đoán trong các vấn đề tranh chấp cụ thể. Đó sẽ là sự quả quyết thường xuyên được thể hiện của Trung Quốc nhưng cùng lúc ấy, Bắc Kinh sẽ kiềm chế để không leo thang căng thẳng hay xung đột trong bất cứ cuộc đối đầu lớn nào.
-
Thụy Phương (Theo eurasiareview)
Mời bạn đọc thêm:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét